Bộ máy nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Bộ máy nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào bao gồm hệ thống các cơ quan nhà nước khác nhau về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức.
1. Quốc hội
Quốc hội là cơ quan đại diện quyền lợi, lợi ích của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm. Thành viên của Quốc hội là công dân Lào được bầu theo quy định của pháp luật. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong.
Trong trường hợp chiến tranh hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá sáu tháng.
Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cơ bản sau đây (Điều 53 Hiến pháp 2015)
-  Xem xét, thông qua Hiến pháp và pháp luật.
- Xem xét, thông qua chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch dự toán Ngân sách Nhà nước.
- Xem xét, thông qua chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ, tỷ lệ thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ của Chính phủ, tỷ lệ nợ công.
- Xem xét, thông qua việc xác định, sửa đổi, bãi bỏ hoặc miễn thuế và thuế quan.
- Giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của cơ quan nhà nước.
- Bầu, miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Bầu, miễn nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Bầu, miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của Chủ tịch nước;
- Bầu, miễn nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước theo đề nghị của Chủ tịch nước.
- Xem xét và thông qua đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Thư ký của Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Xem xét, phê duyệt việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên của Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Xem xét, phê duyệt việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
- Xem xét, phê duyệt cơ cấu tổ chức của Quốc hội, thành lập, sáp nhập, tách các Ủy ban và Ban thư ký của Quốc hội.
- Xem xét, phê duyệt cơ cấu của Chính phủ, thành lập, sáp nhập, tách, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Xem xét, xác định ranh giới của tỉnh, thành phố trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Xét đề nghị giải thể Hội đồng nhân dân tỉnh trong trường hợp HĐND gây thiệt hại lớn cho lợi ích của nhân dân và đất nước.
- Xem xét, quyết định việc đại xá theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Xem xét, phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các hiệp định và thoả thuận quốc tế dựa trên khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Quyết định các vấn đề chiến tranh, hòa bình theo đề nghị của Chủ tịch nước.
- Bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp và pháp luật, trừ quyết định thi hành bản án của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
- Giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định những vấn đề cần thiết và khẩn cấp sau đó báo cáo với Quốc hội.
Quốc hội khoá VIII (2016-2020) do nữ đồng chí Pa-ny Ya-tho-tu làm Chủ tịch.
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
* Ủy ban thường vụ Quốc hội
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thay mặt Quốc hội khi Quốc hội không họp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bao gồm một số Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên.
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có các quyền và nhiệm vụ sau đây (Điều 56 Hiến pháp 2015)
- Tổ chức việc chuẩn bị và triệu kỳ họp Quốc hội.
- Trình dự thảo, giải thích Hiến pháp, luật.
- Trình dự thảo Quyết định lên Chủ tịch nước.
- Bổ nhiệm, chuyển hoặc bãi nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
- Thành lập Ủy ban Bầu cử Quốc gia.
- Phê chuẩn hiệp ước mà Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là một bên và thoả thuận quốc tế theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Chấp nhận và xem xét tính hợp pháp của quốc tịch.
* Đại biểu Quốc hội
Các thành viên của Quốc hội có quyền chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Người bị chất vấn phải có văn bản gửi Quốc hội.
Không được bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Chủ tịch nước
Nhà nước Lào là Nhà nước dân chủ nhân dân, của dân, do dân, vì dân, bao gồm các tầng lớp trong xã hội, trong đó công nhân, nông dân và trí thức là lực lượng nòng cốt. Nhà nước bảo vệ quyền tự do và quyền dân chủ của người dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về đối nội và đối ngoại. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo độc lập, chủ quyền, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ tịch nước được Quốc hội bầu với hơn 2/3 số thành viên Quốc hội tán thành.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Chủ tịch nước nắm giữ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Chủ tịch nước có một Văn phòng giúp việc.
Chủ tịch nước có thể có Phó Chủ tịch do Quốc hội bầu với số phiếu tán thành hơn 2/3 số đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Phó Chủ tịch thực hiện tất cả các nhiệm vụ được Chủ tịch nước giao và thay mặt Chủ tịch nếu Chủ tịch có nhiệm vụ khác. Trong trường hợp Chủ tịch không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, Phó Chủ tịch sẽ thi hành nhiệm vụ này cho đến khi Quốc hội bầu một Chủ tịch nước mới.
Quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch nước (Điều 68 Hiến pháp 2015)
- Công bố Hiến pháp, luật.
- Ban hành Sắc lệnh, quyết định.
- Triệu tập và chủ trì các cuộc họp đặc biệt của Chính phủ, dự kỳ họp thường trực của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nếu xét thấy cần thiết.
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ sau khi được Quốc hội phê chuẩn.
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Kiểm toán Nhà nước theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan.
- Quyết định việc thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong lực lượng quốc phòng, an ninh trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng Văn phòng Chủ tịch nước có chức vụ tương đương với Bộ trưởng.
- Bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHDCND Lào; triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và chấp nhận các đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ngoài tại Lào.
 - Thông báo việc bổ nhiệm Uỷ ban bầu cử quốc gia, ngày bầu cử, số người ứng cử, số đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Tuyên bố về các vấn đề chiến tranh, hòa bình theo đề nghị của Quốc hội, quyết định tổng động viên và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi cả nước hoặc tại địa phương.
- Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước và khen thưởng bằng các hình thức khác theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
- Quyết định về việc ân xá theo đề nghị của Chính phủ; thông báo về việc ân xá sau khi được Quốc hội thông qua.
- Quyết định cấp người tị nạn nước ngoài chính trị.
- Đàm phán hoặc ký kết điều ước, thoả thuận quốc tế nhân danh Nhà nước; Thông báo về việc gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.
3. Chính phủ
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và thống nhất trên toàn quốc. Chính phủ quản lý thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ công trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, ngoại giao, văn hoá-xã hội, giáo dục đào tạo, y tế… Chính phủ có nghĩa vụ thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định và Sắc lệnh của Chủ tịch nước.
Chính phủ bao gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với nhiệm kỳ công tác theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (Điều 70 Hiến pháp 2015)
- Thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Sắc lệnh của Chủ tịch nước.
- Trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án Nghị quyết trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Sắc lệnh của Chủ tịch nước.
- Ban hành Nghị định, Nghị quyết về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tài nguyên, môi trường, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại.
- Xây dựng Chiến lược quốc gia và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự án ngân sách nhà nước sau khi Quốc hội thông qua.
- Trình Quốc hội quyết định thành lập, hợp nhất, chia, giải thể các bộ, cơ quan ngang bộ, địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan thuộc Bộ.
- Quyết định thành lập, bãi bỏ huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và xác định ranh giới thành phố, thành phố thuộc tỉnh sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
 - Thành lập, bãi bỏ các  đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Giám sát, theo dõi hoạt động của các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng quốc phòng, an ninh;
- Quyết định trao thu hồi quốc tịch cho công dân Lào.
- Quyết định công nhận quốc tịch người nước ngoài tại Lào.
- Tổ chức đàm phán, ký, thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước mà cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một bên và thoả thuận quốc tế ở cấp chính phủ.
- Huỷ bỏ lệnh, quyết định, chỉ thị của Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trái với Hiến pháp, luật, trừ quyết định thi hành bản án của Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân;
- Định kỳ báo cáo công tác trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Chính phủ bao gồm Thủ tướng chính phủ, Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
* Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và đại diện cho Chính phủ lãnh đạo, giám sát các hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương; Bổ nhiệm, luân chuyển, cách chức Thứ trưởng, Phó cục trưởng, Vụ trưởng, và chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, cách chức Tỉnh trưởng, Đô trưởng thành phố trực thuộc trung ương sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; đề xuất việc nâng bậc, hạ bậc cấp tướng; phong cấp hoặc hạ cấp đại tá trong lực lượng quốc phòng và an ninh.
* Phó Thủ tướng Chính phủ
Phó Thủ tướng Chính phủ giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ có thể chỉ định một Phó Thủ tướng đặc biệt để thực hiện công việc của Thủ tướng trong thời gian vắng mặt.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Quốc hội có thể bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ hoặc bất kỳ thành viên nào của Chính phủ nếu Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc một phần tư tổng số thành viên của Quốc hội đề nghị.
4. Chính quyền địa phương
* Hội đồng nhân dân
Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích nhân dân các bộ tộc Lào, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện vai trò xem xét việc thông qua các văn bản pháp luật quan trọng, giải quyết các vấn đề cơ sở địa phương và theo dõi, kiểm tra hoạt động của các cơ quan chính quyền tại địa phương.
Hội đồng nhân dân bao gồm ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, bản. Quốc hội có thể quyết định thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp bản.
Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
* Ủy ban nhân dân
Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Hội đồng nhân dân.
Đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh là Tỉnh trưởng, Thủ đô là Đô trưởng, cấp huyện là Huyện trưởng, thành phố là Thành trưởng, thị xã là Thị trưởng, cấp bản là Trưởng bản.
Phó Tỉnh trưởng giúp việc cho Tỉnh trưởng; Phó Đô trưởng giúp việc cho Đô trưởng; Phó huyện trưởng giúp việc cho Huyện trưởng; Phó Thành trưởng giúp việc cho Thành trưởng; Phó thị trưởng giúp việc cho Thị trưởng.
Tỉnh trưởng, Đô trưởng, Huyện trưởng, Thành trưởng, Thị trưởng không thể giữ chức vụ trong hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
5. Toà án nhân dân
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Toà án nhân dân Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào bao gồm Toà án nhân dân tối cao, Toà án địa phương và Toà án quân sự. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án khác có thể được thành lập theo quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
* Tòa án nhân dân tối cao
Toà án nhân dân tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất của Cộng hoà Nhân dân Lào.
Toà án nhân dân tối cao xem xét bản án, quyết định của Toà án nhân dân các cấp và Toà án quân sự.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm.
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án và thẩm phán tòa án nhân dân các cấp do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
6. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hiện quyền công tố, kiểm sát việc tôn trọng, cưỡng chế thi hành luật trong phạm vi cả nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Viện kiểm sát nhân dân bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo hoạt động viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Phó Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Viện trưởng, Phó viện trưởng nhân dân các cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Trong quá trình tố tụng, Công tố viên của cơ quan truy tố chỉ thực hiện theo pháp luật và lệnh của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân.
7. Kiểm toán Nhà nước
 Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước bao gồm có cơ quan kiểm toán trung ương và cơ quan thanh tra địa phương.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định.
Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo trước Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động Kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chủ tịch cơ quan Kiểm toán nhà nước theo đề nghị của Chủ tịch Kiểm toán nhà nước.
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có các quyền và nhiệm vụ sau đây:
- Hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Báo cáo hoạt động và kết quả rà soát dự toán ngân sách nhà nước trước Quốc hội.
- Đề xuất các cơ quan quản lý tài chính liên quan sử dụng các biện pháp chống lãng phí, tham nhũng tài sản nhà nước.
8. Ủy ban bầu cử Quốc gia
Ủy ban bầu cử bao gồm ủy ban bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử địa phương.
Ủy ban bầu cử quốc gia do Chủ tịch nước ra sắc lệnh công bố chính thức theo quyết định thành lập của Ủy ban thường vụ quốc hội có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn việc bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân địa phương và ủy ban bầu cử địa phương.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp địa phương do luật định.
Ủy ban bầu cử quốc gia bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và một số Ủy viên. Nhiệm kỳ của Ủy ban Bầu cử quốc gia sẽ kết thúc sau khi hoàn thanh hội nghị lần đầu của quốc hội khóa đó.
Đối với quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Bầu cử cấp quốc gia được quy định trong luật.
 

Tác giả bài viết: Lê Hiền