Nên có thứ tự ưu tiên khi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nên có thứ tự ưu tiên khi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đây là một trong những nguyên tắc dự kiến đưa ra trong Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được báo cáo tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định vừa diễn ra. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban soạn thảo, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về Dự thảo Nghị định sẽ thay thế cho Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về HTPL cho doanh nghiệp.
Ưu tiên DNNVV do nữ làm chủ
Nghị định 66 là văn bản pháp lý đầu tiên và cao nhất của Nhà nước ta trong công tác HTPL cho doanh nghiệp. Qua gần 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành công, góp phần HTPL cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và từng bước hội nhập kinh tế, quốc tế; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 66 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế HTPL cho doanh nghiệp, về kinh phí, về nhân sự… Vì vậy, kế thừa những nội dung hợp lý của Nghị định 66 và nhất là triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Nghị định về HTPL cho DNNVV.
Báo cáo định hướng xây dựng Dự thảo Nghị định, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú dự kiến một số nguyên tắc có thể quy định trong Dự thảo. Theo đó, việc HTPL cho DNNVV phải có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, không chồng chéo, trùng lặp hay mang tính hình thức. Nhà nước ưu tiên việc thực hiện HTPL cho DNNVV gián tiếp thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ HTPL cho DNNVV… Đặc biệt, căn cứ nguồn lực hỗ trợ, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV quyết định số lượng doanh nghiệp được nhận HTPL đảm bảo nguyên tắc DNNVV do nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nộp hồ sơ đáp ứng đủ kiện thì được hỗ trợ trước; DNNVV nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước thì được hỗ trợ trước.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình phải quan tâm quy định cụ thể về nguyên tắc vì vấn đề liên quan đến triển khai quy định trong thực tế về kinh phí, nhân lực. Cũng tán thành một số nguyên tắc dự kiến, nhất là phải có ưu tiên thứ tự, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Dương Đăng Huệ kiến nghị một nguyên tắc cần có là sự phối hợp của các bộ, ngành. Tuy nhiên, theo ông Huệ, cần hiểu rõ ở đây là Nhà nước chỉ hỗ trợ chứ không phải làm thay doanh nghiệp (khác với trợ giúp) thì nên chăng có tính đến thu tiền theo ba-rem.
DNNVV phải chủ động xây dựng thói quen tìm hiểu pháp luật
Một vấn đề khác nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định. Theo ông Tú, dự kiến Nghị định này chỉ quy định hoạt động HTPL cho DNNVV. Cạnh đó, một số quan điểm đề nghị cần có quy định về HTPL cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh cũng như quy định linh hoạt về các doanh nghiệp không phải là DNNVV có thể được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức HTPL nếu có nguồn lực.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị nên quy định thêm đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ là liên hiệp hợp tác xã, các hợp tác xã vì nhiều hợp tác xã có quy mô còn nhỏ hơn cả doanh nghiệp nhỏ. Đây là các đối tượng rất cần được HTPL và Đảng ta cũng có chủ trương hỗ trợ kinh tế hợp tác. Ông Huệ thì quả quyết phải HTPL cho các hộ kinh doanh chuyển đổi.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Việt Anh (Bộ Tài chính) băn khoăn Dự thảo Nghị định sẽ xóa đi 2 đối tượng so với Nghị định 66, liệu có công bằng, bình đẳng với doanh nghiệp nói chung. Thậm chí, đại diện Bộ Công Thương còn đề nghị mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia tranh tụng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong khi đó, đến từ cơ quan chủ trì trình Luật HTDNNVV, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan niệm, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định có thể rộng hơn, có thể chỉ tập trung vào DNNVV là tùy theo đánh giá tổng kết Nghị định 66 của Bộ Tư pháp. Vị đại diện này lưu ý để Bộ Tư pháp cân nhắc liên quan đến HTPL hộ kinh doanh chuyển đổi bởi Nghị định 39/2018/NĐ-CP đã quy định về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, tinh thần chung là Dự thảo Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 66, bởi Nghị định 66 chỉ để triển khai trong thời kỳ “quá độ” của doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp đã lớn mạnh hơn rất nhiều nên cần tập trung HTPL có trọng tâm, trọng điểm. Thứ trưởng cũng nhất trí nghiên cứu đối tượng HTPL là các hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp sao cho việc mở rộng phải hợp lý, không dàn trải nguồn lực của Nhà nước. Bàn về nguyên tắc HTPL, Thứ trưởng yêu cầu kế thừa các nguyên tắc của Nghị định 66, trong đó có những nguyên tắc đặc thù như ưu tiên hỗ trợ gián tiếp, phát huy vai trò của các hội, hiệp hội, đồng thời huy động nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác HTPL cũng cần nâng thành nguyên tắc. Đáng chú ý, theo Thứ trưởng, DNNVV phải chủ động tiếp cận pháp lý, phải tạo cho mình thói quen tìm hiểu pháp luật.

Tác giả bài viết: H.Thư

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)