Hoạt động xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

ThS. Phan Thị Phương Huyền - Khoa Đào tạo nghiệp vụ
1. Thực tiễn thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm đối với hàng nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình
1.1. Tình hình thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm đối với hàng nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình        
Thực tế qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong đó đóng vai trò nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường và dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389, hàng năm số vụ việc vi phạm và bị phát hiện, xử lý tương đối lớn.
Bảng 2.1. Kết quả xử lý vi phạm đối với hàng nhập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (2018 - 2022)[1]
Năm Số vụ Xử phạt hành chính Xử lý hình sự
2018 350 315 35
2019 485 445 40
2020 260 214 46
2021 143 113 30
2022 250 218 32
(Nguồn: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình)
Bảng 2.2. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng nhập lậu của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình (2018 - 2022)[2]
Năm Số vụ Số tiền xử phạt (đồng) Trị giá hàng hóa vi phạm (đồng)
2018 90 739.700.000 3.493.926.000
2019 99 5.122.146.000 874.404.000
2020 150 893.400.000 6.936.981.000
2021 85 650.450.000 900.350.000
2022 106 1.248.500.000 2.523.258.000
(Nguồn: Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình)
Những số liệu cụ thể từ thực tiễn, có thể nhận thấy hoạt động xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu tại tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 có những ưu điểm sau đây:
Thứ nhất, về công tác tổ chức, chỉ đạo trong xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh.
Thứ hai, về công tác thông tin tuyên truyền xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu
Bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo công tác xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu, công tác thông tin truyên truyền về xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu được chú trọng và triển khai cơ bản đạt nhiều kết quả.
Thứ ba, trong công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng cơ bản thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng về xử lý vi phạm đối với hàng nhập lậu có sự phối hợp tương đối chặt chẽ, đảm bảo được thông tin trong quá trình xử lý.
1.2. Những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện pháp luật
Bên cạnh những ưu điểm đã được đề cập ở trên, hoạt động xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu còn tồn tại những hạn chế sau đây:
Thứ nhất, việc kiểm tra, xử lý các đối tượng kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều hạn chế.
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website hoặc các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, instagram… quảng cáo, bán hàng, đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến. Bên cạnh ưu điểm là vô cùng tiện lợi cho cả người mua và người bán thì các hoạt động kinh doanh qua phương thức này đã tạo ra không ít khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong việc bắt giữ, xử lý do khó tiếp cận với sản phẩm thực tế, khó xác định địa điểm kinh doanh cũng như nơi cất giấu hàng hóa.
Thứ hai, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm đối với hàng nhập lậu vẫn chưa thực sự chặt chẽ, thiếu thường xuyên chưa có sự phối hợp đồng bộ của các ngành để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu. Một số vụ việc vi phạm xảy còn có tình trạng đùn đẩy, kéo dài thời gian trong việc xử lý do tình tiết vụ việc phức tạp có liên quan tới nhiều cơ quan chức năng.
Thứ ba, một số hạn chế về cơ sở vật chất trang bị cho quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu.
Một là, trong những năm gần đây lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Bình ngày càng tăng, đặc biệt là tại cửa khẩu Cha Lo. Tuy nhiên, đơn vị Hải quan làm việc tại đây chưa được trang cấp máy soi container, máy dò phát hiện ma tuý nên phải thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa bằng phương pháp thủ công, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng phát hiện hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng cấm.[3]
Hai là, các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường chưa có kho bảo quản tang vật chuyên dụng để bảo quản các tang vật dễ cháy, nổ, tang vật cần các điều kiện bảo quản như nhiệt độ, độ ẩm… nên việc áp dụng các quy định về tạm giữ tang vật còn gặp nhiều khó khăn; thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn thiếu hệ thống kho, bãi để đảm bảo bảo quản vật chứng. Việc chuyển giao tang vật theo trình tự giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, khó khăn về kinh phí để phục vụ quá trình xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm.
Các Đội Quản lý thị trường có địa bàn trải rộng trên toàn tỉnh, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên chi phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhiều. Nguồn kinh phí ngân sách được cấp thường xuyên chưa đảm bảo cho nhu cầu hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đơn vị không có kinh phí để chi trả trong quá trình bắt giữ, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ… Những vụ việc này, hàng hóa tịch thu đều được xử lý bằng hình thức tiêu hủy nên không có kinh phí để chi trả các khoản liên quan đến công tác điều tra, bắt giữ như theo dõi, mua tin, bốc xếp…bên cạnh đó, kinh phí phục vụ công tác trưng cầu giám định hàng hóa phục vụ công tác điều tra xử lý các vụ việc cũng còn rất hạn chế.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm đối với hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý vi phạm đối với hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tác giả kiến nghị một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tăng cường vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình trong công tác phòng, chống buôn lậu nói chung và xử lý vi phạm nói riêng, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, bên cạnh đó tăng cường chỉ đạo, phối hợp liên ngành kiểm tra, rà soát công tác xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu.
Thứ hai, chú trọng công tác dự báo tình hình thị trường.
Hoạt động xử lý vi phạm được thực hiện trên nhiều cơ sở khác nhau, trong đó việc dự báo tình hình thị trường là một trong những yếu tố tác động. Tình hình thị trường luôn bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau không chỉ trong nước mà còn tình hình kinh tế khu vực, thế giới đặc biệt trong những giai đoạn biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, các thay đổi về chính sách kinh tế cũng như các xu hướng tội phạm hiện nay. Trong thị trường nội địa, các tệ nạn vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội …. diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt, là trên khâu lưu thông qua địa bàn và tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi… Do đó, các cơ quan chức năng cần chủ động nắm rõ tình hình thị trường để đưa ra các dự báo sát hợp từ đó có các biện pháp đấu tranh, xử lý phù hợp, kịp thời.
Thứ ba, trang bị kinh phí phù hợp và các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động xử lý vi phạm.
Hoạt động xử lý vi phạm là kết quả của hoạt động kiểm tra, kiểm soát, vì vậy để có hiệu quả trong hoạt động này liên quan tới hiệu quả của hoạt động kiểm tra, kiểm soát, mặc dù vậy trên thực tế các cơ quan chuyên môn vẫn khó khăn trong thực hiện công vụ vì một số cơ sở vật chất còn thiếu, kinh phí hạn hẹp. Chính vì vậy, thời gian tới cần bổ sung thêm các nguồn kinh phí phù hợp để tăng cường cho hoạt động của các cơ quan chức năng, cũng như trang bị thêm các máy móc, phương tiện hiện đại như máy soi container, máy dò phát hiện ma tuý để đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện hàng nhập lậu, hàng cấm khi thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu.
Thứ tư, bố trí, sử dụng đội ngũ công chức phù hợp, đặc biệt tăng cường cho cơ quan quản lý thị trường để gia cố thêm các lực lượng kiểm tra, kiểm soát kịp thời xử lý vi phạm.
Đội ngũ công chức của cơ quan quản lý thị trường hiện nay khá mỏng, trong khi đó địa bàn kiểm soát nhiều và rộng, đòi hỏi sự thường xuyên, kịp thời nên hiệu quả đưa lại chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy cần có sự bổ sung, sử dụng đội ngũ công chức phù hợp, đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ và tổ chức học tập kinh nghiệm về công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới… nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho công chức của các lực lượng chức năng.


[1] Báo cáo công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình (các năm từ 2018 - 2022)
[2] Báo cáo công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình (các năm từ 2018 - 2022)
 
[3] Báo cáo công tác quản lý thị trường (2018 - 2022) của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình.