23:47 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 149533
    • Tháng hiện tại: 2909104
    • Tổng lượt truy cập: 69894255

    Trang nhất » Tin Tức » Điểm báo

    17 nhà khoa học được bầu vào Hội đồng Khoa học Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2017 - 2022

    Thứ hai - 18/12/2017 13:54

    Chiều 18/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị bầu thành viên Hội đồng Khoa học (HĐKH) Bộ nhiệm kỳ 2017 – 2022 để tổng kết công tác nhiệm kỳ vừa qua và bầu thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới. Chủ trì Hội nghị là Đoàn Chủ tịch gồm Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Lê Tiến Châu và Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương.

    Nhiều đổi mới về phương thức và hình thức sinh hoạt khoa học
    Nhìn lại nhiệm kỳ 2012 – 2017, có thể thấy HĐKH Bộ đã có những đổi mới nhất định về phương thức và hình thức sinh hoạt khoa học, chú trọng mời các chuyên gia trong và ngoài ngành tham dự. Kết quả hoạt động của HĐKH Bộ đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc tư vấn, cho ý kiến về những vấn đề khoa học lớn của Bộ, ngành giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, tư pháp và pháp luật; các định hướng, chính sách trong xây dựng sửa đổi, bổ sung các dự án luật lớn do Bộ chủ trì soạn thảo; tư vấn cho Bộ trưởng về định hướng nghiên cứu khoa học pháp lý dài hạn và hàng năm. Các ý kiến tư vấn khoa học của HĐKH Bộ đã góp phần định hướng công tác nghiên cứu khoa học của Bộ phù hợp hơn với các yêu cầu chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ.

    1 1

    Nói về một số định hướng công tác HĐKH Bộ nhiệm kỳ 2017 – 2022, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho rằng, hoạt động chuyên môn của Hội đồng cần tập trung vào phát huy vai trò của HĐKH Bộ trong việc tư vấn giúp Bộ trưởng các vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các quy định của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đồng thời, tư vấn cho Bộ trưởng trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với tổ chức thi hành hiệu quả pháp luật…
    Về phương thức hoạt động, Thứ trưởng cho biết, sẽ đổi mới theo hướng xác định rõ những vấn đề, nội dung bắt buộc phải đưa ra HĐKH Bộ cho ý kiến; nâng cao ý thức trách nhiệm của từng thành viên HĐKH Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng. Ngoài ra, cần đa dạng các hình thức hoạt động, linh hoạt trong khâu tổ chức các phiên họp của HĐKH Bộ, kết hợp tốt giữa họp toàn thể với họp mở rộng, họp thường kỳ và họp chuyên đề…
    1 1

    Truyền đam mê nghiên cứu khoa học cho giới trẻ
    Các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận với mong muốn tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐKH Bộ trong nhiệm kỳ tới. TS. Tô Văn Hòa đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan giúp việc thường trực và các ban chuyên môn của Hội đồng, tập trung nghiên cứu các vấn đề mang tính cơ bản, liên ngành. Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa mong muốn có sự “uyển chuyển” hơn trong các phiên họp của Hội đồng, không hành chính hóa hoạt động khoa học. Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn đề nghị có định hướng nêu cao tính tiên phong, gợi mở, đi trước của công tác nghiên cứu khoa học cũng như tính toán bảo đảm tính ổn định của các thành viên HĐKH…
    1 1

    Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long thống nhất cao với các ý kiến góp ý và khẳng định Hội đồng nhiệm kỳ mới sẽ tiếp thu, đảm bảo tính chủ động hơn trong các hoạt động của mình. Lưu ý phải làm rõ hơn bối cảnh của ngành trong tình hình mới, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề pháp lý sẽ phát sinh phức tạp hơn, yêu cầu cao hơn trong đời sống dân chủ hơn, đòi hỏi đóng góp thực sự của những người làm luật, làm nghiên cứu khoa học pháp lý. Trăn trở với một số nội dung chưa hoàn thành của nhiệm kỳ qua, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục thực hiện, nhất là tới đây quan niệm truyền thống về pháp luật sẽ thay đổi thì khoa học pháp lý phải đi trước.
    Liên quan đến định hướng hoạt động của Hội đồng, Bộ trưởng yêu cầu làm sâu sắc thêm một số vấn đề như cách thức tổ chức hoạt động của Hội đồng, việc cung cấp thông tin cho các nhà khoa học. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh nghiên cứu khoa học phải thực sự đam mê và mong mỏi các nhà khoa học sẽ truyền đam mê cho giới trẻ để tạo được thế hệ tiếp bước thật xứng đáng.
    1 1

    Với tinh thần dân chủ, Hội nghị đã tiến hành bầu thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới ( ngoài 2 thành viên đương nhiên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý) gồm 17 nhà khoa học bao gồm (sắp xếp thứ tự ABC): Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Nguyễn Thanh Bình, Thứ trưởng Lê Tiến Châu; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tư pháp Trần Mạnh Đạt, PGS.TS Bùi Đăng Hiếu, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, TS Tô Văn Hòa, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Đặng Vũ Huân, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Võ Đình Toàn, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú và nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng.
    Tác giả bài viết: Thục Quyên
    Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình