Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tư pháp phối hợp ngày càng thực chất

Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tư pháp phối hợp ngày càng thực chất
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa đánh giá công tác phối hợp giữa hai Bộ, ngành trong năm 2018 ngày càng chặt chẽ, mang lại hiệu quả thực chất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi Bên.
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp năm 2018” vào chiều 27/12 do hai Thứ trưởng đồng chủ trì.

Không còn trong danh sách nợ đọng nhiều văn bản 
Báo cáo tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Kim Dung cho biết rất nhiều kết quả phối hợp cụ thể giữa hai Bộ về công tác pháp chế năm 2018. Đặc biệt, trong năm 2018 việc phối hợp có hiệu quả nhất là công tác xây dựng, thẩm định, trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Các đơn vị chức năng của hai Bộ đã có sự phối hợp, gắn kết có hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế của ngành Giáo dục. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày càng trưởng thành, được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các bộ, ngành.
Không những thế, các văn bản nợ đọng của Bộ đã được ban hành, Bộ không còn trong danh sách các cơ quan nợ đọng văn bản nhiều. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để trình cấp có thẩm quyền ban hành, tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động hiệu quả…

1

Tuy nhiên, bà Dung chia sẻ những khó khăn và tồn tại trong công tác pháp chế ngành Giáo dục. Chẳng hạn như xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế ngành ở địa phương còn gặp khó khăn; việc triển khai kế hoạch công tác pháp chế chưa được khoa học; tiến độ xây dựng các cơ sở đào tạo trọng điểm về luật chưa đúng kế hoạch…
Tác động tích cực trở lại với công tác của Bộ Tư pháp
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, hoạt động này đã trở thành thông lệ nhiều năm nay giữa hai Bên vào thời điểm cuối năm để tổng kết công tác phối hợp trong năm và lần nào Thứ trưởng cũng cảm nhận được tình cảm chân thành từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thứ trưởng Hiếu, năm 2018 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao của hai Bộ nhưng hai Bộ đã phối hợp ngày càng thực chất, coi nhau như “người nhà”, bám sát kế hoạch hoạt động của hai Bộ, chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, từng đơn vị thuộc Bộ. Nhờ đó, đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của hai Bộ, của các đơn vị thuộc hai Bộ.
Về phía Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Hiếu khẳng định, qua công tác phối hợp đã giúp Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, pháp chế.
Ngoài ra, còn giúp Trường Đại học Luật Hà Nội hoàn thành nhiều nhiệm vụ của Nhà trường như hoàn thành việc đánh giá ngoài (kiểm định chất lượng giáo dục), thành lập Phân hiệu của Trường tại Đắk Lắk, trao đổi học thuật với Trường Đại học Luật TP HCM. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tạo điều kiện cho cán bộ Bộ Tư pháp tham gia vào nhiều hoạt động chuyên môn, cùng nâng cao trình độ cán bộ của mỗi Bên.
Vui mừng trước sự đánh giá cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả hợp tác, Thứ trưởng Hiếu nêu một số điểm nổi bật như chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với 2 dự án Luật, 4 Nghị định; không phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát yêu cầu đề ra; quan tâm kiện toàn, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành Giáo dục.
Cảm ơn các đơn vị đã tích cực tham gia phối hợp, Thứ trưởng Hiếu cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, phân tích nguyên nhân để xác định được toàn diện, đầy đủ phương hướng năm 2019.

1

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh một số trọng tâm là tiếp tục phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, từng bước hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh – những công dân tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp trong công tác pháp chế, trong triển khai Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và TP HCM thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực tham gia xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản phạm pháp luật, Thứ trưởng Hiếu đưa ra nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, phát huy vai trò đầu mối của hai đơn vị - Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; có cơ chế tăng cường trao đổi thông tin… Căn cứ kết quả năm 2018, Thứ trưởng Hiếu đề nghị hai đơn vị này chuẩn bị sớm chương trình hợp tác giữa hai Bộ trong năm 2019 để trình Lãnh đạo Bộ ký.
Giải đáp một số vấn đề được các đại biểu nêu, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định sự phối hợp giữa hai Bộ ngày càng chặt chẽ. Qua 2 năm được Bộ trưởng giao chỉ đạo công tác phối hợp với Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Độ nhận thấy kết quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm sau cao hơn năm trước. Với tín hiệu này, Thứ trưởng Độ tin tưởng kết quả công tác năm 2019 còn tốt hơn nữa và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cũng như hỗ trợ Bộ Tư pháp trong các hoạt động có liên quan.

Tác giả bài viết: H.Thư

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)