* Cơ sở pháp lý:
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (1993), “Một số công ước của Tổ chức lao động quốc tế, Hà Nội, tr. 30.
- Luật việc làm 2013.
-
Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
- Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp.
Thất nghiệp là một hiện tượng kinh tế - xã hội, là một trong những dấu hiệu đặc trưng của nền kinh tế thị trường, nhưng thất nghiệp là một hiện tượng phức tạp với những biểu hiện đa dạng, phong phú trên các bình diện kinh tế, xã hội và nhất là pháp lý. Trên quan điểm pháp lý thì thất nghiệp được hiểu là hiện tượng những người lao động bị mất việc làm, quan hệ lao động bị chấm dứt, có nhu cầu lao động và đang tích cực tìm việc.
Bảo hiểm thất nghiệp dưới góc độ pháp lý là tổng hợp các quy định của Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội hình thành trong lĩnh vực bảo đảm trợ cấp nhằm ổn định đời sống của người lao động khi bị mất việc làm và đang có nhu cầu tìm việc, cũng như bao gồm một số biện pháp giúp người thất nghiệp trở lại với thị trường lao động.
Nội dung của bảo hiểm thất nghiệp gồm hai nhóm lớn:
thứ nhất là những chế độ đảm bảo tạm thời đời sống cơ bản của người thất nghiệp (ăn, mặc, ở, đi lại…) giúp họ có thể tồn tại và duy trì khả năng lao động.
Thứ hai, chế độ hỗ trợ để người thất nghiệp có thể nhanh chóng tìm được việc làm, như: giới thiệu việc làm, tái đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp… Với những nội dung này, thì bảo hiểm thất nghiệp khác với các loại bảo hiểm xã hội khác và mang tính bắt buộc đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, các Nhà nước đều áp dụng chế tài đối với người sử dụng lao động nếu không thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Là một quỹ tiền tệ tập trung được hình thành từ sự đóng góp của các bên tham gia quan hệ bảo hiểm thất nghiệp và dùng để chi trả trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm đưa người thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động. Pháp luật điều tiết việc thành lập quỹ bảo hiểm thất nghiệp bằng hai loại quy định: những quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp và những quy định về sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
1. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng của bảo hiểm thất nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của Tổ chức lao động quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới. Nhiều Công ước quy định rõ đối tượng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp, như: Công ước số 44
“Công ước về bảo đảm tiền trợ cấp cho những người thất nghiệp không tự nguyện” (1934) quy định áp dụng bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả những người làm việc được trả tiền công hoặc tiền lương. Những người thuộc diện được bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo các yếu tố:
“có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc; đã đăng ký tìm việc làm tại một cơ sở dịch vụ việc làm công cộng hoặc các cơ sở khác có thẩm quyền và có thể quy định ngoại lệ đối với một số lao động khi có điều kiện”. Công ước số 102 năm 1952 quy định bảo hiểm thất nghiệp là một trong 9 nhánh cần phải điều chỉnh, bao gồm: những người làm công ăn lương được quy định; mọi người thường trú mà phương tiện sinh sống trong khi trường hợp bảo vệ xảy ra vượt quá giới hạn theo Điều 67 hoặc đã có bản tuyên bố để áp dụng Điều 3. Ngoài ra, Điều 20 Công ước còn quy định
“Trường hợp bảo vệ phải bao gồm tình trạng gián đoạn thu nhập như pháp luật quốc gia quy định và xảy ra do không thể có một công việc thích hợp, trong tình hình người được bảo vệ có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc”. Điều 11 Công ước số 168 (1988) về xúc tiến về việc làm và bảo vệ chống lại thất nghiệp” quy định:
“Những người được bảo vệ sẽ gồm những người làm công văn lương theo quy định không ít hơn 85% toàn bộ những người làm công ăn lương, kể cả những người làm công ăn lương khu vực công cộng và những người học nghề” và Điều 26 cũng quy định một số điều khoản đặc biệt để áp dụng với một số loại lao động mới xin việc lần đầu hoặc không được xem là thất nghiệp hoặc không được tham gia chương trình bảo vệ người thất nghiệp… Ở Việt Nam, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
“là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng” (khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013). Ngoài ra, pháp luật cũng quy định một số đối tượng
“không tham gia bảo hiểm thất nghiệp như người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình” (khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013). Bên cạnh đó
“người sử dụng lao động cũng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp” (khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013).
Như vây, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của các nước là những người làm công ăn lương trong các doanh nghiệp hoặc làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, công chức nhà nước không tham gia bảo hiểm thất nghiệp như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Có một số trường hợp do đièu kiện làm việc đặc biệt hoặc ít liên hệ với lực lượng lao động như: lao động giúp việc gia đình, lao động thu nhập thấp, lao động tạm thời, thời vụ… không tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
(2) Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Đối với người lao động có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Đối với người lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
(3) Đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
(4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
3. Thời gian và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
- Mức hưởng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
* Lưu ý: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
4. Thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp
4.1. Bước 1: Nộp hồ sơ
Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTB&XH ngày 31/7/2015.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+ Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng
- Sổ bảo hiểm xã hội.
* Lưu ý:
Trường hợp không thể tự mình trực tiếp nộp hồ sơ, thì người lao động được ủy quyền nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện trong những trường hợp sau:
+ Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
+ Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
+ Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
4.2. Bước 2: Nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu hồ sơ đủ điều kiện và nhận trợ cấp theo nội dung tại Quyết định của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ý kiến bạn đọc