TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ VIỆC LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ KỸ THUẬT SOẠN GIÁO ÁN LÝ THUYẾT TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG LUẬT MIỀN TRUNG

Đặt vấn đề
Trong thực tiễn lập kế hoạch và tiến hành dạy học, người giảng viên thường xuyên đối diện với câu hỏi: làm thế nào để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp và có hiệu quả? Thiết kế, xây dựng các nội dung trong giáo án như thế nào cho phù hợp? Các nhà giáo dục học đã chỉ ra khá nhiều phương pháp dạy học và thường đưa ra lời khuyên mỗi phương pháp dạy học có một giá trị riêng, không có phương pháp dạy học là vạn năng, giữ vị trí độc tôn trong dạy học, mà cần phải có sự phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học một cách hợp lý và khoa học và việc giảng viên xây dựng giáo án giảng dạy cũng phải linh hoạt lựa chọn các phương pháp dạy học cụ thể. Vấn đề đặt ra là khi lựa chọn phương pháp dạy học, giảng viên đào tạo nghề nói chung và giảng viên của Trường Cao đẳng Luật miền Trung nói riêng cần dựa trên những cơ sở lý luận về dạy học đồng thời cũng dựa trên thực tiễn đào tạo, giảng dạy tại Nhà trường.
1. Lựa chọn phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện phù hợp với chương trình đào tạo nghề pháp luật
1.1. Khái niệm phương pháp dạy học
Hiện nay có khá nhiều quan điểm, định nghĩa được đưa ra về phương pháp dạy học. Sau đây, tác giả xin nêu một số định nghĩa tiêu biểu:
Phương pháp dạy học là cách thức tương tác giữa thầy và trò nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển trong quá trình dạy học (Babanski 1983).
Phương pháp dạy học là một hệ thống hành động có mục đích của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của học sinh, đảm bảo cho học sinh lĩnh hội nội dung học vấn (Lecsne 1981).
Phương pháp dạy học là cách thức hoạt động tương hỗ giữa thầy và trò nhằm đạt được mục đích dạy học. Hoạt động này được thể hiện trong việc sử dụng các nguồn nhận thức, các thủ thuật logic, các dạng hoat động độc lập của học sinh và cách thức điều khiển quá trình nhận thức của thầy giáo (Dverev 1980).
Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về phương pháp dạy học, song các tác giả đều thừa nhận rằng phương pháp dạy học có những dấu hiệu đặc trưng sau:
- Phương pháp dạy học định hướng thực hiện mục tiêu dạy học.
- Phương pháp dạy học là sự thống nhất của phương pháp dạy và phương pháp học.
- Phương pháp dạy học thực hiện thống nhất chức năng dạy học và giáo dục.
- Phương pháp dạy học là sự thống nhất của logic nội dung dạy học và logic tâm lý nhận thức.
- Phương pháp dạy học có mặt bên ngoài và bên trong.
- Phương pháp dạy học có mặt khách quan và chủ quan.
- Phương pháp dạy học là sự thống nhất của cách thức hành động và phương tiện dạy học.
Trên cơ sở các dấu hiệu đặc trưng này, có thể hiểu phương pháp dạy học là những hình thức, cách thức hoạt động giữa người dạy và người học nhằm đạt được các mục tiêu dạy học xác định. Đồng thời, phải đảm bảo phù hợp với nội dung và các điều kiện dạy học cụ thể.
Phương pháp dạy học có ba bình diện: (i) Bình diện vĩ mô là quan điểm về phương pháp dạy học; (ii) Bình diện trung gian là phương pháp dạy học cụ thể; (iii) Bình diện vi mô là kỹ thuật dạy học.
1.2. Yêu cầu của việc lựa chọn phương pháp dạy học
Thứ nhất, việc chọn phương pháp dạy học phải phù hợp để thực hiện được mục tiêu dạy học
Mục tiêu dạy học có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó định hướng và giúp giảng viên lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học của mình và khi thực hiện, sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của kế hoạch này. Nó còn định hướng cho việc tìm hiểu các tài liệu dạy học, là cơ sở xác định các kết quả học tập, kiểm tra, đánh giá người học, người dạy cũng như giá trị của một bài giảng, một chương trình đào tạo.
Việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp sẽ giúp cho giảng viên thực hiện nội dung bài học một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao theo mục tiêu dạy học đã xây dựng trước đó.
Thứ hai, việc chọn phương pháp dạy học phải tương thích với nội dung học tập của học sinh, sinh viên
Để các phương pháp dạy học đạt được hiệu quả cao nhất thì giáo viên cần xác định cụ thể các nội dung trọng tâm của bài học. Trên cơ sở các nội dung, giảng viên lựa chọn phương pháp phù hợp với từng nội dung bài học. Ở đây, giảng viên cần lưu ý có thể sử dụng một phương pháp hoặc song hành nhiều phương pháp để phát huy tối đa hiệu quả truyền đạt nội dung bài học đến học sinh, sinh viên.
Thứ ba, việc chọn các phương pháp dạy học đáp ứng sự hứng thú, thói quen của học sinh, sinh viên và kinh nghiệm sư phạm của giảng viên
Nhìn chung, học sinh, sinh viên đang theo học tại Trường ngoan ngoãn, chăm chỉ, vâng lời thầy cô giáo. Các em đa số là học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, học song song hai chương trình trung học phổ thông và trung cấp Luật. Các em bước đầu cũng đã tiếp cận được môn học và hình thành cách học, hợp tác với giảng viên phụ trách môn học. Tuy nhiên, đối với lứa tuổi học sinh này các em biểu hiện cảm xúc đối với môn học tương đối rõ. Những môn học yêu thích các em sẽ chăm chú nghe giảng, trao đổi tích cực với giảng viên. Nhưng đối với những môn học phải nghe giảng nhiều, làm nhiều bài tập, câu hỏi của giảng viên đưa ra khá khó đối với học sinh… thì các em sẽ không cảm thấy hứng thú, hào hứng với việc học, không hợp tác với giảng viên, do đó, hiệu quả áp dụng phương pháp dạy học sẽ không đạt được.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương pháp dạy học cũng phải phù hợp với kinh nghiệm sư phạm của giảng viên. Các giảng viên không lựa chọn quá nhiều phương pháp cho một nội dung, lựa chọn phương pháp vượt quá với khả năng, điều kiện dạy học mà mình có, cũng như việc lựa chọn phương pháp phải phù hợp với kinh nghiệm giảng dạy của mình. Tránh trường hợp giảng viên lựa chọn phương pháp giảng dạy và làm khó cho chính bản thân mình khi triển khai trên lớp học.
Thứ tư, việc chọn phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện dạy học cụ thể
Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện dạy học tương đối đầy đủ và hiện đại. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để giảng viên có thể áp dụng các phương pháp dạy học. Do đó, khi giảng dạy, giảng viên cần chủ động lựa chọn phương pháp dạy học, phát huy được hiệu quả của cơ sở vật chất sẵn có của Nhà trường, nhất là các phương pháp dạy học tích cực miễn là nó phù hợp với mục tiêu dạy học, tương thích với nội dung học tập, kích thích được sự hứng thú, thói quen học tập của học sinh, sinh viên và kinh nghiệm sư phạm của mình.
1.3. Lựa chọn một số phương pháp dạy học phù hợp với việc đào tạo nghề luật tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung
Tùy vào mục đích, nội dung của từng bài học, tùy vào trình độ lĩnh hội của học sinh, sinh viên và cách tiếp cận vấn đề mà mỗi giảng viên có cách lựa chọn các phương pháp dạy học khác nhau như: Phương pháp thuyết trình, phương pháp dạy học theo nhóm, phương pháp dạy học bằng tình huống, phương pháp vấn đáp, phương pháp trực quan, phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình, phương pháp đóng vai, phương pháp trò chơi, dạy học theo dự án, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học theo góc…
Trong số những phương pháp được liệt kê ở trên, việc lựa chọn và áp dụng phương pháp dạy học còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của ngành nghề đào tạo. Trong đào tạo nghề pháp luật, theo tác giả có thể sử dụng một số phương pháp chủ yếu sau:
1.3.1. Phương pháp thuyết trình
Phương pháp thuyết trình là phương pháp dạy học bằng lời nói sinh động của giảng viên để trình bày một tài liệu mới hoặc tổng kết những tri thức cho người học một cách có hệ thống.
Thuyết trình là phương pháp dạy học lâu đời nhất và hiện nay vẫn là phương pháp được sử dụng rộng rãi, đặc biệt phương pháp này cũng phù hợp với việc đào tạo luật tại các cơ sở đào tạo luật trong nước và trên thế giới. Phương pháp này giúp cho các giảng viên có thể cung cấp cho học sinh, sinh viên một khối lượng thông tin phong phú. Người giảng viên hoàn toàn chủ động điều chỉnh tài liệu cho phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu của học sinh, sinh viên.
a) Quy trình thực hiện
Phương pháp này có thể được thực hiện qua các bước:
Bước 1. Đặt vấn đề: Là bước đầu tiên nhằm thông báo vấn đề dưới dạng tổng quát để kích thích sự chú ý ban đầu của học sinh.
Bước 2. Phát biểu vấn đề: Là bước nêu lên những câu hỏi cụ thể nhằm vạch ra phạm vi những vấn đề cần phải xem xét.
Bước 3. Giải quyết vấn đề: Bước này có thể tiến hành theo logic quy nạp hay logic diễn dịch.
Bước 4. Kết luận: Là bước kết thúc việc trình bày vấn đề, khái quát bản chất của vấn đề đưa ra xem xét.
Lưu ý:
+ Khi sử dụng phương pháp thuyết trình, giảng viên sử dụng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với học sinh, sinh viên để giải thích và lấy ví dụ, tránh sử dụng những từ ngữ khó hiểu, đa nghĩa, từ hán việt…
+ Tập trung chỉnh chu giọng nói, phát âm chuẩn, cần phải tập sử dụng nhiều âm điệu khác nhau, giọng điệu lúc giảng phù hợp với từng nội dung vấn đề.
+ Phải thực sự hiểu sâu bài giảng đồng thời để nâng cao hiệu quả giảng dạy cần linh hoạt áp dụng các phương pháp dạy học.
Ví dụ: Khi giảng nội dung khái niệm văn bản quy phạm pháp luật trong môn học Luật Hành chính
Khi giảng nội dung này, giảng viên có thể sử dụng phương pháp thuyết trình. Trước tiên giảng viên trình bày khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức do pháp luật quy định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự chung để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội”. Sau đó, giảng viên đặt ra những câu hỏi cụ thể nhằm vạch ra phạm vi những vấn đề cần phải xem xét và hướng học sinh, sinh viên phân tích từng đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật. Học sinh, sinh viên sẽ tiến hành trình bày, phân tích các đặc điểm gồm: (i) văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành; (ii) văn bản chứa đựng quy tắc xử sự chung; (iii) được áp dụng nhiều lần trong cuộc sống; (iv) tên gọi, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật  được quy định cụ thể trong pháp luật. Sau khi học sinh, sinh viên trình bày nội dung theo yêu cầu đã đặt ra, giảng viên chốt lại các vấn đề liên quan đến nội dung “khái niệm văn bản quy phạm pháp luật” và lấy ví dụ một vài văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để minh chứng cho sự phân tích nêu trên.
 1.3.2. Phương pháp dạy học theo nhóm
Đây là một trong số phương pháp dạy học tích cực được đánh giá cao hiện nay, bởi nếu giảng viên có thể tổ chức tốt sẽ góp phần thúc đẩy giúp các em học sinh, sinh viên phát huy tính tích cực của bản thân. Đồng thời phát triển khả năng làm việc nhóm, trách nhiệm và khả năng giao tiếp của các em.
a) Quy trình thực hiện
 Tiến trình dạy học nhóm có thể được chia thành 3 bước cơ bản: 
Bước 1. Làm việc toàn lớp : Nhập đề và giao nhiệm vụ
- Giới thiệu chủ đề;
- Xác định nhiệm vụ các nhóm;
- Thành lập nhóm.
Bước 2. Làm việc nhóm
- Chuẩn bị chỗ làm việc;
- Lập kế hoạch làm việc;
- Thoả thuận quy tắc làm việc;
- Tiến hành giải quyết các nhiệm vụ;
- Chuẩn bị báo cáo kết quả.
Bước 3. Làm việc toàn lớp: Trình bày kết quả, đánh giá
- Các nhóm trình bày kết quả;
- Đánh giá kết quả.
b) Các kỹ thuật chia nhóm
Khi tổ chức cho học sinh, sinh viên hoạt động theo nhóm, giảng viên nên sử dụng nhiều cách chia nhóm khác nhau để gây hứng thú cho học sinh, sinh viên, đồng thời tạo cơ hội cho các em được học hỏi, giao lưu với nhiều bạn khác nhau trong lớp. Dưới đây là một số cách chia nhóm:
- Chia nhóm theo số điểm danh, theo các màu sắc, theo các loài hoa, các mùa trong năm...;
- Chia nhóm theo hình ghép;
- Chia nhóm theo sở thích;
- Chia nhóm theo tháng sinh...
Lưu ý: Có rất nhiều cách để thành lập nhóm theo các tiêu chí khác nhau, không nên áp dụng một tiêu chí duy nhất trong cả năm học. Số lượng cũng tổ chức rất linh hoạt. Nhiệm vụ của các nhóm có thể giống nhau hoặc mỗi nhóm nhận một nhiệm vụ khác nhau, là các phần trong một chủ đề chung. Giảng viên lựa chọn thời điểm, nội dung phù hợp để áp dụng phương pháp, đồng thời cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động các nhóm.
Do đặc thù học sinh, sinh viên của Trường nên giảng viên cần phải linh hoạt trong quá trình thực hiện phương pháp như: Phân công nhóm trưởng quản lý, chia nhóm phù hợp với nội dung thực hiện, chỉ định gọi bất kỳ học sinh, sinh viên báo cáo kết quả, chủ động cho nhóm tự đánh giá điểm cho mỗi thành viên…
Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học hoặc cũng có thể tìm hiểu một chủ đề mới.
Các câu hỏi kiểm tra dành cho giảng viên dùng cho việc chuẩn bị dạy học nhóm:
  - Chủ đề có hợp với dạy học nhóm không?
  - Các nhóm làm việc với nhiệm vụ giống hay khác nhau?
  -  HS đã có đủ kiến thức điều kiện cho công việc nhóm chưa?
  - Cần trình bày nhiệm vụ làm việc nhóm như thế nào?
  - Cần chia nhóm theo tiêu chí nào?
  -  Cần tổ chức phòng làm việc, kê bàn ghế như thế nào?
Ví dụ: Khi giảng nội dung Chương Quyền con người trong môn học Luật Hiến pháp:
Sau khi học xong các tiết lý thuyết, giảng viên giao chủ đề cho các nhóm thực hiện như: Trình bày những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân?
(i) Giảng viên yêu cầu những nội dung chính cần có trong bản thuyết trình của các nhóm; (ii) Các nhóm lắng nghe đại diện nhóm khác trình bày và đưa ra các quan điểm để tranh luận, giải quyết vấn đề, giảng viên là người chốt các kiến thức mà người học hiểu chưa đúng hoặc còn mâu thuẫn.
1.3.3. Phương pháp dạy học bằng tình huống
Phương pháp tình huống được hiểu là việc giảng viên thu thập một số vụ việc hàng đầu về một chủ đề pháp luật nào đó và đưa ra sử dụng để giảng dạy luật cho học sinh, sinh viên ở trên lớp. Việc áp dụng phương pháp dạy học bằng tình huống giúp học sinh, sinh viên hiểu biết sâu sắc về thế giới thật của cuộc sống có thật đòi hỏi sự phản ứng, tương tác và bình luận của học sinh, sinh viên.
Trước khi tiến hành, giảng viên cần phải đưa ra nội dung lý thuyết về nghiên cứu trước, có thể là giảng viên chuẩn bị và đưa cho người học nghiên cứu hoặc giảng viên chỉ đưa ra các đề mục cần nghiên cứu, sau đó giới thiệu người học các nguồn để người học tự tìm và nghiên cứu tài liệu.
Phương pháp dạy học bằng tình huống được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1.  Giới thiệu tình huống
Bước 2. Giải quyết tình huống
Bước 3. Kết luận về nội dung tình huống
Lưu ý:
(i) Một trong những yếu tố quan trọng và quyết định sự thành công của phương pháp đó là phải sử dụng một tình huống tốt, vì vậy, giảng viên phải lựa chọn hay xây dựng tình huống phù hợp với nội dung bài giảng. Tình huống tốt phải đạt các tiêu chuẩn sau:
- Tình huống đó phải có tính thực tiễn.
- Các tình huống đưa ra phải phù hợp với nội dung của bài học, tâm lý và trình độ người học.
- Tình huống cần phải đặt ra một vấn đề rất rõ ràng để người học giải quyết, các tiểu vấn đề, nếu có, cũng cần phải có chỉ dẫn để người học có thể phát hiện ra.
- Khi sử dụng phương pháp này, giảng viên cần xây dựng hoặc lựa chọn tình huống phù hợp với nội dung bài học, bắt đầu từ những tình huống đơn giản, dễ hiểu và tiếp tục tăng dần độ khó của các tình huống để học sinh, sinh viên có thể tư duy, vận dụng các quy định của pháp luật thực định để giải quyết tình huống. Ngay một lúc áp dụng các văn bản pháp luật để giải quyết tình huống là rất khó, do đó giảng viên cần gợi mở và hướng dẫn, giới thiệu văn bản liên quan để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận.
- Người xây dựng tình huống phải có sự hiểu biết sâu sắc về người học để xây dựng những tình huống phù hợp với khả năng nhận thức cũng như tâm lý của người học.
(ii) Nguồn thông tin xây dựng tình huống
Đối với các môn học nghành luật, nguồn thông tin sử dụng để xây dựng tình huống tương đối dồi dào, để xây dựng được tình huống tốt, đảm bảo độ chân thực của tình huống thì lấy “chất liệu” từ cuộc sống, chủ yếu tập trung vào các nguồn sau:
- Từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Từ các phương tiện thông tin đại chúng như báo giấy, báo điện tử, tạp chí..... Nguồn thông tin này vừa đa dạng, vừa đáp ứng được tính thời sự của tình huống.
- Từ hoạt động thực tiễn của giáo viên.
- Từ người học.
Ví dụ: Tình huống trong môn học Luật Thương mại:
Anh A và anh B (đều là người Việt Nam) ở phường B, huyện C, tỉnh D cùng góp vốn để thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Anh/ chị hãy tư vấn, xây dựng hồ sơ thành lập doanh nghiệp cho anh A và anh B?
Đối với tình huống này, đầu tiên giảng viên cần nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng tình huống phù hợp với nội dung bài giảng. Sau đó, giảng viên có thể tổ chức lớp thành các nhóm tùy vào đặc thù của mỗi lớp, hướng dẫn, giới thiệu học sinh, sinh viên nghiên cứu kỹ Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và xây dựng bộ hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 TV trở lên để tư vấn và chuẩn bị hồ sơ cho anh A và anh B.
Sau khi các nhóm nghiên cứu nội dung, thảo luận theo nhóm, giảng viên yêu cầu các nhóm trình bày kết quả nghiên cứu và cuối cùng sẽ kết luận lại nội dung tình huống. Ở bước này, giảng viên không quên việc đánh giá kết quả làm việc theo nhóm của mỗi nhóm, ghi nhận những nội dung nghiên cứu của các em và có những khích lệ kịp thời động viên các em trong các buổi học tiếp theo.
1.3.4. Phương pháp vấn đáp
Phương pháp vấn đáp là phương pháp mà giảng viên khéo léo đặt hệ thống câu hỏi để sinh viên trả lời nhằm gợi mở cho sinh viên sáng tỏ những vấn đề mới; tự khai phá những tri thức mới bằng sự tái hiện những tài liệu đã học hoặc từ những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong cuộc sống; củng cố, mở rộng, đào sâu, tổng kết, hệ thống hoá những tri thức đã tiếp thu được, qua đó kiểm tra, đánh giá và giúp sinh viên tự kiểm tra, tự đánh giá việc lĩnh hội tri thức.
Phương pháp này có thể được thực hiện qua các bước:
Bước 1. Xác định khối kiến thức, kĩ năng cơ bản trong bài học .
Bước 2. Dự kiến nội dung các câu hỏi, hình thức hỏi, thời điểm đặt câu hỏi, trình tự các câu hỏi. Dự kiến các câu nhận xét hoặc trả lời của giảng viên đối với học sinh, sinh viên. Giảng viên có thể dự kiến những câu hỏi phụ.
Bước 3. Giảng viên sử dụng hệ thống câu hỏi dự kiến (phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh, sinh viên) trong tiến trình bài dạy và chú ý thu thập thông tin phản hồi từ phía sinh viên.
Lưu ý:
- Khi sử dụng phương pháp này, giảng viên cần khéo léo đưa ra các câu hỏi ngắn gọn và không “đánh đố”, không lồng ghép quá nhiều ý tưởng, nội dung vào trong 01 (một) câu hỏi.
Ví dụ: Khi giảng nội dung tranh chấp đất đai trong môn học luật đất đai
Giảng viên có rất nhiều cách để hỏi các em nhưng thông thường giảng viên không nên hỏi trực tiếp nội dung như: “Em cho cô biết tranh chấp đất đai là gì?”, “Tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?”, “theo các em cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?”…
Các câu hỏi này được đặt ra cho học sinh, sinh viên được xem là việc làm đánh đố khi các em chưa được học nội dung này, đặc biệt là trình độ trung cấp.
- Phân biệt 3 loại vấn đáp: Vấn đáp tái hiện, vấn đáp giải thích minh họa và vấn đáp tìm tòi để áp dụng phù hợp với từng nội dung giảng.
- Câu hỏi phải có nội dung chính xác, rõ ràng, sát với mục đích, yêu cầu của bài học, không làm cho người học có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.
- Giảng viên có thể chuẩn bị những câu hỏi phụ, dự liệu trước những câu trả lời của học sinh, sinh viên.
1.3.5. Phương pháp trực quan
Phương pháp trực quan là phương pháp sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kỹ thuật dạy học trước, trong và sau khi nghiên cứu tài liệu mới trong khi ôn tập, củng cố, hệ thống hóa và kiểm tra tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Phương pháp trình bày trực quan thể hiện dưới hai hình thức minh họa và trình bày.
Phương pháp này có thể được thực hiện qua các bước:
Bước 1. Giảng viên cung cấp, phân tích và khai thác nội dung của phương tiện, công cụ trực quan.
Bước 2. Sinh viên quan sát, nghiên cứu và trình bày, giải thích nội dung những gì thu nhận được qua các phương tiện, công cụ trực quan.
Bước 3. Giảng viên khái quát, kết luận
Lưu ý: Khi sử dụng phương pháp này, giảng viên cần lựa chọn những hình ảnh, video, công cụ trực quan khác… sinh động, điển hình, phù hợp và sát thực với nội dung kiến thức đang nghiên cứu. Hình ảnh phải rõ nét, dung lượng của video ngắn, âm thanh rõ ràng giúp các học sinh, sinh viên dễ nghe, dễ nhớ và tiếp thu kiến thức thông qua các công cụ trực quan đó.
Ví dụ:
- Môn học Luật Đất đai: Khi giảng nội dung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giảng viên có thể sử dụng hình ảnh hoặc mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay trên lớp, giới thiệu về mẫu giấy chứng nhận, màu sắc ..., từ đó, định hướng câu hỏi cho sinh viên về khái niệm và ý nghĩa của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Môn học Luật Lao động: Các hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; quyết định xử lý kỷ luật lao động; nội quy lao động; các hồ sơ tình huống về tranh chấp lao động (do giảng viên tự xây dựng hoặc sưu tầm); hồ sơ các vụ án lao động trên thực tế;...
- Môn học Luật Thương mại: Mẫu hợp đồng thương mại; mẫu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ tình huống về tranh chấp thương mại; hồ sơ các vụ án thương mại trên thực tế;...
- Môn Luật Hình sự : Hình ảnh về các hành vi phạm tội trên thực tế hoặc về các vụ án hình sự điển hình; hồ sơ các vụ án hình sự trên thực tế; các tình huống về vụ án hình sự do giảng viên xây dựng;...
1.3.6. Phương pháp đóng vai
Nếu nhắc đến một số phương pháp dạy học tích cực thiên về thực hành thì phương pháp đóng vai luôn được nhiều giảng viên sử dụng. Khi sử dụng phương pháp đóng vai, giảng viên sẽ để học sinh, sinh viên thực hành, diễn thử một số cách ứng xử liên quan đến một tình huống nào đó. Tuy nhiên việc diễn thử chỉ là một phần, điều quan trọng nhất vẫn là thảo luận của học sinh, sinh viên sau khi thực hành thử.
Quy trình thực hiện:
Bước 1. Giảng viên đưa ra chủ đề, phân nhóm, đưa tình huống và yêu cầu phân vai cho từng nhóm. Bao gồm thời gian chuẩn bị, thời gian diễn của mỗi nhóm.
Bước 2. Các nhóm cùng nhau thảo luận và lần lượt từng nhóm diễn đóng vai.
Bước 3. Cả lớp thảo luận, đánh giá về cách diễn, cách ứng xử, ý nghĩa của các cách ứng xử.
Bước 4. Giảng viên đưa ra kết luận, định hướng cho học sinh, sinh viên đâu là cách ứng xử tích cực với tình huống đã đưa ra.
Lưu ý: Khi sử dụng phương pháp này, giảng viên cần lựa chọn những chủ đề, tình huống sinh động, điển hình, phù hợp, sát thực với nội dung kiến thức đang nghiên cứu và phải chắt lọc những nội dung chính, bao quát toàn bộ.
Ví dụ: Môn học Luật Tố tụng Dân sự - Tố tụng Hình sự: Giảng viên xây dựng tình huống, chủ đề liên quan đến phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự,… đồng thời, có thể sưu tầm, biên soạn những hình ảnh minh họa, mô phỏng các hoạt động liên quan đến hoạt động tố tụng như: hình ảnh các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hình sự; các phiên hòa giải trong dân sự...; xây dựng bộ hồ sơ tình huống pháp luật mang tính điển hình; trực tiếp tổ chức cho học sinh, sinh viên đóng vai vào các nhân vật trong tình huống, thực hành phiên tòa giả định;... Sau đó, giảng viên sẽ cho học sinh, sinh viên nhận xét, đánh giá vai diễn của các nhóm và kết luận lại vấn đề.
1.3.7. Phương pháp trò chơi
Là phương pháp dạy học mà giáo viên sẽ tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về một vấn đề nào đó thông qua chơi trò chơi. Và phương pháp này thuộc danh sách các phương pháp dạy học mới giúp tăng sự kích thích, hứng thú tìm hiểu vấn đề của học sinh.
Quy trình thực hiện:
Bước 1. Giảng viên phổ biến về trò chơi bao gồm tên, nội dung và quy tắc chơi. Giảng viên có thể tiến hành chơi thử (nếu thấy cần thiết).
Hướng dẫn chơi. Bước này bao gồm những việc làm sau:
- Tổ chức người tham gia trò chơi: Số người tham gia, số đội tham gia (mấy đội chơi), quản trò, trọng tài.
- Các dụng cụ dùng để chơi (giấy khổ to, quân bài, thẻ từ, cờ…)
- Cách chơi: Từng việc làm cụ thể của người chơi hoặc đội chơi, thời gian chơi, những điều người chơi không được làm…
- Cách xác nhận kết quả và cách tính điểm chơi, cách giải của cuộc chơi. (nếu có)
Bước 2. Cho học sinh, sinh viên bắt đầu chơi trò chơi.
Bước 3. Đánh giá khi trò chơi kết thúc.
Bước 4. Cùng thảo luận về ý nghĩa của trò chơi.
Lưu ý: Lựa chọn hoặc tự thiết kế trò chơi đảm bảo những yêu cầu:
- Mục đích của trò chơi phải thể hiện mục tiêu của bài học hoặc một phần của chương trình.
- Hình thức chơi đa dạng giúp học sinh, sinh viên được thay đổi các hoạt động học tập trên lớp, giúp học sinh, sinh viên phối hợp các hoạt động trí tuệ với các hoạt động vận động.
- Luật chơi đơn giản để học sinh dễ nhớ, dễ thực hiện. Cần đưa ra các cách chơi có nhiều học sinh tham gia để tăng cường kỹ năng học tập hợp tác.
- Các dụng cụ chơi cần đơn giản, dễ làm hoặc dễ tìm kiếm tại chỗ
- Chọn quản trò chơi có năng lực phù hợp với yêu cầu của trò chơi.
- Tổ chức chơi vào thời gian thích hợp của bài học để vừa làm cho học sinh hứng thú học tập vừa hướng cho học sinh tiếp tục tập trung các nội dung khác của bài học một cách có hiệu quả.
Hiện tại, Nhà trường chủ yếu sử dụng phương pháp trò chơi cho các môn như ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp… các môn học chuyên môn chưa sử dụng nhiều phương pháp này.
2. Kỹ thuật soạn giáo án lý thuyết
3.1. Xác định mục tiêu của bài học
Cùng với nội dung và phương pháp giảng dạy, mục tiêu bài học là yếu tố không thể thiếu và có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố khác trong quá trình dạy học. Tuy không phải là “xương sống” của một giáo án nhưng phần mục tiêu bài học có ý nghĩa quan trọng để làm nên thành công của giờ giảng.
Mục tiêu bài học có nhiều cách diễn đạt, chẳng hạn như: (i) Mục tiêu bài học là cái đích mà học sinh, sinh viên phải đạt được sau khi học; đó chính là “đích” cuối cùng mà cả thầy và trò đều phải hướng tới; (ii) Mục tiêu bài học là kết quả mà giáo viên mong muốn người học đạt được sau bài giảng; (iii) Mục tiêu bài học là tuyên bố về những gì mà người học phải hiểu rõ, phải nắm vững và phải làm được sau bài dạy của người thầy; (iv) Mục tiêu bài học nói về việc người học sẽ học như thế nào hoặc có khả năng làm được gì sau khi kết thúc một bài giảng. Tuy có nhiều cách tiếp cận, nhưng nếu theo quan điểm “dạy học hướng vào học sinh, sinh viên” thì mục tiêu dạy học đề ra là hướng vào phía học sinh, sinh viên chứ không phải phía giáo viên.
* Yêu cầu đối với mục tiêu bài học
- Phải được diễn đạt theo yêu cầu của người học chứ không phải theo chức năng của người dạy.
- Phải được diễn đạt bằng một động từ hành động đơn nghĩa (dễ hiểu và hiểu thống nhất như nhau) và tập trung vào kết quả.
- Phải bao quát đủ cả 3 lĩnh vực chung của học tập đó là: kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm.
- Phải thích đáng (quan trọng, thiết thực, phù hợp) và khả thi (có thể thực hiện được).
- Phải phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên (đặc điểm tâm sinh lý, trình độ hiện có của học sinh, sinh viên).
- Kết quả mong đợi của mục tiêu bài giảng phải được diễn tả dưới dạng hành vi có thể quan sát thấy được (có khả năng đo lường được), xác định được hoàn cảnh mà hành vi sẽ diễn ra cũng như thời gian và điều kiện thực hiện.
* Một số lưu ý khi biên soạn mục tiêu bài học trong giáo án lý thuyết trình độ trung cấp, cao đẳng
- Theo quan điểm dạy học hướng vào người học thì việc viết mục tiêu bài học phải viết dưới gốc độ người học (viết cho người học), nhấn mạnh kết quả cuối cùng của bài học là ở phía người học, chứ không phải giáo viên và phải viết bằng một động từ chỉ hành động (chỉ hành động của người học phải thực hiện sau bài học).
Ví dụ: Thay vì viết: Bài (tiết) này nhằm giúp cho học sinh, sinh viên (người học)...
Thì nên viết: Sau khi học xong bài này, học sinh, sinh viên (người học) có khả năng về…..
- Mục tiêu bài học thể hiện các cấp độ kiến thức, kỹ năng như sau:
+ Các cấp độ kiến thức: Theo Bảng phân loại Bloom về các cấp độ tư duy thì các cấp độ nhận thức của người học được phân loại từ thấp đến cao như sau: Biết, Thông hiểu, Vận dụng, Phân tích, Tổng hợp, Đánh giá. Tương ứng với mỗi cấp độ nhận thức sẽ có những động từ tương ứng để thể hiện rõ mức độ nhận thức của người học cụ thể như sau:
Các động từ tương ứng với mức độ tư duy BIẾT: Xác định, định nghĩa, phân loại, mô tả, gọi tên, liệt kê, nhận biết, kể tên, điền vào, viết ra...
Các động từ tương ứng với mức độ tư duy THÔNG HIỂU: Giải thích, phân biệt, so sánh, tóm tắt...
Các động từ tương ứng với mức độ tư duy VẬN DỤNG: Chứng minh, trình bày lại, làm mẫu, ứng dụng…
Các động từ tương ứng với mức độ tư duy PHÂN TÍCH: Phân tích, phân hoá, đánh giá, tính toán, đối chiếu, phân biệt, tìm sự khác nhau, …
Các động từ tương ứng với mức độ tư duy TỔNG HỢP: Soạn thảo, tổng kết, hệ thống, lập kế hoạch, thiết kế, bố trí, thiết lập, kết hợp, hình thành, lập kế hoạch, đề xuất, liên hệ…
Các động từ tương ứng với mức độ tư duy  ĐÁNH GIÁ: Nhận xét được, đánh giá được, xếp hạng, chọn lựa, định giá, cho điểm, lập luận, xác định giá trị, phê phán, nhận xét, bảo vệ, khẳng định, ủng hộ, bình phẩm…
Dựa vào một số động từ gợi ý ở các các mức độ tư duy của Bloom, giảng viên có thể tùy theo nội dung bài học, mục đích mà chọn động từ tương ứng để viết mục tiêu bài học. Để có thể viết được một mục tiêu bài học, chúng ta cần phải tuân thủ một nguyên tắc quan trọng: mục tiêu phải cụ thể, có thể đo được mức độ tư duy của người học, có thể đạt được, phải phù hợp nội dung và có điều kiện thực hiện - giới hạn thời gian rõ ràng nhằm đảm bảo cho người học có thể đạt được mục tiêu mà giảng viên đề ra. Ở đây, giảng viên cần tránh sử dụng các từ “nắm”, “hiểu”,”biết” đây là các từ không chỉ rõ được mức độ cần đạt về kiến thức.
+ Các cấp độ kỹ năng: Bắt chước, làm được, làm chính xác, tự động hóa, biến hóa. Đối với phần kỹ năng khi xây dựng cần đặt ra tiêu chí để đo mức độ kỹ năng.
+ Năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm: Thường sử dụng bắt đầu bằng những từ sau: Chủ động, Vận dụng, Tích cực, Sáng tạo, Phối hợp, Kiên trì, Tìm tòi, Kiểm soát được, Quản lý được, Linh hoạt, Chấp hành, Trách nhiệm, Tổ chức, Đảm bảo an toàn, Tuân thủ, Điều chỉnh, Nỗ lực…
3.2. Xác định đồ dùng phương tiện dạy học
Đối với phần nội dung đồ dùng phương tiện dạy học, giảng viên thường đưa vào các loại đồ dùng, phương tiện như: Máy tính; máy chiếu; bảng; phấn...
Giảng viên không đưa đề cương, giáo án, bài giảng, giáo trình vào phần này.
3.3. Xác định các hoạt động dạy học
Các hoạt động của giáo viên và học sinh cần tương ứng với nhau. Một số gợi ý về xây dựng hoạt động giảng dạy như sau:
Phương pháp Hoạt động giáo viên Hoạt động học sinh
Vấn đáp - Hỏi
- Nhận xét, tổng kết, kết luận
- Suy nghĩ trả lời
- Nghe, ghi chép
Thuyết trình - Phân tích
- Giảng giải (không dùng từ thuyết trình)
- Nghe, ghi chép
Trực quan - Trình chiếu slide 
- Hỏi
- Nhận xét, tổng kết, kết luận
- Quan sát
- Suy nghĩ, trả lời
Phương pháp nhóm - Phân nhóm
- Tổ chức thảo luận
- Tổ chức báo cáo và kết luận
- Thảo luận theo nhóm
- Trình bày kết quả
Lưu ý:
- Cần ghi nội dung của câu hỏi;
- Phương pháp thuyết trình sử dụng hình thức giảng giải;
- Phương pháp trực quan cần thể hiện rõ hoạt động trực quan nào, không dùng từ “trực quan”.
3.4. Xác định thời gian
Mỗi giờ giảng lý thuyết là 45 phút. Thời gian giảng được chia theo các tiểu mục nhỏ trong nội dung bài. Có thể xem ví dụ sau:
TT NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC  
 
THỜI
GIAN
HĐ CỦA
GIÁO VIÊN
HĐ CỦA
HỌC SINH
1. Dẫn nhập
 
 
- Trình chiếu slide.
- Hỏi.
- Nhận xét, tổng kết, kết luận.
 
- Quan sát, lắng nghe.
- Suy nghĩ, trả lời.
5 phút
2. Giảng bài mới      
  I. KHÁI NIỆM NGÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI
1.1. Ngành luật đất đai
Ngành luật đất đai là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là tổng hợp các quy phạm pháp luật mà Nhà nước ban hành nhằm thiết lập quan hệ đất đai trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, qua đó thực hiện chế độ quản lý và sử dụng đất.
 
 
- Giảng giải, phân tích.
- Hỏi.
- Gợi ý trả lời.
- Cho ví dụ.
 
 
- Lắng nghe, ghi chép.
- Suy nghĩ, trả lời câu hỏi.
10 phút
 
3.5. Củng cố kiến thức và kết thúc bài
Có nhiều cách để giảng viên có thể củng cố kiến thức và kết thúc bài như:
- Hệ thống lại những nội dung chính của bài học bằng sơ đồ hóa;
- Xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, bán trắc nghiệm, tình huống để tổng kết toàn nội dung bài học…
3.6. Hướng dẫn tự học
Ở phần này, giảng viên làm rõ hai vấn đề:
- Đối với bài cũ: Đọc/viết lại nội dung nào? Làm bài tập nào?
- Đối với bài mới: Yêu cầu người học đọc nội dung mới nào? Của Chương nào? Trang bao nhiêu trong giáo trình? Tìm hiểu quy định/văn bản pháp luật nào không? Tìm hiểu thực tiễn hoạt động gì liên quan đến nội dung bài học?...
Kết luận
Giảng dạy luôn là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất của mỗi giảng viên nói chung và của các cơ sở đào tạo nói riêng. Vì thế giảng viên luôn cần phải tìm tòi, cũng như áp dụng những phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của người học để làm sao cho việc học tập trở nên dễ dàng, hấp dẫn và gây được hứng thú cho người học để đạt đến mục đích cuối cùng là người học hiểu bài và có thể mang kiến thức đó sử dụng được trong thực tế. Muốn vậy, mỗi giảng viên phải không ngừng học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, đồng thời thường xuyên trao đổi học hỏi kinh nghiệm của nhau cũng như học hỏi từ những kinh nghiệm của đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường để có những tiết giảng tốt nhất, hiệu quả nhất mang lại sự hứng thú và hiệu quả cho người học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường./.

Tác giả bài viết: Ths. Hoàng Thị Thu Phương, Khoa Đào tạo cơ sở