17:47 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 582
    • Hôm nay: 105077
    • Tháng hiện tại: 2864648
    • Tổng lượt truy cập: 69849799

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Pháp luật về mức lương tối thiểu và thực tiển thi hành

    Thứ hai - 25/06/2018 14:00

    Trong bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển, hay bất cứ một quốc gia, một xã hội nào thì lao động luôn đóng một vai trò then chốt và tối thượng cho sự phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu vật chất. Bởi lao động tạo ra của cải và nuôi sống mọi lực lượng, giai cấp tầng lớp trong xã hội. Do vậy để đảm bảo cho người lao động (chủ thể trực tiếp tham gia vào lao động, sản xuất) có được mức thu nhập đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, Nhà nước đã đặt ra các quy định về tiền lương tối thiểu. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ về tiền lương tối thiểu như đối tượng áp dụng, mức tiền lương tối thiểu, cách tính tiền lương tối thiểu..., tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu đến các những quy định cơ bản của pháp luật về mức lương tối thiểu hiện hành, đánh giá chung việc thực hiện các quy định đó và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành.

    1. Khái niệm và ý nghĩa của mức lương tối thiểu
    1.1. Khái niệm về mức lương tối thiểu
    Theo C.Mac, "Chi phí sản xuất của sức lao động đơn giản quy lại thành chi phí sinh hoạt của người công nhân và chi phí để tiếp tục duy trì giống nòi của anh ta. Giá cả những chi phí sinh hoạt và chi phí để tiếp tục duy trì giống nòi, đó là tiền công. Tiền công được quy định như vậy là tiền lương tối thiểu[1]."
    Theo quan điểm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO):“Tiền lương tối thiểu là mức trả công thấp nhất cho người lao động làm những công việc đơn giản nhất đủ đảm bảo cho họ một mức sống tối thiểu với tư cách là người chủ gia đình phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội”.[2]
    Ở Việt Nam, quy định về tiền lương không chỉ phản ánh các mối quan hệ xã hội mà còn là yếu tố liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động và gia đình họ. Trước năm 1986, nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế hoạt động trên cơ sở kế hoạch hóa tập trung bao cấp, do đó bản chất tiền lương không phải là giá cả của sức lao động mà là một phần của thu nhập quốc dân và được Nhà nước phân phối một cách có kế hoạch cho người lao động. Sau năm 1986, nền kinh tế của nước ta bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, sức lao động được xem là một loại hàng hóa đặc biệt và được trao đổi, mua bán.
    Hiện tại, Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ[3]. Theo đó, có thể hiểu mức lương tối thiểu được sử dụng để trả cho người lao động làm công việc yêu cầu trình độ lao động giản đơn nhất, cường độ lao động nhẹ nhàng nhất, diễn ra trong điều kiện lao động bình thường và được sử dụng để xác định các mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác cho người lao động. Do đó, tiền lương tối thiểu có những đặc trưng cơ bản sau đây:
    Thứ nhất, tiền lương tối thiểu được áp dụng để trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, không cần qua đào tạo.
    Thứ hai, tiền lương tối thiểu được trả tương ứng với điều kiện lao động và môi trường lao động bình thường. Do vậy, mức lương tối thiểu sẽ không thể được sử dụng để trả cho những người lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc hoặc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.
    Thứ ba, tiền lương tối thiểu được quy định nhằm đảm bảo bù đắp sức lao động giản đơn và một phần giúp tái sản xuất sức lao động cho người lao động[4].
    1.2. Ý nghĩa của tiền lương tối thiểu
    Tiền lương tối thiểu là cơ sở để trả công cho người lao động, là cơ sở để quy định các mức tiền lương khác và dùng để tính các chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người lao động. Đây là mức lương thấp nhất người sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Bên cạnh đó, tiền lương tối thiểu còn được sử dụng làm căn cứ để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp lương hoặc tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và để thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
    Tiền lương tối thiểu được coi là một công cụ điều tiết rất quan trọng của Nhà nước nhằm góp phần hạn chế sự bóc lột và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lao động. Với ý nghĩa đó, tiền lương tối thiểu có tác dụng phòng ngừa tranh chấp lao động, đảm bảo nguyên tắc bảo vệ người lao động. 
    Tiền lương tối thiểu có thể được xem là thước đo mức sống tối thiểu trong xã hội.
    2. Một số quy định cơ bản của pháp luật về mức tiền lương tối thiểu hiện nay
    Trước đây, theo quy định của Bộ luật Lao động 1994 và các văn bản có liên quan thì tiền lương tối thiểu có ba loại: Tiền lương tối thiểu chung, tiền lương tối thiểu vùng và tiền lương tối thiểu ngành[5]. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2012 đã đưa ra khái niệm về mức lương tối thiểu, đồng thời quy định mức lương tối thiểu gồm có mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành và đã không còn sử dụng khái niệm lương tối thiểu chung như trước đây[6]. Bên cạnh đó, Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương cơ sở này đã thay thế cho khái niệm lương tối thiểu chung. Do đó, theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, ở nước ta có tiền lương tối thiểu vùng và tiền lương tối thiểu ngành. Do đặc thù của các ngành nghề và các khu vực khác nhau, do đó tiền lương tối thiểu phải có sự phân loại rõ ràng.
    Thứ nhất, quy định về mức lương tối thiểu vùng.
    Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Đây là mức lương được áp dụng cho từng vùng lãnh thổ nhất định, trong đó có tính đến những yếu tố đặc thù của vùng lãnh thổ đó như điều kiện kinh tế- xã hội, trình độ phát triển kinh tế, mức thu nhập bình quân trên đầu người của từng vùng, mức chi tiêu tối thiểu chung của vùng và các yếu tố có liên quan khác như điều kiện làm việc, yếu tố địa lý.
    Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2018 quy định tại Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó có bốn mức lương tối thiểu vùng khác nhau, dựa trên mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các địa phương thuộc Vùng I, II, III, IV được quy định tại Phụ lục của Nghị định 141/2017/NĐ-CP. Mức lương tối thiểu vùng này phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
    Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định số 141/2017/NĐ-CP).
    Thứ hai, quy định về mức lương tối thiểu ngành. Mức lương tối thiểu theo ngành là loại tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định để áp dụng cho người lao động trong một ngành hoặc một nhóm ngành có tính chất kỹ thuật tương đồng trên cơ sở mức lương tối thiểu và có tính đến các yếu tố lao động đặc thù của từng ngành nghề đó. Mức lương tối thiểu ngành được hình thành trên cơ sở thỏa thuận thông qua thương lượng tập thể ngành được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.[7]
    Trên thực tế, các ngành nghề khác nhau thì có những yếu tố đặc trưng không giống nhau nên việc áp dụng chung cùng một mức lương tối thiểu là không hợp lý. Mục tiêu của tiền lương tối thiểu theo ngành là nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, khả năng tái sản xuất lao động giản đơn cho người lao động và gia đình họ, với yêu cầu mức độ phức tạp và trình độ tay nghề thấp nhất trong một ngành mà các yếu tố này chưa thể hiện ở mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu ngành được quy định tùy theo điều kiện của từng ngành và khả năng thỏa thuận của người lao động với người sử dụng lao động trong ngành đó, tuy nhiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
    3. Thực tiễn thi hành các quy định về mức tiền lương tối thiểu
    3.1. Những kết quả đạt được
    Trong nhiều năm qua, Nhà nước luôn cố gắng cải cách các chính sách tiền lương nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội và phù hợp với nền kinh tế đang phát triển. Pháp luật lao động hiện hành đã có một hành lang pháp lý quy định về tiền lương, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mức lương tối thiểu. Cụ thể, trong tại Khoản 2, Điều 35 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2103 có quy định: "Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi."
    Hiện nay, mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và tái sản xuất một phần sức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong nền kinh tế thị trường. Các mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định đang tác động ổn định cho người lao động phục vụ cuộc sống của mình. Nhìn chung, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đều được tăng lên đáng kể qua hàng năm (xem chi tiết ở Bảng 1).
    Bảng 1: Mức lương tối thiểu vùng từ 2009 đến 2018 (Đơn vị: đồng/tháng)

    Văn bản
    điều chỉnh
    Thời điểm áp dụng Vùng I Vùng II Vùng III Vùng IV
    Nghị  định số 110/2008/NĐ-CP[8] Từ 01/01/2009 đến 31/12/2009 800.000 740.000 690.000 650.000
    Nghị định số 97/2009/NĐ-CP[9] Từ 01/01/2010 đến 31/12/2010 980.000 880.000 810.000 730.000
    Nghị định số108/2010/NĐ-CP[10] Từ 01/01/2011 đến 31/09/2011 1.350.000 1.200.000 1.050.000 830.000
    Nghị định số 70/2011/NĐ-CP[11] Từ 01/10/2011 đến 31/12/2012 2.000.000 1.780.000 1.550.000 1.400.000
    Nghị định số 103/2012/NĐ-CP[12] Từ 01/01/2013 đến 31/12/2013 2.350.000 2.100.000 1.800.000 1.650.000
    Nghị định số 182/2013/NĐ-CP[13] Từ 01/01/2014 đến 31/12/2014 2.700.000 2.400.000 2.100.000 1.900.000
    Nghị định số 103/2014/NĐ-CP[14] Từ 01/01/2015 đến 21/12/2015 3.100.000 2.750.000 2.400.000 2.150.000
    Nghị định số 122/2015/NĐ-CP[15] Từ 01/01/2016 đến 31/12/2016 3.500.000 3.100.000 2.700.000 2.400.000
    Nghị định số 153/2016/NĐ-CP[16] Từ 01/01/2017 đến 31/12/2017 3.750.000 3.320.000 2.900.000 2.580.00
    Nghị định số 141/2017/NĐ-CP [17] Từ 01/01/2018 3.980.000 3.530.000 3.090.000 2.760.000
     

     Biểu đồ 1: Mức lương tối thiểu vùng từ 2009 đến 2018 (Đơn vị: đồng/tháng)
    Các chính sách về mức tiền lương tối thiểu đã cho thấy được những hiệu quả đạt được nhất định như:
    Thứ nhất, qua một quá trình xây dựng và phát triển, Nhà nước ta đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về mức lương tối thiểu khá hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội chung của từng khu vực. Điều này tạo sự cân đối cho việc phát triển kinh tế giữa các vùng miền khác nhau, tạo ra tính thống nhất và môi trường để thu hút lao động, phân phối lực lượng lao động cho từng khu vực. Đảm bảo cho tiền lương tối thiểu được vận hành theo cơ chế thị trường, thiết lập nguyên tắc thoả thuận và trả lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Bảo vệ người lao động trước sức ép công việc và tình trạng bóc lột sức lao động. Mức tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng dần qua từng năm đã có phần phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, góp phần cải thiện đời sống của người lao động, người nghỉ hưu…
    Thứ hai, mức tiền lương tối thiểu đã đáp ứng được phần nào cuộc sống của người lao động, đảm bảo mức sống tối thiểu về vật chất và tinh thần cho người lao động và gia đình của họ. Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ. Mức tiền lương tối thiểu còn được đặt trong mốt quan hệ với các vấn đề kinh tế vĩ mô, tăng trưởng lạm phát, thất nghiệp, an sinh xã hôi. Trong thời gian qua tuy có giai đoạn giá cả leo thang, lạm phát xảy ra tuy nhiên, bằng sự can thiệp kịp thời và đúng đắn, các chính sách về tiền lương tối thiểu của Nhà nước đã phát huy vai trò là công cụ điều tiết nền kinh tế.
     Thứ ba, quy định về mức tiền lương tối thiểu đã thực hiện được chức năng của mình là một công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết các quy luật trong nền kinh tế, điều tiết cung cầu lao động đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công là nền tảng cho các doanh nghiệp hoạch định chiến lược phát triển cho doanh nghiệp của mình của mình.
    Thứ tư, chính sách mức tiền lương tối thiểu đã cải thiện được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Nếu như trước đây doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến mức lương và chất lượng đời sống của người lao động, thường xuyên có những hành vi tìm cách cắt giảm lương của người lao động, gây ra khó khăn cho người lao động. Hiện nay các quy định chặt chẽ của pháp luật đã ngăn ngừa được các trường hợp trên. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã "tự giác hơn" trong việc thực thi pháp luật về tiền lương, có sự quan tâm cởi mở hơn trong các chính sách lương và phụ cấp của doanh nghiệp đối với người lao động, quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng sống cho người lao động. Điều này có được là nhờ vào sự kiên quyết của Nhà nước khi thi hành các chính sách pháp luật về tiền lương tối thiểu.
    Thứ năm, quy định về mức lương tối thiểu là một yếu tố quan trọng giúp hình thành hệ thống lương tối thiểu ở từng khu vực và từng ngành đảm bảo các chính sách chung về tiền lương được vận hành theo cơ chế thị trường đáp ứng được nhu cầu của người lao động ở từng vùng, từng ngành, hạn chế được các nguy cơ về phân hóa giàu nghèo.
    3.2. Những vấn đề còn tồn tại
    Bên cạnh những hiệu quả tích cực của việc thực hiện các quy định về mức lương tối thiểu thì vấn đề này còn nhiều điểm bất cập và tồn tại cần phải khắc phục:
    Thứ nhất, việc thay đổi chính sách tiền lương tối thiểu liên tục trong suốt 10 năm vừa qua tuy là đã đáp ứng kịp thời xu thế phát triển của nền kinh tế nhưng lại khiến cho việc triển khai áp dụng không được hiệu quả. Doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trong chiến lược phát triển lâu dài, khi doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu ổn định thì chính sách tiền lương thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải có sự thay đổi chiến lược phát triển của mình, việc thay đổi nhiều dẫn đến gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách về lương.
    Mức lương tối thiểu có sự điều chỉnh tăng đều qua các năm, tuy nhiên, so với thực tế hiện tại mức lương tối thiểu này là còn thấp so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Việc xây dựng các chính sách tiền lương tối thiểu chủ yếu dựa trên khả năng của ngân sách Nhà nước đã phần nào không gắn liền với thực tiễn lao động diễn ra trên thị trường,dẫn đến một thực tế mức lương tối thiểu thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
    Thứ hai, việc đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giám sát, thanh tra trong lĩnh vực lao động còn hạn chế. Việc đánh giá về các cơ chế giám sát của việc thực hiện các quy định về tiền lương tối thiểu còn thiếu dẫn đến sự thiếu tính thuyết phục trong cơ chế đánh giá giám sát. Việc tuyên truyền, hướng dẫn chưa đầy đủ, chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ làm việc còn chưa có trình độ và chuyên môn cao, không đủ khả năng để xử lý hết các vi phạm. Hoạt động thanh tra, giám sát là một hoạt động có tầm quan trọng rất lớn tuy nhiên lại không được chú trọng, quan tâm đứng mức. Trên thực tế khi người lao động bị xâm phạm quyền lợi thì lại không có cơ quan nào kịp thời phát hiện và đứng ra bảo vệ các đối tượng này. Thanh tra lao động hoạt động chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến thực trạng người lao động vẫn bị xâm phạm các quyền lợi về tiền lương.
    Thứ ba, mức tăng tiền lương tối thiểu chưa đuổi kịp mức tăng giá cả tiêu dùng. Như một quy luật thường thấy, khi Nhà nước có kế hoạch điều chỉnh mức lương tối thiểu thì giá cả trong thị trường đã có chiều hướng thay đổi theo hướng tăng lên. Việc tăng lương tối thiểu sẽ làm cho tổng thực tế tiền lương tăng lên, các nhu cầu của xã hội cũng có sự thay đổi, giá cả tăng lên. Bên cạnh đó, khi tiền lương tối thiểu tăng lên thì chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng sẽ bị đẩy lên, làm cho giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao dẫn đến hiện tượng lạm phát. Bởi vậy, khi tính toán đến các vấn đề về tăng mức lương tối thiểu thì phải có sự xem xét kỹ lưỡng những tác động của nó đế các mặt của nền kinh tế.
    Thứ tư, chế tài áp dụng xử phạt các hành vi vi phạm còn chưa đủ mạnh. Những hành vi vi phạm quy định lao động về tiền lương và tiền lương tối thiểu mới chỉ dừng lại ở các biện pháp cảnh cáo và phạt tiền[18], trong khi đó mức phạt tiền chưa cao, không đủ tính răn đe đối với người sử dụng lao động.
    Những bất cập, hạn chế trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
    - Các chính sách về tiền lương tối thiểu còn mang tính chất chung chung và thay đổi thường xuyên.
    - Ý thức chấp hành các quy định về mức tiền lương tối thiểu của người sử dụng lao động còn hạn chế. Người sử dụng lao động với vị thế là nhà kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận nên thường hạn chế các quyền lợi của người lao động, đặc biệt là về tiền lương.
    - Các hình thức xử phạt vi phạm quy định về tiền lương chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm.
    - Công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về mức tiền lương tối thiểu chưa thực sự sâu sát và đem lại hiệu quả cao.
    - Tổ chức công đoàn chưa thể hiện được vai trò, vị trí và sứ mệnh của mình trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động.
    4. Một số giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về mức lương tối thiểu
    4.1. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mức lương tối thiểu
    Thứ nhất, về vấn đề xác định lương tối thiểu. Cần điều tra đánh giá mức lương tối thiểu áp dụng cho các nước trên thế giới có trình độ phát triển ngang bằng với Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ tính toán mức lương tối thiểu cho lao động Việt Nam, để bảo đảm cho sự bình đẳng giữa lao động trong nước với mặt bằng lao động chung trên thế giới.
    Thứ  hai, về chế tài áp dụng. Các chế tài xử lý vi phạm về tiền lương nói chung và mức tiền lương tối thiểu nói riêng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Mức xử phạt như hiện nay chưa thật sự bảo vệ được người lao động, đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chế tài xử lý bi phạm, tăng mức phạt lên cao hơn so với mực xử phạt hiện nay, để người sử dụng lao động thật sự tuân thủ pháp luật. Quy định cơ chế giám sát cụ thể trong các doanh nghiệp như: buộc công bố công khai mức lương thấp nhất trong nội bộ doanh nghiệp, tăng cường chức năng của các tổ chức giám sát trong doanh nghiệp, xây dựng cơ chế đền bù thỏa đáng cho người lao động nếu vi phạm xảy ra.
    Thứ ba, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện quy định về mức lương tối thiểu. Cụ thể, cần có quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và Hội đồng tiền lương quốc gia trong việc hướng dẫn thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu. Cần có các quy định về trách nhiệm thẩm quyền của cơ quản quản lý nhà nước ở địa phương và các cơ quan liên quan trong việc giám sát tình hình thực hiện pháp luật ở các địa phương.
    4.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về mức lương tối thiểu
    Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về mức lương tối thiểu đến người lao động và người sử dụng lao động nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật. Tuyên truyền pháp luật luôn là một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật mà được Đảng, Nhà nước và các ban ngành quan tâm và thực hiện triệt để, giải pháp này luôn được áp dụng có hiệu quả khi tuyên truyền chính sách mới cho mọi người trong xã hội. Đặc biệt là trong vấn đề chính sách về mức lương tối thiểu, vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như quyền lợi của đại bộ phận người lao động, trong khi đó, đây lại là đối tượng còn hạn chế về hiểu biết pháp luật. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng và ban hành các chính sách pháp luật về mức lương tối thiểu, các cơ quan nhà nước cần tuyên truyền và thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật cho người lao động. Ngoài ra, cần đa dạng các hoạt động thông tin về pháp luật lao động cho người lao động, tổ chức các hoạt đông tư vấn, hướng dẫn pháp luật miễn phí cho người lao động, nhất là lực lượng lao động nằm ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp lớn, vì họ là đối tượng ít hiểu biết về pháp luật và thường bị xâm hại các lợi ích về tiền lương.
    Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp nhằm bảo đảm pháp luật về mức lương tối thiểu được thực hiện có hiệu quả trong thực tế, đồng thời phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
    Thứ tư, nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động. Xác định rõ vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động. Các Công đoàn cơ sở cần giám sát việc xây dựng và thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp theo đúng quy định. Chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp xác định mức điều chỉnh trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động nhằm bảo đảm lộ trình nâng lương. Công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, không để xảy ra vi phạm các quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động.
    Trong thời gian vừa qua, mức lương tối thiểu đã phát huy được vai trò to lớn của mình là việc đảm bảo sự ổn định và nâng cao đời sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu không chỉ là một phạm trù kinh tế đơn thuần mà còn là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến các chính sách xã hội, quản lý đất nước, quản lý doanh nghiệp, tác động đến người lao động cả nước. Các chính sách, quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu đang dần được hoàn thiện hơn trong các văn bản pháp luật và trở thành một bộ phận quan trọng của chính sách kinh tế - xã hội, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó cần phải xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật về tiền lương đúng đắn, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước để làm căn cứ, làm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện và nâng cao được chất lượng cuộc sống của người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước./.

     

    [1] C. Mác, Lao động làm thuê và tư bản, Nxb. Sự thật.
    [2]Công ước số 26 ngày30/5/1926 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
    [3] Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động 2012.
    [4] Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Lao động, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật Gia Việt Nam, 2017.
    [5]Bộ luật Lao động 1994
    [6]Bộ luật Lao động 2012
    [7]Khoản 3 điều 91 Bộ luật Lao động 2012
    [8] Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động.
    [9] Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động.
    [10] Nghị định số 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 của Chính phủ Quy định mức lương tổi thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động.
    [11] Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ Quy định mức lương tổi thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động.
    [12] Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ Quy định mức lương tổi thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động.
    [13]Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định mức lương tổi thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt nam có thuê mướn lao động.
    [14]Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ Quy định mức lương tổi thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mượn lao động theo hợp đồng lao động.
    [15]Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
    [16]Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ Quy định mức lương tố thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
    [17] Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
    [18]Nghị định số 95/2013 NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

     


    Tác giả bài viết: GV: Đặng Thị Thuần

    Những tin mới hơn

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình