11:57 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 61831
    • Tháng hiện tại: 2821402
    • Tổng lượt truy cập: 69806553

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật quốc tế

    Thứ tư - 04/10/2017 14:21

    Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa nói chung, không đề cập đến vấn đề miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Trong khi đó, pháp luật quốc tế, cụ thể là theo Công ước Viên năm 1980 (Convention on Contracts for the International Sale of Goods - CISG) và Nguyên tắc Hợp đồng thương mại Quốc tế 2010 (Principles of International Commercial Contracts – PICC) quy định rõ về trường hợp này. Đây là một trong những điểm khác giữa pháp luật về mua bán hàng hóa của quốc tế và của Việt Nam liên quan đến các trường hợp miễn trách nhiệm. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích làm rõ nội dung quy định về trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng theo quy định của pháp luật quốc tế, đồng thời gợi mở vấn đề thực tiễn phát sinh, góp phần hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa của Việt Nam hiện nay.

    1. Pháp luật quốc tế về trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
    Trong quan hệ thương mại quốc tế, hợp đồng không chỉ được ký kết giữa bên bán và bên mua mà còn có sự tham gia của nhiều bên liên quan được gọi là bên thứ ba. Trường hợp bên thứ ba gặp khó khăn, ngay lập tức ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; bên cạnh đó, khi một bên vi phạm hợp đồng, thường xảy ra tình huống họ viện dẫn lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng đểhưởng miễn trách nhiệm. Thuật ngữ “bên thứ ba” không được định nghĩa trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Trong dự thảo của nhóm công tác UNCITRAL năm 1975 mô tả người thứ ba như là một “subcontractor”. Báo cáo tiếp theo của nhóm công tác năm 1977[1]xem xét lại toàn bộ dự thảo, theo đó quyết định xóa bỏ từ “subcontractor” bởi lẽ thuật ngữ này không được phổ biến trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà chủ yếu được đề cập trong hệ thống pháp luật về hợp đồng xây dựng. Ủy ban đã thay bằng thuật ngữ“a person, whom”- Người ràng buộc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng. Báo cáo tiếp tục khẳng định bên vi phạm sẽ không được miễn trách nhiệm vì hành vi vi phạm của bên thứ ba, khi bên vi phạm tham gia thực hiện bất kỳ phần nào trong hợp đồng đó. Điều này đồng nghĩa với việc là bên thứ ba phải là một bên độc lập. Tính độc lập thể hiện ở chỗ bên thứ ba và các bên ràng buộc nhau về quyền và nghĩa vụ bởi một hợp đồng song vụ có đền bù. Lịch sử lập pháp cho thấy có nhiều quan điểm về việc xác định mối quan hệ giữa bên thứ ba và các bên trong hợp đồng. Giáo sư Honnold đã chỉ ra rằng việc miễn trách nhiệm pháp lý không áp dụng cho bên vi phạm khi bên đó không có mối quan hệ hợp đồng với bên thứ ba. Một bên hợp đồng phải cam kết buộc bên thứ ba thực hiện một phần hoặc nghĩa vụ hợp đồng với bên kia. Bên cạnh đó, theo lời của Tallon, phải có một liên kết hữu cơ “organic link” giữa hợp đồng chính (bên bán và bên mua) và hợp đồng  phụ (bên thứ ba với một bên hợp đồng).[2]
    Qua thực tiễn áp dụng, bên thứ ba thông thường được xác định là các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thầu phụ, công ty Logistics, ngân hàng…đồng thời, bên thứ ba phải là bên độc lập và có quan hệ hợp đồng với ít nhất một bên hợp đồng. Cần chú ý rằng, nhân viên hay người làm công của một bên không được coi là bên thứ ba theo quy định của pháp luật quốc tế.
    Trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng lần đầu tiên được ghi nhận trong CISG. Điều 79.2 CISG quy định: “Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp:
    - Được miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên, và.
    - Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu quy định của khoản trên được áp dụng cho họ.”
    CISG không đưa ra khái niệm cũng không liệt kê bất cứ sự kiện nào được xem là trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng mà chỉ đưa ra các dấu hiệu để xác định. Theo đó, có hai điều kiện bên vi phạm phải đồng thời đáp ứng đó là: (1) Bên vi phạm rơi vào trường hợp miễn trách chiếu theo Điều 79.1; (2) Bên thứ ba cũng được miễn trách khi áp dụng các điều kiện tại Điều 79.1 cho bên đó. Nói cách khác việc bên thứ ba vi phạm hợp đồng phải đồng thời cấu thành một trường hợp miễn trách đối với bên vi phạm theo quy định tại Điều 79.1 và bản thân bên đó cũng gặp trường hợp được miễn trách chiếu theo điều trên.
    Từ đây một câu hỏi đặt ra là CISG quy định như thế nào về trường hợp miễn trách nhiệm theo 79.1.?
    Điều 79.1 CISG quy định: “Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó. CISG sử dụng khái niệm “an impediment beyond his control” nghĩa là trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát. Đây chính là trường hợp miễn trách nhiệm do bất khả kháng. Bất khả kháng theo tiếng Pháp là “force majeure” được đề cập khá phổ biến trong mua bán hàng hóa quốc tế. Về bản chất, hai cách gọi này đều phản ánh sự kiện mang tính khách quan không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể, nằm ngoài sự kiểm soát của các bên. Nói cách khác, bất khả kháng hay trở ngại khách quan sẽ xảy ra mà không bị tác động của bên nào làm cho bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. CISG không liệt kê các trường hợp cụ thể được xem là bất khả kháng nhưng đã nêu ra những dấu hiệu nhận biết sự kiện nào là sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát của các bên. CISG đề cập tới ba dấu hiệu cơ bản (1) Sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của các bên; (2) sự kiện không lường trước tại thời điểm ký kết hợp đồng; (3) không thể tránh hoặc không thể khắc phục được hậu quả. Như vậy, bên vi phạm muốn hưởng chế định miễn trách phải chứng minh rằng việc không thực hiện hay thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng của mình là do trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát đồng thời phải chứng minh rằng trở ngại đó hoàn toàn không thể đoán trước vào lúc ký kết hợp đồng và không thể khắc phục hậu quả mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.
    Như vậy, miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng theo CISG là trường hợp bên vi phạm hợp đồng không trực tiếp gặp trở ngại, song vẫn có quyền yêu cầu được miễn trách nhiệm vì bên thứ ba có quan hệ với bên vi phạm gặp trở ngại khách quan. Bản chất của trường hợp này chính là miễn trách nhiệm do gặp bất khả kháng. Trong thực tế Điều 79.2 được áp dụng một cách hạn chế và thận trọng, đặc biệt là khi bên vi phạm viện dẫn bên thứ ba là nhà cung cấp của bên đó. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ghi nhận nhiều trường hợp viện dẫn Điều 79.2 nhưng không được chấp nhận. Bên bán Nga trong vụ “Metallic sodium case[3]ký hợp đồng cung cấp bên mua Đức sản phẩm hóa học trong khoảng thời gian nhất định. Bên bán đã không giao hàng khiến bên mua buộc phải mua nguyên vật liệu với giá cao hơn. Bên bán viện dẫn lý do vì nhà máy sản xuất nguyên vật liệu cho bên bán ngừng sản xuất khẩn cấp. Tuy nhiên, bên bán không thể chứng minh sự tồn tại của những trở ngại là nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp này việcnhà sản xuất từ ​​chối cung cấp hàng hóa đã không thể cấu thành một “force majeure” đối với bên bán. Người bán rõ ràng phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình vì anh ta không chứng minh được rằng không thể dự đoán được một cách hợp lý và tính đến khả năng việc nhà máy ngừng sản xuất khi ký kết hợp đồng, đồng thời bên bán không có hành vi khắc phục hậu quả, ở đây là tìm kiếm nhà cung cấp mới. Tương tự như vụ bên bán Hồng Kong và người mua Đức.[4] Bên bán Hồng Kong và bên mua Đức đã ký kết một điều khoản cơ bản “basic agreement”cho việc cung cấp độc quyền hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Một trong các hợp đồng được ký kết bởi điều khoản cơ bản trên quy định rằng hàng hóa được thanh toán trước khi giao hàng (Điều Vokase). Mặc dù bên mua đã thanh toán hợp lệ theo hợp đồng nhưng bên bán đã từ chối giao hàng. Bên bán viện dẫn lý do bởi sự eo hẹp về tài chính và nhu cầu về tiền mặt của nhà sản xuất. Theo kết luận của Trọng tài, bên bán đương nhiên không chịu trách nhiệm về hành vi của nhàsản xuất hay nhà cung cấp giống như nhân viên và người làm thêm của mình. Tuy nhiên, lý do bên bán đưa ra đối với hành vi vi phạm của mình không phải là rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc sự kiện không thể lường trước được.
    Như vậy, để điều kiện (1) đáp ứng, hành vi vi phạm của bên thứ ba trong các vụ tranh chấp trên phải cấu thành một bất khả kháng. Điều này đồng nghĩa với việc bên vi phạm không thể biết trước, không thể lường trước và yêu cầu phải có ý thức khắc phục hậu quả của bên thứ ba trong khả năng của mình. Trên thực tiễn hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, việc bên bị vi phạm viện dẫn trường hợp bên thứ ba cấu thành một bất khả kháng là khá phổ biến nhưng các phán quyết của tòa thường không chấp nhận vì cho rằng bên vi phạm phải chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm vì đã chọn nhà cung cấp tồi; mặt khác, thực tế trong mọi trường hợp, anh ta hoàn toàn có thể tìm kiếm một bên thứ ba khác để thay thế phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm. Trường hợp ngoại lệ chỉ xảy ra khi nhà cung cấp là độc quyền, hoặc là nhà cung cấp duy nhất. Lúc này việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế là bất khả thi và được xem như là một sự kiện bất khả kháng đối với bên vi phạm. Tuy nhiên, trường hợp miễn trách nhiệm do người thứ ba vẫn chưa được áp dụng với bên vi phạm nếu chưa đáp ứng điều kiện (2). Nghĩa là bản thân bên thứ ba phải trực tiếp gặp bất khả kháng. Trên thực tế, nếu bên thứ ba vi phạm hợp đồng với bên vi phạm thì sẽ giải quyết theo hợp đồng giữa bên vi phạm với bên thứ ba. Điều kiện (2) chỉ xảy ra khi chính bên thứ ba gặp bất khả kháng khiến họ không thể thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đối với bên vi phạm. Trường hợp này, bên vi phạm không nhận được khoản bồi thường nào.Việc CISG quy định như vậy là có cơ sở vì nếu quy trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng thì vừa trái nguyên tắc suy đoán lỗi vừa mất công bằng bởi bên thứ ba gặp sự kiện bất khả kháng đã được miễn trách nhiệm theo hợp đồng giữa họ với bên vi phạm còn bên vi phạm lại phải chịu trách nhiệm trước bên bị vi phạm.
    Một vấn đề cần lưu ý là việc người thứ ba gặp bất khả kháng ở thời điểm nào thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm. Thực tế cho thấy, bên thứ ba có thể gặp bất khả kháng trước hoặc sau khi hai bên ký kết hợp đồng.Thứ nhất, nếu sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với bên thứ ba trước khi hai bên ký kết hợp đồng thì bên thuê bên thứ ba thực hiện một phần hay toàn bộ nghĩa vụ hợp đồng sẽ biết hoặc phải biết rõ về bất khả kháng. Theo đó, rõ ràng bên vi phạm sẽ không được hưởng miễn trách nhiệm do bản thân họ có thể tránh được hậu quả đó cũng như có thể tính toán được trở ngại vào lúc ký kết hợp đồng.Thứ hai, nếu sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với bên thứ ba sau khi hai bên ký kết hợp đồng thì bên vi phạm có quyền được hưởng miễn trách nhiệm. Xét theo nguyên tắc suy đoán lỗi thì bên vi phạm hoàn toàn không có lỗi. Họ không thể tính toán trước được một sự kiện bất khả kháng có thể xảy ra đối với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng, do đó bất khả kháng đối với người thứ ba cũng là bất khả kháng đối với người thứ hai.
    Trong hệ thống pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, chế định vềbên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng còn được đề cập trong PICC 2010 dưới hình thức vô hiệu hợp đồng.[5]Điều 3.2.8 PICC 2010 quy định:
    1. Khi việc lừa dối, đe doạ, lợi dụng sự bất bình đẳng hoặc nhầm lẫn của một bên là do lỗi của bên thứ ba, mà bên này phải chịu trách nhiệm về hành vi của bên thứ ba, và bên thứ ba biết hoặc phải biết về điều này, hợp đồng cũng có thể bị vô hiệu giống như khi hành vi hoặc nhận thức là do bên này gây ra.
    2. Khi việc lừa dối, đe doạ, lợi dụng sự bất bình đẳng hoặc nhầm lẫn của một bên là do lỗi của bên thứ ba, mà bên này không phải chịu trách nhiệm về hành vi của bên thứ ba, hợp đồng cũng có thể bị vô hiệu nếu bên này biết hoặc phải biết về sự lừa dối, đe doạ, hoặc được lợi lớn, hoặc bên này đã không hành động dựa trên sự tin tưởng vào hợp đồng trước thời điểm vô hiệu hợp đồng.”
    Điều 3.2.8 giải thích những trường hợp thường xảy ra trong thực tế, khi một bên thứ ba có liên quan hoặc tham gia vào việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên. Khác với CISG, PICC 2010 đặt trọng tâm yếu tố “chịu trách nhiệm về hành vi” vào việc quyết định một bên có hay không phải chịu trách nhiệm đối với bên thứ ba khi bên đó vi phạm hợp đồng. PICC 2010 nêu rõ hai trường hợp cụ thể:
    Thứ nhất, nếu bên thứ ba là bên mà bên đó phải chịu trách nhiệm về hành vi thì mọi trường hợp lừa giối, đe dọa, bất bình đẳng, gây nhầm lẫn hoặc những trường hợp khác tuy không gây nên nhầm lẫn, nhưng bên thứ ba biết hoặc phải biết về điều này thì bên đó đương nhiên phải chịu trách nhiệm về những hành vi hoặc nhận thức do bên thứ ba gây ra, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, dù là thực tế hoặc do suy diễn, và bất luận bên đó có biết về hành vi của bên thứ ba hay không. Bên thứ ba ở đây được xác định là đại diện hoặc được ủy quyền thực hiện công việc vì lợi ích của một bên hợp đồng.Nói cách khác một bên hợp đồng đương nhiên phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của bên thứ ba nếu bên đó không có tư cách độc lập và không xác lập quan hệ hợp đồng song vụ với một bên của hợp đồng chính.
    Thứ hai, bên thứ ba là bên mà bên đó không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm. Bên thứ ba lúc này được xác định tư cách độc lập với một bên hợp đồng thông qua hợp đồng phụ quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Trong trường hợp này một bên hợp đồng sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của bên thứ ba. Bên này chỉ phải chịu trách nhiệm nếu như biết hoặc phải biết về điều này.
    Theo quy định của PICC 2010, một bên hợp đồng chỉ được miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa trong trường hợp bên thứ ba đó phải là bên có tư cách độc lập so với một bên hợp đồng; đồng thời, bên đó không biết hoặc không thể biết về hành vi vi phạm hợp đồng của bên thứ ba. Nghĩa là hành vi vi phạm đó hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba. So với CISG, PICC 2010 quy định về trường hợp miễn trách do lỗi của bên thứ ba có phần “thoáng” hơn. Cần phải chú ý một điểm nữa là bên bị vi phạm trong hợp đồng chính hoàn toàn có quyền có quyền vô hiệu hợp đồng, thậm chí nếu bên vi phạm không biết về hành vi của bên thứ ba, khi bên đó đã không thực hiện hợp đồng dựa trên sự tin tưởng vào hợp đồng trước thời điểm vô hiệu hợp đồng.
    Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế ghi nhận nhiều trường hợp bên vi phạm viện dẫn các quy định về vấn đề miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa làm căn cứ miễn trách. Tại phán quyết số 19 của Trọng tài Thương mại Quốc tế, trong hợp đồng mua bán xi măng giữa nguyên đơn là người mua Việt Nam và bị đơn là người bán Ấn Độ. Bị đơn không giao hàng và viện dẫn do lỗi của nhà cung cấp. Ủy ban trọng tài phân tích về lý do mà bị đơn đưa ra không được công nhận là bất khả kháng đối với bị đơn. Lũ lụt xảy ra ở nước người cung cấp là bất khả kháng đối với bên cung cấp cho bị đơn. Nhưng bất khả kháng đối với bên cung cấp lại không cấu thành một bất khả kháng đối với bị đơn. Bị đơn đã biết lũ lụt xảy ra ở nước người cung cấp nhưng không tính toán kỹ, tin vào sự thông báo không có đảm bảo của bên cung cấp. Vậy, rõ ràng sự kiện này không phải là bất khả kháng. Tương tự theo phán quyết số 21, bị đơn (người mua Hồng Kong) đã viện dẫn lỗi của bên thứ ba là bên được ủy quyền làm căn cứ miễn trách đối với cáo buộc của nguyên đơn (người bán Việt Nam). Tuy nhiên, trọng tài xác định trong quan hệ pháp lý, nếu một bên hợp đồng thực hiện nghĩa vụ thông qua bên thứ ba là bên được ủy quyền thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của bên thứ ba đó. Điều này khẳng định bên vi phạm hợp đồng muốn được thừa nhận sự kiện miễn trách do lỗi của bên thứ ba thì đó phải là bên có tư cách độc lập đối với bên vi phạm.[6]
    2. Pháp luật quốc gia về trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
       Trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định rõ rang, cụ thể trong CISG và PICC 2010. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của CISG việc pháp luật không quy địnhlà một trong những bất cập trong quá trình nội luật hóa. Nhận thấy, khi các bên lựa chọn pháp luật Việt Nam làm luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, khi tranh chấp rơi vào trường hợp miễn trách nhiệm do bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng sẽ dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình giải quyết. Trong trường hợp đó, các bên thường viện dẫn quy định của pháp luật dân sự. Điều 414, Bộ Luật dân sự 2015 định trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ nhưng không do lỗi của các bên:“Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình”. Đây là trường hợp một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà không do lỗi của mình và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự nào. Theo quy định của điều luật, bên không thực hiện nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Tuy nhiên, theo quy định có hai cách hiểu. Thứ nhất, bên không thực hiện nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong suốt hợp đồng song vụ - nghĩa là bên kia sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ nào đối với bên không thực hiện được nghĩa vụ. Thứ hai, bên không thực hiện nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong khoảng thời gian nhất định. Quy định trên có đề cập đến bên thứ ba, tuy nhiên chưa xác định cụ thể địa vị pháp lý của bên đó trong quan hệ hợp đồng giữa hai bên. Đồng thời yếu tố lỗi của bên thứ ba là lỗi chủ quan hay khách quan chưa làm rõ. Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa, khi các bên viện dẫn trường hợp miễn trách theo quy định pháp luật dân sự thì bên vi phạm đương nhiên có cơ hội trốn tránh trách nhiệm khi xác định bên thứ ba là người làm công, nhân viên, hay người được ủy quyền.
    Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật quốc gia của một số nước xác định khá rõ về trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba. Cụ thể, theo luật dân sự Đức quy định:“Bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về lỗi của người đại diện theo pháp luật của anh ta và những người mà anh ta sử dụng để thực hiện nghĩa vụ giống như lỗi của mình gây ra”.[7]Bên cạnh đó, luật Hợp đồng của Trung Quốc quy định: “Bên thứ ba có lỗi khiến cho một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình thì bên đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước bên còn lại. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thức ba sẽ được giải quyết theo pháp luật hoặc sự thỏa thuận giữa hai bên.”[8]
    Để hạn chế tối đa tranh chấp liên quan đến vấn đề miễn trách nhiệm do bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng, tác giả kiến nghị:
    Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về căn cứ miễn trách nhiệm do bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Tuy Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của CISG nhưng trong những trường hợp pháp luật quốc tế dẫn chiếu đến pháp luật quốc gia thì không có quy định giải quyết vấn đề trên. Đây cũng là bất cập đối với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước vì việc đương nhiên sẽ áp dụng pháp luật quốc gia nếu các bên không thỏa thuận chọn luật quốc tế. Trước yêu cầu thực tiễn, tác giả kiến nghị đưa trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba tham gia thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng làm căn cứ miễn trách. Cùng với đó cần bổ sung căn cứ miễn một phần trách nhiệm cho bên vi phạm tương ứng với phần lỗi của bên bị vi phạm gây ra.
    Thứ hai,từ thực tế quá trình kí kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên phải luôn thận trọng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu bỏ qua những điều khoản đặc biệt là điều khoản liên quan đến miễn trách nhiệm, còn gọi là “điều khoản giải thoát” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Để hạn chế tối đa các tranh chấp xảy ra cũng như đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình, trước hết các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải tìm hiểu kỹ thị trường, pháp luật và tập quán thương mại của đối tác; đồng thời, liên quan đến vấn đề miễn trách, các doanh nghiệp cần phải thỏa thuận một cách rõ ràng chi tiết nhằm giảm thiểu tối đa tranh chấp phát sinh. Cụ thể các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên soạn thảo các điều khoản miễn trách, dự liệu trường hợp thực tế có thể xảy ra thay vì trông đợi hoàn toàn vào pháp luật. CISG cũng như PICC 2010 không thể quy định một cách chi tiết và bao trùm tất cả vấn đề có khả năng phát sinh tranh chấp liên quan đến miễn trách. Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc đàm phán để có nguồn luật bổ sung phù hợp được áp dụng cho các vấn đề tranh chấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật quốc tế. Điều này phù hợp với nguyên tắc tự do hợp đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể áp dụng điều khoản mẫu về bất khả kháng của ICC, ấn phẩm số 650 được ban hành năm 2003. So với CISG hay PICC 2010, điều khoản mẫu của ICC không những liệt kê các tiêu chí để được xem là bất khả kháng mà còn liệt kê các sự kiện được xem là bất khả kháng trong thực tiễn kinh doanh, bao gồm các trường hợp miễn trách do bên thứ ba thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng.
    Tóm lại, quy định chặt chẽ về các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một vấn đề thiết thực và quan trọng nhằm phòng ngừa sự trốn tránh trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ hợp đồng. Đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế./.
     
     

    [1] [448] page 56; United Nations Commission on International Trade Law 1977
     https://www.uncitral.org/pdf/english/yearbooks/yb-1977-e/yb_1977_e.pdf
    [2]John O. Honnold; Uniform Laws for International Trade: Early "Care and Feeding" for Uniform Growth;http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/honnold.html
    [3]Russia 16 March 1995 Arbitration proceeding 155/1994;
    http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950316r1.html
    [4]Germany 21 March 1996 Hamburg Arbitration proceeding;
    http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960321g1.html#ctoc
    [5] http://www.unidroit.org/english/principles/contracts/principles2010/integralversionprinciples2010-e.pdf
    [6] http://viac.vn/an-pham/50-phan-quyet-trong-tai-quoc-te-chon-loc-a178.html
    [7] Xem:Điều 278 Bộ luật dân sự Đức; https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html#p0833
    [8] Xem: Điều 121 Luật hợp đồng Trung Quốc 1999; http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Law/2007-12/11/content_1383564.htm

    Tác giả bài viết: Lê Hiền
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình