Một số điểm mới của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Nguyễn Thị Hương - Khoa Đào tạo cơ bản
1. Khái quát chung về Thừa phát lại
Thừa phát lại là một nghề xuất hiện trên thế giới hàng trăm năm nay, hiện có 72 nước là thành viên của Liên minh Thừa phát lại quốc tế. Ở Việt Nam, Thừa phát lại xuất hiện từ thời Pháp thuộc, miền Bắc gọi là Chưởng tòa, miền Trung gọi là Mõ tòa, miền Nam là Thừa phát lại. Vì nhiều lý do nên sau năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở miền Nam), chế định Thừa phát lại không duy trì nữa[1].
Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc đổi mới nhằm tăng cường hiệu quả hiệu lực hoạt động, đáp ứng và phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước là nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm[2]. Do đó, chế định Thừa phát lại đã được đặt ra và thực hiện thí điểm bắt đầu từ năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng tới 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, chế định thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo tiền đề giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, Cơ quan quan thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, hoạt động của Thừa phát lại đã bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong giải quyết tranh chấp; đồng thời, người dân cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp trong việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.
Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP là những văn bản pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian thực hiện thí điểm, các Nghị định đã phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng cho việc thí điểm thành công.
Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chính thức chế định này trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Sau một quá trình thực hiện chế định Thừa phát lại đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, Ngày 08/01/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực vào ngày 24/02/2020 thì Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP hết hiệu lực.
2. Quy định về Thừa phát lại và hoạt động của Thừa phát lại
2.1. Quy định về Thừa phát lại
Thứ nhất, về định nghĩa Thừa phát lại
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan[3].
Như vậy, Thừa phát lại là một chủ thể, một cá nhân cụ thể khi đạt được những tiêu chuẩn pháp luật quy định sẽ được bổ nhiệm làm Thừa phát lại. So với trước đây, hiện nay, định nghĩa Thừa phát lại đã chỉ ra những công việc mà Thừa phát lại được làm một cách rõ hơn bao gồm: tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án mà ở nghị định cũ không quy định nội dung này. Thông qua đó, có thể thấy Thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, tương tự như Luật sư hay Công chứng viên thì khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định.
Thứ hai, về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại
Điều kiện để được bổ nhiệm Thừa phát lại: Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; Tốt nghiệp khóa đào tạo, được được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại; Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề[4].
Như vậy, hiện nay đã giới hạn độ tuổi bổ nhiệm Thừa phát lại là “không quá 65 tuổi”; giảm tiêu chuẩn về thời gian công tác pháp luật từ 05 năm xuống còn 03 năm, và quy định cụ thể: “thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật”. Bên cạnh đó, Nghị định không còn đưa nội dung bổ nhiệm Thừa phát lại đối với người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên vào trong tiêu chuẩn bổ nhiệm thừa phát lại. Bởi lẽ, việc quy định có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức… đã bao gồm các trường hợp từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư v.v… Đặc biệt, Nghị định quy định rõ Thừa phát lại không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản[5]. Đồng thời, thay vì tiêu chuẩn “có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn v ngh Thừa phát lại” như trước đâyhiện nay quy định tiêu chuẩn phải “tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng ngh Thừa phát lại” và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành ngh”. Tóm lại, hiện nay tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại đã được nâng cao hơn, nhằm tăng cường chất lượng, xây dựng đội ngũ Thừa phát lại có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật; có đạo đức và kỹ năng hành nghề tương đồng với các nghề bổ trợ tư pháp khác.
Ngoài ra, còn quy định các trường hợp miễn đào tạo nghề Thừa phát lại đối với người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; Người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; Người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự. Tuy nhiên, những người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp[6].
Thứ ba, về tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại
Để được bổ nhiệm làm Thừa phát lại, phải trải qua kì tập sự và đạt yêu cầu kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại. Cụ thể người có Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề (thời gian đào tạo nghề Thừa phát lại là 06 tháng) hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề (thời gian bồi dưỡng nghề Thừa phát lại là 03 tháng) hoặc quyết định công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự đặt trụ sở. Người đã hoàn thành việc tập sự nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Việc kiểm tra kết quả tập sự do Bộ tư pháp tổ chức[7].
Có thể nói rằng, nghề Thừa phát lại là nghề bổ trợ tư pháp, hoạt động của Thừa phát lại có tác động đối với kinh tế - xã hội, đối với hoạt động tư pháp và nhu cầu của người dân. Do vậy, việc xây dựng đội ngũ Thừa phát lại cần phải hướng tới chuyên nghiệp; Thừa phát lại phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng và phẩm chất đạo đức tốt. Bên cạnh đó, chế định Thừa phát lại cần được xây dựng trong mối tương quan với các nghề bổ trợ tư pháp khác như: luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, quản tài viên, nên việc quy định về tập sự và kiểm tra kết quả tập sự là phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hiện nay.
Thứ tư, về đăng ký hành nghề thừa phát lại
Văn phòng Thừa phát lại nộp hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng đặt trụ sở. Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại[8].
Như vậy, trước đây thẩm quyền cấp thẻ Thừa phát lại thuộc Bộ Tư pháp[9], nhưng hiện nay, theo Nghị định mới, việc cấp thẻ Thừa phát lại thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp. Quy định này nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc quản lý Thừa phát lại ở trên phạm vi địa bàn mình trực tiếp quản lý.
2.2. Hoạt động của Thừa phát lại
Theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP Thừa phát lại được làm 4 công việc, bao gồm: (1) Thực hiện việc tống đạt văn bản; (2) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; (3) Xác minh điều kiện thi hành án; (4) Tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Theo đó về hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án về cơ bản vẫn giữ nguyên như quy định. Đối với hoạt động tống đạt và lập vi bằng nghị định đã mở rộng phạm vi, thẩm quyền.
Thứ nhất, về tống đạt văn bản
- Về phạm vi tống đạt: Thừa phát lại có thẩm quyền tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự; Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài[10].
Theo quy định trước đây, Thừa phát lại chỉ có thẩm quyền tống đạt văn bản của hai cơ quan là Tòa án nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự[11]. Hiện nay, việc tống đạt đã mở rộng về phạm vi thẩm quyền tống đạt văn bản góp phần giảm tải công việc cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này tập trung vào chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, còn góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49/2005/ NQ-TW.
- Về mức khung chi phí tống đạt giấy tờ hồ sơ, tài liệu, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng đã có sự quy định cụ thể hơn, cụ thể: theo Điều 62 quy định chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự do Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trên cơ sở khung mức chi phí.
Khung mức chi phí tống đạt được quy định như sau[12]:
+ Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc;
+ Trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì phải thỏa thuận về chi phí tống đạt”. Chi phí này bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, về lập vi bằng
- Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này [13]. Trong đó, Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của Thừa phát lại như trên là phù hợp, nhằm tạo điều kiện để tăng nguồn thu cho các Văn phòng, bên cạnh đó nhằm đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chế định Thừa phát lại, ví dụ như: Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng… Do đó, nếu hạn chế việc lập vi bằng trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại như nghị định cũ, sẽ gây ra nhiều khó khăn, bất cập, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Mặt khác, qua nghiên cứu pháp luật về công chứng cho thấy, chỉ đối với hoạt động công chứng các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản mới bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở (ngay cả với các loại giao dịch về bất động sản thì công chứng viên cũng không bị hạn chế công chứng về di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản). Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại rất đa dạng về sự kiện, hành vi trên thực tế, có những sự kiện diễn ra từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố nơi Văn phòng đặt trụ sở là phù hợp.
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật…[14]. Như vậy, hiện nay đã xác định rõ vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực, mà vi bằng là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết một vụ việc cụ thể tại Tòa án. Có thể thấy rằng, vi bằng có tác động lớn đến đời sống dân sự, giúp người dân có thêm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền dân sự của mình. Bên cạnh đó, quy định này là phù hợp với quy định tại Khoản 8 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự về nguồn chứng cứ và Khoản 9 Điều 95 quy định về xác định chứng cứ; tại khoản 8 Điều 81, khoản 9 Điều 82 Luật tố tụng hành chính 2015.
Ngoài ra, còn quy định cụ thể những trường hợp không được lập vi bằng vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình; ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng; ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; sự kiện, hành vi Thừa phát lại không trực tiếp chứng kiến... Không lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật[15].
- Về chi phí lập vi bằng do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu và nguyên tắc tính. Trên cơ sở chi phí đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh bao gồm: Chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có)[16].
Thứ ba, về việc không được tổ chức cưỡng chế thi hành án
Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây[17]:
- Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án;
- Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ;
- Xử phạt vi phạm hành chính;
- Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án;
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu;
- Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định.
          Như vậy, nếu như trước đây, trong quá trình tổ chức thi hành án Thừa phát lại có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế[18] thì hiện nay Thừa phát lại không được tổ chức cưỡng chế thi hành án. Việc quy định Thừa phát lại không có thẩm quyền cưỡng chế thi hành án là phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Bởi lẽ, cưỡng chế là quyền lực đặc biệt chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Còn văn phòng Thừa phát lại, tồn tại dưới hình thức công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân, thì việc huy động lực lượng chuyên chính để phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập, kê biên tài sản của người phải thi hành án là không phù hợp. Do đó, hiện nay đã quy định Thừa phát lại không được tổ chức cưỡng chế thi hành án.


[3] Xem khoản 1 Điều 2, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[4] Xem Điều 6 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[5] Xem Điều 4, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[6] Xem khoản 2 Điều 7, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[7] Xem Điều 8, Điều 9 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[8] Xem Điều 15, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[9] Xem khoản 4 Điều 12 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.
[10] Xem Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[11] Xem khoản 21 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.
[12] Xem Điều 62 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[13] Xem khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[14] Xem khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[15] Xem Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[16] Xem Điều 64 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[17] Xem khoản 2 Điều 52 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[18] Xem khoản 39 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.