Thẩm định dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác

Thẩm định dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác
Sáng nay – 27/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác (ĐUCCK) gồm 6 Chương 22 Điều quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác có từ 0,5 độ cồn trở lên bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ; biện pháp quản lý việc cung cấp; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồ uống có cồn khác và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
1
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia và ĐUCCK ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm, thể hiện thông qua 3 tiêu chí: mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới, tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và ĐUCCK và tỷ lệ người uống rượu, bia và ĐUCCK ở mức nguy hại. Năm 2017, Việt Nam sản xuất hơn 4 tỷ lít bia, hơn 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 230-280 triệu lít rượu thủ công. Bà Trang cũng cho biết, mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia và ĐUCCK, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia và ĐUCCK cao nhất thế giới và tỷ lệ này ở cả hai giới đang ngày càng gia tăng. Ảnh hưởng bất lợi của rượu, bia và ĐUCCK ngày càng trầm trọng đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc ban hành Luật nhằm giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia và ĐUCCK; quản lý chặt chẽ việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia và ĐUCCK; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu, bia và ĐUCCK, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm trong đó có phòng chống tác hại của rượu, bia và ĐUCCK.
Thành viên của Hội đồng thẩm định và các đại biểu tham dự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, và dưới sự điều hành phiên họp của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh; Tên gọi; Sự phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng; Tính thống nhất đồng bộ; Tính khả thi hợp lý; Sự tuân thủ thủ tục hành chính…và các nội dung chi tiết khác tại dự thảo Luật.
1 1

Đối với vấn đề tên gọi của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng cần cân nhắc nghiên cứu tên gọi của dự thảo Luật này và đề xuất tên gọi như: Luật kiểm soát bia rượu và nước uống có cồn khácLuật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia để phù hợp với tên gọi của Chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức có hại của Tổ chức Y tế thế giới và Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn kèm theo Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc tập trung thảo luận các vấn đề nêu trên, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều nội dung khác như: vấn đề hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với bia và rượu dưới 15 độ; xem xét tính khả thi của các quy định về cung - cầu, vấn đề cung có thể hạn chế được, nhưng vấn đề cầu thì không có quy định về việc cấm nhu cầu uống rượu bia, mà chỉ tăng cường biện pháp tuyên truyền cho mọi người thấy được tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn; Các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác; Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công…
1
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu hầu hết các ý kiến góp ý trong phiên họp để  điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Luật hướng đến mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Bà cũng khẳng định các quy định của Luật nhằm giảm mức tiêu thụ, giảm mức tiếp cận rượu, bia, ĐUCCK; giảm bớt các điều kiện để cung ứng chứ không phải ngăn chặn nhà sản xuất.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng dự thảo Luật, việc chuẩn bị hồ sơ chi tiết, tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến bộ, ngành. Thứ trưởng cũng cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, trong đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tên gọi của dự thảo Luật, từ đó xác định rõ phạm vi điều chỉnh và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tránh việc trùng dẫm trách nhiệm. Thứ trưởng cũng đề nghị cần lưu ý sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, hợp lý; Chi phí tuân thủ, đánh giá tác động về thủ tục hành chính. Thứ trưởng cho rằng, cần phải tính toán về điều khoản chuyển tiếp, để khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành thì có những điều khoản có thể có hiệu lực sau và cần xây dựng lộ trình để tuyên truyền phổ biến…

Tác giả bài viết: An Như

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)