15:05 ICT Thứ tư, 16/10/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 754
    • Khách viếng thăm: 564
    • Máy chủ tìm kiếm: 190
    • Hôm nay: 85413
    • Tháng hiện tại: 2489569
    • Tổng lượt truy cập: 57183567

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học

    Học sinh, sinh viên với văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội

    Thứ ba - 01/10/2024 14:16

    Bài viết "Học sinh, sinh viên và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội" nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về vai trò, lợi ích và tác hại của mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên. Trong bối cảnh Công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội không chỉ mang lại những tiện ích vượt trội trong học tập và giao tiếp, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được sử dụng đúng cách. Bài viết cũng đề cập đến các quy định pháp luật liên quan, cùng với trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trên không gian mạng, giúp định hướng họ trở thành những công dân mạng có trách nhiệm.

    I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ MẠNG XÃ HỘI
    Với sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ 4.0, không gian mạng trở thành một bộ phận quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, nó cũng mang đến những mặt trái nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.
    Theo thống kê tính đến tháng 01/2024 Việt Nam có khoảng 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% dân số, trong đó giới trẻ, học sinh, sinh viên là đối tượng sử dụng nhiều và đang dạng trên các nền mạng. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng trong sử dụng internet còn nhiều hạn chế, trong bối cảnh những thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật tràn lan và chưa được kiểm soát hiệu quả thì mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
    Vậy, mạng xã hội là gì? Mạng xã hội là cụm từ đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay. Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
    Hay nói một cách dễ hiểu hơn, mạng xã hội có thể là một trang web hay nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng hình thức kết nối với nhiều người cùng sở thích trên internet, không phân biệt đối tượng sử dụng, hay không gian, thời gian. Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác và mỗi người dùng trên mạng xã hội đều phải tạo tài khoản, hồ sơ riêng. Một số trang mạng xã hội được học sinh, sinh viên dùng phổ biến như: facebook, tiktok, youtube, zalo… Với không gian mạng đầy hấp dẫn như vậy thì mạng xã hội sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho học sinh, sinh viên:
    Một là, công cụ truyền thông vô cùng đắc lực, cập nhật kịp thời tin tức nóng hổi về đời sống, xã hội và là kho tàng kiến thức khổng lồ mà học sinh có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng, từ đó thuận lợi hơn trong học tập. Học sinh cũng có thể tham khảo kiến thức trong các nhóm học tập, chia sẻ nội dung chương trình học, có thể gửi tài liệu, trao đổi trực tuyến bất kể không gian và thời gian.
    Hay vừa qua, tin tức về cơn bão số 3, gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc nước ta, chúng ta có thể đọc và biết nhiều thông tin liên quan thông qua nền tảng zalo, tiktok… và các trang web khác.
    Hai là, kết nối với bạn bè ở khắp mọi nơi, có thể giao lưu với bạn bè trên thế giới, là cầu nối cho tình bạn trong sáng, tốt đẹp, tạo các mối quan hệ để hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, hay các hoạt động của trường, của lớp.
    Ba là, nâng cao hiểu biết, các kỹ năng sống để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu.
    Bốn là, giới thiệu về bản thân, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ quan điểm, lập trường của cá nhân và lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Hiện nay, nhiều bạn học sinh, sinh viên thường xuyên đăng tải những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm đẹp của mình lên facebook hay Tiktok để lưu giữ, hay khi thấy những hình ảnh, những điều tốt đẹp trong cuộc sống, các bạn đã chia sẻ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với mọi người.
    Năm là, có tác dụng vui chơi, giải trí, giúp học sinh, sinh viên cảm thấy thoải mái sau những giờ học căng thẳng.
    Từ những lợi ích trên, chúng ta không thể phủ nhận được sự tuyệt vời mà mạng xã hội mang lại. Bên cạnh việc cung cấp thông tin nhanh chóng, mạng xã hội còn đem con người đến gần nhau hơn, giúp ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn, thoả mãn các nhu cầu tinh thần khác. Đặc biệt còn giúp truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn.
    Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, chúng ta còn thấy những tác hại khôn lường khi lạm dụng hoặc sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Vậy những tác hại đó là gì?
    Một là, giảm tương tác giữa con người với nhau. Thay vì trò chuyện với bạn bè, với những người xung quanh, nhiều học sinh, sinh viên thường sử dụng điện thoại để truy cập mạng xã hội mọi lúc mọi nơi. Điều này sẽ làm giảm thời gian và cơ hội để tương tác trực tiếp, dẫn tới các mối quan hệ như bạn bè, gia đình bị mất kết nối, trở nên lỏng lẻo.
    Điều này chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi, ngay chính trong cuộc sống của chúng ta, ngay trong gia đình chúng ta khi mà bố, mẹ, con cái sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng, đáng lẽ khi quay về nhà mọi người sẽ quây quần nói chuyện với nhau, nhưng một thực tế đặt ra là mỗi người ngồi một góc, trên tay là điện thoại với những công việc, những trò chơi riêng của bản thân mình trên mạng xã hội, hay một nhóm bạn hẹn nhau vào quán café để nói chuyện, nhưng trên tay mỗi người cũng là những chiếc điện thoại lướt web… Có thể thấy, khi chúng ta lạm dụng mạng xã hội sẽ giảm sự tương tác trực tiếp với nhau, thiếu hiểu biết thông tin về nhau, mối quan hệ trở nên nhạt nhẽo, hời hợt…
    Hai là, chiếm và lãng phí thời gian dẫn đến sao nhãng, sa sút học tập - mục tiêu thực của cá nhân. Một thực tế diễn ra là mạng xã hội khiến cho chúng ta mất rất nhiều thời gian nếu quá tập trung vào nó. Ở tuổi học sinh, sinh viên thì thời gian chủ yếu dành cho việc học tập. Tuy nhiên có những học sinh, sinh viên đã dành quá nhiều thời gian vào việc sử dụng mạng xã hội, như đăng ảnh trên facebook với mục đích để câu like, để được khen ngợi, hay lướt xem tiktok, youtube... nên đã ảnh hưởng đến việc học tập của cá nhân.
    Ba là, mất ngủ kéo dài, giết chết sự sáng tạo, thậm chí bị bệnh.
    Một ví dụ cụ thể như ở tại các trường  học mà các em dễ dàng bắt gặp, đó là nhiều bạn sử dụng mạng xã hội quá nhiều, thức khuya để nhắn tin, trò chuyện với bạn bè, người yêu hay xem phim, các video trên mạng xã hội, hay chơi những trò chơi trên mạng xã hội dẫn đến mất ngủ. Ngày hôm sau đi học với tinh thần uể oải, ngủ gà ngủ gật trên bàn. Như vậy thì không thể tập trung nghe giảng, tiếp thu kiến thức được.
    Bốn là, bạo lực, tự do ngôn ngữ khi không có gia đình, thầy cô kiểm soát, bắt nạt trên mạng xã hội.
    Cụ thể như xuất hiện ở những “anh hùng bàn phím”. Cụm từ này thực chất được sử dụng với ý nghĩa mỉa mai những người giấu mặt sau màn hình máy tính. Họ bình luận một cách thoải mái, không cần quan tâm đúng sai, hay thậm chí còn bôi nhọ, lăng mạ, đặt điều, biến người khác thành nạn nhân bị bắt nạt, cô lập. Họ buông những lời lẽ thách thức, ngông cuồng không kiểm soát, không lường trước được hậu quả, kể cả có thể gây tổn thương cho người khác. Trên mạng xã hội không khó để tìm thấy những người a dua theo đám đông, lệch lạc văn hóa giống như trên. Và càng đáng buồn hơn khi thực trạng này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.
    Năm là, tiếp xúc với nhiều thông tin không chính thống, sai lệch; thông tin xấu độc. Điển hình như khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có không ít người dùng mạng xã hội để đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch bệnh khiến cho người dân lo lắng, hoang mang; thông tin không xác thực về các nghệ sĩ sử dụng tiền quyên góp từ thiện; các thông tin không đúng sự thật về thiên tai, bão lũ…
    Sáu là, nguy cơ tham gia vào các nhóm kín bị kích động, rủ rê, lừa đảo, cám giỗ.
    Bảy là, nguy cơ nảy sinh tình cảm nam nữ sớm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
    Tám là, hay so sánh bản thân mình với “cuộc sống ảo” của người khác, đua đòi, bắt chước theo trào lưu, hot trend, nguy cơ trầm cảm cao.
    II. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI
    Liên quan đến việc sử dụng an ninh mạng, hiện nay được điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng năm 2018 và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Việc triển khai nội dung luật đến người dân đã được các cấp, ngành triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú trong đó có đối tượng là học sinh, sinh viên. Luật An ninh mạng 2008 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như[1]:
    1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
    a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
    b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
    d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
    đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;
    e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
    2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
    3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
    4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
    5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
    6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
    Bên cạnh Luật An ninh mạng, một số văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành để điều chỉnh vấn đề này như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 72/2013 ngày 15 tháng 07 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các Nghị định về Xử phạt Vi phạm hành chính: Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử… Và Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ Thông tin truyền thông về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
    III. TRÁCH NHIỆM ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN MẠNG XÃ HỘI
    1. Những điều cần tránh khi sử dụng internet và mạng xã hội
    Một là, những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
    Hiện nay, trên Youtube và nhiều trang mạng đăng tải thông tin về các sự kiện, sự việc hoặc nhân vật có thật nhưng trong đó đã tinh vi trộn lẫn những bình luận sai trái, những chi tiết bịa đặt. Nếu người xem không phân định được mà chia sẻ, phát tán thì vô tình tiếp tay cho kẻ xấu tuyên truyền thông tin vi phạm pháp luật.
    Hai là, những hành vi vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức
    Liên quan đến quyền nhân thân được pháp luật dân sự điều chỉnh và bảo vệ, bao gồm: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Chuyển đổi giới tính; Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…Ví dụ như việc chia sẻ về thông tin một người bạn vừa mới chia tay người yêu để bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu trên facebook và gắn tên người bạn đó. Trong khi người này không muốn cho mọi người biết về đời tư của mình. Như vậy, việc đăng tải thông tin đó đã vô tình vi phạm pháp luật dù vô ý và không có động cơ xấu.
    Ba là, những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản hoặc hành vi đánh bạc
    Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ nên người sử dụng không gian mạng dù vô ý cũng vi phạm pháp luật. Hoặc tuỳ tiện chia sẻ thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài sản của cá nhân khác, các trang web đánh bạc trực tuyến cũng có thể vi phạm pháp luật.
    Bốn là, những hành vi vi phạm pháp luật đến bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng
    Nếu người dùng sử dụng thiếu kiến thức thì có thể tiếp tay cho các hành vi tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, phát tán virut, xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thống, chiếm tài khoản…Ví dụ: Khi nhận được một đường link về thông tin trúng giải thưởng hoặc chương trình khuyến mại nào đó, người nhận đã thực hiện theo hướng dẫn là nhấp vào đường link đó để làm thủ tục nhận giải, nhưng vô tình đã làm lây lan virut cho mạng máy tính của cơ quan, tổ chức.
    Năm là, những hành vi tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá và lối sống văn minh.
    Ví dụ: Một trang web giới thiệu về các loại dao, kiếm và các dụng cụ trang trí khác nhưng đó lại là những vũ khí cấm quảng cáo. Nếu ai đó vô ý giới thiệu trang web này cho người khác là đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Hoặc quảng cáo thuốc đánh bắt cá, lưới bắt chim thể hiện sự không văn minh; hoặc có một số các trang web hẹn hò nhưng thực chất là hoạt động mại dâm… Nếu người dùng xem, tương tác (like hoặc comment) thì trang đó xuất hiện trên danh sách cập nhật thông tin của người dùng.
    Sáu là, những nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử về tôn giáo, về giới, về chủng tộc, về địa phương.
    Thông tin này do các phần tử phản động sản xuất, phát tán. Người xem cần thận trọng khi xử lý các thông tin này. Ví dụ như các thông tin ca tụng về chính sách của chế độ cũ; các thông tin phiến diện, chưa chính thống về tôn giáo, dân tộc; các thông tin kỳ thị về vùng miền… Hoặc ví dụ gần đây nhất về trường hợp của em học sinh Chu Ngọc Quang Vinh trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, mặc dù có kiến thức văn hoá giỏi nhưng lại nhận thức lệch lạc, không đúng về lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và Nhà nước.
    2. Những điều cần làm khi sử dụng mạng xã hội
    - Có tư duy phản biện, đánh giá, phân tích khi tiếp nhận thông tin. Cảnh giác, khéo léo, nhạy cảm để có thể phản bác, chống lại các thông tin không đúng sự thật, thông tin xấu độc. Chỉ sử dụng những thông tin chính thống, trên các nguồn thông tin chính thức.
    - Chỉ đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm với xã hội và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm.
    - Tham gia tuyên truyền, động viên để nhiều người khác, nhất là người thân của mình, những người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử đúng đắn khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội. 
    - Tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân (Ví dụ: Động viên nhau đeo khẩu trang trong mùa dịch Covid-19; nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường; kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ đồng bào gặp thiên tai…)
    - Tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích cơ quan, đơn vị, về địa phương và đất nước (Ví dụ: Quảng bá du lịch Quảng Bình; cuộc thi ảnh giới thiệu về Trường…)
    Mặc dù còn những tiêu cực, lệch lạc trong văn hóa ở một vài bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội. Thì vẫn còn đó những người trẻ lựa chọn sống và hành xử trong môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trên không gian mạng. Tuy không nhiều, nhưng họ là những người “trồng cây gây rừng” đích thực, góp phần ươm mầm cây xanh, hoa đẹp “đâm chồi nảy lộc” để loại bỏ bớt cỏ dại, trái độc trên mạng xã hội.
    Nếu như đã có “anh hùng bàn phím”, thì không thể thiếu sự có mặt của những “dũng sĩ lẽ phải”. Đây chính là những người đứng lên ủng hộ và bảo vệ cho lẽ phải, cho những người bị bắt nạt, cô lập trên mạng. Là những người luôn có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Bởi đôi khi giữa hàng trăm bình luận tiêu cực, chỉ cần vài dòng an ủi, động viên cũng đã khiến tinh thần của những người bị tấn công trở nên vững vàng hơn.
    - Hãy ủng hộ các thông điệp tích cực trên mạng xã hội để mạng xã hội trở tành công cụ truyền thông hiệu quả. Chúng ta cần trân trọng và biết ơn tới người lan tỏa những điều tốt đẹp trên mạng xã hội. Giữa vô vàn những thông tin tiêu cực, những bài “bóc phốt”, những trận cãi vã vô văn hóa,… thì những nội dung như lan tỏa người tốt, việc tốt, chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay lối sống tích cực, khỏe mạnh,… sẽ khiến mạng xã hội trở nên tốt đẹp hơn, mọi người cảm thấy yêu đời và có thêm động lực trong cuộc sống ở cả thế giới “ảo” và “thật”.
    Có thể nói rằng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội là một bộ phận cấu thành của văn hóa Việt Nam. Chính vì lẽ đó nên học sinh, sinh viên chúng ta nên nhớ rằng, những gì chia sẻ trên mạng xã hội sẽ phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn. Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, mỗi người trẻ nên là một người dùng thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực.

    Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội không chỉ là thước đo đạo đức cá nhân mà còn phản ánh văn hóa của cả cộng đồng. Trong thời đại số hóa, học sinh, sinh viên cần nhận thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội, không chỉ để tận dụng những lợi ích mà còn để tránh xa những tác hại tiềm ẩn. Việc tuân thủ các quy định pháp luật và duy trì hành vi ứng xử chuẩn mực sẽ giúp mỗi cá nhân không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần xây dựng một không gian mạng văn minh, an toàn và tích cực cho mọi người.
    Nhóm tác giả:
    - ThS. Quách Thị Hương Giang
    - ThS. Nguyễn Thị Hương
    - ThS. Phạm Anh Vũ


    [1] Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2008.

    Tác giả bài viết: ADMIN
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình