Bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng, ban hành VBQPPL

Bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng, ban hành VBQPPL
Đây là một trong số các đề xuất của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại phiên họp Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), diễn ra ngày 21/11 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng ban soạn thảo. Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu.
Báo cáo những công việc đã triển khai trong nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết đang dự kiến sửa một số nội dung như tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình; giảm các loại văn bản xây dựng theo quy trình chính sách; quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL.

Đặc biệt, về việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, dự thảo Luật bổ sung 1 khoản vào Điều 5 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 liên quan đến nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL và sửa đổi 3 điều. Cụ thể là “bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL”. Đồng thời, sửa 3 điều gồm sửa khoản 1 Điều 47 theo hướng bổ sung một trong những nội dung của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cần thẩm tra là “sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”; sửa điểm b khoản 3 Điều 92, điểm c khoản 3 Điều 121 theo hướng bổ sung một trong các nội dung dự thảo nghị định cần phải thẩm định là “sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”.

11

Nhiều thành viên bày tỏ sự tán thành với việc bổ sung nguyên tắc về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm, chỉ nên “dừng ở nguyên tắc” tại Điều 5, còn nội dung cụ thể, từng bước đi trong quá trình soạn thảo thì không cần để không phải sửa đổi quá nhiều điều khoản, mà có khi không bao quát được hết.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lại đồng ý với việc phải có một số nội dung cụ thể bởi nếu chỉ quy định nguyên tắc chung thì chưa đầy đủ, chưa đề cập được những việc có liên quan.

11 

Một vấn đề được nhiều thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập quan tâm chính là quy định các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 146 Luật năm 2015. Theo đó, tại khoản 2 và khoản 3 quy định các trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định và trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành.

Đồng thời, tại Điều 153 của Luật năm 2015 quy định các trường hợp ngưng hiệu lực, theo đó, tại điểm b khoản 1 quy định “cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL quyết định ngưng hiệu lực của văn bản đó trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh”.

11

Tuy nhiên, Điều 147 của Luật năm 2015 lại không quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quyết định xây dựng, ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc này dẫn đến những bất cập nhất định trong thực tiễn, làm giảm tính kịp thời trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần ngưng hiệu lực của một văn bản cụ thể để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh. Do đó, cần quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Với lý do nêu trên, dự thảo Luật dự kiến sửa 3 Điều (Điều 146, Điều 147 và Điều 148) theo hướng bổ sung quy định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp để bãi bỏ, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định. Ngoài ra, bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các trường hợp nêu trên.
Dẫn chứng trường hợp Nghị định 116/2017 về ô tô nhập khẩu, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn cho hay, Nghị định này được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

11

Ngay khi được Chính phủ ban hành hồi giữa tháng 10/2017, nhiều doanh nghiệp trong nước và cả hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã phải lên tiếng phản ánh vướng mắc, khó khăn. Trên cơ sở đó, ông Tuấn đề nghị vẫn cần “siết chặt” việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn để tránh tình trạng có thể bị lạm dụng.
Kết luận phiên họp, bàn về việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, Bộ trưởng Lê Thành Long nhắc lại sự nhất trí với việc không quy định quá trực diện và chi tiết vào dự thảo Luật mà chỉ nghiên cứu, bổ sung vào nguyên tắc và một số điều khoản cụ thể. Đáng chú ý, Bộ trưởng đã chỉ ra thực tiễn vừa qua phát sinh một vấn đề liên quan đến thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật, cần được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Tác giả bài viết: Thục Quyên

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)