Một số quy định mới về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế áp dụng từ ngày 01/01/2021
- Thứ năm - 08/10/2020 16:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khoa Đào tạo cơ sở
I. VỀ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘITừ khi ra đời đến nay bảo hiểm xã hội vẫn là hình thức bảo vệ hữu hiệu nhất được hầu hết các quốc gia trên thế giới tổ chức thực hiện. Bảo hiểm xã hội được xác định như một quyền cơ bản của người lao động và trở thành bộ phận quan trọng, nòng cốt trong hệ thống pháp luật an sinh xã hội của các quốc gia. Theo ILO “Bảo hiểm xã hội được thiết lập trên cơ sở nguyên tắc cùng nhau chia sẻ rủi ro đòi hỏi mỗi người tham gia và được bảo vệ phải đóng góp tài chính vào một quỹ chung. Khi gặp phải những rủi ro với những điều kiện quy định cho hưởng thì nhu cầu của người đó (hoặc một phần nhu cầu) sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội thỏa mãn” (1).
Người lao động tham gia vào quan hệ lao động thường có mục đích để có thu nhập bảo đảm cuộc sống cho chính mình và gia đình. Khi họ gặp phải những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống như: tai nạn lao động, ốm đau, bệnh tật… hoặc về già thì nguồn thu nhập thường xuyên bị mất hoặc giảm đi. Đặc biệt, trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường xuất hiện thêm các yếu tố rủi ro như mất việc làm, thất nghiệp… Chính vì vậy, để ổn định cuộc sống, người lao động phải tìm các biện pháp đảm bảo thu nhập cho mình và gia đình trước các rủi ro đó. Một trong các biện pháp đó là tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các chính sách về bảo hiểm xã hội mỗi giai đoạn khác nhau cũng quy định không giống nhau, việc thay đổi các quy định là cơ sở để các chủ thể trong quan hệ lao động đảm bảo các quyền và lợi ích cho mình trước các rủi ro, biến cố; đồng thời cũng là điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm việc các chủ thể trong quan hệ lao động thực hiện quyền, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm thông qua những cơ chế pháp lý phù hợp.
1.1. Về điều kiện hưởng lương hưu
1.1.1 Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1.1.1.1. Trường hợp điều kiện bình thường
* Nhóm 1: Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54), khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Năm 2021, nam đủ 60 tuổi 03 tháng; nữ đủ 55 tuổi 04 tháng (quy định hiện hành là 60 tuổi với nam; 55 tuổi với nữ), những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (2).
- Trường hợp 2: Năm 2021, nam phải đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ phải đủ 50 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (3) và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021. Trong khi đó quy định hiện hành nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và không quy định phải làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Trường hợp 3: Năm 2021, nam phải đủ 50 tuổi 03 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (4) và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò. Trong khi đó quy định hiện hành quy định nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
- Trường hợp 4: Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong khi đó quy định hiện hành không quy định “trong khi thực hiện nhiệm vụ”.
*Nhóm 2: Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Năm 2021, nam phải đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ phải đủ 50 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác). Trong khi đó quy định hiện hành quy định nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.
- Trường hợp 2: Năm 2021, nam phải đủ 50 tuổi 03 tháng, nữ phải đủ 45 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
- Trường hợp 3: Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong khi đó quy định hiện hành không quy định “trong khi thực hiện nhiệm vụ”.
* Nhóm 3: Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ (năm 2021), những năm tiếp theo tăng theo lộ trình thì được hưởng lương hưu. Trong khi đó quy định hiện hành không quy định đối tượng lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã; tuổi nghỉ hưu là đủ 55 tuổi.
1.1.1.2. Trường hợp khi suy giảm khả năng lao động
* Nhóm 1: Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Năm 2021, nam phải đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ phải đủ 50 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (5), khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Trong khi đó quy định hiện hành quy định nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.
- Trường hợp 2: Năm 2021, nam phải đủ 50 tuổi 03 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (6), khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Trong khi đó quy định hiện hành quy định nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
- Trường hợp 3: Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
* Nhóm 2: Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Năm 2021, nam phải đủ 50 tuổi 03 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng lên theo lộ trình (7). Trong khi đó quy định hiện hành quy định nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
- Trường hợp 2: Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
1.1.2 Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Năm 2021: nam phải đủ 60 tuổi 03 tháng, nữ đủ 55 tuổi 04 tháng, những năm tiếp theo tăng theo lộ trình. Trong khi đó quy định hiện hành nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
1.2. Về mức hưởng lương hưu
1.2.1. Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1.2.1.1. Mức lương hưu hàng tháng
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính như sau:
Mức lương hưu hàng tháng = [Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng] x [Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội]
Trong đó:
- Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được xác định như sau:
+ Đối với lao động nam: Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong khoản thời gian từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021: Đóng đủ 19 năm bảo hiểm xã hội thì được 45% (hiện nay là 18 năm); Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2022 trở đi: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.
+ Đối với lao động nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.
+ Trường hợp người lao động hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được xác định theo quy định tại Điều 62, Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 9, Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
1.2.1.2. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên đây) thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
1.2.2. Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1.2.2.1. Mức lương hưu hàng tháng
Mức lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2021 được tính như sau:
Mức lương hưu hàng tháng = [Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng] x [Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội]
Trong đó:
- Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được xác định như sau:
+ Đối với nam: Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021: Đóng đủ 19 năm bảo hiểm xã hội thì được 45% (hiện hành là 18 năm); trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2022, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
+ Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
- Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ (8).
1.2.2.2. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Tương tự trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
II. VỀ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM Y TẾ
Mỗi người sinh ra và lớn lên đều mong muốn có một thể lực tốt, không ốm đau, bệnh tật; đặc biệt là khi tham gia vào quan hệ lao động. Tuy nhiên, rất khó để có may mắ đó bởi cuộc đời mỗi con người khó tránh khỏi những ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Những lúc như vậy, nhu cầu được chăm sóc, khám chữa và điều trị trở thành nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, khi các sự kiện đó nảy sinh, bản thân người bị rủi ro không chỉ bị giảm (hoặc mất) thu nhập do không thể tham gia quan hệ lao động mà còn phải chi trả một khoản tiền nhất định cho việc khám, chữa, điều trị và chăm sóc sức khỏe; đặc biệt là đối với các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Khi gặp những trường hợp đó, nhiều người không có khả năng tài chính buộc phải đương đầu với rủi ro hoặc sống chung với bệnh tật. Vì vậy, để vượt qua những khó khăn, mỗi người tìm cho mình cách giải quyết khác nhau, một trong số cách được coi là tốt nhất chính là tham gia bảo hiểm y tế. Hình thức này có tính nhân văn sâu sắc nhằm góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo các quyền và lợi ích cho các chủ thể, cũng giống như các chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế cũng có những điều chỉnh phù hợp tùy thuộc vào điều kiện thực tế và yếu tố phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, từ ngày 01/01/2021, trường hợp người có thẻ Bảo hiểm y tế tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ sau đây:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước (Hiện nay chỉ được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ bảo hiểm y tế).
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám chữa bệnh.
Lưu ý: Quy định trên không áp dụng đối với các người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Như vậy, xem xét các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mỗi giai đoạn khác nhau đều có quy định khác nhau. Việc đưa ra các chính sách mới đó không chỉ là sự tương trợ, giúp đỡ, đảm bảo mỗi chủ thể trong quan hệ lao động trước các rủi ro, biến cố khi bị tai nạn lao động, bệnh tật, ốm đau, già yếu… mà còn là trách nhiệm của nhà nước trước các rủi ro, biến cố của các chủ thể trong quan hệ lao động. Qua tìm hiểu những thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về điều kiện hưởng, mức hưởng cho từng đối tượng tham gia vào quan hệ lao động cho ta đã thấy rõ được điều đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). ILO (1999), “Social security principles”, ISBN 92-2-110734-5, tr.10;
(2). Tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ từ ngày 01/01/2012 (Từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ);
(3). Danh mục nghề, công việc được nghỉ hưu trước tuổi tối đa 5 năm;
(4). Hai trường hợp người lao động được về hưu trước tuổi tối đa 10 năm từ 01/01/2021;
(5). Danh mục nghề, công việc được nghỉ hưu trước tuổi tối đa 5 năm;
(6). Hai trường hợp người lao động được về hưu trước tuổi tối đa 10 năm từ 01/01/2021;
(7). Hai trường hợp người lao động được về hưu trước tuổi tối đa 10 năm từ 01/01/2021;
(8). Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP;
(9). Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
(10). Luật Bảo hiểm Y tế năm 2014 (sửa đổi, bổ sung);
(11). Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
(12). Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;
(13). Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
(14). Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua ngày 28/6/1952;
(15). Https://voer. edu.vn.