Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
- Thứ sáu - 09/05/2025 09:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ThS. Quách Thị Hương Giang
Khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia. Những thành tựu mà khoa học công nghệ mang lại đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giảm chi phí và tiêu hao sức lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống của người dân… Ở Việt Nam, vai trò của khoa học công nghệ đã được thể hiện trong các Cương lĩnh chính trị, chủ trương, chính sách của Đảng và được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 cũng đã xác lập nền tảng pháp lý quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của khoa học và công nghệ, đưa khoa học và công nghệ từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội trong hơn 10 năm qua.Tuy nhiên, muốn đất nước phát triển hùng mạnh trên nền tảng khoa học và công nghệ hưng thịnh, thì phải hướng khoa học công nghệ tới đổi mới sáng tạo, bởi đó không chỉ là hoạt động của giới chuyên môn, của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, mà phải xem đó là sự nghiệp của toàn dân. Hiện thực hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, cụ thể: Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030… Mặc dù vậy, quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Để khắc phục tình trạng đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong hai năm qua đã đạt được nhiều thành quả nhất định và có những đóng góp quan trọng cho đất nước trên nhiều mặt. Nhiều địa phương, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo. Quốc hội đã ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hoá; tất cả các địa phương đều đã ban hành nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Một số lĩnh vực đã ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ như dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; quản lý thuế, hoá đơn điện tử được triển khai mạnh mẽ. Trong lĩnh vực y tế, sổ sức khoẻ điện tử, bệnh án điện tử cũng đưa vào hoạt động. Việc thanh toán lương hưu, bảo hiểm xã hội được thực hiện qua hệ thống tài khoản…Về xếp hạng chuyển đổi số quốc tế, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194 [1]
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: Chuyển đổi số chưa phát triển đúng tầm, chưa tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh chưa cao (khoảng 30%), nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao (tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 69,5% so với 80% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính mới đạt 63,4%/80% so với chỉ tiêu năm 2024). Nhân lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 chưa đáp ứng cả số lượng và chất lượng, thái độ nghề nghiệp…[2]
Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, để Việt Nam có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đã nêu rõ: (i) Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. (ii) Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân và doanh nghiệp được xác định là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. (iii) Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài. (iv) Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu. (v) Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế. (vi) Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia [3].
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là những việc phải làm và đã làm là phải có hiệu quả; phải chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, mang lại kết quả cụ thể, lợi ích cho quốc gia, dân tộc, cho Nhân dân. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số luôn gắn chặt với nhau, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Đây là những yêu cầu có tính khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đặc biệt, với quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng quản trị quốc gia. Để thực sự vươn mình, phát triển bền vững, chúng ta cần tiếp tục cuộc cách mạng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, vì đó là đột phá chiến lược, là động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển hưng thịnh trong kỷ nguyên mới.
[1] Thông cáo báo chí: Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc năm 2024, https://micclose.dev.cnnd.vn/thong-cao-bao-chi-bao-cao-khao-sat-chinh-phu-dien-tu-cua-lien-hiep-quoc-nam-2024-197240918214719337.htm
[2] Bản tin điện tử cải cách hành chính của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, số 10/2025.
[3] Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.