Ôn lại truyền thống lịch sử của ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam

Hằng năm, cứ chuẩn bị đến ngày 09/01, học sinh, sinh viên trên khắp cả nước lại cùng nhau ôn lại lịch sử đầy hào hùng của Ngày truyền thống Học sinh sinh viên Việt Nam
Hằng năm, cứ chuẩn bị đến ngày 09/01, học sinh, sinh viên trên khắp cả nước lại cùng nhau ôn lại lịch sử đầy hào hùng của Ngày truyền thống Học sinh sinh viên Việt Nam
Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp mọi tầng lớp nhân dân đều hừng hực khí thế tham gia đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, can thiệp Mỹ và bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ. Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên diễn ra hết sức mạnh mẽ và khắp cả nước đặc biệt là tại Sài Gòn - Gia Định.
Tại Sài Gòn -Gia Định, vào ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên, giáo viên cùng 7.000 quần chúng nhân dân tham gia biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập, trả tự do cho những học sinh sinh viên bị bắt bớ trong đó có Ban Lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn và mở lại trường học.
Đoàn biểu tình đã tuần hành đến Nha Học chính và Dinh Thủ hiến của chính quyền bù nhìn để đưa đơn thỉnh nguyện. Tại đây, đoàn đã bị bọn cảnh sát và lính lê dương đàn áp dã man. Xung đột bùng nổ lên đỉnh điểm, đoàn biểu tình đã chống trả quyết liệt lại những tên lính và cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí. Nhiều người dân và nhiều em học sinh đã hy sinh trước họng súng, lưỡi lê, ngọn mác của đội quân đàn áp.
Trong tình cảnh đó, Trần Văn Ơn – một trong những học sinh đứng đầu nhóm học sinh của Trường Pestrus Ký tham gia biểu tình đã cùng với các bạn bè tiếp tục hiên ngang tiến lên phía trước tố cáo tội ác của chính quyền bù nhìn, bè lũ tay sai bán nước đồng thời che chở cho các em nhỏ phía sau. Anh đã bị trúng đạn và hy sinh vào lúc 15h30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi.
Cái chết của Trần Văn Ơn đã ngay lập tức gây náo động trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn và liên tục được các tờ báo lớn bấy giờ đưa tin. Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950, đám tang của Trần Văn Ơn đã trở thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người tham gia tiễn đưa anh và được coi là “cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn” chống lại chính quyền thực dân Pháp.
Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp cả nước. Hàng triệu học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân yêu nước đã đeo bang tang truy điệu, xuống đường tuần hành thể hiện ý chí căm thù giặc, đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp và bè lũ bán nước.
Có nhiều điều văn đã được đọc để tưởng nhớ đến anh, trong đó có điều văn có đoạn ghi: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm, tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!”
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương tinh thần anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần I tổ chức vào tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã lấy ngày 09/01 hàng năm là ngày Truyền thống Học sinh – Sinh viên.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ V diễn ra tháng 11 năm 1993 tại Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09/01 là ngày Truyền thống Sinh Viên Việt Nam.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh. Trong thời đại ngày này, tinh thần yêu nước đó được thể hiện trong thái độ và hành động hằng say học tập, lao động miệt mài, sáng tạo, đổi mới không ngừng để tạo ra những thành quả tốt đẹp cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn học- nghệ thuật, thể dục- thể thao…
Phát huy truyền thống đó, học sinh, học viên, cán bộ giáo viên Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã ra sức học tập, rèn luyện,, làm việc chăm chỉ, nhiệt huyết cùng dựng xây Trường ngày càng phát triển.

Tác giả bài viết: Ngọc Mai