Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới

I. Đặt vấn đề Giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của các cơ sở đào tạo nói chung và của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới nói riêng. Việc nâng cao hiệu quả các hoạt động NCKH có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt tại các cơ sở đào tạo nghề. Các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng, bắt buộc và cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Nội dung Chiến lược đã xác định 9 giải pháp phát triển dạy nghề, trong đó giải pháp "Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề" và "Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề" là hai giải pháp đột phá. Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đã nêu rõ việc: “Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề” và “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; NCKH dạy nghề...”
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động NCKH hiện nay của Nhà trường, từ đó tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động NCKH của đội ngũ giáo viên Nhà trường trong thời gian tới.
II. NỘI DUNG
2.1. Thực trạng hoạt động NCKH của đội ngũ giáo viên Trường Trung cấp Luật Đồng Hới
2.1.1. Kết quả đạt được
Thứ nhất, về hình thức
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động NCKH, thời gian qua, Nhà trường luôn coi công tác NCKH là một nhiệm vụ quan trọng cùng với quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Hoạt động NCKH được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Viết các chuyên đề báo cáo tại các buổi tập huấn, các hội thảo trong và ngoài Trường; Nghiên cứu đề tài khoa học cấp Khoa, cấp Trường; Viết bài đăng trên Website, các tạp chí; Viết giáo trình, sách chuyên khảo… Song song với các hoạt động nói trên, Nhà trường còn chủ động mời các chuyên gia ở các lĩnh vực cụ thể về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm NCKH với giáo viên của Nhà trường. Qua đó, tạo nền nếp học tập, nghiên cứu và làm việc khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ hai, về nội dung
Từ khi Nhà trường đi vào hoạt động đến nay, Nhà trường đã tổ chức cho các cá nhân, đơn vị thuộc Trường đăng ký và triển khai NCKH, tập trung vào các nội dung sau:
- Nghiên cứu cải tiến mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo; chương trình môn học; biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy chuyên ngành Luật ở trình độ trung cấp.
- Nghiên cứu và ứng dụng phương pháp dạy học tích cực vào đào tạo nghề, tạo ra những sản phẩm đạt yêu cầu, làm nền tảng cho sự phát triển đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
- Nghiên cứu tổng hợp, thiết kế đồ dùng, phương tiện dạy học phù hợp với nghề pháp luật, bảo đảm đúng các yêu cầu, quy định theo các văn bản hướng dẫn của Bộ, Ngành có liên quan.
- Nghiên cứu kỹ lưỡng thực trạng chất lượng đầu vào, khả năng học tập, nghiên cứu của học sinh, học viên; đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, từ đó xác định nội dung bài giảng, lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, đạt hiệu quả cao.
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa việc đào tạo và chất lượng đầu ra cũng như vị trí việc làm tương ứng, từ đó đào tạo nên đội ngũ cán bộ có trình độ pháp luật, phù hợp với vị trí được tuyển dụng.
Thứ ba, về phạm vi
Các công trình khoa học của Nhà trường chủ yếu triển khai nghiên cứu, thực hiện và ứng dụng trong phạm vi Trường Trung cấp Luật Đồng Hới. Đồng thời, một số công trình NCKH được ứng dụng rộng rãi tại các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp.
2.1.2. Hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động NCKH tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới trong những năm vừa qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như sau: 
Thứ nhất, một số giáo viên chưa thực sự chủ động đưa ra các đề tài nghiên cứu có tính mới. Nhiều đề tài được nghiên cứu dựa trên các mô hình đã được nghiên cứu từ trước hoặc chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính bản thân giáo viên hoặc nhu cầu của môn học, ngành học. Trong quá trình NCKH, giáo viên còn e ngại đưa ra quan điểm cá nhân, chưa khai thác kỹ tài liệu tham khảo, chưa tìm hiểu kỹ vấn đề. 
Bên cạnh đó, một số đề tài chưa xác định được phương pháp NCKH, cách tìm tài liệu tham khảo, chưa hiểu được cách xây dựng đề cương, cách trình bày một công trình NCKH. Điều này sẽ dẫn một số lỗi thường mắc phải trong NCKH của giáo viên như: Phạm vi nghiên cứu thường rộng, nặng tính lý thuyết, đối tượng nghiên cứu không rõ ràng, dùng từ ngữ chuyên môn thiếu chính xác...
Thứ hai, có thể khẳng định rằng, nguồn thu nhập chính yếu của các giáo viên hiện nay đến từ việc giảng dạy. Thực tế, một số giáo viên dạy vượt số giờ quy định. Trong khi đó, việc NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, thu nhập từ việc NCKH lại ít ỏi.
Thứ ba, hàng năm Nhà trường chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí riêng phục vụ cho những hoạt động NCKH của giáo viên. Đây cũng là điểm bất cập, gây khó khăn cho công tác phát triển NCKH trong giáo viên. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên NCKH chưa đồng đều, độ tuổi còn trẻ, mới tham gia vào hoạt động NCKH, thiếu chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và chưa đủ sức đảm nhiệm nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước...
Thứ tư, Hiệu trưởng Nhà trường đã ký Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường. Tuy nhiên, Hội đồng này thường dừng lại ở việc cho đăng ký, tổ chức nghiệm thu, đánh giá, chứ chưa đưa ra được những định hướng NCKH hàng năm cho giáo viên. 
Thứ năm, Nhà trường khi đưa ra chính sách khuyến khích NCKH còn thiếu các tiêu chí đánh giá, chưa đồng bộ và chưa tạo được động lực NCKH trong giáo viên của Trường. Trong khi đó, từ trước đến nay, chưa có một chế tài nào đối với những người không thực hiện hoạt động NCKH.
Thứ sáu, sự gắn kết giữa NCKH và giảng dạy còn thấp. Nhiều giáo viên theo đuổi hướng nghiên cứu khác xa với môn học do mình đảm nhiệm nên việc thực hiện nghiên cứu nhằm bổ sung cho nội dung giảng dạy sau khi nghiên cứu không đem lại kết quả.
2.1.3. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
Những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nguyên nhân khách quan
- Trong thời gian vừa qua, việc NCKH chủ yếu được thực hiện bởi giáo viên, nhưng trên thực tế, đây là khoảng thời gian giáo viên mới vào nghề, chủ yếu tập trung cho việc biên soạn giáo án, bài giảng, tích lũy kinh nghiệm sư phạm, học tập nâng cao trình độ, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giáo viên chưa có sự quan tâm, đầu tư thời gian, trí tuệ đúng mức cho hoạt động NCKH. Đa số giáo viên tự tìm hiểu về phương pháp nghiên cứu mà không có người hướng dẫn, hỗ trợ.
- Việc định hướng nghiên cứu và phân bổ đề tài chưa hợp lý. Một thực tế đang xảy ra trong thực tiễn là chủ nhiệm các đề tài thường là cán bộ lãnh đạo, quản lý nên thời gian dành cho nghiên cứu thường không nhiều. 
- Vị trí của Trường xa các nơi cung cấp nguồn tài liệu tham khảo, do đó, việc tìm kiếm tài liệu liên quan, phục vụ việc NCKH gặp nhiều khó khăn. 
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan
- Giáo viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, việc thực hiện hoạt động NCKH đang dừng lại ở việc đối phó, làm cho có. Bên cạnh đó, một số giáo viên có khả năng NCKH phải kiêm nhiệm khá nhiều công việc. Một bộ phận giáo viên còn có tâm lý e ngại, thiếu nhiệt huyết đối với nhiệm vụ NCKH.
- Hàng năm, Bộ Tư pháp không cấp nguồn kinh phí dành riêng cho hoạt động NCKH cho các Trường trung cấp. Nguồn kinh phí cho các hoạt động NCKH của Trường lấy từ kinh phí thường xuyên còn hạn chế. Trong bối cảnh Nhà trường đang tập trung nguồn kinh phí vào các công tác tuyển sinh và công tác đào tạo thì việc trích lập một phần nguồn kinh phí riêng cho hoạt động NCKH rất hạn hẹp.
- Không cân đối hợp lý giữa thời gian giảng dạy và NCKH. Định mức giờ chuẩn cho giáo viên của Trường trong một năm học là 510 giờ chuẩn; trong đó, Nhà trường chưa có việc chia tách cụ thể giờ chuẩn trực tiếp trên lớp và giờ NCKH. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên giảng dạy quá ít, không đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy các môn học, do đó, giáo viên tập trung vào giảng dạy và thực hiện các công tác khác nên không còn nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu.
2.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong thời gian tới
Từ việc đánh giá thực trạng hoạt động NCKH của Nhà trường trong những năm vừa qua, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng NCKH của Trường trong thời gian tới, gắn liền với nhiệm vụ giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo như sau:
Thứ nhất, Cấp ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần chú trọng, quan tâm hơn nữa tới hoạt động NCKH của giáo viên, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Hàng năm, cần xây dựng kế hoạch hoạt động NCKH cụ thể và thực hiện việc đánh giá hoạt động NKCH một cách kịp thời, bảo đảm sự khách quan, công bằng và đúng thực chất.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức cho giáo viên về vị trí, vai trò của NCKH trong quá trình đổi mới đào tạo. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp xác định nhiệm vụ NCKH theo nội dung nghiên cứu cụ thể. Nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề lý luận hoặc thực tiễn thuộc các môn học trong chương trình đào tạo hệ trung cấp luật; ưu tiên khuyến khích nghiên cứu những vấn đề trong lĩnh vực tư pháp, những vấn đề trong khoa học giáo dục, nhất là đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm những giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo. Từ đó, giáo viên chủ động tìm kiếm những ý tưởng khoa học, những đề tài mà họ cảm thấy tâm đắc. Sau khi được giao đề tài, các nhóm đề tài phải xây dựng kế hoạch và đề cương nghiên cứu. Trong đó, phải thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự các công việc, cá nhân, đơn vị thực hiện, thời gian, địa điểm khảo sát, thu thập số liệu, kinh phí thực hiện... Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện với đơn vị chủ trì, trao đổi, tranh thủ sự giúp đỡ của người hướng dẫn, cố vấn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, nghiên cứu kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý giáo viên của Trường theo hướng cân bằng hơn giữa hoạt động giảng dạy và hoạt động NCKH của đội ngũ giáo viên. Đổi mới quản lý hoạt động khoa học trên cơ sở xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động NCKH của giáo viên Nhà trường như: (i) Thái độ đối với nhiệm vụ khoa học; (ii) Kiến thức về nhiệm vụ khoa học; (iii) Các kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ khoa học; (iv) Kết quả sản phẩm NCKH ứng dụng vào công tác giảng dạy hoặc các hoạt động khác; (v) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định về NCKH...
Hàng năm, giáo viên cần xây dựng kế hoạch NCKH cụ thể, trên cơ sở cần có sự điều chỉnh thời gian NCKH của giáo viên đã giảng dạy lâu năm với giáo viên mới giảng dạy phù hợp với khả năng, thời điểm thực hiện việc nghiên cứu. Xây dựng phương án quy đổi công trình NCKH thành giờ chuẩn một cách thỏa đáng, hợp lý. Ngoài ra, đối với một số môn học có ít giờ giảng do ít học sinh hoặc do thay đổi nội dung chương trình đào tạo nên giáo viên không có giờ giảng đủ định mức, nên cho phép quy đổi số giờ NCKH vượt định mức của giáo viên thành giờ chuẩn giảng dạy. Việc quy đổi này tạo điều kiện cho giáo viên được xem là hoàn thành định mức giảng dạy trong năm khi đánh giá, xếp loại giáo viên hàng năm. Làm được điều này sẽ là “cú hích” quan trọng và cần thiết để giáo viên chú tâm vào các hoạt động NCKH.
Thứ tư, tiếp tục gia tăng lợi ích về vật chất lẫn tinh thần cho cá nhân tích cực thực hiện hoạt động NCKH. Tăng cường trách nhiệm và thực hiện các chế độ, chính sách khuyến khích giáo viên NCKH. Đối với giáo viên có nhiều thành tích trong NCKH, Nhà trường cần có sự động viên, khích lệ bằng các chế độ khen thưởng kịp thời đối với những giáo viên đó; ưu tiên khi xét chức danh giảng dạy và các danh hiệu thi đua khác. Chú trọng gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ NCKH của giáo viên với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Thứ năm, yêu cầu các đề tài NCKH phải đảm bảo tính vừa sức, ít tốn kém về kinh phí, thời gian đi lại trong quá trình thực hiện. Tính vừa sức thể hiện ở việc xác định mục tiêu, đối tượng nghiên cứu phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, với ngành. Kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, phạm vi, địa bàn nghiên cứu không quá xa Trường.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu cơ chế để tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động NCKH. Tập trung đầu tư đối với các đề tài thực sự cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả cao.
Thứ bảy, thực hiện nghiêm túc, tránh hiện tượng nể nang, dễ dãi trong việc đánh giá, nghiệm thu đề tài. Việc tổ chức hội đồng nghiệm thu các đề tài cần mời các chuyên gia khoa học ở các cơ sở bên ngoài Trường tham gia, tránh tình trạng “chấm điểm lẫn nhau”, một số trường hợp có thể vận dụng hình thức “phản biện kín”, “nhận xét kín”. Gắn kết quả nghiên cứu với từng đơn vị, cá nhân theo nhiệm vụ được giao và phải có hình thức khen thưởng hoặc xử lý thỏa đáng, đúng mức.
Thứ tám, tận dụng nguồn nhân lực có trình độ và thâm niên công tác NCKH trong Nhà trường để tổ chức các buổi bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên trẻ, chưa có kinh nghiệm NCKH. 
Thứ chín, tăng cường giao lưu, trao đổi, tạo diễn đàn liên kết giữa Nhà trường với các cơ sở đào tạo, các cơ quan, đơn vị NCKH trong và ngoài tỉnh. Nhà trường nên chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức quốc tế vừa thu hút nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động NCKH của giáo viên, vừa giúp các đề tài có tính ứng dụng cao hơn.
III. KẾT LUẬN
Hoạt động NCKH của giáo viên là một hoạt động rất quan trọng trong việc biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; là một trong những biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đánh giá thực trạng NCKH của đội ngũ giáo viên Nhà trường trong những năm qua và đưa ra giải pháp nâng cao năng lực NCKH trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo viên, góp phần xây dựng, phát triển Nhà trường, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ pháp luật cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tác giả bài viết: Ths. Hoàng Thị Thu Phương - Khoa ĐT cơ bản