19:59 ICT Chủ nhật, 24/11/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 80955
    • Tháng hiện tại: 2202005
    • Tổng lượt truy cập: 62180571

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Sự tích hợp giữa giáo dục đạo đức và pháp luật trong việc hình thành và phát triển nhân cách của người học

    Thứ sáu - 07/04/2023 15:06

    ThS. Quách Thị Hương Giang
    Cùng với sự phát triển của xã hội, sự thay đổi của điều kiện sống và sinh hoạt, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, gióng lên hồi chuông báo động cho các nhà trường, gia đình và xã hội. Điều đáng nói là ý thức đạo đức, pháp luật của những học sinh ở các cấp học càng cao lại càng có chiều hướng giảm sút hơn so với cấp tiểu học. Đó là sự xuống cấp về thái độ học tập, ý thức chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường, những hành vi tiêu cực trong thi cử, sự thâm nhập của các tệ nạn xã hội và những biểu hiện của bạo lực học đường.
    Ở Việt Nam từ xưa đến nay, giáo dục đạo đức được đặc biệt coi trọng, được hình thành trên quan niệm “đức là gốc”. Vì vậy, giáo dục đạo đức đã sớm trở thành một môn học riêng biệt trong chương trình giáo dục phổ thông với những tên gọi khác nhau. Ở bậc tiểu học, môn Đạo đức và các hoạt động trải nghiệm đã giúp học sinh hình thành và phát triển những cảm xúc tích cực, bước đầu nhận thức được những giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, hành vi cư xử, nền nếp học tập và rèn luyện, tình cảm đối với thiên nhiên và những quy tắc sinh hoạt cộng đồng. Ở bậc THCS, môn Giáo dục công dân giúp học sinh phát triển cao hơn về ý thức tự điều chỉnh và hoàn thiện bản thân, khả năng thích ứng với những thay đổi của cuộc sống xung quanh, dần hình thành những định hướng cho tương lai. Ở THPT, các môn học Giáo dục Quốc phòng - an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương giúp học sinh hình thành những tình cảm, tâm lý, ý thức, niềm tin đối với pháp luật, năng lực thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, sẵn sàng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước; khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại; có khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lý bản thân; có khả năng phát triển hứng thú nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai; xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành người công dân có ích; có những hiểu biết và tình cảm đối với địa phương, quê hương.
    Việc tổ chức giáo dục đạo đức trong trường học ở Việt Nam có nét tương đồng với Nhật Bản ở chỗ được thực hiện thông qua toàn bộ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Do đó, cần phải tiến hành giảng dạy đạo đức một cách thỏa đáng không chỉ trong giờ dạy đạo đức mà cả trong các giờ dạy các môn học khác và các hoạt động chuyên biệt, tùy theo đặc trưng của từng môn hay từng hoạt động. Tuy nhiên, chương trình giáo dục đạo đức ở nước ta đối với các cấp học lại chưa phù hợp cả về nội dung và thời lượng; công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ.
    Có thể thấy rằng, sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ do nhiều yếu tố tác động. Song, nếu sự tích hợp không cân đối trong chương trình giáo dục cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm các giá trị đạo đức trong nhân cách của học sinh, sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung. Học sinh, sinh viên dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; không kính trọng thầy cô, giao tiếp thiếu văn hóa, xem thường bạn bè và mọi người xung quanh; không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; thiếu tình thương, lòng nhân ái; thiếu trách nhiệm với bản thân; sống buông thả, không có lý tưởng; hiện tượng vi phạm pháp luật cũng trở nên phổ biến…
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Do vậy, bên cạnh việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người và môi trường giáo dục ở gia đình, thì việc giáo dục đạo đức ở nhà trường là rất quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục đạo đức phải gắn liền với giáo dục pháp luật, vì đạo đức và pháp luật gắn bó mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau. Mục tiêu chung của nó là điều chỉnh hành vi của con người nhằm đảm bảo các hoạt động bình thường của xã hội theo những chuẩn mực nhất định. Một người vi phạm đạo đức thường là vi phạm pháp luật và ngược lại. 
    Đạo đức và ý thức pháp luật ở mỗi người không tự nhiên mà có. Ý thức đạo đức và ý thức pháp luật được hình thành và củng cố nhờ vào kết quả của quá trình giáo dục lâu dài. Đạo đức là cơ sở để xây dựng và hình thành các quy định của pháp luật, có như vậy, pháp luật mới dễ dàng đi vào cuộc sống. Nội dung của pháp luật lại chứa đựng nội dung, tinh thần của đạo đức. Pháp luật củng cố, bảo vệ những tư tưởng, quan điểm, quy tắc đạo đức phù hợp với sự phát triển của xã hội ngày càng văn minh; góp phần ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức, hình thành những quy tắc đạo đức tiến bộ. Đạo đức hỗ trợ cho pháp luật trong việc quản lý xã hội, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà pháp luật chưa điều chỉnh như quan hệ tình bạn, tình yêu, tình thương đối với đồng loại…
    Giáo dục cho người học có đạo đức cũng là giáo dục cho họ biết tôn trọng pháp luật, kỷ cương phép nước. Giáo dục pháp luật cũng là để bảo vệ giá trị đạo đức và nâng cao đạo đức của người học. Vì vậy, giáo dục đạo đức tạo nên những tiền đề cần thiết để hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Ngược lại, giáo dục pháp luật lại tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn thường ngày những nguyên tắc của đạo đức, củng cố các nghĩa vụ đạo đức, thiết lập quan hệ lành mạnh, bảo vệ hạnh phúc gia đình, bồi dưỡng thế hệ trẻ, khuyến khích các hành vi tích cực, giúp đỡ bạn bè, người thân, phát huy tính lương thiện, thật thà và ngay thẳng đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống…
    Trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp, không có môn học đạo đức độc lập mà chỉ lồng ghép giáo dục đạo đức trong các môn học Giáo dục Chính trị, Giáo dục Quốc phòng-an ninh, Pháp luật và thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề. Nội dung các môn học này bao gồm hệ thống các kiến thức cơ bản, các nguyên lý chung và kiến thức phổ thông về nhà nước và pháp luật Việt Nam, về quyền và nghĩa vụ công dân, ý thức bảo vệ Tổ quốc, hình thành một số kỹ năng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.... Tuy nhiên, nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng trong thực tiễn. 
    Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phối hợp thực hiện bởi nhiều lực lượng khác nhau, từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đến các phòng quản lý chức năng, ban quản lý ký túc xá và tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên… Môn học Pháp luật được thực hiện trong chương trình giáo dục chính khóa, theo chương trình khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các môn học Giáo dục chính trị, Giáo dục quốc phòng - an ninh cũng tham gia vào quá trình giáo dục toàn diện nhân cách của người học. Ngoài ra, trong tuần sinh hoạt Công dân - HSSV đầu năm học, các nội dung giáo dục đạo đức và pháp luật cũng được triển khai theo hình thức các chuyên đề. Trong các buổi sinh hoạt lớp hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm cũng đã dành một lượng thời gian cần thiết để đánh giá tình hình chung của lớp, qua đó chấn chỉnh các biểu hiện thiếu nghiêm túc trong học tập, vi phạm quy chế và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong rèn luyện đạo đức của học sinh. Các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tổ chức đã tạo ra những sân chơi bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, hạn chế tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”. Đội cờ đỏ, đội tự quản của các nhà trường cũng hoạt động, phát huy vai trò trong việc ngăn chặn các hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật và nội quy của nhà trường… Tất cả các hoạt động đó đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh, sinh viên đang học tập và sinh hoạt tại nhà trường. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm các chuẩn mực đạo đức, vi phạm nội quy của nhà trường vẫn còn tồn tại, một số ít vẫn còn vi phạm pháp luật của Nhà nước. 
    Đối với các cơ sở đào tạo chuyên môn luật thì việc giáo dục pháp luật là tất yếu. Thời lượng dành cho giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo luật là rất nhiều, học sinh được trang bị nhiều kiến thức về pháp luật chung và các lĩnh vực pháp luật chuyên biệt. Yêu cầu đặt ra là người dạy phải chú trọng tổ chức, hướng dẫn học sinh trọng hoạt động học tập, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình của cuộc sống xung quanh; coi trọng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động thực hành của người học để học sinh tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kỹ năng và thái độ tích cực, trên cơ sơ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người cán bộ pháp lý trong tương lai.
    Tuy nhiên, để có thể làm tốt công tác giáo dục đạo đức và pháp luật cho học sinh, ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học chính khóa, cần phải tăng cường các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, hội của học sinh, sinh viên; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo ra sự hứng thú cho người học. Những hoạt động của Câu lạc bộ Thực hành pháp luật, