11:36 ICT Chủ nhật, 24/09/2023 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 14087
    • Tháng hiện tại: 524216
    • Tổng lượt truy cập: 19303219

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Quyền riêng tư theo pháp luật Việt Nam

    Thứ năm - 24/08/2023 15:00

    Ở các nước phát triển, quyền riêng tư được công nhận từ rất sớm, là một trong những quyền cơ bản nhất của con người[1], quyền riêng tư của công dân ngày càng được thừa nhận rộng rãi trong hệ thống pháp luật của nhiều nước. Với tư cách là một quốc gia thành viên của các công ước quốc tế và là một nước đang chú trọng xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền, Việt Nam đã và đang dành nhiều công sức trong việc nội luật hóa các quy định của các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền riêng tư, điều này đã được thể hiện trong rất nhiều văn bản pháp lý quan trọng của quốc gia.
    Ở phạm vi quốc tế, quyền riêng tư đã được đề cập và quy định trong rất nhiều văn kiện như Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1949 (UDHR), Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước về quyền trẻ em năm 1989...
    1. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền riêng tư
    Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của cá nhân, mặc dù vậy nhưng hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản pháp luật riêng quy định về nội dung này, mà thay vào đó được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành. Cụ thể:
    Với vai trò là một đạo luật cơ bản có giá trị pháp lí cao nhất, là nền tảng để thực hiện việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật khác trong nhà nước pháp quyền, Hiến pháp năm 2013 đã quy định các vấn đề cốt lõi của quyền riêng tư. Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định:“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
    2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
    Khoản 2 Điều 22 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Như vậy, có thể thấy nội hàm quyền riêng tư theo Hiến pháp bao gồm các khía cạnh về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình, danh dự, uy tín và sự bất khả xâm phạm về nơi ở. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các cá nhân đều được pháp luật bảo đảm an toàn. Đặc biệt, quyền riêng tư về thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác được Hiến pháp đặc biệt quan tâm khi khẳng định không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Do vậy, có thể thấy trong Hiến pháp Việt Nam, phạm vi của quyền riêng tư khá rộng, phản ánh rất nhiều khía cạnh hoặc giá trị khác nhau của sự riêng tư. Với tính chất của một đạo luật cơ bản, Hiến pháp năm 2013 không xây dựng một khái niệm cụ thể, chi tiết về quyền riêng tư mà chỉ dừng lại ở mức độ “nguyên tắc”, làm cơ sở buộc mọi cá nhân, tổ chức phải tôn trọng và bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình, danh dự, uy tín và bất khả xâm phạm về nơi ở của mọi công dân.
    Bộ luận Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định tại Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Có thể thấy nội hàm quyền riêng tư theo quy định tại Điều 38 của BLDS năm 2015 sẽ gồm 3 nhóm thông tin chính là thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
    Bên cạnh đó, trên cơ sở ghi nhận tinh thần các quy định của Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 đã làm rõ hơn các quy định về quyền riêng tư thông qua một số nội dung như Điều 32 về quyền hình ảnh của cá nhân. Thực tế cho thấy, quyền riêng tư có liên quan nhiều đến việc sử dụng hình ảnh của mỗi cá nhân, vì vậy việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hơn nữa, nếu có sự việc vi phạm quyền hình ảnh của cá nhân thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xửlý khác theo quy định của pháp luật. Ngoài Điều 32 BLDS còn rất nhiều quy định liên quan đến quyền riêng tư như “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”(Điều 34), cho phép các cá nhân yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. BLDS cũng trao cho các cá nhân những quyền thiêng liêng để mỗi người được định đoạt và làm chủ cuộc đời mình (kể cả sau khi mất đi) mà không chịu sự phán xét hay cản trở như “Quyền xác định lại giới tính” (Điều 36), “Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thểngười và hiến, lấy xác”(Điều 35), “Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể”(Điều 33) ..., tất cả đều phản ánh được một phần nội hàm của quyền riêng tư rộng lớn.
    Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng có các quy định tại Điều 158, Điều 159 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác và tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
    Ngoài các văn bản pháp lý trên, các khía cạnh khác của quyền riêng tư cá nhân còn được quy định ở các văn bản điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác trong đời sống như Luật Trẻ em năm 2016, Luật báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật giao dịch điện tử năm 2015,... mà trong khuôn khổ giới hạn không thể phân tích được toàn bộ.
    Như đã phân tích ở trên có thể thấy rằng, pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người và không ai được phép xâm phạm, nếu xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm quyền riêng tư mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Ngoài ra, người xâm phạm quyền riêng tư của người khác còn có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm.
    2. Thực trạng và giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về quyền riêng tư trong pháp luật Việt Nam
    2.1. Thực trạng quyền riêng tư theo pháp luật Việt Nam
    Mặc dù đã có những bước phát triển về quy định quyền riêng tư, nhưng BLDS cũng như Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác cũng đều chưa đưa ra bất kỳ khái niệm cụ thể nào về “bí mật đời tư” hay “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”... Các văn bản pháp luật hiện hành chỉ điều chỉnh các phạm trù riêng tư liên quan đến những lĩnh vực riêng như tư pháp, báo chí, an ninh mạng... và hoàn toàn chưa xây dựng một khái niệm chung, bao quát cho “quyền riêng tư”.
    Quyền riêng tư là một quyền con người đặc biệt quan trọng nhưng không phải là quyền tuyệt đối. Quyền riêng tư cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp tùy tiện hoặc trái pháp luật của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhà nước có thể thu thập hoặc yêu cầu công dân cung cấp các thông tin về đời tư nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia, cộng đồng và của người khác. Quyền riêng tư cũng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định như liên quan đến việc bảo vệ thuần phong mỹ tục và các điều cấm của pháp luật. Việc giới hạn quyền riêng tư có thể hiểu là trong điều kiện bình thường thì mọi cá nhân đều có quyền riêng tư nhưng trong một số trường hợp vì lợi ích xã hội, cộng đồng và quốc gia thì quyền riêng tư bị hạn chế. Tuy nhiên việc quy định các trường hạn chế quyền riêng tư đó thì pháp luật hiện hành còn quy định chung chung, chưa rõ ràng.
    Các quy định về xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến nội dung thông tin trên internet mới chỉ dừng ở việc xử lý các hành vi vi phạm với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý, như người sử dụng, người kinh doanh mà không có quy định về xử lý vi phạm với chủ thể có thẩm quyền, nếu như trong quá trình quản lý đã thực hiện không đúng hoặc không hiệu quả thẩm quyền quản lý của mình. Việc thiếu khuyết các quy định xác định trách nhiệm công vụ của chủ thể có thẩm quyền đã làm cho các quy định khác liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư kém hiệu quả.
    Nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lộ, lọt, chiếm đoạt thông tin cá nhân, buôn bán dữ liệu cá nhân. Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân hiện nay diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Việc xác định các hành vi nào là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc không xâm phạm còn chưa có những hướng dẫn, tiêu chí cụ thể mà chủ yếu nằm rải rác tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì vậy nhìn chung chế tài xử phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền riêng tư còn khá lỏng lẽo, chưa đủ sức răn đe.
    2.2. Giải pháp hoàn thiện quy định về quyền riêng tư trong pháp luật Việt Nam
    Hiện nay, quyền riêng tư tại Việt Nam được hiểu chưa đúng và chưa đầy đủ. Vì vậy, việc tự bảo vệ các thông tin của bản thân liên quan đến quyền riêng tư cá nhân hay kỹ năng xử lý khi gặp phải những tình huống có liên quan đến việc bảo vệ bí mật, chia sẻ thông tin cá nhân chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, dựa vào một số lý thuyết lớn về quyền riêng tư trên thế giới, pháp luật Việt Nam cần có sự tham khảo để quy định cũng như vận hành nó có hiệu quả hơn, cụ thể:
    Thứ nhất, cần xây dựng khái niệm về quyền riêng tư
    Như đã đề cập ở trên, dù đã được điều chỉnh trong rất nhiều các văn bản pháp lý trong nhiều lĩnh vực của đời sống, song đến hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ khái niệm cụ thể quy định thế nào là quyền riêng tư. Quyền riêng tư trao cho mỗi cá nhân một không gian để là chính mình mà không bị người khác phán xét một cách vô cớ, cho phép mỗi người suy nghĩ một cách tự do mà không bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử, cũng như khả năng kiểm soát ai được phép biết gì về bản thân mình[2].
    Quyền riêng tư có nội hàm khá rộng lớn, do vậy việc đưa ra một định nghĩa trọn vẹn về quyền riêng tư không dễ dàng, bởi “ở một nghĩa nào đó, tất cả quyền con người đều có khía cạnh của quyền riêng tư”[3]. Qua rà soát cho thấy mặc dù nước ta đã có những quy định về công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên nhiều quy định còn quá chung chung.
    Tổ chức Quốc tế và Trung tâm bảo mật thông tin điện tử năm 2004 đã đưa ra báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền”[4]. Nội dung của báo cáo đã công bố sự phát triển của pháp luật từ năm 1997 về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia. Từ báo cáo này, có thể thấy quyền riêng tư bao gồm một số nội dung cơ bản sau:
    - Sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
    - Sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
    - Sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư tín, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
    - Sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân[5].
    Do đó, pháp luật nước ta cần đưa ra một khái niệm về quyền riêng tư cụ thể bao gồm các nôi dung cơ bản trên để làm rõ nội hàm của quyền riêng tư và để tránh sự nhầm lẫn với các khái niệm khác có tính chất tương đồng.
    Thứ haicần quy định rõ các trường hợp được tiếp cận và công bố thông tin về quyền riêng tư (hay nói cách khác là các trường hợp ngoại lệ về bảo vệ quyền riêng tư)
    Tại Việt Nam, tuy quyền riêng tư đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và một số văn bản luật nhưng chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng về các trường hợp ngoại lệ về bảo vệ quyền riêng tư. Do đó, thông qua việc quy định cụ thể hóa các trường hợp ngoại lệ khi thực hiện quyền, quyền riêng tư sẽ hoàn thành đúng vai trò của nó, vừa đảm bảo yêu cầu về sự cân bằng giữa các quyền cơ bản được tôn trọng đối với cuộc sống riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời các quyền cơ bản về tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận vẫn được đảm bảo.
    Thứ ba, về các chủ thể trong quan hệ pháp luật về quyền riêng tư
    Pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư cần xác định rõ các chủ thể hưởng quyền, các chủ thể vi phạm quyền và các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền. Vì quyền riêng tư là một trong những quyền con người cơ bản nên chủ thể hưởng quyền phải là tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị… kể cả những chủ thể bị mất năng lực pháp luật và bị hạn chế năng lực hành vi. Chủ thể vi phạm quyền riêng tư cũng được hiểu là tất cả mọi người, có thể là các chủ thể công quyền (cơ quan nhà nước) hoặc là các chủ thể tư (cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân), nhưng khác với chủ thể hưởng quyền, chủ thể vi phạm quyền chỉ chịu trách nhiệm pháp lý khi có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật. Đối với các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư do sự đa dạng của các chủ thể hưởng quyền và chủ thể vi phạm quyền, đồng thời quyền riêng tư là một trong những quyền con người cơ bản, dễ bị xâm phạm và có ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của chủ thể, ảnh hưởng lâu dài về mặt tinh thần và vật chất nên chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư cũng rất đa dạng như cơ quan nhà nước, tòa án, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể có trách nhiệm và thẩm quyền bảo vệ quyền riêng tư, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời hạn chế hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các chủ thể này.
    Thứ tư, cần sớm xây dựng cơ quan chuyên trách bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân với thẩm quyền xem xét khiếu nại, thực hiện quyền thanh tra, giám sát, cũng như thực hiện các nghiên cứu nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, thúc đẩy quyền riêng tư, trong đó quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ trực tiếp thu thập, quản lý, sử dụng dữ liệu về bí mật riêng tư thu được từ các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời, có các biện pháp xử lý, thậm chí là xử lý hình sự, đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe việc lạm dụng các dữ liệu này vào mục đích cá nhân hoặc không chính đáng.
    Thứ năm, cần rà soát lại các chế tài xử lý đối với những hành vi xâm phạm quyền riêng tư của con người trong các văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh và xử lý các hành vi mới hoặc có thể xảy ra trong đời sống xã hội để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
    Hiện nay, cùng với sự phát triển bùng nổ của truyền thông, thông tin của cá nhân ngày càng có vai trò quan trọng, thậm chí trở thành một xu hướng kinh doanh mới. Trên thực tế, hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác đang ngày có xu hướngg gia tăng cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thực sự khó khăn trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, viber, tiktok... được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái “click” chuột máy tính. Do đó, việc quy định cụ thể về bảo vệ quyền riêng tư và mức xử phạt phù hợp nhằm răn đe đối với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi chủ thể phải có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, ngăn cản các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, gia đình và toàn xã hội./.
     

    [1] Quyền riêng tư và quyền con người theo khảo sát quốc tế về luật và thông lệ quyền riêng tư. Trực tuyến: http://gilc.org/privacy/survey/intro.html
    [2] Vũ Công Giao, Lê ThịThúy Hương, Quyền về sựriêng tư trong pháp luật quốc tế và Việt Nam, Quyền về sự riêng tư, NXB Chính trị quốc gia sự thật, tr.14.
    [3] Volio, Fernando, "Nhân cách pháp lý, quyền riêng tư và gia đình" trong Henkin (ed), Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (Nhà xuất bản Đại học Columbia 1981).
    [4] Quyền riêng tư và quyền con người theo khảo sát quốc tế về luật và thông lệ quyền riêng tư.
    [5] https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/bao-ve-quyen-rieng-tu-trong-boi-canh-khan-cap-nhin-tu-dai-dich-covid-19-p24944.html

    Tác giả bài viết: ThS. Võ Thị Thu Hằng
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình