10:16 ICT Thứ sáu, 03/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 438
    • Hôm nay: 47526
    • Tháng hiện tại: 328173
    • Tổng lượt truy cập: 67313324

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số vấn đề pháp lý về doanh nghiệp tư nhân còn vướng mắc và ý kiến đề xuất

    Thứ năm - 29/12/2022 15:33

    Ths Lê Thị Hiền - Khoa Đào tạo cơ bản
    Ở các quốc gia trên thế giới, một chủ đầu tư muốn kinh doanh theo phương thức đơn giản nhất có thể đăng ký kinh doanh với tư cách cá nhân (sole trader, sole proprietorship, individual proprietorship). Mô hình kinh doanh này tương ứng với doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh được thành lập bởi một cá nhân được quy định theo pháp luật của Việt Nam. Như vậy, các quốc gia khác đều xem hành vi đầu tư kinh doanh của một cá nhân (có thể có đăng ký hoặc không đăng ký) là rất nhỏ lẻ, hình thức tổ chức kinh doanh của cá nhân này không được coi là công ty.
    Nhìn chung, doanh nghiệp cá nhân là một loại hình kinh doanh đơn giản, dễ thành lập, chi phí thấp. Hầu hết các quốc gia đều không trao cho loại hình này tư cách pháp nhân (legal entity), sự tồn tại của doanh nghiệp phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tự mình đầu tư thành lập, điều hành và quyết định số phận của doanh nghiệp này. Vì thế, mọi lợi nhuận chủ đầu tư được hưởng, đồng thời cũng chịu mọi rủi ro về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính một cách vô hạn, tức là bằng toàn bộ tài sản của mình. Tài sản của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cá nhân không có sự tách bạch; đây là đặc điểm phân biệt quan trọng với các loại hình doanh nghiệp khác.
    Chủ doanh nghiệp cá nhân có toàn quyền điều hành doanh nghiệp cũng như quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động, tổ chức của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cá nhân thường không có các cuộc họp, bỏ phiếu… phức tạp như các loại hình doanh nghiệp khác có nhiều chủ sở hữu. Khi có các tranh chấp xảy ra trong hoạt động kinh doanh dưới danh nghĩa doanh nghiệp cá nhân này, chủ doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đi kiện cũng như bị kiện với tư cách cá nhân.
    Tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân mang đầy đủ các đặc trưng của doanh nghiệp cá nhân theo pháp luật các nước, và được gọi là doanh nghiệp, được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp từ khi ra đời (trước đây là Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990; sau đó là Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, 2014 và 2020). Còn hộ kinh doanh cũng mang đầy đủ những đặc trưng trên nhưng không được gọi là doanh nghiệp mà kinh doanh với tư cách cá nhân, không được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp mà điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật. Chuyên đề này chỉ bàn về một số vướng mắc trong quá trình thực thi Luật đối với doanh nghiệp tư nhân; và đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
    1. Một số vướng mắc cơ bản trong quá trình thực thi pháp luật điều chỉnh đối với doanh nghiệp tư nhân  
    Một là, quy định về vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân để thành lập doanh nghiệp tư nhân
    Cũng như Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và 2020 đều quy định vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân thuộc sở hữu duy nhất của chủ doanh nghiệp tư nhân mà không có sự góp vốn của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Quy định này để phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nhiều chủ như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh… Tuy nhiên, quy định này chỉ chính xác khi chủ doanh nghiệp tư nhân chưa kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng có đăng ký tài sản riêng trước khi kết hôn, và trong hôn nhân không tự nguyện nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Nếu chủ doanh nghiệp tư nhân đã kết hôn và thành lập doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ hôn nhân, cần phải xem xét lại tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân dùng để thành lập doanh nghiệp có phải là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp tư nhân hay không. Có hai trường hợp:
    (i) Chủ doanh nghiệp tư nhân dùng tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để thành lập doanh nghiệp tư nhân mà người vợ/chồng còn lại đồng ý bằng văn bản, hoặc có đủ căn cứ chứng minh họ đã biết về việc người chồng/vợ của mình dùng tài sản chung của vợ chồng thành lập doanh nghiệp tư nhân mà không phản đối, thì doanh nghiệp được thành lập không phải là doanh nghiệp tư nhân, mà bản chất phải là công ty, vì tài sản để thành lập doanh nghiệp không phải là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp tư nhân, mà là tài sản chung của hai người.
    Trường hợp này, điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản. Tuy nhiên, doanh nghiệp do người chồng/vợ đó thành lập sau khi có thoả thuận giữa hai vợ chồng vẫn không đúng bản chất của doanh nghiệp tư nhân, vì tài sản dùng để thành lập doanh nghiệp tư nhân vẫn không phải là tài sản duy nhất của chủ doanh nghiệp tư nhân.
