13:57 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 76754
    • Tháng hiện tại: 2836325
    • Tổng lượt truy cập: 69821476

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp

    Thứ sáu - 07/10/2022 14:33

    Nguyễn Thị Hương - Khoa Đào tạo Nghiệp vụ
    Trong điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay, những tranh chấp thương mại ngày càng phát triển mạnh, số lượng các vụ án kinh doanh thương mại được tòa án đưa ra xét xử tăng cao dẫn tới những vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến doanh nghiệp cũng theo đó tăng cao. Khi phải thi hành án, tâm lý chung của các đương sự đều cố giữ tất cả lợi ích thuộc về mình, không tự nguyện và cố tình kéo dài thời gian thi hành án. Do giá trị trong các tranh chấp kinh doanh, thương mại lớn nên khi bị tác động thì hầu hết đương sự đều tìm mọi biện pháp để bảo vệ bằng được các quyền lợi, dù rằng vi phạm pháp luật. Điều này tạo nên khó khăn lớn cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trong việc tổ chức thi hành án. Do đó, việc xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp đòi hỏi phải có những trình tự, kỹ năng đặc thù hơn so với xác minh điều kiện thi hành án nói chung. Bài viết này sẽ tập trung phân tích các kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp.
    1. Đặc thù về xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp
    Khác với với việc thi hành án đối với các đối tượng khác, việc thi hành án đối với doanh nghiệp có tính đặc thù sau:
    Thứ nhất, về tư cách chủ thể phải thi hành án
    Thực tiễn hoạt động xét xử và thi hành án trong những năm vừa qua cho thấy, chủ thể trong các tranh chấp về kinh doanh thương mại được giải quyết tại Tòa án chủ yếu là doanh nghiệp. Khác với cá nhân, doanh nghiệp được tổ chức theo nhiều loại hình khác nhau với tư cách pháp lý khác nhau. Vì vậy, ngay từ khâu tiếp nhận đơn yêu cầu và trong suốt quá trình thi hành án, cơ quan THADS phải lưu ý xem xét đến vấn đề này để đảm bảo việc xác định tư cách chủ thể tham gia quá trình thi hành án là doanh nghiệp cũng như người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền giải quyết việc thi hành án được chính xác, đúng pháp luật.
    Thứ hai, về vốn góp, tài sản của doanh nghiệp phải thi hành án
    Hầu hết các doanh nghiệp, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, đều có tính chịu trách nhiệm hữu hạn. Vì vậy, trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, bên cạnh việc xác minh các tài sản của doanh nghiệp, Chấp hành viên cần lưu ý về thực tế thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp theo cam kết của các thành viên cũng như các tài liệu, giấy tờ ghi nhận việc góp vốn đó để xác định trách nhiệm của các thành viên góp vốn đối với khoản nợ của doanh nghiệp.
    Bên cạnh đó, trừ doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp luôn có mối quan hệ độc lập về tài sản. Do đó, trong quá trình xác minh, xử lý tài sản, Chấp hành viên cần phân biệt tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp và tài sản thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp Giám đốc doanh nghiệp hoặc một số thành viên góp vốn sử dụng xe ô tô, tài sản có giá trị khác là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình vào hoạt động của doanh nghiệp. Chấp hành viên cần thận trọng trong việc xử lý đối với tài sản này.
    Do đây là chủ thể quan trọng và năng động nhất trong nền kinh tế, các doanh nghiệp thường sở hữu nhiều tài sản tương đối đặc biệt như dây chuyền công nghệ, thương hiệu kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa…, vì vậy, khi xử lý các tài sản này, chấp hành viên cũng phải lưu ý quy định của pháp luật khi xử lý những tài sản này (quyền sở hữu trí tuệ, tài sản hình thành trong tương, Dự án...).
    Thứ ba, tài sản bảo đảm thi hành án của doanh nghiệp thường có giá trị lớn, gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh
    Các bản án hay quyết định của Tòa án về kinh doanh thương mại thường có giá trị lớn, nhiều trường hợp giá trị vụ việc thi hành án có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, tồn tại, phát triển hoặc phá sản một doanh nghiệp. Do đó, hậu quả xã hội của nó là rất lớn. Tất cả các chi phí liên quan đến việc cưỡng chế, người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả hoặc bị khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản hay trừ vào tài sản của họ do người thứ ba đang cầm giữ, quản lý. Biện pháp cưỡng chế trong thi hành án đối với doanh nghiệp thường chỉ áp dụng biện pháp chủ yếu là trừ vào tài sản của người phải thi hành án do người khác giữ, ví dụ: Vốn góp, cổ phần, kê biên bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án.
    2. Kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp
    Các vụ việc thi hành án liên quan đến doanh nghiệp chủ yếu có hai loại việc: một là các vụ việc tranh chấp thương mại do phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, hai là tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân, tổ chức với Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, loại việc này thì thường có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ vay.
    Bản án, quyết định của Tòa án thông thường là thông tin đầu tiên mà Chấp hành viên biết được về vụ việc thi hành án. Trong các bản án, quyết định của tòa án (bao gồm cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm) có chứa đựng rất nhiều thông tin để Chấp hành viên bước đầu khai thác.
                Các thông tin có được từ bản án bước đầu giúp Chấp hành viên xây dựng hình dung được loại hình doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, tình trạng hoạt động, nơi đăng ký kinh doanh, nơi mở tài khoản, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Xác minh điều kiện thi hành án của doanh nghiệp cũng tương tự như xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nói chung Khi thực hiện xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, Chấp hành viên cần có kỹ năng chung về xác minh thi hành án dân sự, đồng thời lưu ý thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
    2.1. Kỹ năng xác định thời điểm thực hiện việc xác minh
    Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ nội dung Bản án, Quyết định của Tòa án để xác định nghĩa vụ phải thi hành án đối với doanh nghiệp để thu thập các thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động xác minh. Trình tự, thủ tục xác minh điều kiện thi hành án được Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS). Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành việc xác minh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh ngay. Quy định về việc xác minh ngay điều kiện thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời xuất phát từ tính khẩn cấp của biện pháp áp dụng. “Xác minh ngay” trong trường hợp này được hiểu là phải được Chấp hành viên thực hiện ngay trong ngày được giao tổ chức thi hành vụ việc thông qua các biện pháp như liên hệ với Ủy ban nhân dân, tổ trưởng tổ dân phố, Cơ quan công an hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Việc liên hệ này phải thể hiện trong hồ sơ thi hành án thông qua các biên bản xác minh, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc các công văn đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin…
    Cần hiểu chính xác về quy định “trong thời hạn 10 ngày kể khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên phải kịp thời tiến hành hoạt động xác minh”. Theo đó, quy định này nhằm xác định thời điểm bắt đầu thực hiện việc xác minh là bất cứ thời điểm nào trong 10 ngày đã nêu trên theo quy định của pháp luật mà không bắt buộc phải kết thúc ngay trong 10 ngày này. Bởi vì, trong thực tiễn tổ chức thi hành án, trong nhiều trường hợp việc thi hành án có nhiều người phải thi hành án mà nơi cứ trú, làm việc hoặc tài sản của họ ở các địa chỉ khác nhau mà việc xác minh không thể thực hiện cùng lúc hoặc thông tin cần xác minh phụ thuộc các cơ quan, tổ chức khác thì việc xác minh điều kiện thi hành án không thể kết thúc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành. Mặt khác, việc xác minh điều kiện thi hành án là tác nghiệp được Chấp hành viên thực hiện liên tục trong suốt cả quá trình tổ chức thi hành án nhằm điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các thông tin về điều kiện thi hành án để làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế phù hợp.
    Bên cạnh đó, với đặc thù là chủ thể tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế thị trường thông qua các hợp đồng với các đối tác. Thông qua các hợp đồng này, Chấp hành viên nắm bắt được các thông tin về giao dịch như loại công việc, giá trị hợp đồng, phương thức giao nhận, điều khoản về thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán… Từ đó, Chấp hành viên tiến hành hoạt động xác minh phù hợp, chính xác về thời điểm để đảm bảo tính chính xác, hiệu quả của hoạt động xác minh, làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế phù hợp.
    2.2. Kỹ năng xác định các nội dung cần xác minh đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp
    Việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nói chung và xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp nói riêng nhằm xác định được chính xác điều kiện thi hành án của họ. Trên cơ sở đó, Chấp hành viên thực hiện việc thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc làm cơ sở để áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp. Thực tế thi hành án cho thấy doanh nghiệp thường phải thi hành các loại nghĩa vụ như sau: thi hành nghĩa vụ về tiền, tài sản; thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định hoặc thi hành nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc. Do đó, tùy thuộc vào từng loại nghĩa vụ phải thi hành cụ thể mà Chấp hành viên xác định các nội dung cần thiết phải xác minh, cụ thể như sau:
    a) Các nội dung cần xác minh trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ về tiền, tài sản
    Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ về tiền, tài sản, Chấp hành viên cần chú ý làm rõ các nội dung sau:
    Thứ nhất, cần xác định về khoản nghĩa vụ phải thi hành là gì? Khoản nghĩa vụ đó có được bảo đảm bằng tài sản hoặc được Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Tài sản bảo đảm hoặc bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án đang thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai và tình trạng của tài sản đó hiện nay cũng như đang do ai đang quản lý, sử dụng?
    Thứ hai, cần thu thập các thông tin pháp lý thể hiện về loại hình mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động; ngành nghề kinh doanh; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền, nếu có; thông tin về tài sản, tài khoản và các thông tin cần thiết khác của doanh nghiệp.
    Thứ ba, cần xác minh thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp như quy mô hoạt động; số lượng lao động; tài sản cố định, tài sản lưu động; các hợp đồng kinh doanh thương mại đang thực hiện; các khoản nợ, các chủ nợ, các khoản được người khác trả… và các thông tin khác phát hiện được trong quá trình xác minh.
    b) Các nội dung cần xác minh trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc
    Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc, Chấp hành viên cần chú ý làm rõ các nội dung sau:
    Thứ nhất, cần xác định về khoản nghĩa vụ phải thi hành là gì? Thời điểm thực hiện nghĩa vụ và nơi thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh việc nhận người lao động trở lại làm việc thì doanh nghiệp có phải thực hiện các khoản nghĩa vụ khác về tiền đối với người lao động như khoản bồi thường tiền lương, tiền công, các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật hay không. Trường hợp có các khoản nghĩa vụ khác về tiền, tài sản thì Chấp hành viên phải thực hiện xác minh thêm các nội dung như đã nêu tại điểm a của mục này để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định.
    Thứ hai, cần thu thập các thông tin pháp lý thể hiện về loại hình mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động; ngành nghề kinh doanh; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền, nếu có; thông tin về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; tình hình sử dụng nhân sự, lao động của doanh nghiệp và đặc biệt là vị trí làm việc mà người lao động được nhận trở lại theo nội dung bản án, quyết định.
    Thứ ba, cần xác minh về thái độ, ý kiến của người được thi hành án, người phải thi hành án về việc thi hành án khoản nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc; ý kiến, biện pháp giải quyết trong trường hợp không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định. Trên cơ sở đó, Chấp hành viên định hướng các tác nghiệp giải quyết tiếp theo đối với vụ việc.
    c) Các nội dung cần xác minh trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa vụ buộc thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định
    Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của doanh nghiệp phải thi hành khoản nghĩa buộc thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định, Chấp hành viên cần chú ý làm rõ các nội dung sau:
    Thứ nhất, cần xác định về khoản nghĩa vụ phải thi hành là gì? Thời điểm thực hiện nghĩa vụ và nơi thực hiện nghĩa vụ; biện pháp thực hiện; tần suất thực hiện và phương thức thực hiện…khoản nghĩa vụ đó có thể được chuyển giao cho người khác được không?
    Thứ hai, cần thu thập các thông tin pháp lý thể hiện về loại hình mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động; ngành nghề kinh doanh; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền, nếu có; thông tin về tài sản, tài khoản và các thông tin cần thiết khác của doanh nghiệp.
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình