Một số vướng mắc, bất cập của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015

Ths. Nguyễn Thị Hương
Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 (BLTTDS năm 2015). Sau 8 năm thi hành, các quy định của BLTTDS năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu chung của công tác hoạt động xét xử các vụ việc dân sự, tạo hành lang pháp lý tốt cho quá trình tiến hành tố tụng. Đồng thời tạo điều kiện tốt cho người tham gia tố tụng thực hiện, bảo vệ các quyền của mình, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và chất lượng xét xử các tranh chấp dân sự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, góp phần bảo vệ công lý.
Bên cạnh những ưu điểm đó, BLTTDS năm 2015 cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong áp dụng pháp luật và trong quá trình thực hiện trên thực tế, cụ thể:
Thứ nhất, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Tại Điều 7 BLTTDS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi là Viện kiểm sát) tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát”.
Trong thực tế, khi xét thấy cần thu thập chứng cứ Tòa án sẽ ra quyết định thu thập chứng cứ theo đề nghị của đương sự và gửi đến cơ quan nơi đang lưu giữ chứng cứ. Tuy nhiên, việc cung cấp chứng cứ của các cơ quan này thường chậm, Tòa án phải gửi nhiều văn bản nhắc nhở mới cung cấp. Có trường hợp không lưu giữ chứng cứ nhưng các cơ quan được yêu cầu cung cấp cũng không kịp thời trả lời bằng văn bản là không cung cấp được. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Thứ hai, quy định về sự có mặt của Kiểm sát viên.
Tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định: “Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên…”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 232 BLTTDS năm 2015 quy định về việc có mặt của Kiểm sát viên: “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa”. Mặt khác, theo quy định tại Điều 233 BLTTDS năm 2015 thì các trường hợp luật quy định hoãn phiên tòa lại không có liệt kê trường hợp vắng Kiểm sát viên.
Như vậy, trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt dù có hay không có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử mà không hoãn phiên tòa, điều này ảnh hưởng đến việc phát hiện những vi phạm, sai sót của Hội đồng xét xử và của những người tham gia tố tụng khác, gây khó khăn cho công tác kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Đồng thời, việc quy định về trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên tòa, mà Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường sẽ ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự.
Thứ ba, quy định về bảo đảm tranh tụng trong xét xử.
Tại khoản 2 Điều 24 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.”
Tuy nhiên, trên thực tế các đương sự không thông báo cho nhau các tài liệu chứng cứ đã giao nộp theo luật định. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ, ảnh hưởng đến việc tranh tụng của các đương sự và tiến độ giải quyết vụ án. 
Thứ tư, quy định về thời hạn Tòa án gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Viện kiểm sát.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 192; khoản 2 Điều 364 BLTTDS năm 2015 khi trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do; đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 và Điều 12 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS chưa quy định trong thời hạn bao lâu thì Tòa án phải gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Viện kiểm sát, dẫn đến việc Tòa án gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không thống nhất về thời hạn.
Thứ năm, quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử.
Tại điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án” và đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng.
Trên thực tế, án kinh doanh thương mại là loại án phức tạp (liên quan đến hoạt động của nhiều loại hình doanh nghiệp, thu thập chứng cứ ở nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau, quá trình thu thập chứng cứ, tống đạt văn bản tố tụng dài ngày, nhiều vụ án phụ thuộc vào sự hợp tác quốc tế của Việt Nam và các nước khác…) thì việc quy định thời hạn ngắn hơn các loại án còn lại như trên là chưa phù hợp với yêu cầu thực tế, nên cần có sự nghiên cứu, sửa đổi hợp lý.
Thứ sáu, quy định về thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015 thì “…Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án”.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình Kiểm sát viên thực hiện rất nhiều thủ tục như nghiên cứu hồ sơ, trích cứu hồ sơ; báo cáo Lãnh đạo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án; dự kiến nội dung hỏi tại phiên tòa; dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa nên đối với những vụ án phức tạp thì khoảng thời gian 15 ngày là không thể đủ để Kiểm sát viên có thể hoàn thành việc nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách toàn diện.
Thứ bảy, quy định tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 không hợp lý và khó thực hiện.
Điều luật quy định: “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”.
Khi tham gia phiên Tòa, phiên họp Kiểm sát viên phải chuẩn bị sẵn dự thảo bài phát biểu dựa trên các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên có nhiều phiên tòa xuất hiện tình tiết, chứng cứ mới dẫn đến việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến không giống như dự thảo đã soạn sẳn mà phải chỉnh sửa bài phát biểu căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và diễn biến trực tiếp tại phiên tòa. Mặt khác bài phát biểu còn phải được đóng dấu của Viện kiểm sát. Vì vậy Kiểm sát viên không thể gửi bài phát biểu bằng văn bản cho Tòa án ngay khi kết thúc phiên tòa được. Vì vậy cần quy định thời hạn gửi bài phát biểu mới hợp lý và phù hợp với thực tiễn./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Hà Nội.
2. Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.