18:08 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 486
    • Khách viếng thăm: 461
    • Máy chủ tìm kiếm: 25
    • Hôm nay: 107457
    • Tháng hiện tại: 2867028
    • Tổng lượt truy cập: 69852179

    Trang nhất » Tin Tức » Điểm báo

    Nhiều điểm nhấn trong hoạt động lập pháp ​

    Chủ nhật - 03/06/2018 08:29

    Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 diễn ra ngày 30.5 ​

    Nhiều dự án luật, pháp lệnh đáp ứng sự mong đợi của người dân
    Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng việc lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các dự án cụ thể từ đầu nhiệm kỳ  Quốc hội (QH) đến giờ có nhiều điểm nhấn.
    Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ QH đến nay, QH đã thông qua được 32 luật và nghị quyết, UBTVQH thông qua 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dù còn hạn chế nhưng có những dự án luật, pháp lệnh, dự thảo, nghị quyết đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự mong đợi của người dân.
    “Ví dụ, như nghị quyết của QH về thí điểm giải quyết nợ xấu chúng ta cũng sửa đổi, bổ sung nhanh một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần xử lý việc rất nhức nhối trong xã hội là khoản tiền không thu được. Nghị quyết về một số chính sách đặc thù để phát triển TP Hồ Chí Minh đưa vào chương trình nhanh và trách nhiệm. Các dự án thảo luận có ý kiến rất khác nhau nhưng về cơ bản dự án trình QH đều được thông qua với tỷ lệ cao, trong đó có 2 dự án 100% số ĐBQH có mặt thông qua”, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng.
    Bên cạnh đó, Chính phủ đã cố gắng trình sớm, ví dụ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 như Ủy ban Pháp luật đánh giá là lần đầu tiên đúng hạn, nghĩa là trước ngày 1/3. Hồ sơ tài liệu tương đối đầy đủ, ngay việc tài liệu kèm theo chương trình năm 2019 có hơn 3.600 trang cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc.
    “Việc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đánh giá tại Báo cáo số 240 ngày 22/12/2017. Đây là một số điểm được và là cố gắng lớn của Chính phủ và các cơ quan trình, đặc biệt của QH và ĐBQH. Sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đầu năm 2018 với những tỷ lệ tăng trưởng tốc độ cao như thế có sự đóng góp của thể chế. Ở đây không những đơn thuần chỉ là luật, pháp lệnh mà còn là nghị định và văn bản dưới luật và Chính phủ đang cố gắng. Đây là điểm được”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
    Có tình trạng quá tải
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhất trí với những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã được các Đại biểu QH đề cập như tình trạng xin lùi, xin rút ảnh hưởng đến tính ổn định của chương trình mà một thời gian dài chúng ta chưa xử lý được. Giải thích về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng có tình trạng quá tải.
    “Trước hết, chúng ta phải tập trung để thể chế hóa các nghị quyết Trung ương, mà thông thường vào năm thứ hai, năm thứ ba của nhiệm kỳ, số lượng nghị quyết Trung ương ra lớn. Chúng ta phải thể chế các Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6 và sắp tới là Trung ương 7, còn có những vấn đề của Trung ương 4 chúng ta chưa làm được”, Bộ trưởng Long phân tích.
    Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, vấn đề thể chế ở đây không chỉ là luật, pháp lệnh mà các nghị định, các thông tư cũng phải cắt giảm các điều kiện, các thủ tục kinh doanh tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.
    “Chúng ta phải sửa các luật, rà soát các luật để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch. 25 đến 27 luật chúng ta phải rà soát rất kỹ. QH đang xem xét cho ý kiến và sẽ thông qua trong kỳ này”, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng.
    Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề cập là yêu cầu cao của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
    “Ở đây có tách quy trình soạn thảo văn bản khỏi quy trình đánh giá tác động chính sách, yêu cầu rất cao. Tất cả đó là những nguyên nhân khách quan”, ông nói.
    Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành đã nghiêm túc nhìn ra vấn đề này.
    “Trong các phiên họp của Chính phủ, hầu như phiên nào cũng có xây dựng thể chế và một năm tổ chức hai phiên họp chuyên đề để xây dựng thể chế và lần nào Thủ tướng Chính phủ cũng đôn đốc. Sau khi có phiên giải trình của Bộ Tư pháp trước UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ có công văn để đôn đốc các Bộ trưởng, trưởng ngành. Sau đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ cũng đã kiểm điểm về trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra những hạn chế, những khuyết điểm, thiếu sót trong xây dựng luật, pháp lệnh như vậy”, Bộ trưởng  thông tin.
    Về tính chủ động của các bộ, các ngành, ông Long cho rằng vẫn có vấn đề quan tâm và đánh giá về vai trò, thể chế cũng chưa đúng mức, vì thế có chậm và xảy ra thiếu sót.
    Ngoài ra, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2005, chúng ta bỏ chương trình toàn khóa mà xây dựng chương trình hàng năm.
    “Theo nguyên tắc và cách thức làm này, chúng ta sẽ căn cứ vào phát triển kinh tế - xã hội để trình các dự án đưa vào chương trình UBTVQH xem xét theo kiểu cuốn chiếu, tức là đến đâu thì chúng ta làm đến đấy, cho nên tình trạng xin lùi, xin rút và bổ sung cũng có nguyên nhân từ luật như vậy”, Bộ trưởng Long nói thêm.
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định Chính phủ và Bộ Tư pháp đã ý thức rất rõ về những vấn đề đặt ra đối với công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đã đề ra một số giải pháp.
    Trong đó, giải pháp đầu tiên là chủ động rà soát các nguồn ngay từ đầu. “Ví dụ, với các nghị quyết của trung ương thì ngay từ khi làm chương trình hành động đã phải đề ra được các nội dung, dự án cụ thể, phải đảm bảo thứ tự ưu tiên để tránh quá tải”, ông Long nói.
    Giải pháp thứ 2 là phân công và triển khai sớm sau khi QH thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đề ra việc tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu, Bộ trưởng của các bộ, ngành.
    Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định Bộ sẽ có ý kiến dứt khoát hơn và rõ ràng hơn trong thẩm định, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cũng như thẩm định các dự án, dự thảo luật và nghị quyết; đồng thời phát huy vai trò của hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác về công vụ và tổ công tác kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao cho các bộ, ngành.
    Tăng cường vai trò của pháp chế
    Mặc dù vậy nhưng Bộ trưởng  cũng cho rằng thách thức phía trước vẫn rất lớn. “Chúng tôi điểm lại sơ bộ thì thấy còn các dự án luật còn nợ, từ Nghị quyết Trung ương 5 đến bây giờ mà chưa đưa vào được chương trình năm 2019. Chúng ta phải tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết trung ương 6 và Trung ương 7, đồng thời cũng phải rà soát để xem cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nào để thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam trong CPTPP, rà lại xem kế hoạch chúng ta ban hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh để thực hiện Hiến pháp năm 2013 đến đâu. Đó cũng là một vấn đề tương đối thách thức thời gian tới, trong khi thời gian chương trình chúng ta có hạn và phải đảm bảo tính khả thi”, Bộ trưởng thông tin và khẳng định Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ý thức được vấn đề này và sẽ chủ động hơn.
    Về việc tăng cường vai trò của pháp chế, theo Bộ trưởng Long, hiện các lớp về hướng dẫn và công tác xây dựng luật, pháp lệnh của pháp chế đang tiếp tục được mở ra.
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, không kể trong doanh nghiệp, tổng số toàn quốc hiện có 4.871 cán bộ làm công tác pháp chế. Trong đó, ở các bộ, cơ quan ngang bộ có 2.708 cán bộ còn các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 2.163 người.
    “Số lượng này cũng tương đối khiêm tốn so với yêu cầu xây dựng luật, pháp lệnh. Cho nên bây giờ cũng phải tập trung vào bồi dưỡng để nâng cao năng lực tham mưu của các tổ chức pháp chế”, Bộ trưởng nói./.

    Tác giả bài viết: Hà Dung
    Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình