Hòa giải thương mại tại Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị

Th.S Phạm Anh Vũ - Th.S Lê Thị Hiền
Khi giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, hòa giải thương mại có xu hướng được các bên ưu tiên lựa chọn bởi những đặc tính ưu việt của nó. Bài viết phân tích xu thế của phương thức hòa giải thương mại và kiến nghị hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
1. Sự ra đời của hòa giải thương mại tại Việt Nam
Theo từ điển luật học của Black, hòa giải là: Sự can thiệp, sự làm trung gian hòa giải; hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục họ dàn xếp hoặc giải quyết tranh chấp giữa họ. Việc giải quyết tranh chấp thông qua người trung gian hòa giải (bên trung lập). Trước khi có Nghị định 22/2017/NĐ-CP ban hành ngày 22/02/2017 và có hiệu lực từ ngày 15/4/2017 (gọi tắt là Nghị định 22), một số trung tâm trọng tài đã cung cấp dịch vụ hòa giải với các bộ Quy tắc hòa giải. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho hoạt động này chỉ dừng lại ở khung pháp luật tại một số đạo luật như Luật Thương mại 2005, Luật Trọng tài thương mại 2010, Luật Đầu tư 2014 và Bộ luật dân sự 2015... Thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại đặt ra yêu cầu đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và trọng tài để giảm tải gánh nặng cho hệ thống tòa án, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thì việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định hòa giải thương mại với tư cách là phương thức giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận, hoàn toàn độc lập ngoài tòa án và trọng tài phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL là hoàn toàn phù hợp.
Tờ trình về dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại cũng thống nhất nhận định rằng Nghị định 22 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Và như vậy, Nghị định 22 về hòa giải thương mại và trước đó là Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 với Chương 33 về Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có thể được coi là mốc đánh dấu đối với sự ra đời trên thực tế và toàn diện của Hòa giải thương mại tại Việt Nam, cụ thể hóa được các vấn đề về nguyên tắc của hòa giải thương mại; phạm vi thẩm quyền của hòa giải thương mại; tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại; việc thành lập và hoạt động của trung tâm hòa giải thương mại và giá trị thi hành của kết quả hòa giải thành.[1]
2. Thực tiễn thực hiện pháp luật về về hòa giải thương mại hiện nay
Năm 2023, VIAC và Công ty tài chính quốc tế (IFC) đã thực hiện khảo sát doanh nghiệp về phương thức hòa giải thương mại và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Báo cáo khảo sát đưa ra một số kết quả đáng lưu ý như sau:
- 82% sẵn sàng thử sử dụng phương thức hòa giải;
- 59% sẵn sàng chi trả mức phí hòa giải từ 6.000.000 VND trở xuống, 15% sẵn sàng chi trả 12.000.000 VND trở lên;
- 85% mong muốn được luật sư đại diện trong hòa giải và 53% sẽ chọn cách chỉ định hòa giải viên với hỗ trợ của tòa án hoặc trung tâm hòa giải;
- 75% ủng hộ nghề ADR có quy định rõ ràng và được giám sát (tổ chức nghề nghiệp ADR có quy tắc đạo đức nghiêm ngặt, công khai với sự hỗ trợ của quy trình kỷ luật);
- 80% ưa thích phương thức hòa giải tích cực (evaluative style) với việc hòa giải viên chủ động hướng dẫn các bên so với hòa giải mang tính hỗ trợ (facilitative style).
Cũng từ khảo sát nêu trên, doanh nghiệp đã đưa các mong muốn để cải thiện hiện trạng hòa giải thương mại tại Việt Nam trong đó quan trọng nhất là “xây dựng khung pháp lý cho hòa giải tư nhân” và (ii) “nghề hòa giải viên có quy định rõ ràng, tổ chức hòa giải có thẩm quyền, sự tham gia của luật sư vào hòa giải, hòa giải viên chủ động và bảo đảm khả năng thi hành.” Có thể khẳng định rằng, các mong muốn của doanh nghiệp nêu trên cơ bản đã được đáp ứng với quy định tại Nghị định 22.
Thời gian gần đây, xu hướng lựa chọn phương thức hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp của các bên liên quan ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam; minh chứng qua một số kết quả báo cáo tiêu biểu của Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) như: i) Trong năm 2020, VMC đã tiếp nhận tổng cộng 10 vụ việc hòa giải, nâng tổng số vụ tiếp nhận giai đoạn 2018 - 2020 lên 14 vụ, trong đó số vụ tranh chấp trong nước có 12 vụ (chiếm hơn 85%) và tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 02 vụ (chiếm gần 15%); có 05 vụ tranh chấp hòa giải thành công và các bên đều tự nguyện thi hành văn bản kết quả hòa giải thành (đạt 100%). ii) Trong năm 2021, VMC tiếp nhận tổng cộng 10 vụ việc hòa giải, nâng tổng số vụ tiếp nhận giai đoạn 2018 - 2021 lên 24 vụ, trong đó, số vụ tranh chấp trong nước là 12 vụ (chiếm 50%) và tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 12 vụ (chiếm 50%); có 10 vụ tranh chấp hòa giải thành công và 100% các bên tự nguyện thi hành văn bản về kết quả hòa giải thành. iii) Trong năm 2022, VMC tiếp nhận tổng cộng 12 vụ việc hòa giải, nâng tổng số vụ tiếp nhận giai đoạn 2018 - 2021 lên 36 vụ, trong đó, số vụ tranh chấp trong nước là 20 vụ (chiếm 56%) và tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 16 vụ (chiếm 44%); các vụ tranh chấp hòa giải thành được các bên 100% tự nguyện thi hành theo văn bản về kết quả hòa giải thành.[2]
Lý do hòa giải thương mại đang trở thành xu thế mới trong công tác giải quyết tranh chấp không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, bởi nó mang đến cho các bên tranh chấp nhiều lợi ích như: Tính bảo mật cao, tính linh hoạt, có khả năng duy trì mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các bên tranh chấp, giữ được hình ảnh, uy tín của các bên, chi phí thấp hơn so với phương thức trọng tài, tòa án; nếu các bên không giải quyết được tranh chấp thì có thể yêu cầu Tòa án hay Trọng tài giải quyết mà không bị mất quyền yêu cầu; Hòa giải viên có tính độc lập, không thiên vị.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt nam
Thứ nhất, cần xây dựng Luật hòa giải thương mại và tiến tới gia nhập Công ước Singapore.
Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của khung pháp luật về HGTM tại Việt Nam, cần xây dựng Luật hòa giải thương mại trên cơ sở Nghị định số 22/2017, bao gồm những nội dung theo hướng tương thích với mô hình Luật mẫu về hòa giải của UNCITRAL và Công ước Singapore. Việc ban hành Luật hòa giải thương mại là hết sức cần thiết; không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn giúp pháp luật về HGTM của Việt Nam tương thích với các quốc gia phát triển trên thế giới, mở ra môi trường đầu tư đa dạng, lành mạnh hơn cho các thương nhân. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật hòa giải thương mại sẽ giúp Việt Nam thuận lợi trong việc gia nhập Công ước Singapore; bởi khi gia nhập Công ước Singapore thì kết quả hòa giải tranh chấp của các Hòa giải viên và trung tâm hòa giải tại Việt Nam sẽ được công nhận và thi hành tại các quốc gia là thành viên của Công ước.
Thứ hai, cần hoàn thiện một số quy định của Nghị định số 22/2017.
- Mở rộng phạm vi áp dụng hòa giải thương mại trong Nghị định số 22/2017. Hội nhập quốc tế khiến các tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn trong đầu tư, xây dựng... Do đó, cần xem xét quy định một cách cởi mở hơn phạm vi áp dụng của HGTM nhằm khai thác tối đa tiềm năng của phương thức này.
- Bổ sung nguyên tắc liên quan đến vai trò của hòa giải viên theo hướng:
+ Tôn trọng quyền tự quyết của các bên tranh chấp: Hòa giải viên cần tôn trọng ý kiến đưa ra của các bên tranh chấp và không đưa ra bất cứ quyết định nào nếu các bên không đồng ý.
+ Hòa giải viên tiến hành hòa giải độc lập và tuân theo pháp luật: Nguyên tắc này đòi hỏi hòa giải viên không được thể hiện thái độ thiên vị đối với bất cứ bên tranh chấp nào trong việc điều khiển quá trình hòa giải cũng như trong việc đưa ra các nhận định hay ý kiến tư vấn.
+ Hoạt động hòa giải được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.
- Bổ sung một số quy định về hòa giải viên:
+ Bổ sung một số quyền của hòa giải viên: (i) Được thông báo về trình tự, thủ tục hòa giải, địa điểm, thời gian tiến hành hòa giải do các bên tranh chấp lựa chọn. (ii) Đề nghị các bên tranh chấp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp. (iii) Hòa giải viên có quyền tiến hành thủ tục hòa giải theo phương thức mà hòa giải viên cho là phù hợp nhất với tình tiết của vụ việc tranh chấp, nguyện vọng của các bên và đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trong trường hợp các bên tranh chấp không có thỏa thuận về phương thức tiến hành hòa giải. (iv) Khi được một bên tranh chấp cung cấp thông tin liên quan đến tranh chấp, hòa giải viên có quyền truyền đạt nội dung thông tin đó cho bên tranh chấp kia, trừ trường hợp bên tranh chấp yêu cầu giữ bí mật nội dung thông tin được cung cấp.
+ Đối với Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại: Tại khoản 4, cần bổ sung thêm người bị bắt, người bị tạm giữ vào các trường hợp không được làm hòa giải viên thương mại, theo đó khoản 4 Điều 7 nên bổ sung và quy định ngắn gọn như sau: “4. Người bị buộc tội, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại”.
+ Đối với Điều 10 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại, nên được bổ sung, sửa đổi lại như sau: “3. Nhận, sẽ nhận hoặc đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ các bên ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận cho bản thân hòa giải viên hoặc cho người hoặc tổ chức khác”.
- Bổ sung quy định rõ ràng, chính xác hơn về hiệu lực của thỏa thuận hòa giải, các trường hợp hòa giải vô hiệu và hướng dẫn các bên tranh chấp xử lý khi thỏa thuận hòa giải không đảm bảo điều kiện có hiệu lực; bổ sung quy định nhằm phân biệt trường hợp vừa có thỏa thuận hòa giải, vừa có thỏa thuận trọng tài hoặc đơn khởi kiện tại Tòa án, nhằm tách bạch thẩm quyền giải quyết của các chủ thể có liên quan.
- Bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ của Tòa án, Trọng tài đối với phương thức hòa giải thương mại trong quá trình giải quyết tranh chấp. Thực tế cho thấy, một số trung tâm hòa giải thương mại là đơn vị trực thuộc trung tâm trọng tài; do đó, việc xây dựng cơ chế hỗ trợ giữa Trọng tài và Hòa giải viên trong quá trình giải quyết tranh chấp như: Hỗ trợ về việc lựa chọn Hòa giải viên, kỹ năng hòa giải, cơ sở, phương tiện phục vụ cho nhu cầu hòa giải... là khả thi. Bên cạnh đó, cần bổ sung vai trò hỗ trợ của Tòa án trong việc thi hành kết quả hòa giải thành trên cơ sở quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Thứ ba, Công tác đào tạo, quảng bá và hợp tác quốc tế về hòa giải thương mại Bộ Tư pháp, các Sở tư pháp có kế hoạch tuyên truyền về hòa giải thương mại. Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh/thành phố đưa nội dung về hòa giải thương mại vào các chương trình bồi dưỡng pháp luật. Các Trường luật, khoa luật bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về hòa giải thương mại. Các cơ quan truyền giúp giới thiệu lợi ích của hòa giải thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp. Các Trung tâm hòa giải, hòa giải viên hoàn thiện qui trình, nâng cao chất lượng hoạt động và tích cực tuyên truyền về hòa giải thương mại. Hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức có uy tín trong đào tạo hòa giải như CEDR, CIArb, SIMI…cần được tiến hành hiệu quả./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định 22/2017/NĐ-CP Nghị định về Hòa giải thương mại
2. Tổng quan về hòa giải thương mại tại Việt Nam
https://www.viac.vn/images/Resources/Legal-Research-and-Study/200722_Tong-quan-HGTM-tai-VN/Papers_Bao-cao-tong-quan-ve-Hoa-giai-thuong-mai-tai-Vietnam---6.2020.pdf
3. Hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế
https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-khung-phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-cua-viet-nam11832.html
4. Hòa giải thương mại tại Việt Nam - thực trạng và kiến nghị
https://lapphap.vn/Pages/TinTuc/211623/Hoa-giai-thuong-mai-tai-Viet-Nam---thuc-trang-va-kien-nghi.html
5. Pháp luật về hòa giải thương mại từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp
https://tapchicongthuong.vn/phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-tu-thuc-tien-thanh-pho-ho-chi-minh-thuc-trang-va-giai-phap-103581.htm


[1] Bài viết: Tổng quan về hòa giải thương mại tại Việt Nam
https://www.viac.vn/images/Resources/Legal-Research-and-Study/200722_Tong-quan-HGTM-tai-VN/Papers_Bao-cao-tong-quan-ve-Hoa-giai-thuong-mai-tai-Vietnam---6.2020.pdf
[2] Bài viết: Hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế
https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-khung-phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-cua-viet-nam11832.html