20:37 ICT Thứ hai, 25/11/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 398
    • Hôm nay: 92759
    • Tháng hiện tại: 2310180
    • Tổng lượt truy cập: 62288746

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay

    Thứ tư - 31/03/2021 13:53

    Ths. Phan Thị Phương Huyền - Khoa Đào tạo nghiệp vụ 
    Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết hiện nay, bởi lẽ thanh niên là lực lượng lao động dồi dào của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với đặc trưng tâm lý lứa tuổi chuyển từ đơn giản sang phức tạp, một số thanh niên dễ sa ngả thậm chí là vi phạm pháp luật, theo thống kê của Bộ Công an trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, phần lớn vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện là vi phạm hành chính, trung bình chiếm gần 63%, vì vậy việc trang bị kiến thức pháp luật cho đối tượng này hết sức cần thiết.
    1. Thực trạng nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên tại tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay
    1.1. Kết quả đạt được
    1.1.1. Về nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên
    Hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình 195.478 thanh niên trong độ tuổi, trong đó có 127.000 thanh niên đang sinh hoạt trong các tổ chức, chiếm 65%.[1] Đây là nguồn lực quan trọng, đã và đang có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhà. Nhận thức được sư cần thiết phải tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn Tỉnh hết sức quan tâm đến công tác này đặc biệt trong việc lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật.
    Những vấn đề liên quan trực tiếp đến thanh niên đã được tuyên truyền như: Luật Thanh niên, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Hình sự đặc biệt liên quan đến tội phạm đối với người chưa thành niên, Luật Hôn nhân và gia đình,... tuyên truyền về HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tư vấn sức khỏe sinh sản cho thanh niên....Bên cạnh đó, hằng năm đặc biệt chú trọng tuyên truyền về truyền thống anh hùng của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam, về chủ quyền biển đảo Tổ quốc nhằm giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên.
    Việc xác định nội dung giáo dục pháp luật này dựa trên hai tiêu chí: Một là, dựa trên cơ sở đặc điểm của thanh niên về tâm lý lứa tuổi, trình độ học vấn, nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh sống; Hai là, dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật, những vướng mắc về pháp lý của thanh niên.
    1.1.2. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh
    Theo Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, có 07 nhóm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và có quy định: “Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả”.
    Với quy định trên, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như hình thức tuyên truyền miệng, các diễn đàn, hội nghị học tập, tập huấn, hội thảo, hội nghị, hội thi; qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, các kênh thông tin của Đoàn, các CLB, đội, nhóm, các hội thi tìm hiểu, sân khấu hóa, thông qua hệ thống loa phát thanh địa phương; bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua tờ Thông tin Tuổi trẻ Quảng Bình cũng đã thường xuyên đăng tải những nội dung, thông tin quan trọng, các tuyến tin bài liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
    Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức “Phiên tòa giả định - xét xử sơ thẩm vụ án tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy” tại Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Ba Đồn, nhằm tuyên truyền, phổ biến Pháp luật về phòng, chống ma túy học đường năm 2019. Tại phiên tòa, các tình huống trong vụ án được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa như một vụ án thật trong thực tế.
    Tiến hành treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Pháp luật trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật hằng năm; tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt Chi đoàn, Chi hội... nhằm thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
    Hiện nay, các cấp bộ Đoàn đang duy trì và sử dụng gần 250 tủ sách pháp luật với 5.800 đầu sách các loại tại trụ sở xã, phường, trường học... bao gồm các Bộ luật và văn bản Luật liên quan đến thanh niên như: Luật Thanh niên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật ATGT đường thủy, đường bộ, Luật Hòa giải cơ sở; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về: Ngày Pháp luật nước CHXNCN Việt Nam, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngoài ra, có nhiều sách, báo, tạp chí pháp luật...[2]
    1.1.3. Mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật
    Hiện nay, trên địa bàn toàn Tỉnh 100% các huyện, thị, thành phố đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) pháp luật cấp huyện. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn đã củng cố lại các Câu lạc bộ tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy như “CLB hạnh phúc gia đình trẻ”, “CLB phòng, chống tệ nạn xã hội”, “CLB tuyên truyền pháp luật và phòng chống HIV/AIDS”, “Làng không ma túy”... các CLB đã góp phần tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thành lập các CLB mới trên các địa bàn có nguy cơ cao về tệ nạn xã hội.
    Đến nay toàn tỉnh có 44 Câu lạc bộ pháp luật thu hút 45.607  thanh niên tham gia, có 89 câu lạc bộ đội nhóm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm thu hút 6980 thanh niên tham gia, tổ chức được 342 đội thanh niên xung kích an ninh thu hút 4.553 thanh niên, có 123 đội thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.[3]
    1.2. Những vấn đề còn hạn chế
    1.2.1. Về nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên
    Một là, theo Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, bên cạnh quy định nội dung phổ biến là các văn bản pháp luật, còn quy định phổ biến: “Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên thường thiên về cung cấp thông tin pháp luật. Việc giáo dục pháp luật, vận động thanh niên tự giác tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Chính vì vậy, việc hình thành và phát triển ý thức pháp luật, củng cố niềm tin đối với pháp luật và hình thành lối sống theo pháp luật cho thanh niên chưa đạt được kết quả như mong muốn.
    Hai là, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là thanh niên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa được chú trọng. Tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật còn chiếm tỷ lệ lớn.
    Ba là, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngoài các văn bản pháp luật còn có các dự thảo các văn bản pháp luật lấy ý kiến, việc phổ biến văn bản này giúp cho đối tượng được phổ biến nắm được tinh thần và nội dung cơ bản của các văn bản sắp ban hành. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn khi văn bản đó được ban hành và tổ chức thực hiện đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời gian qua chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ này.      
    1.2.2. Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên
    Một là, mặc dù thời gian qua việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên hình thức phổ biến còn chậm đổi mới, còn khô cứng, chưa thực sự phù hợp với trình độ hiểu biết, tâm lý lứa tuổi nên hiệu quả mang lại chưa thực sự cao.
    Hai là, tủ sách pháp luật đã được xây dựng tại các địa phương, đơn vị nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng còn thấp, số lượng người tham gia đọc, nghiên cứu sách báo pháp luật còn ít.
    2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên tại tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới
    2.1. Về nội dung giáo dục pháp luật cho thanh niên
    Thứ nhất, cần lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi, trong đó chú trọng quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh niên liên quan đến một số lĩnh vực pháp luật như: lao động, việc làm, dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giao thông đường bộ, phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, nghĩa vụ quân sự, bảo vệ môi trường, biển đảo, cư trú, bình đẳng giới, bạo lực học đường, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khởi nghiệp….
    Thứ hai, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cần được thực hiện ngay từ khâu dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm trang bị những kiến thức nhất định, tránh việc các văn bản pháp luật mới được ban hành đã không tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó cần kết hợp giữa giáo dục kiến thức pháp luật và vận động, thuyết phục, xây dựng niềm tin, tình cảm của thanh niên  đối với pháp luật, để từ đó nâng cao ý thức tìm hiểu, tuân thủ chấp hành pháp luật.
    Thứ ba, nội dung PBGDPL cần được xây dựng phù hợp với khả năng tiếp thu của thanh niên, tránh tình trạng quá tải kiến thức. Thực hiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động phổ biến đối với thanh niên trước và sau cuộc phổ biến.
    2.2. Về hình thức giáo dục pháp luật cho thanh niên
    Thứ nhất, sử dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm của đối tượng, địa bàn, chú trọng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên; tổ chức các diễn đàn trao đổi về chính sách, pháp luật; biên soạn một số tài liệu nguồn về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.
    Thứ hai, phát huy hiệu quả của phương tiện thông tin đại chúng trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, chú trọng xây dựng các chương trình truyền hình hay, giới thiệu các tình huống pháp luật thiết thực liên quan đến thanh niên.
    Thứ ba, phát triển, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật.
    Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với lứa tuổi, phát huy thế mạnh của các Trang thông tin điện tử, website, mạng Internet, diễn đàn trực tuyến trao đổi về chính sách, pháp luật.

    [1] Báo cáo về thanh, thiếu niên Tỉnh Đoàn Quảng Bình năm 2020.
    [2] Báo cáo phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên Tỉnh Đoàn Quảng Bình năm 2019.
    [3] Báo cáo phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên Tỉnh Đoàn Quảng Bình năm 2020..
     

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình