Quy định về nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần

TS. Lê Văn Đức - Khoa Đào tạo cơ bản
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012.
- Công ước số 102 (năm 1952) của ILO về các quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội.
- Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.
- Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22/06/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thông tư 35/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
1. Đối tượng, điều kiện hưởng và mức hưởng
1.1. Đối tượng và điều kiện hưởng
Việc quy định chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mục đích trợ cấp cho những người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu khi nghỉ việc. Tuy nhiên, mục tiêu chính của bảo hiểm xã hội hướng tới là chế độ lương hưu. Đây cũng chính là lý do mà trong chế độ trợ cấp tuổi già (trong đó có bảo hiểm hưu trí) được quy định trong Công ước số 102 năm 1952 của Tổ chức lao động quốc tế không bao gồm chế độ nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Thời gian trước đây ở nước ta điều kiện hưởng chế độ nhận bảo hiểm xã hội một lần được quy định khá dễ dàng. Theo đó, tất cả những người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu khi nghỉ việc, nếu có nhu cầu đều được giải quyết chế độ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Sau một quá trình thực hiện, quy định này đã bộc lộ nhược điểm, mục tiêu của chế độ hưu trí khó đạt được. Vì vậy, điều kiện hưởng chế độ này được quy định ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện nay, chỉ những trường hợp khi nghỉ việc, người lao động khó khăn hoặc không có điều kiện thực tế mới được giải quyết chế độ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trường hợp không được giải quyết chế độ nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động phải bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để có thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi tiếp tục tham gia quan hệ lao động hoặc chuyến sang đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập ổn định đảm bảo đời sống khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động. Thực tế, các trường hợp được giải quyết chế độ nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ ngày càng thu hẹp hơn theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá XII: “Mục III.2 Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Quy định theo hướng này được coi là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
1.2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần (khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bằng cách lấy hệ số trợ cấp nhân với số năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trường hợp Nhà nước có quy định mức trợ cấp tối thiểu thì người lao động không bị hưởng dưới mức tối thiểu đó. Theo đó:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
* Lưu ý:
+ Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ rường hợp người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế (khoản 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
+ Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
+ Trường hợp tính đến trước 01/01/2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/2014 trở đi.
2. Các trường hợp được nhận bảo hiểm xã hội một lần (khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)
Người lao động có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (hoặc chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn) và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
3. Điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
3.1. Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng như sau:
Năm Trước 1995 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006
Mức điều chỉnh 4,85 4,12 3,89 3,77 3,5 3,35 3,41 3,42 3,29 3,19 2,94 2,73 2,54
Năm 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
Mức điều chỉnh 2,35 1,91 1,79 1,64 1,38 1,26 1,18 1,14 1,13 1,10 1,06 1,03 1,00
 
3.2. Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh theo công thức sau:
Thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm  x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng
Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng như sau:
Năm 2008 2009 2010 2011 2012 2013
Mức điều chỉnh 1,86 1,74 1,59 1,34 1,23 1,15
Năm 2014 2015 2016 2017 2018 2019
Mức điều chỉnh 1,11 1,10 1,07 1,04 1,00 1,00
4. Thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần
Người lao động có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị nhận bảo hiểm xã hội một lần tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh (trong trường hợp bảo hiểm xã hội được phân cấp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần) tại nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Hồ sơ bao gồm:
(1) Sổ bảo hiểm xã hội.
(2) Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động theo mẫu số 14-HSB (ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019).
(3) Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp.
+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.
+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
(4) Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được; nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động  của Hội đồng giám định y khoa thể hiện tình trạng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự phục vụ được.
(5) Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
(6) Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu số 04B-HBKV (ban hành kèm theo Thông tư 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ bảo hiểm xã hội không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực).
 * Lưu ý:
- Đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam hưởng BHXH một lần: Hồ sơ gồm các loại giấy tờ (2), (4), (5).
- Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng ra nước ngoài để định cư hưởng trợ cấp một lần: Hồ sơ gồm các loại giấy tờ (2), (3).
- Đối với người nước ngoài đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam hưởng trợ cấp một lần: Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm cho người lao động.