Quy định Pháp luật về đảm bào quyền của người lao động

Một trong những nguyên tắc quan trọng và có ý nghĩa hàng đầu của pháp luật lao động đó là bảo vệ người lao động. Khoản 2, Điều 57 Hiến pháp 2013 quy định sự bình đẳng, bảo vệ người lao động: "Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định". Trên cơ sở đó, Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đều có những quy định để cụ thể hóa nguyên tắc này. Pháp luật đã tạo được một hành lang pháp lý thông qua việc điều chỉnh vấn đề này, trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu và làm rõ các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền của người lao động.
1. Khái niệm bảo đảm quyền của người lao động
Quyền của người lao động là vấn đề có ý nghĩa rất lớn về cả lý luận và thực tiễn không chỉ đối với cá nhân con người, tập thể người lao động, mà còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động luôn ở vị trị yếu thế hơn, có sự phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động phải trực tiếp thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Người lao động phải chấp nhận điều kiện lao động, môi trường làm việc ngay cả khi không thuận lợi (nhiệt độ, tiếng ồn, khói bụi...) Như vậy, xuất phát từ vị thế của người lao động là chủ thể yếu thế hơn và sẽ bị xâm hại đến quyền, lợi ích. Từ đó, để tạo ra quan hệ lao động được bình đẳng hơn, pháp luật lao động đã có những quy định để bảo vệ người lao động, qua đó hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động.
Trong các quy định của pháp luật lao động, nội dung của nguyên tắc bảo vệ người lao động không chỉ bao hàm trong việc bảo vệ sức lao động, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, mà nguyên tắc này được thể hiện trên nhiều phương diện: Việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm...
Dưới góc độ khoa học pháp lý, quyền của chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo một cách thức nhất định khi tham gia quan hệ pháp luật[1].Dựa trên khái niệm này, quyền của người lao động được hiểu là khả năng của người lao động xử sự theo một cách thức nhất định khi tham gia quan hệ lao động. 
Theo cách hiểu thông thường, "bảo đảm" có nghĩa là làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có được những gì cần thiết. Do vậy, bảo đảm quyền của người lao động được hiểu là các cách thức, biện pháp làm cho quyền của người lao động được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật vềbảo đảm quyền của người lao động
2.1. Bảo đảm quyền của người lao động bằng việc ghi nhận các quyền của người lao động
Quyền của người lao động được quy định chủ yếu trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Lao động 2012, Luật Việc làm 2013, Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Công đoàn 2012, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật trên và các quyền khác được quy định trong Thỏa ước lao động, nội quy lao động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Dân sự 2015 cũng có các quy định nhằm đảm bảo quyền của người lao động.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự với các quy định về các nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự và các phương thức mà người lao động có thể sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại đã tạo ra cơ sở pháp lý khá thuận lợi cho người lao động bảo vệ quyền lợi của mình. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã bổ sung một số quy định theo hướng bảo vệ quyền lợi người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động nếu đơn phương buộc thôi việc, sa thải người lao động trái quy định của pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt đối với tội danh này là có thể bị phạt tiền (tối đa đến 200 triệu đồng), phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù đến 3 năm, ngoài ra người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm (Điều 162, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017).
Điều này cho thấy, pháp luật về bảo đảm quyền của người lao động tồn tại ở nhiều văn bản luật khác nhau mà cụ thể nhất là tại Bộ luật Lao động 2012. Xem xét về quyền của người lao động trong các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, nội dung bảo đảm quyền của người lao động bằng việc ghi nhận các quyền cụ thể của người lao động thông qua quy định tại Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động 2012, đây được xem là quy định nền tảng cho các chế định trong pháp luật lao động nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc bảo vệ người lao động, cụ thểnhư sau:
Thứ nhất, bảo đảm việc làm cho người lao động
Điều 23 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDDHR) quy định: "Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp".
Tại Việt Nam, Khoản 1, Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định: "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc". Đây là một trong những quyền con người quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động. Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động có quyền: Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử. Theo đó, việc tuyển dụng người lao động được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận và tự định đoạt của các bên theo nguyên tắc của thị trường và pháp luật. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển người lao động; người lao động có quyền trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng lao động hoặc đăng ký tại tổ chức Dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm. Ít nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động. Nội dung thông báo bao gồm: Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển; loại hợp đồng dự kiến giao kết; mức lương dự kiến; điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc... (Điều 5 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm).
Người cần tìm việc làm có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký lại các tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm công việc. Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, làm bất cứ công việc mà pháp luật không cấm cũng như có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe và học nghề phù hợp với yêu cầu về việc làm của mình. bên cạnh quyền tự do việc làm, các chế độ về tiền lương, điều kiện lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi cũng được xác định theo nguyên tắc chung, không phân biệt thành phần kinh tế, giới tính. Điều này góp phần cho việc thực hiện quyền tự do lao động của công dân. Trong trường hợp điều kiện lao động không đảm bảo hoặc khi có cơ hội tốt hơn, người lao động có thể chấm dứt quan hệ lao động này để tham gia vào quan hệ lao động khác trên cơ sở các quy định pháp luật. Từ việc xác định quyền người lao động trong việc lựa chọn việc làm, pháp luật cũng ghi nhận trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, theo đó Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm[2]. Với quy định này của Bộ luật Lao động, cho thấy quyền được đảm bảo việc làm của người lao động thể hiện rõ trong các quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như: Đảm bảo việc làm cho nguời lao động trong các trường hợp đặc biệt như thay đổi cơ cấu tổ chức, công nghệ sản xuất, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp; đảm bảo việc làm đối với một số lao động đặc thù như lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động khuyết tật...
Thứ hai, bảo đảm quyền được hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể.
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận [3]. Do vậy tiền lương có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động, giúp cho người lao động và gia đình của họ có thể duy trì được mức sống tối thiểu. Để đảm bảo quyền của người lao động về tiền lương tại Khoản 3, Điều 90 Bộ luật Lao động 2012 có quy định: " Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau". Hay để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi không được trả lương đúng thời hạn pháp luật lao động có quy định: " Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu này dựa trên các điều kiện về kinh tế và xã hội của địa phương cũng như mức bình quân trên thị trường lao động. Chính phủ phủ công bố mức tiền lương tối thiểu được xác định theo giờ, ngày tháng và được xác lập theo vùng, ngành khác nhau. Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2019 được quy định tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định trên tiếp tục quy định mức lương tổi thiểu của người lao động đã qua đào tạo phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng ít nhất 7%. Người sử dụng lao động và người lao động đang trong quá trình thử việc có thể thỏa thuận về mức thử việc nhưng ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương bình thường của công việc đó. Nếu một người học việc (trong thời gian học nghề, đào tạo nghề) trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất ra sản phẩm để bán, tiền lương phải được thỏa thuận giữa các người học việc và doanh nghiệp.
 Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2012. Người lao động phải được thông báo về những lý do khấu trừ tiền lương của mình, tuy nhiên mức khấu trừ không được vượt quá 30% tiền lương tháng của người lao động sau khi trích nộp các bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập (Điều 101 Bộ luật Lao động 2012). Bên cạnh đó, để bảo vệ người lao động, pháp luật lao động cũng quy định mức bồi thường, trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những trường hợp làm việc do rủi ro khách quan hoặc do lỗi của người sử dụng lao động như bị ngừng việc, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải điều trị hoặc bị chấm dứt hợp đồng sa thải trái pháp luật... người lao động đều được người sử dụng lao động trả lương.
Bên cạnh đó, người lao động được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Cụ thể, tại các Điều 133, 137, 138 Bộ luật Lao động 2012 quy định các bên tham gia phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi làm việc và yêu cầu mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các mối nguy hại có thể ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của người lao động. Người sử dụng lao động phải có các nghĩa vụ: Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;  Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động;  Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng; Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc;  Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên, người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với người lao động làm các công việc nguy hiểm, độc hại phải có đầy đủ áo quần bảo hộ và các thiết bị bảo hộ lao động. Phương tiện bảo vệ cá nhân phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng[4] và được quy định rõ ở Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2016 của Bộ Lao động - Thuơng binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện lao động cá nhân. Người sử dụng lao động phải trang bị các thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động miễn phí và nghiêm cấm việc người sử dụng lao động trả tiền thay cho trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân hoặc giao tiền cho người lao động mua các thiết bị bảo hộ cá nhân.
Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Bên cạnh đó,Bộ luật Lao động 2012 có các quy định để bảo vệ quyền của người lao động về nghỉ ngơi. Cụ thể, người lao động được nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể.Theo đó, Bộ luật Lao động có các quy định tại Chương VII về Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cụ thể: Người lao động được nghỉ trong giờ làm việc theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2012 (nghỉ 30 phút nếu tính vào thời giờ làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ, 45 phút nếu làm việc vào ban đêm...); nghỉ chuyển ca theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2012 (nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác); nghỉ hằng tuần theo quy định của Điều 110 Bộ luật Lao động 2012 (nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần...); nghỉ hằng năm có lương theo theo quy định tại Điều 111, 112, 113 và 114 của Bộ luật Lao động 2012; nghỉ Lễ, Tết theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Lao động 2012.
Thứ ba, bảo đảm quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động
Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn[5]. Từ đây, có thể thấy quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là một trong những quyền quan trọng trong nguyên tắc bảo vệ người lao động được pháp luật thừa nhận.
Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động làm việc trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn 2012. Theo đó, công đoàn cơ sở được thành lập ở cấp độ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở. Các tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở. Nghiêm cấm các hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn; phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân[6].
Khi công đoàn cơ sở được thành lập theo đúng quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cơ sở hoạt động. Công đoàn cơ sở có các quyền sau: Đại diện cho lợi ích tập thể người lao động bằng việc đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tranh tụng tại Tòa án khi có tranh chấp về thỏa ước lao động tập thể; hợp tác với các doanh nghiệp trong việc xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương; hướng dẫn và tư vấn cho người lao động về quyền và nghĩa vụ của mình khi ký kết và thực hiện hợp đồng lao động với doanh nghiệp; đại diện cho người lao động trong việc thực hiện các hoạt động pháp lý tại Tòa với sự ủy quyền của người lao động; tham gia giải quyết các tranh chấp lao động cùng với cơ quan thẩm quyền; tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, bảo đảm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, đối với loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do.Đối với loại hợp đồng lao động khác, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi: Người sử dụng lao động không bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng; người sử dụng lao động không trả công đầy đủ và đúng thời hạn theo hợp đồng; người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 3 tháng liền đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và 1/4 thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được phục hồi; khi bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; khi người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ…
Bên cạnh đó, Điều 39 Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, như sau: (i)  Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động 2012; (ii) người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý; (iii) lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật Lao động 2012; (v) người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; (vi) ngghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Để bảo đảm các quyền lợi của người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật, người sử dụng lao động phải có các trách nhiệm sau: (i) Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;  (ii) trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động 2012; (iii) trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại Khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động 2012 và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động 2012, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động; (iv) trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động; (v) trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Đối với người lao động, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2012.
Thứ năm, bảo đảm quyền đình công của người lao động.
Quyền đình công của người lao động được công nhận theo quy định của Bộ luật Lao động 2012. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động[7].
Có thể nói đình công là biện pháp trực tiếp, mạnh mẽ nhất của người lao động để đồi thực hiện đúng các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo pháp luật, nhất là đòi thỏa mãn những yêu cầu của người lao động về tiền lương, điều kiện làm việc và những đảm bảo xã hội, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng rất lớn của đình công đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xã hội mà quyền đình công này được giới hạn trong một khuôn khổ pháp luật cho phép và phải tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định theo quy định pháp luật. Theo đó, ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo; ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động[8]. Công đoàn có quyền lấy ý kiến tập thể lao động liên quan đến cuộc đình công; tổ chức và lãnh đạo đình công; đàm phán các vấn đề trnah chấp lao động; thu hồi quyết định tổ chức đình công và yêu cầu Tòa án công bố cuộc đình công là bất hợp pháp...
Bộ luật Lao động 2012 nghiêm cấm một số hành vi nhất định được thực hiện bời người lao động, tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động trước và trong thời gian đình công như cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc; dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; xâm phạm trật tự, an toàn công cộng; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công; trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công; lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đơn vị sử dụng lao động không được đình công là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng, bao gồm: (i) Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia; (ii) Thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas; (iii)  Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;  (iv) cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước; (v) cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương; (vi) trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng[9].
2.2. Bảo đảm quyềncủa người lao động thông qua các thiết chế quản lý nhà nước
Nhà nước thực hiện việc quản lý lao động trong nền kinh tế thị trường trước hết là để bảo vệ các bên tham gia quan hệ lao động, bảo đảm quyền tự do của các bên tham gia quan hệ lao động, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật các bên tham gia quan hệ lao động. Nhà nước thực hiện quyền quản lý lao động trên cả ba mặt: ban hành cơ chế, chính sách pháp luật về lao động; tổ chức thực hiện pháp luật lao động; theo dõi, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc tuân thủ pháp luật lao động; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động của các bên tham gia quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Lao động 2012 quản lý nhà nước về lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: (i) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lao động; (ii) theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về cung cầu và sự biến động cung cầu lao động; quyết định chính sách, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, dạy nghề, phát triển kỹ năng nghề, xây dựng khung trình độ nghề quốc gia, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội. Quy định danh mục những nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; (iii) tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học về lao động, thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, thu nhập của người lao động;(iv) xây dựng các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; (v) thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về lao động; giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật;  (vi) hợp tác quốc tế về lao động.
Hệ thống quản lý hoạt động của Nhà nước được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước thông qua hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về lao động:  Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình[10].
Nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ luật Lao động quy đinh: thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao đông; điều tra tai nạn lao động và những vi phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật; xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về lao động[11].
Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013ngày 22/08/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
2.3. Bảo đảm quyền của người lao động thông qua tổ chức Công đoàn
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[12]. Công đoàn đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động[13].
Bộ luật Lao động 2012 quy định Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định; tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật về lao động, pháp luật về công đoàn cho người lao động[14].
Vai trò của Công đoàn tại các doanh nghiệp được thể hiện qua các nội dung:
Một là, Công đoàn đại diện cho người lao đồng ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Hai là, Công đoàn bảo vệ người lao động trong lĩnh vực tiền lương.
Ba là, Công đoàn tham gia giải quyết việc làm cho người lao động.
Bốn là, Công đoàn tham gia xây dựng nội quy lao động và xử lý kỷ luật lao động.
Năm là, Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Sáu là, Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp.
Bảy là, Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án.
Bảy là, Công đoàn lãnh đạo đình công.
Tám là, Công đoàn tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
2.4. Bảo đảm quyền của người lao động thông qua thủ tục tố tụng tại Tòa án
Việc giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án được thực hiện bởi Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động và đại diện cho người lao động được quyền khởi kiện vụ án lao động, quyền yêu cầu giải quyết định công. Đây là cơ sở để người lao động tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại.
Điều 201 Bộ luật Lao động 2012 quy định, những tranh chấp lao động cá nhân sau đây không phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thủ tục tố tụng chặt chẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Pháp luật về bảo đảm quyền của người lao động có ý nghĩa rất quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước trong việc duy trì quan hệ lao động tốt đẹp, bền vững. Nguyên tắc bảo vệ người lao động được pháp luật đưa ra nhằm tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ổn định, ở đây người lao động chính là nguồn lực chủ yếu để sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó phát triển xã hội. Thông qua các quy định pháp luật vềbảo đảm quyền của người lao độngsẽ đảm bảo đời sống cho người lao động, tránh những xung đột giữa các chủ thể trong quan hệ lao động, đảm bảo một thể chế chính trị vững chắc./.


[1] Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Công an nhân dân, 2002.
[2] Khoản 2, Điều 9 Bộ luật Lao động 2012.
[3]  Khoản 1, Điều 90 Bộ luật Lao động 2012.
[4] Điều 149 Bộ luật Lao động 2012
[5] Điều 10 Hiến pháp 2013; Điều 1 Luật Công đoàn 2012 và Điều 188 Bộ luật Lao động 2012
[6] Điều 190 Bộ luật Lao động 2012; Điều 9 Luật Công đoàn 2012.
[7] Khoản 1, Điều 209 Bộ luật Lao động 2012.
[8]Điều 210 Bộ luật Lao động 2012.
[9]Nghị định số 41/2013/NĐ-CP ngày 08/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật Lao động về Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử sụng lao động không được đình công.
[10] Điều 236 Bộ luật Lao động 2012.
[11] Điều 237 Bộ luật Lao động 2012.
[12] Điều 1 Luật Công đoàn 2012.
[13]Điều 10 Hiến pháp 2013.
[14]Điều 188Bộ luật Lao động 2012.

Tác giả bài viết: Đặng Thị Thuần