Ngành Tư pháp quyết tâm nghiên cứu xã hội hóa một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công

Ngành Tư pháp quyết tâm nghiên cứu xã hội hóa một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công
Chiều 5/6, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công và đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Không “đẩy” hết việc cho xã hội
Mở đầu phiên họp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương đã công bố Quyết định số 941/QĐ-BTP thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Theo Quyết định 941, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo nghiên cứu việc chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan thuộc Bộ, ngành Tư pháp không nhất thiết phải thực hiện, đổi mới phương thức, cách thức giải quyết thủ tục hành chính hiện do Bộ, ngành Tư pháp cung cấp trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả, thuận tiện, phục vụ theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; chỉ đạo xây dựng Đề án để trình các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
1
Tổ Công tác giúp việc có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công; tổng hợp, xây dựng các báo cáo, tài liệu và các hoạt động khác của Ban Chỉ đạo như chuẩn bị nội dung các phiên họp, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trưởng Ban Chỉ đạo; là đầu mối giúp thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 941 tại đơn vị mình; tham gia xây dựng dự thảo Đề án và dự thảo Báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 941; giúp Ban Chỉ đạo tổ chức các tọa đàm, hội thảo theo kế hoạch được phê duyệt và thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Chúc mừng các đồng chí tham gia Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, việc nghiên cứu, xây dựng Đề án là nhiệm vụ quan trọng vì liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác của các đơn vị thuộc Bộ. Thành viên Ban Chỉ đạo đều là Trưởng các đơn vị, theo Thứ trưởng thì hiếm Đề án nào có thành phần quan trọng như Đề án này nên các thành viên Ban Chỉ đạo cần ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Thứ trưởng quán triệt, khi xây dựng Đề án không phải “đẩy” hết việc cho xã hội, những việc mà Bộ, ngành đang làm hay tiếp tục làm thì phải có cách làm cho hiệu quả hơn, tốt hơn bằng việc đổi mới phương pháp, cách thức thực hiện.
Nếu xã hội làm không tốt, Nhà nước phải lấy lại
Đại diện Tổ Công tác giúp việc đã báo cáo một số nhiệm vụ cơ bản cần triển khai theo kế hoạch để xây dựng Đề án. Cụ thể, xây dựng báo cáo đánh giá thực tiễn thực hiện một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công hiện do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp đang thực hiện; tổ chức khảo sát lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc thực hiện một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực Tư pháp; xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức các hội thảo và lấy ý kiến Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo gửi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. 
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho rằng phải có khái niệm dịch vụ hành chính công thì mới “nảy” ra các đơn vị sẽ tiến hành chuyển giao. Theo bà Yến, một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã xã hội hóa rất mạnh mẽ như luật sư, công chứng thì liệu có đặt vấn đề tiếp tục chuyển giao nữa không. Bà Yến cũng mạnh dạn đề xuất nghiên cứu một số lĩnh vực có thể chuyển giao như xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học cũng được xã hội từ lâu quan tâm.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh nêu quan điểm, việc nghiên cứu, xây dựng Đề án cần đảm bảo đúng tinh thần Quyết định 53 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, nghiên cứu làm rõ những nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công nào có thể chuyển giao cho xã hội để “giải phóng” biên chế, còn lĩnh vực nào giữ lại thì phải đổi mới. Theo ông Khanh, đừng nghĩ chuyển giao đi là xong, bởi vậy cần đánh giá các tổ chức xã hội có đủ sức làm không, nếu làm không tốt thì Nhà nước phải lấy lại. Chẳng hạn như công chứng, chúng ta đã xã hội hóa quá “vội”, nhiều nơi xóa trắng phòng công chứng trong khi vấn đề đất đai đòi hỏi Nhà nước phải thực sự quan tâm.
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh đồng tình, phải xác định mục tiêu thì mới tập trung các công việc cần nghiên cứu, khảo sát, từ đó phân công nhiệm vụ cho rõ ràng. Bà Minh gợi ý tham khảo Đề án của Bộ Công an mà nổi bật là việc đổi mới sẽ không có cấp trung gian. Riêng công tác trợ giúp pháp lý, Cục đã nghiên cứu rất nhiều, có đề án đổi mới giai đoạn 2015-2025 nhưng bà Minh trăn trở khi trên thực tế, hoạt động này mà Nhà nước không trả tiền thì các tổ chức xã hội không làm hoặc làm rất ít.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp phải quyết tâm làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đề án, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ trên tinh thần tiếp cận đúng Quyết định 53, phù hợp với năng lực của Bộ, nhu cầu xã hội. Với “đầu ra” là phải có Đề án hoàn chỉnh, Thứ trưởng đề nghị nhận diện đầy đủ, chính xác các nhiệm vụ, dịch vụ công mà doanh nghiệp, tổ chức có thể thực hiện để xác định cho được cái nào chuyển giao được; đề xuất cái nào chuyển giao, điều kiện chuyển giao, lộ trình chuyển giao; đề xuất cách thức đổi mới thực hiện thủ tục hành chính; trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức trong thực hiện Đề án…

Tác giả bài viết: H.Thư

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)