Giá trị chứng cứ của vi bằng trong quá trình tố tụng dân sự tại Tòa án

       Trong tố tụng dân sự, để tìm ra sự thật khách quan của vụ việc dân sự, chứng cứ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh nguồn chứng cứ là công cụ pháp lý quen thuộc như văn bản công chứng, chứng thực thì hiện nay, “Vi bằng - do Văn phòng Thừa phát lại lập” cũng được xem là nguồn chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn khi đương sự sử dụng vi bằng là nguồn chứng cứ để bảo vệ mình trước Tòa án vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập.
       Do đó, bài viết này sẽ tập trung trao đổi về giá trị chứng cứ của vi bằng và những hạn chế, vướng mắc khi sử dụng vi bằng là nguồn chứng cứ trong thực tiễn hiện nay, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật.
       1. Giá trị chứng cứ của vi bằng
      Lập vi bằng là một trong những nhiệm vụ của Thừa phát lại được quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP). Vi bằng là sản phẩm hoàn toàn độc quyền của riêng Thừa phát lại. Bởi ngoài Thừa phát lại thì không một chủ thể nào có quyền lập vi bằng [1].
       Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định”.
       Có thể thấy, vi bằng là một văn bản ghi nhận, mô tả lại một cách trung thực, khách quan một sự kiện hoặc hành vi đang xảy ra với sự chứng kiến của Thừa phát lại theo yêu cầu của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Kèm theo vi bằng là văn bản có thể có hình ảnh, video, âm thanh thông qua hoạt động quay phim, chụp hình và ghi âm tại thời điểm lập vi bằng. Theo đó, trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay, vi bằng do Thừa phát lại lập đã ghi nhận rất nhiều sự kiện pháp lý khác nhau, với nội dung vô cùng phong phú, đa dạng. Vi bằng như một biên bản thể hiện đầy đủ sự kiện, hành vi giữa các bên với “người làm chứng” là Thừa phát lại[2]. Vây, vi bằng có giá trị nguồn chứng cứ trong quá trình tố tụng tại Tòa án như thế nào?
       Điều 93 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) quy định: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
       Điều 94 BLTTDS 2015 quy định về nguồn của chứng cứ bao gồm: Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: 1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử. 2. Vật chứng. 3. Lời khai của đương sự. 4. Lời khai của người làm chứng. 5. Kết luận giám định. 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ. 7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản. 8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập. 9. Văn bản công chứng, chứng thực. 10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
       Và tại Điều 36 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, thì những sự kiện, hành vi được Thừa phát lại chứng kiến, được thể hiện rõ trong vi bằng nên vi bằng có giá trị là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập. Ở đây, cần nhấn mạnh một điều rằng, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác[3].
       Trong thực tiễn xét xử, hiện nay đã có một số vụ án cũng đã sử dụng vi bằng là nguồn chứng cứ vô cùng quan trọng để làm sáng tỏ những tình tiết trong vụ án cũng như góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng đắn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trước Tòa án như[4]:
       1. Bản án 15a/2019/DS-ST ngày 16/08/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
       - Cấp xét xử: Sơ thẩm.
       - Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
       - Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
       - Trích dẫn nội dung: “Về tình tiết không phải chứng minh: Bản chính giấy vay tiền ngày 31/3/2017; Vi bằng số 0376.2019/VB-TPLHN ngày 23/05/2019 của Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội, Đĩa DVD-R kèm theo;”.
       2. Bản án 234/2018/DS-PT ngày 24/08/2018 về tranh chấp đòi tài sản (nhà).
       - Cấp xét xử: Phúc thẩm.
       - Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
       - Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
       - Trích dẫn nội dung: “việc lập vi bằng chỉ mang ý nghĩa ghi nhận lại sự kiện đã diễn ra, không có tính chất pháp lý thay thế văn bản công chứng chứng thực, không làm phát sinh quyền sở hữu của các bên đương sự và Tòa án chỉ sử dụng vi bằng là chứng cứ trong việc giải quyết vụ án.”.
       Như vậy, từ những quy định của pháp luật và thực tiễn nêu trên, có thể thấy việc lập vi bằng trong các giao dịch về dân sự không những là căn cứ để các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn các cam kết, thỏa thuận của các bên, mà còn là nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án xem xét các vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.
      2. Bất cập khi sử dụng vi bằng là nguồn chứng cứ tại Tòa án và kiến nghị hoàn thiện
      Trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về giá trị chứng cứ của vi bằng khi xét xử tại Tòa án đã bộc lộ bất cập về quy định pháp luật. Cụ thể như sau:
      Vi bằng do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến lập và sau đó được đăng ký tại Sở Tư pháp với trình tự thủ tục nghiêm ngặt theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và được xem là nguồn chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, nhưng tại Điều 92 BLTTDS năm 2015 quy định về những tình tiết, sự kiện không cần chứng minh, thì vi bằng không thuộc các tình tiết, sự kiện không cần chứng minh, mặc dù trình tự thủ tục để lập vi bằng rất chặt chẽ, điều này đã làm ảnh hưởng đến giá trị của vi bằng và chưa khẳng định được vai trò quan trọng trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
      Qua việc phân tích các quy định và thực tiễn áp dụng các quy định về hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại, tác giả đưa ra đề xuất như sau:
      Để vi bằng là nguồn chứng cứ đáng tin cậy, giúp cho quá trình giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, khách quan, thiết nghĩ, trong thời gian tới khi sửa đổi BLTTDS năm 2015, các nhà làm luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về giá trị chứng cứ của vi bằng trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể: tại Điều 92, cần bổ sung vi bằng là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.
      Có thể thấy, quy định vi bằng là nguồn chứng cứ đã tác động và có ý nghĩa đến đời sống dân sự, không những giúp người dân có thêm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền dân sự của mình mà còn giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cái nhìn khách quan về vụ việc dân sự, từ đó giải quyết vụ việc dân sự thấu tình, đạt lý. Tuy nhiên, để vi bằng thực sự có giá trị chứng cứ, cần phải có những quy định cụ thể, đảm bảo giá trị chứng cứ của vi bằng được ghi nhận thống nhất trong những văn bản pháp luật có liên quan./.


[1] Nguyễn Vinh Hưng (2017), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, Tạp chí Kiểm sát điện tử, nguồn: https://kiemsat.vn/thua-phat-lai-trong-thi-hanh-an-dan-su-46727.html
[2] Vi bằng và những vấn đề cần lưu ý. Nguồn: https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=12&cn=82&tc=6620
[3] Khoản 2, 3, 4 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[4] Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/09-ban-an-co-su-dung-vi-bang-de-lam-chung-cu-truoc-toa-2446

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Thị Hương