    (ii) Chủ doanh nghiệp tư nhân dùng tài sản chung của vợ chồng để thành lập doanh nghiệp tư nhân, nhưng người còn lại phản đối về việc này và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, đăng ký tài sản riêng trong hôn nhân để người chồng/vợ của mình chỉ dùng phần tài sản của họ để thành lập doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp được thành lập mới là doanh nghiệp tư nhân, vì tài sản dùng để thành lập doanh nghiệp là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp tư nhân.
    Luật Doanh nghiệp năm 2020 vừa được thông qua cũng không phân định cụ thể hai trường hợp này, mà đương nhiên coi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp 1 chủ, chủ sở hữu duy nhất là chủ doanh nghiệp tư nhân.
    Hai là, quy định về việc hưởng lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp của chủ doanh nghiệp tư nhân
    Khi doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và phát sinh lợi nhuận, chủ doanh nghiệp tư nhân là người duy nhất được hưởng số lợi nhuận đó mà không phải chia sẻ cho ai. Quy định này cũng chỉ đúng khi quyền hưởng lợi nhuận này phát sinh lúc chủ doanh nghiệp tư nhân chưa kết hôn. Nếu chủ doanh nghiệp tư nhân đang trong thời kỳ hôn nhân mà thành lập doanh nghiệp tư nhân, lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là tài sản hình thành trong hôn nhân, kể cả khi chủ doanh nghiệp tư nhân dùng tài sản riêng của mình hay tài sản chung của vợ chồng để thành lập doanh nghiệp. Như vậy, người được hưởng số lợi nhuận này không chỉ duy nhất chủ doanh nghiệp tư nhân, mà cả vợ/chồng của họ. Cùng với đó, trường hợp cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân trước thời kỳ hôn nhân, sau đó người này kết hôn, giữa hai vợ chồng không có thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng (không có thoả thuận xác định rõ ràng rằng thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân là tài sản riêng của vợ/chồng mà không nhập vào tài sản chung), thì lợi nhuận phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ hôn nhân cũng được coi là tài sản chung của vợ, chồng (khoản 1 điều 33 Luật hôn nhân và gia đình).
    Ba là, quy định về trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản
    Theo Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và 2020, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng nên trách nhiệm tài sản đối với đối tác, khách hàng, chủ nợ, những người có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tư nhân chịu. Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân là trách nhiệm vô hạn, nghĩa là chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả tài sản bỏ vào kinh doanh và tài sản không bỏ vào kinh doanh tại doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, “bàn về trách nhiệm tài sản vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân trong kinh doanh, có một số điểm lưu ý sau:
    (i) Xác định khối tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản
    Ngoài những tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp, khối tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân còn bao gồm cả những tài sản không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản sở hữu chung của chủ doanh nghiệp tư nhân được chia theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Việc kê biên tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và không kê biên những tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân như: số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của chủ doanh nghiệp tư nhân và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của chủ doanh nghiệp tư nhân và gia đình; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng để chăm sóc người ốm… Quy định về một số tài sản không kê biên của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản không mâu thuẫn với trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân, bởi quy định của pháp luật cũng phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức, triết lý nhân văn của dân tộc và được quy định thống nhất trong các văn bản pháp luật.
    (ii) Cần phải quy định rõ về cách thức giải quyết trách nhiệm tài sản khi chủ doanh nghiệp tư nhân đã kết hôn
    Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mới chỉ dừng lại ở việc quy định khi đưa tài sản chung vào kinh doanh thì cần sự thống nhất bằng văn bản của hai vợ chồng. Tuy nhiên, pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật về doanh nghiệp cần có sự liên kết, hướng dẫn rõ một vài nội dung sau:
    - Trường hợp vợ hoặc chồng đưa tài sản chung vào thành lập doanh nghiệp tư nhân mà chưa có sự đồng ý của người còn lại thì giải quyết trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp đó bị phá sản như thế nào?
    - Vợ hoặc chồng của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm tài sản như thế nào khi họ đã thống nhất bằng văn bản cho chồng/vợ của mình dùng tài sản chung để thành lập doanh nghiệp tư nhân?
    - Do chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận nên sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính thì chủ doanh nghiệp tư nhân có thể sử dụng số lợi nhuận đó để chi tiêu cho nhu cầu của gia đình họ. Vậy tài sản đó nếu được xác định là tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân thì chủ nợ có quyền đòi một nửa số tài sản chung hay toàn bộ số tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp được tạo lập từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tư nhân?”[1]
    Đúng là những vấn đề trên chưa được giải quyết bởi Luật Doanh nghiệp năm 2014 và 2020 cũng như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, dẫn đến việc khó áp dụng trên thực tiễn. Tuy nhiên, như đã phân tích trên, việc chủ doanh nghiệp tư nhân dùng tài sản chung của vợ chồng để thành lập doanh nghiệp tư nhân được chia thành hai trường hợp:
     Trường hợp thứ nhất: người còn lại đã đồng ý bằng văn bản để người chồng/vợ của mình dùng tài sản chung của vợ chồng để thành lập doanh nghiệp tư nhân, hoặc đã biết mà không phản đối việc này. Nếu doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản mà tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản riêng của chủ doanh nghiệp tư nhân không đủ để trả nợ, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ phải dùng cả tài sản của người còn lại để trả cho các chủ nợ. Lý do vì thực chất tài sản để thành lập doanh nghiệp tư nhân là tài sản chung của vợ chồng chứ không phải tài sản riêng của người chủ doanh nghiệp, nên người còn lại dù không trực tiếp kinh doanh, không phải là chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới để trả nợ cho các chủ nợ khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản mà tài sản của chủ doanh nghiệp không đủ.
    Trường hợp thứ hai: người còn lại phản đối việc dùng tài sản chung của vợ chồng để thành lập doanh nghiệp tư nhân và yêu cầu chia tài sản chung để chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ dùng phần tài sản của mình để thành lập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản mà tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản riêng của chủ doanh nghiệp không đủ để trả nợ, về nguyên tắc các chủ nợ sẽ không được xiết nợ bằng phần tài sản của người còn lại. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vì lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, dù chủ doanh nghiệp dùng tài sản riêng hay tài sản chung để thành lập doanh nghiệp, vẫn là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và người còn lại vẫn được hưởng. Do đó, khi chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ trả nợ cho các chủ nợ vì doanh nghiệp phá sản, người còn lại vẫn phải có nghĩa vụ cùng trả nợ với chủ doanh nghiệp
    Bốn là, quy định về tư cách pháp lý của doanh nghiệp tư nhân
    Từ khi doanh nghiệp tư nhân được chính thức ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, đến Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và 2020, doanh nghiệp tư nhân không được thừa nhận là có tư cách pháp nhân do không có sự tách bạch về tài sản giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Điều này cũng phù hợp với pháp luật các nước khi không trao tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp cá nhân, ví dụ: luật của Bang Texas Mỹ, Trung Quốc, Singapore…[2]
    Tuy nhiên, theo quan điểm của một số tác giả, “Pháp nhân và tư cách pháp nhân vẫn là vấn đề được tiếp cận khác nhau trong giới nghiên cứu. Bên cạnh quan điểm cho rằng, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân hay không phải là pháp nhân, vẫn có quan điểm cho rằng, mặc dù doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân nhưng vẫn có tư cách pháp nhân (vẫn được nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật như một pháp nhân). Vấn đề này cần được bàn luận thêm trong các nội dung nghiên cứu chuyên sâu khác. Song pháp luật hiện hành của Việt Nam đang có sự đồng nhất trong việc sử dụng thuật ngữ pháp nhân và tư cách pháp nhân. Bộ luật dân sự 1995 và Bộ luật dân sự 2005 sử dụng thuật ngữ pháp nhân (tiếp cận ở trạng thái tĩnh), còn các văn bản pháp luật về các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã lại sử dụng thuật ngữ tư cách pháp nhân (tiếp cận ở trạng thái động) để biểu đạt cùng một vấn đề”[3].
    Tác giả theo quan điểm thứ nhất, đồng ý rằng doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân hay không phải là pháp nhân được hiểu như nhau, vì điểm mấu chốt là doanh nghiệp tư nhân không đảm bảo các điều kiện của pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự (không có tài sản độc lập với chính chủ doanh nghiệp tư nhân). Khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không phải chuyển quyền sở hữu tài sản từ cá nhân mình sang cho doanh nghiệp (khoản 2 điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014, khoản 4 điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Điều này tạo ra sự khác biệt về sở hữu ở doanh nghiệp tư nhân mà không có ở các doanh nghiệp, hợp tác xã khác, đó là: chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời sở hữu tài sản của doanh nghiệp, đồng thời sở hữu chính doanh nghiệp tư nhân.
    2. Một số đề xuất để tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật đối với doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
    Một là, yêu cầu chủ doanh nghiệp tư nhân bổ sung giấy tờ trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp để minh chứng tài sản mà chủ doanh nghiệp dùng để thành lập doanh nghiệp là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của cá nhân chủ doanh nghiệp; nếu chủ doanh nghiệp tư nhân không muốn người vợ/chồng của mình phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ mà mình tạo ra trong kinh doanh. Cụ thể:
    - Nếu là tài sản chung của vợ chồng, cần bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp văn bản thoả thuận của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân về việc người chồng/vợ của chủ doanh nghiệp đồng ý cho người vợ/chồng của mình dùng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để thành lập doanh nghiệp tư nhân. Trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn đứng tên chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp, nhưng thực chất tài sản của doanh nghiệp là tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp, nên khi phát sinh các nghĩa vụ, nhất là khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản mà tài sản của chủ doanh nghiệp không đủ để trả nợ, người vợ/chồng của chủ doanh nghiệp phải dùng cả tài sản của mình để trả nợ thay cho chủ doanh nghiệp tư nhân.
    - Nếu là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp, nên bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp văn bản, giấy tờ chứng minh tài sản dùng để thành lập doanh nghiệp là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp. Cụ thể: đối với tài sản là động sản, cần cung cấp giấy tờ chứng minh tài sản đó là của cá nhân chủ doanh nghiệp; đối với tài sản là bất động sản, cần đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định tài sản đó là của riêng chủ doanh nghiệp; cùng với đó là thoả thuận xác lập tài sản riêng của người vợ hoặc chồng khi người này dùng tài sản đó thành lập doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân được thành lập sẽ do duy nhất chủ doanh nghiệp bỏ vốn thành lập; khi hoạt động cũng như khi bị phá sản, chỉ chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ bằng tài sản của mình.
    Tuy nhiên, cần quan niệm việc chứng minh tài sản dùng để thành lập doanh nghiệp tư nhân là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp – đó là quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân. Nếu chủ doanh nghiệp sử dụng quyền này, người vợ/chồng của chủ doanh nghiệp sẽ không phải dùng tài sản của mình để trả nợ nếu tài sản của chủ doanh nghiệp vào thời điểm doanh nghiệp bị phá sản không đủ để trả. Còn nếu chủ doanh nghiệp tư nhân không sử dụng quyền này, doanh nghiệp tư nhân vẫn được thành lập, hoạt động như hiện tại; tuy nhiên nếu phát sinh các nghĩa vụ vượt quá khả năng trả nợ của chủ doanh nghiệp, người còn lại sẽ phải trả thay bằng tài sản của mình.
    Hai là, về tư cách chủ thể tham gia giao dịch, cần xác định rõ tư cách của doanh nghiệp tư nhân và tư cách của chủ doanh nghiệp tư nhân trong các giao dịch mà doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp thiết lập. Như đã phân tích trên, có 2 trường hợp:
    - Trường hợp 1: Mọi giao dịch được thiết lập đều nhân danh doanh nghiệp tư nhân, như vậy phải công nhận tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp tư nhân để doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp lý độc lập tham gia giao dịch. Điều này sẽ dẫn đến doanh nghiệp tư nhân không khác gì công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, vì đều do 1 chủ sở hữu, đều có tư cách pháp nhân, chủ sở hữu đều phải chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp… Và như vậy, có cần thừa nhận loại hình doanh nghiệp tư nhân nữa không? Hay chỉ quy định loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là đủ (và thậm chí là đủ hơn vì công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên ngoài do 1 cá nhân còn do 1 tổ chức thành lập)
    - Trường hợp 2: Mọi giao dịch được thiết lập đều nhân danh chủ doanh nghiệp tư nhân, như vậy doanh nghiệp tư nhân thực chất là cá nhân kinh doanh; mọi quy định về tư cách doanh nghiệp, về con dấu, về đăng ký doanh nghiệp… đều trở nên không còn ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp tư nhân giống hộ kinh doanh vì đều nhân danh cá nhân để thực hiện mọi giao dịch; từ đăng ký thành lập, tổ chức hoạt động, nộp thuế, tham gia các quan hệ với cơ quan nhà nước, cơ quan tố tụng… Và như vậy, có cần thừa nhận doanh nghiệp tư nhân nữa không? Hay chỉ cần thừa nhận hộ kinh doanh là đủ (và thậm chí là đủ hơn, vì hộ kinh doanh ngoài do 1 cá nhân còn do 1 hộ gia đình hay 1 nhóm người thành lập).
    Tác giả thiên về trường hợp thứ hai khi cho rằng doanh nghiệp tư nhân thực chất là cá nhân kinh doanh. Cá nhân này sẽ thực hiện mọi giao dịch và chịu trách nhiệm về các giao dịch đó bằng toàn bộ tài sản của mình. Nếu như vậy, pháp luật Việt Nam sẽ giống pháp luật các nước, vì đều coi hành vi đầu tư kinh doanh của một cá nhân là nhỏ lẻ và hình thức tổ chức kinh doanh của cá nhân này không được coi là doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay hộ kinh doanh cũng đang đối mặt với khá nhiều thách thức, nếu Việt Nam không minh bạch được môi trường kinh doanh, không giảm chi phí tuân thủ pháp luật và đủ các loại chi phí khác cho chủ thể kinh doanh này. Cùng với đó, bản thân hộ kinh doanh cũng đang tồn tại tình trạng không chấp hành tốt chế độ, chính sách về đất đai, thuế, môi trường; về chế độ, chính sách cho người lao động, chế độ bảo hiểm... Vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ quy định đối với chủ thể kinh doanh này, để khi không còn mô hình doanh nghiệp tư nhân mà tất cả đều kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, chúng ta vẫn quản lý hiệu quả, đồng thời vẫn tạo điều kiện để loại hình này phát triển tại Việt Nam (cụ thể là ban hành Luật về hộ kinh doanh; hoặc trước mắt là ban hành Nghị định riêng quy định về hộ kinh doanh, trong đó điều chỉnh cả doanh nghiệp tư nhân theo mô hình này)
    Ba là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành các loại hình công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (Điều 205) thay vì chỉ chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn như Luật Doanh nghiệp năm 2005. Thủ tục chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh khá thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi. Tuy nhiên, liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với các dự án, các hợp đồng đã ký, quyền sử dụng đất… tại các cơ quan có thẩm quyền khác lại không phải là dễ dàng. Đơn cử như thủ tục quyết toán thuế, Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định: doanh nghiệp tư nhân nói riêng và các loại hình doanh nghiệp khi chuyển đổi loại hình phải quyết toán thuế. Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà doanh nghiệp tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi, đối với doanh nghiệp tư nhân vẫn phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế, vì không thuộc các trường hợp không phải quyết toán thuế theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC… Do đó cần rà soát các quy định liên quan đến chuyển đổi doanh nghiệp để có giải pháp đồng bộ từ các cơ quan nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng hơn trong việc thực hiện nguyện vọng của mình
    Bốn là, về thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp tư nhân, cần có quy định đơn giản, đặc thù cho doanh nghiệp tư nhân; vì: (i) Doanh nghiệp tư nhân thường có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chỉ do 1 cá nhân làm chủ nên thủ tục chấm dứt hoạt động cần đơn giản để khuyến khích các cá nhân bỏ vốn thành lập và không “sợ” pháp luật khi chấm dứt hoạt động; (ii) Bản thân chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn, nên dù chấm dứt hoạt động thông qua thủ tục giải thể hay phá sản mà doanh nghiệp chưa trả đủ nợ, cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải trả cho các chủ nợ đến hết nợ; do vậy việc doanh nghiệp giải thể hay phá sản chỉ nhằm chấm dứt tư cách pháp lý của doanh nghiệp.
    Tóm lại, trải qua thời gian dài hoạt động và phát triển, đông đảo các doanh nghiệp tư nhân đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước như: huy động lượng vốn lớn nhàn rỗi trong dân để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm đáng kể cho người lao động, đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước, tạo sự cạnh tranh giữa các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Việc điều chỉnh pháp luật đối với doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều thay đổi để hoàn thiện, bên cạnh đó vẫn còn những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Hy vọng với 1 số đề xuất trong bài viết, nếu được áp dụng thì pháp luật về doanh nghiệp tư nhân sẽ rõ ràng, cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho loại hình doanh nghiệp đặc thù này./.

     
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Lê Hương Giang, “Pháp luật về doanh nghiệp cá nhân của một số quốc gia trên thế giới”, Đề tài khoa học cấp trường: Xây dựng nội dung học phần Pháp luật thương mại của một số quốc gia trên thế giới, Đại học Luật Hà Nội, 2013
    2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, tập 1, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2017
    3. TS Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Luật Kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động, Hà Nội, 2017
    4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại (Chương trình trung cấp), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007
    5. Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
    6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư


    [1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, tập 1, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2017, trang 89, 90; TS Nguyễn Thị Dung (Chủ biên), Luật Kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động, Hà Nội, 2017, trang 32, 33, 34.
    [2] Lê Hương Giang, “Pháp luật về doanh nghiệp cá nhân của một số quốc gia trên thế giới”, Đề tài khoa học cấp trường: Xây dựng nội dung học phần Pháp luật thương mại của một số quốc gia trên thế giới, Đại học Luật Hà Nội, 2013, tr 140-154
    [3] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại (Chương trình trung cấp), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, trang 37.

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình