23:17 ICT Chủ nhật, 22/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 127994
    • Tháng hiện tại: 2507313
    • Tổng lượt truy cập: 65436410

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Bác Hồ trong tim người dân Quảng Bình

    Thứ sáu - 14/05/2021 10:31

    ThS. Nguyễn Hoàng Lê Khanh - Khoa Đào tạo cơ bản
    Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại (19/5/1890-19/5/2021) và 64 năm Người về thăm tỉnh Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2021), chúng ta cùng nhau ôn lại khoảnh khắc lịch sử - Quảng Bình được vinh dự đón Bác về thăm và những tình cảm thiêng liêng, những lời dạy bảo ân cần mà Người đã để lại cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Bình. Tấm lòng yêu thương vô bờ bến đó của Người mãi mãi còn nguyên giá trị đối với người dân Quảng Bình cho đến hôm nay và mai sau.
    Vào 8 giờ 15 phút ngày 16/6/1957, chuyên cơ mang số hiệu Li- 203 chở Bác Hồ hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (nay là Cảng hàng không Đồng Hới). Ngay khi đặt chân đến Quảng Bình, Bác Hồ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình và gửi lời thăm hỏi đến các cán bộ, nhân viên của mọi cấp, mọi ngành. Bác cũng không quên dành thời gian cho các đoàn đại biểu của dân tộc ít người như dân tộc Vân Kiều (Lệ Thuỷ), dân tộc Khùa, Mày (Tuyên Hóa), các đoàn đại biểu nhân sĩ trí thức và đoàn đại biểu tôn giáo. Bác mong muốn tất cả hãy ra sức cố gắng, đoàn kết một lòng để trở thành hậu phương vững chắc của tiền tuyến miền Nam anh hùng, cũng như chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
    Vào 16 giờ ngày 16-6-1957, cán bộ và nhân dân Quảng Bình tổ chức mít tinh tại Sân vận động Đồng Hới để chào đón Bác. Tại đây, Bác biểu dương khen ngợi Quảng Bình và Vĩnh Linh đã có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến và những năm đầu xây dựng hòa bình cũng như công tác cải cách ruộng đất. Đồng thời, Bác cũng động viên cán bộ, nhân dân hai tỉnh Quảng Bình - Vĩnh Linh tiếp tục cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng được giao. Thay mặt nhân dân Quảng Bình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã hứa với Bác là sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác cũng như sự tin yêu của đồng bào miền Nam
    Nhà nghỉ Sư đoàn 325 và Bãi tắm Nhật Lệ là địa điểm cuối cùng mà Bác đến trong chuyến vào thăm Quảng Bình. Sau khi tắm biển Nhật Lệ, Bác dự buổi liên hoan văn nghệ cùng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325. Tại buổi liên hoan này, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang hãy nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình mà ra sức học tập, rèn luyện, đoàn kết một lòng, xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin cậy, giao phó.  
    Đúng 4 giờ sáng ngày 17-6-1957, hàng ngàn cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình có mặt tại Sân vận động Đồng Hới và hai bên đường để lưu luyến tiễn Bác ra Sân bay, trở về Hà Nội.
     Hành trình Người về thăm Quảng Bình dù ngắn nhưng Bác vẫn luôn theo dõi và dành những tình cảm thiết tha nhất dành cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Quảng Bình ra sức phấn đấu lập công với phong trào “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”. Trên mặt trận lao động sản xuất, nhân dân Quảng Bình hăng hái thi đua và gặt hái được nhiều thành tích, trong đó có hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vang danh trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và hợp tác xã miền Bắc. Năm 1961, Bác Hồ đã gửi tặng Hợp tác xã Đại Phong chiếc máy cày DT54. Hơn thế nữa, Người viết báo nêu gương, cổ vũ Đại Phong và kêu gọi cả miền Bắc thi đua học tập theo Đại Phong.
    Không chỉ “sản xuất giỏi”, Quân và dân Quảng Bình còn ra sức phấn đấu trên mặt trận chiến đấu. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, hàng ngàn máy bay, tàu chiến của Mỹ lần lượt bị quân, dân Quảng Bình bắn hạ. Đặc biệt, ngày 14-7-1965 quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi và kêu gọi các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình. Một vinh dự nữa lại đến với quân và dân tỉnh Quảng Bình là vào ngày 29/8/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho quân và dân Quảng Bình.
    Những tình cảm của Bác là sức mạnh cổ vũ cho quân và dân Quảng Bình vượt qua những khó khan, gian khổ, đóng góp vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giai đoạn hiện nay, Quảng Bình đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên đường phát triển và hội nhập.
    Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh Quảng Bình đạt 6,83%, cao hơn nhiệm kỳ trước. Lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư và dần khẳng định được thương hiệu. Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình giai đoạn 2016-2020 đạt 19,7 triệu lượt khách; doanh thu tăng bình quân 9-10%/năm.
    Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,95%/năm; sản lượng lương thực bình quân đạt 30,5 vạn tấn/năm (tăng 2 vạn tấn so với nhiệm kỳ trước); sản lượng thủy sản liên tục tăng, năm 2020 đạt 88.000 tấn…
    Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống dân cư nông thôn được cải thiện nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, số tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã; có 79/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,72%.
    Ngành công nghiệp từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,53%/năm. 
     Hoạt động tài chính, tín dụng chuyển biến tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 17,4%/năm; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 22.352 tỷ đồng. 
    Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS mức độ III; 47,3% trường mầm non, 90% trường tiểu học, 59% trường THCS, 42,4% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động…
    Để thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, Tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2020) với các chuỗi hoạt động: Dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình; trồng cây lưu niệm tại quần thể Tượng đài Bác Hồ với Nhân dân Quảng Bình và Quảng trường trung tâm; chương trình lễ kỷ niệm. Đặc biệt, “Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” được xây dựng và đã chính thức được khánh thành vào ngày 13/6/2020 trong niềm xúc động và tự hào trào dâng trong lòng mỗi người con Quảng Bình.
    Bác đã đi xa hơn 52 năm, nhưng tình cảm của Người, tư tưởng của Người vẫn luôn khắc ghi, trong tâm khảm và trong trái tim của bao thế hệ cán bộ, nhân dân Quảng Bình, trở thành động lực lớn lao trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình luôn cố gắng vươn lên, phát triển vững mạnh về mọi mặt, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình