06:13 ICT Thứ sáu, 03/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 28530
    • Tháng hiện tại: 309177
    • Tổng lượt truy cập: 67294328

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Sử dụng phương pháp sơ đồ hóa trong giảng dạy môn học Lý luận Nhà nước và Pháp luật

    Thứ hai - 07/10/2024 15:00

    ThS. Quách Thị Hương Giang, ThS. Võ Thị Thu Hằng
    TÓM TẮT: Bài viết trình bày một số vấn đề cơ bản của phương pháp sơ đồ hóa đã được vận dụng trong thực tiễn giảng dạy của nhóm giảng viên Lý luận nhà nước và pháp luật tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện, đồng thời góp phần làm phong phú thêm phương pháp dạy học đối với bộ môn này tại các cơ sở đào tạo luật.
    Từ khóa: Phương pháp, sơ đồ hóa, lý luận nhà nước và pháp luật, sử dụng sơ đồ.
    ABSTRACT: The article presents some basic issues of the mapping method that have been applied in the teaching practice of the group of State and Law Theory lecturers at the Middle - Region College of Law, thereby offering some solutions. Recommendations to improve efficiency in the implementation process, and at the same time contribute to enriching teaching methods for this subject at law training institutions.
    Keywords: Methodology, diagramming, theory of state and law, use of diagrams.
    1. Đặt vấn đề
    Xác định chất lượng dạy học có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo, do đó Trường Cao đẳng Luật miền Trung đã rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy học và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Đổi mới phương pháp đào tạo mà then chốt là đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành hoạt động thực tiễn và được duy trì thường xuyên, rộng rãi trong đội ngũ giảng viên của toàn Trường. Mục tiêu của việc đổi mới phương pháp dạy học là nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, tiếp cận với năng lực thực hiện của người học, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
    Việc lựa chọn phương pháp dạy học phụ thuộc vào từng môn học, nội dung bài dạy, điều kiện tổ chức lớp học và đặc biệt là đặc thù người học. Trên thực tế, không có phương pháp dạy học nào lại không vừa có ưu điểm, vừa có hạn chế của nó. Do đó, khi thiết kế bài dạy, giảng viên phải hiểu đối tượng người học để kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp nhằm phát huy ưu điểm và tính hiệu quả của các phương pháp dạy học đó.
    Lý luận nhà nước và pháp luật là môn học khoa học pháp lý cơ sở, cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật nhằm hình thành tư duy và phương pháp nhận thức khoa học về những vấn đề của nhà nước và pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học này tập trung vào nghiên cứu về nguồn gốc, bản chất, chức năng, bộ máy, kiểu và hình thức của nhà nước và pháp luật; nhà nước trong hệ thống chính trị; nhà nước pháp quyền; quy phạm pháp luật; hệ thống pháp luật; quan hệ pháp luật; thực hiện pháp luật; vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; ý thức pháp luật… Đây là môn học khó và có tính lý luận, gắn với lịch sử nhà nước và pháp luật, việc nắm bắt tốt các kiến thức của môn học này sẽ giúp học sinh, sinh viên có nền tảng để học tốt các môn học luật chuyên ngành.
    Trong quá trình dạy học môn Lý luận nhà nước và pháp luật, giảng viên đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó, phương pháp sơ đồ hóa đã được lựa chọn sử dụng trong nhiều khâu của quá trình dạy học.
    2.  Nội dung nghiên cứu
    2.1. Khái niệm phương pháp sơ đồ hóa
    Sơ đồ hóa thực chất là phương pháp được đưa ra để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ, tổng hợp hay để phân tích một vấn đề ra thành nhiều nội dung nhỏ theo một dạng của lược đồ phân nhánh.
    Phương pháp sơ đồ hóa thuộc nhóm phương pháp dạy học trực quan, là phương pháp diễn đạt nội dung dạy học bằng ngôn ngữ sơ đồ. Ngôn ngữ sơ đồ được thể hiện bằng các ký hiệu khác nhau như: Đồ thị, lược đồ, sơ đồ khối, sơ đồ xích - chu trình, sơ đồ phân nhánh, bảng biểu…
    Phương pháp sơ đồ hóa được sử dụng để mô tả một sự vật, hiện tượng hay một hoạt động, một quá trình và cho phép hình dung một cách logic, trực quan các mối liên hệ giữa các yếu tố trong cấu trúc của sự vật, hiện tượng, hoạt động hay quá trình đó. Sử dụng phương pháp này phối hợp với phương pháp thuyết trình hoặc phát vấn sẽ giúp học sinh nhận thức sâu sắc và vận dụng tri thức một cách có hiệu quả. Ngoài ra, còn giúp học sinh, sinh viên phát triển các kỹ năng trình bày, phân tích, tổng hợp, so sánh…
    2.2. Các yêu cầu khi sử dụng phương pháp sơ đồ hóa
    2.2.1. Yêu cầu về tính khoa học
    Nội dung sơ đồ phải bám sát nội dung của bài học, các mối quan hệ phải là bản chất, khách quan chứ không phải do giảng viên tự áp đặt theo ý muốn chủ quan. Tuy nhiên, hình thức của sơ đồ có thể linh hoạt vì nó mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân. Cùng một khối lượng kiến thức, có nhiều cách xây dựng sơ đồ khác nhau.
    Sơ đồ phải sử dụng phù hợp với nội dung bài học, kiểu bài và đối tượng cần nghiên cứu; phải đảm bảo tính logic, chính xác, khoa học, tránh lạm dụng sơ đồ.
    2.2.2. Yêu cầu về tính sư phạm
    Sơ đồ phải có tính khái quát hóa cao, qua sơ đồ học sinh có thể nhận thấy ngay các mối quan hệ khách quan, biện chứng. Điều này đòi hỏi người xây dựng sơ đồ phải vận dụng nhiều thao tác tư duy khác nhau như so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, mở rộng..., phải chọn lựa kiến thức cơ bản tối thiểu và vừa đủ, mã hoá kiến thức một cách cô đọng, súc tích.
    2.2.3. Yêu cầu về tính thẩm mỹ
    Bố cục của sơ đồ phải hợp lý, cân đối, nổi bật trọng tâm và các nhóm kiến thức. Có thể sử dụng đa dạng các phương tiện mã hoá (các loại ký hiệu, ô khung, mũi tên,...). Màu sắc hài hòa, các hình khối không được điệp màu chữ.
    2.3. Cách sử dụng sơ đồ trong dạy học môn Lý luận nhà nước và pháp luật
    2.3.1. Sử dụng sơ đồ để hình thành kiến thức mới
    Thông qua sơ đồ tư duy, việc hình thành kiến thức mới từ sự trình bày, phân tích những yếu tố đã biết hợp thành kiến thức mới đó sẽ giúp học sinh, sinh viên nhận thức logic, có trình tự, diễn biến và dễ ghi nhớ từ hình ảnh trực quan; khắc phục được cách thuyết trình áp đặt một chiều.
    Ví dụ: Để diễn đạt khái niệm pháp luật, thay vì giảng viên nêu: “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo đảm, bảo vệ các quan hệ xã hội”[1], thì có thể hình thành khái niệm pháp luật từ việc sơ đồ hóa như sau:
    Ngoài ra, có thể kết hợp với các câu hỏi phát vấn như: Các quy tắc xử sự đó thể hiện ý chí của giai cấp nào trong xã hội? Các quy tắc xử sự đó có tính chất như thế nào?...
    2.3.2. Sử dụng sơ đồ để giải thích hoặc triển khai chi tiết nội dung bài học
    Dạng sơ đồ này đòi hỏi người giảng viên phải khái quát, tổng hợp kiến thức bằng sơ đồ trực quan, sau đó phân tích từng nhánh kiến thức để học sinh, sinh viên tiếp thu từng đơn vị kiến thức. Qua các sơ đồ này, người học sẽ hình thành tư duy logic, hiểu rõ nội hàm của các vấn đề để trình bày, phân tích, diễn giải.
    Ví dụ: Nội dung dạy học là hình thức nhà nước, giảng viên đưa ra sơ đồ sau:
    Với sơ đồ này, giảng viên phải giải thích, trình bày mở rộng nhiều kiến thức nên cần kết hợp với giảng giải. Giảng viên đưa sơ đồ trước và giảng giải cho người học nội dung kiến thức cần làm rõ.
    2.3.3. Sử dụng sơ đồ tổng hợp để củng cố, hệ thống hoá kiến thức
    Với những nội dung của môn học, các sơ đồ dạng bảng biểu khá phù hợp để so sánh, đối chiếu hoặc tổng hợp kiến thức. Đó là các bảng tổng hợp kiến thức ngắn gọn, dễ nhớ, đồng thời còn là một nguồn thông tin rất phong phú vì giảng viên có thể cung cấp kiến thức đa chiều về đối tượng trên cơ sở đưa ra nhiều tiêu chí.
    Ví dụ: Để phân biệt pháp luật với các quy phạm đạo đức, giảng viên có thể thực hiện hai dạng hoạt động:
    - Dạng thứ nhất, giảng viên gợi ý những tiêu chí nhất định và yêu cầu học sinh, sinh viên tìm kiếm nội dung kiến thức. Có thể kết hợp phát vấn để gợi ý người học tư duy, sau đó giảng viên tổng hợp lại thành sơ đồ bảng sau:
    Tiêu chí
     phân biệt
    Pháp luật Đạo đức
    Nguồn gốc
    hình thành
    Từ nhà nước Từ trong đời sống cộng đồng xã hội
    Cơ chế bảo đảm thực hiện Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế; thuyết phục, giáo dục; tuyên truyền... Tự nguyện; tác động của dư luận xã hội, lương tâm, niềm tin...
    Về hình thức
    thể hiện
    Quy định thành văn, có tính chặt chẽ về hình thức Không có tính xác định về hình thức, tồn tại dưới dạng không thành văn (truyền miệng, thông qua nếp sống…)
    Tính chất và phạm vi tác động Có tính quy phạm phổ biến, bắt buộc, tác động hầu hết các quan hệ xã hội Có tính quy phạm nhưng không bắt buộc, chủ yếu tác động các quan hệ tinh thần, tình cảm, trách nhiệm, ý thức…

    Phiếu 1
    - Dạng thứ hai, giảng viên có thể sử dụng phương pháp thảo luận nhóm; thực hiện chia lớp thành các nhóm và phát phiếu học tập, yêu cầu học sinh hoàn thiện phiếu học tập theo các dạng bảng trống.
     
    Tiêu chí xác định Pháp luật
    Sự hình thành  
    Cơ chế bảo đảm thực hiện  
    Về hình thức  
    Tính chất và phạm vi tác động  

    Phiếu 2

     
    Tiêu chí xác định Đạo đức
    Sự hình thành  
    Cơ chế bảo đảm thực hiện  
    Về hình thức  
    Tính chất và phạm vi tác động  
    Với dạng sơ đồ này, sau khi các nhóm hoàn thiện phiếu của mình, giảng viên sẽ đưa sơ đồ chuẩn kiến thức ra đối chiếu. Các bảng kiến thức này còn giúp học sinh, sinh viên hình thành kỹ năng so sánh vì có các tiêu chí tương đồng giữa các nội dung. Như vậy, học sinh sẽ nắm chắc kiến thức hơn so với cách ghi chép truyền thống.
    2.3.4. Sử dụng sơ đồ để đánh giá năng lực tiếp thu của người học, đồng thời giúp giảng viên điều chỉnh nội dung dạy học
    Giảng viên có thể sử dụng dạng sơ đồ trống (sơ đồ khuyết thiếu) nội dung, yêu cầu người học hoàn thiện sơ đồ. Việc sử dụng sơ đồ dạng này thường dùng để làm bài tập, bài kiểm tra. Qua đó, có thể đánh giá khá chính xác năng lực nhận thức của người học, hạn chế được tình trạng quay cóp, chép bài.
    Ví dụ 1: Giảng viên sử dụng sơ đồ khuyết thiếu có gợi ý, yêu cầu học sinh, sinh viên trình bày các nội dung theo gợi ý như sau:
    Ví dụ 2: Giảng viên sử dụng sơ đồ trống, yêu cầu học sinh, sinh viên hoàn thiện sơ đồ cấu trúc bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013 như sau:
    Sau khi học sinh, sinh viên hoàn thành sơ đồ, giảng viên trình bày đối chiếu:
    Đối với yêu cầu ở mức độ cao hơn, giảng viên hướng dẫn học sinh, sinh viên tự xây dựng sơ đồ sau khi đã được học những kiến thức nhất định hoặc tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu. Người học tự dựng sơ đồ là hình thức đánh giá có tính phân hóa nhận thức cao hơn, hiệu quả của phương pháp sơ đồ hoá sẽ là cao nhất. Vì muốn xây dựng sơ đồ, ngoài việc có kỹ năng đọc giáo trình, ghi chép tổng hợp, người học phải sử dụng các thao tác tư duy cơ bản như phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa,… để cùng một lúc vừa phân tích đối tượng nhận thức thành các sự kiện, các yếu tố cấu thành lại vừa phải tổng hợp chúng lại, thiết lập các mối quan hệ qua lại giữa chúng, vừa có khả năng kết cấu bố cục và mã hóa dưới dạng khối, xích, quy trình....
    Giảng viên có thể tổ chức bài học để người học rèn luyện kỹ năng sơ đồ hóa, theo trình tự sau:
    - Bước 1 (Nêu nhiệm vụ học tập): Trình chiếu hoặc ghi các nội dung chính của bài học lên bảng và yêu cầu học sinh làm rõ các nội dung bằng phương pháp sơ đồ hoá.
    - Bước 2 (Tổ chức hoạt động): Chia lớp thành các nhóm để thảo luận và thực hiện nhiệm vụ (phương pháp này sẽ kích thích tinh thần học tập của học sinh, sinh viên vì có vừa có sự hợp tác trong nhóm, vừa tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhóm);
    - Bước 3 (Hướng dẫn người học thực hiện nhiệm vụ): Yêu cầu các nhóm nghiên cứu giáo trình, cùng với những nội dung cơ bản đã được giới thiệu, để lựa chọn dạng sơ đồ phù hợp.
    - Bước 4 (Trình bày sản phẩm): Các nhóm trình bày các sơ đồ của mình, giảng viên đánh giá, tổng kết.
    2.4. Ưu, nhược điểm của phương pháp sơ đồ hóa trong dạy học môn học Lý luận nhà nước và pháp luật
    2.4.1. Ưu điểm:
    - Dễ phát huy tính tích cực của người học. Huy động tối đa các giác quan của người học tham gia vào quá trình nhận thức, lĩnh hội kiến thức. Người học khám phá tri thức mới theo trình tự logic, giúp người học hiểu được bản chất quy luật. Thuận lợi cho quá tình tái hiện tri thức khi cần thiết.
    - Sẽ tạo ra sự hứng thú trong giờ học, hoạt động của người học trở nên sôi nổi hơn. Phát triển óc quan sát, kích thích tư duy của người học, giúp người học hào hứng tìm tòi, lĩnh hội tri thức mới, yêu thích môn học.
    - Kiến thức được biểu diễn dưới dạng sơ đồ, ngắn gọn dễ nhớ. Học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển ý tưởng, tìm tòi lĩnh hội và xây dựng kiến thức mới. Dùng sơ đồ minh họa sẽ tạo hiệu quả, vì trong một thời gian ngắn có thể khái quát được một khối lượng kiến thức lớn, vừa làm rõ bài giảng, vừa xâu chuỗi kiến thức và các mối liên hệ giữa các khối kiến thức đó.
    - Trong một sơ đồ, các mối quan hệ tương hỗ sẽ được làm rõ; các ý chính được nêu bật ở trung tâm; các khái niệm được ghi nhớ bằng thị giác; dễ bổ sung thông tin vào sơ đồ nếu có sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ.
    - Lý luận Nhà nước và pháp luật là môn học lý thuyết, nếu ghi chép quá nhiều chữ thì thường gây ra tâm lý chán nản, uể oải cho người học. Đặc biệt là đối tượng học sinh có kỹ năng ghi nhớ hạn chế, thì việc sơ đồ hóa hợp lý sẽ khắc phục được hạn chế đó.
    2.4.2. Nhược điểm:
    - Do kiến thức được mô hình hóa nên rất ngắn gọn, cơ bản; không thể hiển thị hết mọi chi tiết và các mối quan hệ trong một vấn đề; nếu người học không hiểu được bản chất thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình diễn giải.
    - Nếu sử dụng mô hình trực quan cho mảng kiến thức quá lớn, người học sẽ không biết bắt đầu từ đâu để ghi nhớ và liên tưởng các phần kiến thức với nhau. Nếu sử dụng sơ đồ không đúng lúc, đúng chỗ hoặc quá lạm dụng phương pháp sơ đồ hóa thì sẽ làm cho người học bị mất phương hướng, không hứng thú cho việc tiếp thu kiến thức bài giảng.
    - Giảng viên khi thiết kế sơ đồ, nếu không có tư duy không gian thì sẽ rất khó sắp xếp, bố trí các nội dung và tưởng tượng biểu đạt ý tưởng. Lạm dụng màu sắc và các chi tiết không cần thiết thì sẽ làm cho sơ đồ bị rối hoặc không nêu bật được trọng tâm, không thấy được sự tương quan. Việc thiết kế, chỉnh sửa, thay đổi sơ đồ sẽ mất rất nhiều thời gian.
    - Sử dụng sơ đồ trong dạy học cần kết hợp với nhiều phương pháp khác như giảng giải, phát vấn thì mới đạt được hiệu quả cao trong truyền đạt ý tưởng. Do đó, khi chia sẻ sơ đồ kiến thức bằng hình thức gián tiếp (gửi qua bản giấy; bản điện tử…) thì sẽ hạn chế trong phân tích và phát triển ý tưởng.
                3. Một số đề xuất, kiến nghị
    3.1. Về phía giảng viên
    - Nắm vững kết cấu nội dung chương trình; thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi các kỹ năng, phương pháp sư phạm; cập nhật công nghệ để có thể ứng dụng các phần mềm trong dạy học bằng sơ đồ.
    - Tôn trọng người học, nắm bắt tâm lý và đặc tính cá nhân của đối tượng dạy học để có biện pháp khuyến khích các em phát huy năng lực. Đối với các em có năng lực xử lý dữ liệu, thì yêu cầu sơ đồ kiến thức sử dụng ngôn ngữ là chủ yếu. Đối với các em có thế mạnh tư duy trực quan như hình ảnh, màu sắc thì giảng viên khuyến khích sử dụng màu sắc, hình ảnh kết hợp với ngôn ngữ để kích thích não bộ, giúp quá trình ghi nhớ và tái hiện thông tin dễ dàng hơn.
    - Không lạm dụng sơ đồ tư duy trong dạy học môn Lý luận nhà nước và pháp luật. Chỉ nên sử dụng để hỗ trợ giảng dạy kiến thức mới; củng cố, hệ thống hóa kiến thức để ôn tập và để đánh giá, kiểm tra nhận thức của người học.
    3.2. Về phía học sinh, sinh viên
    - Chăm chú nghe giảng để lĩnh hội tri thức, cùng với việc tích cực nghiên cứu giáo trình để nắm vững các thông tin cần thiết cho các bước xây dựng sơ đồ. Hợp tác, tương tác với giảng viên trong quá trình học tập.
    - Rèn luyện các kỹ năng cần thiết của học sinh, sinh viên ngành Luật như: Kỹ năng đọc và ghi chép nhanh; tra cứu tài liệu, văn bản pháp luật; tư duy logic, phản biện; làm việc độc lập và làm việc nhóm…         
    4. Kết luận
    Sẽ không có phương pháp dạy học nào là hoàn hảo, do đó giảng viên không nên quá tuyệt đối hóa bất kỳ một phương pháp nào. Sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp của giảng viên trong quá trình dạy học sẽ kích thích sự hứng thú của người học và mang lại hiệu quả cao. Phương pháp sơ đồ hóa là một trong những giải pháp đổi mới cần thiết cho việc giảng dạy các môn học thiên về lý luận nói chung và môn Lý luận nhà nước và pháp luật nói riêng nhằm khắc phục tính nhàm chán, đơn điệu của nó. Đồng thời, tạo ra sự năng động cho người học, giúp người học rèn luyện kỹ năng tư duy logic, khoa học và khả năng ghi nhớ tốt.
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Bạch Thị Lan Anh, Giới thiệu phương pháp dạy học theo sơ đồ, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, http://www.spnttw.edu.vn/articledetail.aspx? articleid=2290&sitepageid=666, ngày đăng 26/4/2013.
    2. Chu Thị Mai Hương, Vận dụng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức để tổ chức kiểm tra, đánh giá trong dạy học Lịch sử ở trường trung học phổ thông, https://fss.utb.edu.vn/van-dung-phuong-phap-so-do-hoa-kien-thuc-de-to-chuc-kiem-tra-danh-gia-trong-day-hoc-lich-su-o-truong-trung-hoc-pho-thong/ngày đăng 09/01/2020.
    3. Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội.


    [1] Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, t.115

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình