Tính tới xây dựng cơ chế phản biện trong đánh giá cán bộ

Tính tới xây dựng cơ chế phản biện trong đánh giá cán bộ
Song song với việc tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thì việc xây dựng cơ chế phản biện, khiếu nại được coi là giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo tính khách quan, tránh lạm quyền trong công tác đánh giá cán bộ. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo trao đổi một số nội dung của Đề án “Hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp” diễn ra sáng 12/6 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu.
Còn thiếu các tiêu chí đánh giá cụ thể
Phát biểu định hướng trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định: đánh giá cán bộ, công chức được coi là khâu tiền đề quan trọng, là việc làm rất khó, rất nhạy cảm vì ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ; đồng thời có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ…
Đánh giá cán bộ là cơ sở để giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác cán bộ. Nếu đánh giá đúng, bố trí đúng người, đúng việc sẽ giúp cán bộ phát huy được sở trường, phẩm chất, năng lực của mình. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng sai, làm mai một tài năng và động lực phấn đấu phát triển của cán bộ.
1 1

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản, đề án, quy định, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đánh giá cán bộ và đã đạt được một số kết quả cụ thể. Bộ Tư pháp đã thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về đánh giá công chức, viên chức đồng thời có sự quan tâm thỏa đáng tới công tác này. Nhờ đó, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động, giúp quy trình đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới mang tính toàn diện, khách quan, dân chủ, hiệu quả, chất lượng hơn.
Song, nhìn nhận thẳng thắn, công tác đánh giá cán bộ của Bộ vẫn chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ do còn thiếu các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có thể lượng hóa được. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu cần tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp để công tác cán bộ nói chung và công tác đánh giá cán bộ nói riêng được thực hiện xuyên suốt, đa chiều và tiến hành theo những tiêu chí cụ thể.
Trao quyền đi đôi với kiểm soát
Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề án, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái đã báo cáo tóm tắt về quá trình thực hiện Đề án và một số nội dung chính của Đề án “Hoàn thiện cơ chế đánh giá công chức, viên chức và người lao động Bộ Tư pháp”. Tiếp đó, Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến trao đổi của cộng tác viên về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình tham gia thực hiện Đề án và những ý kiến đóng góp của chuyên gia, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.
1
1

Góp ý tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng, tiêu chí đánh giá cán bộ phải gắn với đặc thù từng đơn vị. Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá chỉ là khung còn trách nhiệm chính thuộc về thủ trưởng các đơn vị, căn cứ vào khung tiêu chí để quy định cụ thể, sát thực tiễn công việc hơn. Ngoài ra, có thể lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với công chức lãnh đạo, đặc biệt là công chức lãnh đạo tiếp xúc với người dân và coi đó là một tiêu chí đánh giá.
Còn Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn và Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên đều nhận định rằng đánh giá cán bộ là công tác nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng lớn tới tâm lý làm việc của cán bộ. Do đó, cần lấy hiệu quả thực thi công vụ làm tiêu chí cơ bản để đánh giá cán bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong công tác đánh giá cán bộ, Quyền Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên cho biết nhiều nước chia công việc theo từng mảng để đánh giá và coi trọng tiêu chí đánh giá về tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh việc trao quyền cho Thủ trưởng, một số nước đã sớm xây dựng cơ chế phản biện để công tác đánh giá khách quan, tránh lạm quyền. Bày tỏ đồng tình, nhiều ý kiến khác đề xuất thêm, công tác đánh giá cán bộ cũng cần đảm bảo tính dân chủ và mệnh lệnh trong quản lý hành chính.
1
1

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề án cần kịp thời cập nhật đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Cùng với đó, cần tổng hợp đầy đủ và sâu sắc hơn kinh nghiệm quốc tế và các Bộ, ngành, địa phương từ đó đúc rút kinh nghiệm cho Bộ Tư pháp; đánh giá thực trạng để hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là quy định liên quan tới đánh giá cán bộ trong bối cảnh sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Thứ trưởng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc xây dựng khung tiêu chí để các đơn vị có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan, cụ thể; cơ sở xây dựng khung tiêu chí phải bám sát pháp luật hiện hành; cân nhắc đặc thù từng đơn vị để xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp. Việc cho điểm cần dựa trên hiệu quả thực thi nhiệm vụ công vụ, ngoài ra có điểm cộng, điểm trừ, xác định các ngưỡng điểm cụ thể để phân loại hợp lý. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền, tính tới xây dựng cơ chế phản biện trong công tác đánh giá cán bộ để công tác này được thực hiện khách quan.

Tác giả bài viết: K.Quy