19:51 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 656
    • Hôm nay: 120963
    • Tháng hiện tại: 2880534
    • Tổng lượt truy cập: 69865685

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

    Thứ hai - 30/03/2020 17:01

    Nguyễn Thị Hương - GV Khoa Đào tạo cơ bản
    “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”[1]. Nhằm đảm bảo hiệu quả trong hoạt động thi hành án cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014) thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là “thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự”[2]. Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ trình bày các nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự.
     1. Xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án
    Thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014 và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
    Cụ thể: Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
    Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
    Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn[3].  
    Theo đó, Nhà nước giới hạn quyền yêu cầu thi hành án dân sự của đương sự trong một khoảng thời hạn nhất định. Tuy nhiên, thời hiệu này chỉ đặt ra đối với phần bản án, quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, còn đối với phần bản án, quyết định chủ động thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án, bởi đây là phần bản án, quyết định mang lại lợi ích cho Nhà nước như: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản…
    Vậy, để xác định được bản án, quyết định còn thời hiệu yêu cầu thi hành án hay không thì cơ quan thi hành án dân sự cần xác định như sau:
    1.1. Ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
    Theo Điều 2 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014 quy định thì những bản án, quyết định được thi hành theo Luật THADS gồm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị[4]. Trên thực tế khi cấp bản sao bản án, quyết định cho đương sự đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án đã đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” hoặc “Để thi hành”. Vì vậy, cơ quan THADS cần căn cứ vào đó để xác định hiệu lực thi hành của bản án, quyết định.
      Để xác định ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tùy thuộc vào từng loại bản án, quyết định. Cụ thể như sau:
    1.1.1. Đối với bản án sơ thẩm
      Theo quy định tại Khoản 2 Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015), Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Khoản 2 Điều 215 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì: Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nếu không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
    Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; tuy nhiên, trong trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lí do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Trường hợp đcác chủ thể đó khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án[5].
    “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án”[6].
    1.1.2. Đối với bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm
      Bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên bản án hoặc ngày ra quyết định đó[7].
      Ví dụ: Bản án Dân sự phúc thẩm số 10/2019/DSPT tuyên án ngày 15/10/2019 thì kể từ ngày 15/10/2019 bản án này có hiệu lực pháp luật.
    1.1.3. Đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 213 BLTTDS năm 2015 thì ngày quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật là ngày ban hành quyết định đó.
      1.1.4. Đối với phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại
    Theo Khoản 1, Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định“Đối với phán quyết của Hội đồng trọng tài, hết thời hạn thi hành phán quyết Trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết Trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại 2010, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài”[8].
    Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 phán quyết trọng tài có hai loại là trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc.  Đối với phán quyết của trọng tài vụ việc, để cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án thì một hoặc hai bên tranh chấp phải đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết. Nếu trường hợp không đăng kí thì khi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành phán quyết trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự sẽ không thụ lí giải quyết.
    “Theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, phán quyết của Trọng tài vụ việc được đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó. Việc đăng ký hoặc không đăng ký phán quyết trọng tài không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài”[9].
    Còn phán quyết của trọng tài quy chế luật không quy định phải đăng kí vẫn được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành phán quyết khi có đơn yêu cầu.
    1.1.5. Đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh
    Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018 sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kết thúc thời hạn khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 99[10].
    Như vậy, “sau 15 ngày kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định”[11].
    1.2. Cách xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án trong các trường hợp thông thường
    Theo Điều 151 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định “thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”[12].
    Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 147 BLDS năm 2015 quy định “thời điểm bắt đầu thời hạn được tính đối với thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện”.
    Tại khoản 1 Điều 30 Luật THADS 2008, sđ, bs năm 2014 quy định: "Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án".
    Thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo yêu cầu, hết thời hạn pháp luật quy định, người được thi hành án, người phải thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án nữa.
    Ngày yêu cầu thi hành án được xác định tuỳ thuộc vào hình thức yêu cầu thi hành án của đương sự. Cụ thể[13]:
    Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án được gửi qua đường bưu điện: Ngày yêu cầu thi hành án của đương sự được tính từ ngày có dấu Bưu điện nơi gửi;
    Trường hợp đương sự trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành án tại cơ quan THADS: Ngày yêu cầu thi hành án là ngày đương sự nộp đơn;
    Trường hợp đương sự trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan THADS: Ngày yêu cầu thi hành án là ngày trình bày trực tiếp tại cơ quan THADS, có biên bản và chữ kí của người lập biên bản.
      Trên cơ sở ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và ngày yêu cầu thi hành án, căn cứ vào Điều 30 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014, khoản 2 Điều 147 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án.
    Ví dụ: Bản án Dân sự số 25/2019/DSPT ngày 20/5/2019 của TAND tỉnh A tuyên: Buộc ông Bùi Văn B phải trả cho ông Hoàng Văn T. 50.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Theo bản án này, thời hiệu yêu cầu thi hành án được xác định như sau: Bản án số 25/2019/DSPT có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 20/5/2019. Nên căn cứ vào khoản 2 Điều 147 BLDS năm 2015 thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định, cụ thể ngày bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu thi hành án là ngày 21/5/2019.
    Căn cứ Khoản 1,  Điều 30 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014, thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật: Từ ngày 21/5/2019 đến ngày 20/5/2024.
    1.3. Cách xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án trong một số trường hợp đặc biệt
    a) Trường hợp 1: Thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định:
    Đối với trường hợp này thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn . Như vậy, trong trường hợp này theo quy định thì thời hiệu yêu cầu thi hành án sẽ được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Ở đây, việc tính thời hiệu sẽ phụ thuộc vào ngày nghĩa vụ đến hạn mà không phụ thuộc vào thời điểm có hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại hay Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
      Ví dụ: Bản án dân sự phúc thẩm số 22/2015/DSPT ngày 18/9/2015 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử phúc thẩm bản án dân sự sơ thẩm số 02/2015/DSST ngày 23/5/2015 của Toà án nhân dân tỉnh B. tuyên: “Buộc ông H giao trả nhà đất tại thôn T, thị trấn P, huyện X, tỉnh B. cho vợ chồng ông S. Vợ chồng ông H được quyền lưu cư 06 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật” (ngày thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án là ngày 19/6/2016). Trường hợp này, thời hiệu yêu cầu thi hành án được xác định như sau:
    Ngày bản án dân sự phúc thẩm số 22/2015/DSPT có hiệu lực pháp luật là ngày 18/9/2015, vợ chồng ông T. được quyền lưu cư 06 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật nên đây là trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án nên theo Khoản 2 Điều 147 BLDS năm 2015 thì ngày bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu thi hành án là ngày 19/6/2016.
    Căn cứ Khoản 1,  Điều 30 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính: Từ ngày 20/6/2016 đến ngày 19/6/2021.
    Đối với bán án trên khi tính thời hiệu yêu cầu thi hành án, chúng ta sẽ không căn cứ vào ngày bản án có hiệu lực (ngày 18/9/2015) mà căn cứ vào ngày ấn định thực hiện nghĩa vụ trong bản án cụ thể là ngày 19/6/2019. Cách tính thời hiệu như vậy nhằm đảm bảo nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định quy định tại Điều 4 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014.
      b) Trường hợp 2: Bản án, quyết định thi hành theo định kỳ:
    Đối với trường hợp này thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án trong trường hợp này tương tự như cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định. Như vậy, trường hợp này thời hiệu yêu cầu thi hành án cũng không phụ thuộc vào ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, mà căn cứ vào ngày nghĩa vụ đến hạn được ấn định cho từng định kỳ.
    Ví dụ: Bản án Dân sự sơ thẩm số 02/2016/DSST của Tòa án nhân dân huyện A (có hiệu lực pháp luật là ngày 20/8/2016) tuyên: Buộc ông N phải trả cho ông M số tiền cả gốc và lãi là 200.000 đồng với 02 lần như sau:
    Lần 1: 100.000.000 đồng vào ngày 20/10/2016;
    Lần 2: 100.000.000 đồng vào ngày 20/3/2017.
    Trong trường hợp này, căn cứ Khoản 2 Điều 147 BLDS năm 2015 thì ngày bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu thi hành án: Lần 1 là ngày 21/10/2016; lần 2 là ngày 21/3/2017.
    Theo Điều 30 Luật THADS thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là:
    Lần 1 từ ngày 21/10/2016 đến ngày 20/10/2021;
    Lần 2 từ ngày 21/3/2017 đến 21/3/2022.
    Qua bản án, chúng ta có thể thấy rằng, đối với trường hợp tính thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn, thì đối với mỗi định kì sẽ có một thời hiệu yêu cầu thi hành án riêng. Nếu hết thời hiệu yêu cầu thi hành án cho định kì nào, thì chỉ làm sẽ mất quyền yêu cầu thi hành án định kì đó mà không ảnh hưởng đến thời hiệu của các định kì sau.
    c) Trường hợp 3: Các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án:
    Theo khoản 2 Điều 30 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014 quy định thì đối với trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án sẽ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án (Điểm c, Khoản 1, Điều 48 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014), thì vẫn tính thời hiệu yêu cầu thi hành án. Như vậy, nếu người được thi hành án đồng ý cho hoãn thi hành án thì thời gian hoãn vẫn được tính vào thời gian yêu cầu thi hành án, quy định này dựa trên sự thỏa thuận của các bên và khi các bên đã thỏa thuận được thì pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận đó và coi như các bên vẫn đang thực hiện các nghĩa vụ và vẫn tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
    Ví dụ: Bản án Dân sự sơ thẩm số 06/2015/DSST của Tòa án nhân dân huyện A (có hiệu lực pháp luật là ngày 10/02/2015) tuyên: Buộc ông N.T.B  phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp tư nhân M  số tiền 300.000 đồng.
    Trong trường hợp này, căn cứ Khoản 2 Điều 147 BLDS năm 2015, Khoản 1, Điều 30 Luật THADS 2008, sđ, bs năm 2014, thời hiệu yêu cầu thi hành án được xác định: từ ngày 11/02/2015 đến 10/02/2020.
    Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ, ngày 20/6/2017 ông N.T.B bị ốm nặng, nên cần một số tiền lớn để điều trị tại bệnh viện. Do đó, ông N.T.B đã làm đơn xin hoãn thi hành án từ ngày 20/6/2017 đến 20/6/2018 (kèm theo xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện nơi ông B đang điều trị). Như vậy, thời gian 01 năm mà ông N.T.B có đơn đề nghị hoãn thi hành án đó sẽ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
    Ở đây, các trường hợp hoãn thi hành án dân sự được quy định tại Khoản 1, Điều 48 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014 thì thời gian hoãn sẽ không được tính vào thời gian yêu cầu thi hành án, để nhằm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là người được thi hành án.
      d) Trường hợp 4: Có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng:
    Theo khoản 3 Điều 30 Luật THADS quy định “trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án”.
    Theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau: “Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa. Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn”[14].
    Trong trường hợp yêu cầu thi hành án quá hạn và đương sự trình bày việc không yêu cầu thi hành án đúng hạn là do có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng thì căn cứ theo Khoản 2, 3, 4 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn. Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh việc không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, bao gồm:
    Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
    Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có.
    Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó.
    Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
    Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa đối với tổ chức phải thi hành án thì phải có xác nhận của cơ quan ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa.
    Đối với các trường hợp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
    Khi kiểm tra những tài liệu chứng minh do đương sự cung cấp cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
    Trong trường hợp thi hành án theo yêu cầu (Khoản 1 Điều 36 Luật THADS năm 2008, sđ, bs năm 2014) thì khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án cả người được thi hành án và người phải thi hành án đều không có quyền yêu cầu thi hành án nữa (trừ các trường hợp không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án do pháp luật quy định).
    Riêng đối với trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân, Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án mà chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.
    Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, tác giả nhận thấy, để quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại, quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh được thực hiện trên thực tế thì phải thông qua việc thi hành án. Do đó Nhà nước luôn khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Việc quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án có ý nghĩa hết sức quan trọng, trước hết là bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong thi hành án dân sự, các đương sự có thể lựa chọn, quyết định thời điểm thích hợp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình để yêu cầu thi hành án. Bên cạnh đó, cũng tránh trường hợp đương sự yêu cầu thi hành án dân sự khi bản án, quyết định ban hành đã lâu gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án. Và việc quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án còn có ý nghĩa đảm bảo cho việc tổ chức thi hành án dân sự được thuận lợi và góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án.

     
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Bộ luật Dân sự năm 2015;
    2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
    3. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
    4. Luật tố tụng Hành chính năm 2015;
    5. Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014;
    6.  Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
    7. Luật Cạnh tranh năm 2014;
    8. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
     

    [1] Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015.
    [2] Khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
    [3] Khoản 1 Điều 30 Luật THADS dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
    [4] Điều 2 Luật THADS dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
    [5] Điều 273, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
    [6] Điều 280, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
    [7] Khoản 6, Điều 313; Điều 349 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
    [8] Khoản 1, Điều 66, Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
    [9] Khoản 1, Điều 62 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
    [10] Điều 95 Luật Cạnh tranh năm 2014.
    [11] Điều 114 Luật Cạnh tranh năm 2014.
    [12] Điều 151 Bộ luật Dân sự năm 2015.
    [13] Khoản 1, Khoản 3, Điều 31, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
    [14] Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015.

    Tác giả bài viết: Nguyen Huong

    Những tin cũ hơn

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình