18:23 ICT Thứ tư, 15/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 347
    • Hôm nay: 80245
    • Tháng hiện tại: 1903971
    • Tổng lượt truy cập: 68889122

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh doanh thực phẩm chức năng và một số giải pháp hoàn thiện

    Thứ năm - 28/03/2024 14:49

    Từ viết tắt:

    NTD Người tiêu dùng
    BVQLNTD Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
    TPCN Thực phẩm chức năng
    ATTP An toàn thực phẩm
    ATVSTP An toàn vệ sinh thực phẩm
     

    1. Khái niệm và đặc điểm về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh doanh thực phẩm chức năng
    Ở Việt Nam, trong bối cảnh chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề BVQLNTD được đặt ra một cách cấp thiết. Cũng như các ngành kinh tế khác của nền kinh tế thị trường đang ngày càng tác động đến đời sống NTD, hoạt động kinh doanh TPCN cần được điều chỉnh bằng pháp luật một cách mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD. Hoạt động kinh doanh TPCN và yêu cầu BVQLNTD được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật về TPCN, về BVQLNTD và các văn bản khác có nội dung liên quan.
    Pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN là một lĩnh vực đặc thù, vừa có những nét chung của hệ thống pháp luật về BVQLNTD, vừa có những nét riêng biệt trong lĩnh vực ATTP. Sự tương tác giữa các quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực ATTP và BVQLNTD đã tạo nên những nét đặc trưng của hệ thống pháp luật này. Pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN là tập hợp các quy phạm do Nhà nước ban hành để đảm bảo NTD được bảo vệ khi mua và sử dụng các sản phẩm TPCN.
    Từ đó có thể đưa ra khái niệm: Pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN là hệ thống các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi và mang lại sự công bằng cho NTD trong các quan hệ tiêu dùng liên quan đến TPCN.
    Có thể thấy, pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN là một lĩnh vực chuyên sâu thuộc hệ thống pháp luật về BVQLNTD, bên cạnh các đặc điểm chung, thì pháp luật BVQLNTD trong kinh doanh TPCN có những đặc điểm riêng biệt:
    Thứ nhất, pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Luật BVQLNTD là cơ sở pháp lý quan trọng để các quyền của NTD được thực hiện. Nhưng đây mới chỉ là khung pháp lý cơ bản, việc thực thi trong mỗi lĩnh vực còn phải liên quan đến các văn bản pháp luật chuyên ngành.
    Thứ hai, nội dung của pháp luật về BVQLNTD trong hoạt động kinh doanh TPCN được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về ATTP và các văn bản pháp luật về bảo vệ NTD.
    Thứ ba, pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN thiết lập cơ chế phòng ngừa là chủ yếu. Khác với các lĩnh vực khác, TPCN luôn gắn liền với sức khỏe và tính mạng của con người. Do đó, không phải chỉ khi quyền lợi của NTD bị xâm hại thì mới khôi phục quyền hoặc buộc bên vi phạm phải khắc phục thiệt hại, mà việc BVQLNTD cần phải được thực hiện dưới góc độ phòng ngừa bởi hệ thống cảnh báo, ngăn chặn từ xa. Gắn với cơ chế này là hoạt động thanh tra, kiểm tra và phát hiện sớm nguy cơ từ thực phẩm không an toàn; tránh để thực phẩm này tiêu thụ trên thị trường, gây hại cho NTD.
    2. Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng theo pháp luật Việt Nam
    Có thể nói, sau hơn 10 năm thi hành, Luật BVQLNTD năm 2010 đã xuất hiện nhiều vấn để bất cập trong chính các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn. Sự bất cập này có thể đến từ việc sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và thế giới cũng như sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới mà thời điểm xây dựng Luật chưa xuất hiện. Bên cạnh đó, do sự thay đổi của chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực khác có sự thay đổi dẫn đến sự không phù hợp, sự “vênh” giữa các văn bản pháp luật hiện hành. Do đó, ngày 20/6/2023, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật BVQLNTD, kết quả cho thấy, có 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này (đạt tỷ lệ 93,72%). Luật BVQLNTD năm 2023 gồm 07 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 03 Điều) và bổ sung khoản 5 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến BVQLNTD. Luật BVQLNTD năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, vì vậy, trong nội dung thực trạng của pháp luật về BVQLNTD tác giả sẽ lồng ghép những quy định mới của Luật BVQLNTD năm 2023 để có sự so sánh, đối chiếu.
    2.1. Quy định về chủ thể tiến hành BVQLNTD
    Có thể thấy, theo quy định tại Điều 47 Luật BVQLNTD năm 2010 và và Điều 34 Nghị định 99/2011/NĐ-CP nêu rõ Cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD bao gồm Chính phủ, Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong hoạt động BVQLNTD, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các cấp.
    Do quyền lợi NTD có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ, ngành và do nước ta không có cơ quan riêng chuyên trách về BVQLNTD nên sự phân công rành mạch thẩm quyền và sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVQLNTD là cần thiết. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVQLNTD cần phối hợp với nhau trong các hoạt động như: xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; cấp giấy chứng nhận hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, trao đổi thông tin, văn bản; tuyên truyền, tập huấn, đào tạo; tổ chức kiểm nghiệm, giám định và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, ngoài công tác ATTP, sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong BVQLNTD với các nội dung đề cập ở trên vẫn còn hạn chế.
    Luật BVQLNTD năm 2023 đã bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và tại địa phương.
    Bên cạnh đó, Luật BVQLNTD năm 2010 chỉ mới ghi nhận vai trò của các tố chức xã hội tham gia BVQLNTD. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn để các tổ chức BVQLNTD thực hiện tốt được vai trò của mình. Nguyên nhân của thực trạng này là do các quy đinh pháp luật về chính sách hỗ trợ tài chính với các tổ chức hội BVQLNTD chưa cụ thể. Do đó, các tố chức hội vẫn phải tự huy động nguồn tài chính để hoạt động. Đây là một rào cản để tổ chức xã hội khởi kiện do vẫn phải chịu mọi khoản chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện. Bên cạnh đó, việc tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện vì lợi ích chung cũng khó khăn trong triển khai do không chứng minh được mục đích khởi kiện vì lợi ích chung. Tuy nhiên, Luật BVQLNTD năm 2023 đã mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia BVQLNTD trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả các loại hình tổ chức tham gia BVQLNTD. Cụ thể, Luật bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đối với tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia BVQLNTD (thường được biết đến là các Hội BVQLNTD) và tổ chức xã hội khác tham gia BVQLNTD. Tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD là tổ chức được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ về BVQLNTD. Đồng thời, tổ chức cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi BVQLNTD trên phạm vi cả nước.
    Tuy nhiên, Luật BVQLNTD năm 2023 cũng chưa ghi nhận rõ trách nhiệm, quy trình, điều kiện để các tố chức xã hội BVQLNTD như Vicopro được tham gia độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện. Đặc biệt là mức độ chính xác của kết quả khảo sát độc lập, điều kiện để được công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này dẫn đến có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và sự nhận thức không đúng của NTD, thậm chí ảnh hưởng đến quyền lợi của NTD.
    2.2. Quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN
    Một trong những cách thức bảo vệ hữu hiệu quyền lợi NTD chính là quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong lĩnh vực TPCN cũng vậy, các nhóm quyền lợi chính đáng của NTD phần nào được bảo vệ thông qua việc tuân thủ các trách nhiệm pháp lý đã được đặt ra của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TPCN.
    Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng TPCN để tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân tăng nhanh. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng nhưng lại được “thổi phồng” chức năng khiến gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Do đó, để quản lý vấn đề trên, các chế tài đã được đặt ra để xử lý những sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá thực phẩm chức năng. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm dân sự, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ yếu tố cầu thành tội phạm.
    Các hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP) gồm: Vi phạm quy định về cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Khoản 3, Điều 18) với mức phạt thấp nhất 40 triệu đồng, cao nhất là 60 triệu đồng; Vi phạm về tự công bố sản phẩm (Điều 20) với mức phạt thấp nhật là 15 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng; vi phạm quy định về bản đăng ký sản phẩm (Điều 21) với mức phạt thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm (Điều 23) với mức phạt thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng.
    Các vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) gồm: Hành vi buôn bán hành giả về giá trị sử dụng, công dụng (Điều 9) với mức phạt thấp nhất là 01 triệu đồng, cao nhất là 140 triệu đồng; hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (Điều 10) với mức phạt thấp nhất là 05 triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng
    Trường hợp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN không bảo đảm an toàn thực phẩm mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm bối thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Trường hợp cá nhân, pháp nhân thương mại sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN nếu hành vi vi phạm có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) với mức phạt thấp nhất 02 năm tù và cao nhất là chung thân, tử hình đối với cá nhân; mức phạt thấp nhất 01 tỷ đồng, cao nhất là 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm với pháp nhân thương mại phạm tội. Ngoài ra, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: Tội quảng cáo gian dối (Điều 197), tội lừa dối khách hàng (Điều 198). Như vậy, pháp luật hiện hành đã có những chế tài cụ thể để xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN.
    Mặc dù đã có nhiều điểm tiến bộ, song các quy định pháp luật về chế tài xử lý hành chính trong lĩnh vực này cũng còn một số điểm bất cập. Hiện nay, mức phạt tiền trong nhiều lĩnh vực quy định quá thấp, không bảo đảm được tính răn đe và phòng ngừa, dẫn đến tình trạng người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp nhận nộp phạt thay cho việc tuân thủ pháp luật. Trong khi, những thiệt hại cho sức khỏe NTD là không thể so sánh và lợi nhuận mà người sản xuất thu được cũng là rất lớn.
    3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng
    Hoàn thiện pháp luật về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN là một giải pháp hữu hiệu để quyền lợi chính đáng của NTD được tôn trọng và bảo vệ. Những bất cập trong công tác BVQLNTD nói chung và BVQLNTD trong kinh doanh TPCN nói riêng đặt ra yêu cầu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ NTD.
    Thứ nhất, hoàn thiện quy định về chủ thể tiến hành BVQLNTD: Trong việc thực thi pháp luật BVQLNTD, các cơ quan quản lý nhà nước đóng một vai trò quan trọng - là chủ thể tham gia chủ yếu vào quá trình xây dựng các quy định pháp luật, tổ chức việc thực thi pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm. Hiện tại, theo quy định của Luật BVQLNTD năm 2023, Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên phạm vi cả nước. Ở các tỉnh, thành phố, nhiệm vụ này được giao cho UBND các tỉnh, thành phố mà cơ quan tham mưu chính là Sở Công Thương.
    Bên cạnh đó, ở cấp độ trung ương, Luật BVQLNTD năm 2023 cũng yêu cầu tất cả các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia vào công tác BVQLNTD trong lĩnh vực quản lý. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố, hệ thống UBND các cấp chịu trách nhiệm chủ yếu về công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương.
    Trên cơ sở đó, để có thể xây dựng một mô hình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD thống nhất và hiệu quả từ trung ương đến địa phương, có thể xem xét một số giải pháp: Thành lập Cục Bảo vệ NTD thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Thành lập phòng hoặc bộ phận cạnh tranh và bảo vệ NTD thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Thành lập trung tâm hòa giải NTD thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD.
    Thứ hai, hoàn thiện quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm về BVQLNTD trong kinh doanh TPCN
    (i) Về chế tài hình sự: Mặc dù Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi phù hợp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NTD thực phẩm. Song, không nên quy dinh mang tính định lượng với hậu quả để định tội, định khung hình phạt mà nên xem tội vi phạm quy định về ATVSTP là một tội phạm cấu thành hình thức, nghĩa là ngoài mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả có thể xảy ra, chỉ cần duy nhất một yếu tố bắt buộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó, cần dựa vào hàm lượng chất cấm do người vi phạm đưa vào thực phẩm mà không nên dựa vào tỷ lệ tổn hại sức khỏe của NTD. Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ lượng chất cấm, hóa chất, chất phụ gia không có trong danh mục hoặc hết hạn sử dụng tránh trường hợp tùy tiện, lạm dụng, tiêu cực trong quá trình tố tụng. Đồng thời, cũng nên bỏ yếu tố trong mặt khách quan là: số tiền thu lợi bất chính làm căn cứ truy cứu, nếu có chỉ nên là yếu tố tăng nặng định khung hình phạt. Ngoài ra, cần có văn bản hướng dẫn xác định mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm về ATVSTP, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng nhằm áp dụng đúng trong các tình huống và không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không để oan sai với những trường hợp người kinh doanh không nhận thức trước được hành vi nguy hiểm và hậu quả của hành vi.
    (ii) Về chế tài hành chính: Các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TPCN cần được tách bạch khỏi quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TP nói chung. Sự phân biệt này là thật sự cần thiết bởi bản chất TPCN có sự đặc biệt nhất định so với nhóm TP thông thường. Bên cạnh sự tách bạch, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPCN cần hoàn thiện thêm ở các điểm sau: Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về ghi nhãn TPCN, mức phạt đối với hai nhóm hành vi vi phạm về ghi nhãn TPCN (hành vi nhãn hàng hóa bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo và hành vi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn TPCN) nên được quy định tăng gấp đôi so với sản phẩm hàng hóa, TP thông thường; Hành vi vi phạm quy định về xác nhận nội dung quảng cáo TPCN cần phải được giải thích rõ là áp dụng cho cả người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo để nâng cao hiệu quả của sản phẩm quảng cáo và góp phần bảo vệ được quyền được thông tin đúng đắn của NTD TPCN; Hành vi vi phạm quy định về đọc rõ khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo TPCN trên báo nói, báo hình cần được áp dụng chung cho mọi nhóm sản phẩm TPCN mà không chỉ riêng đối với TPBVSK.
    Vì vậy, ngoài hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, cần phải tăng mức phạt tiền đối với vi phạm về lĩnh vực này.
    (iii) Về chế tài dân sự: Cần bảo đảm tính tương thích giữa Luật BVQLNTD với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện tối đa để NTD tham gia khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình và được hưởng mức bồi thường phù hợp. Đặc biệt, trong trường hợp NTD phát hiện ra thực phẩm không bảo đảm an toàn và chưa sử dụng mà có yêu cầu khởi kiện, thì cần áp dụng nguyên tắc suy đoán thiệt hại và buộc doanh nghiệp bồi thường. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục tố tụng và đảo nghĩa vụ chứng minh hoàn toàn cho người sản xuất kinh doanh thực phẩm, miễn án phí kể cả trong trường hợp NTD thua kiện trong các vụ kiện BVQLNTD trong lĩnh vực ATVSTP. Trong đó, giải thích rõ vấn đề về tài liệu, chúng cứ đầy đủ và vụ án có tình tiết đơn giản. Bởi lẽ, nếu quy định thiếu cụ thể thì các vụ án về BVQLNTD sẽ không bao giờ được xét xử theo thủ tục rút gọn, do tính chất phức tạp, khó chứng minh thiệt hại về sức khỏe của NTD thực phẩm.
    Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp TPCN và nhu cầu sử dụng TPCN của NTD hiện nay thì việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan để điều chỉnh là một yêu cầu cấp thiết. Nghiên cứu các quy định pháp luật về BVQLNTD trong hoạt động kinh doanh TPCN ở nước ta hiện nay cho thấy, mặc dù có nhiều điểm tích cực, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần phải được điều chỉnh hoàn thiện hơn nhằm giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Do đó, Sự ra đời của Luật BVQLNTD năm 2023 đã khắc phục được các tồn tại của Luật BVQLNT năm 2010 còn mắc phải, bên cạnh đó việc hoàn chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan thiết nghĩ là những yêu cầu trước mắt mà Nhà nước ta cần thực hiện để đảm bảo các nhóm quyền lợi chính đáng của người NTD TPCN được bảo vệ và ngành công nghiệp TPCN được phát triển.
    Tài liệu tham khảo
    1. Hiến pháp năm 2013.
    2. Bộ luật dân sự năm 2015.
    3. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
    4. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
    5. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
    6. Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
    7. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
    8. Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
    9. Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm.
    10. Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 
    11. Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
    12. Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
    Tác giả bài viết: ThS. Võ Thị Thu Hằng - ThS. Đặng Thị Thuần
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình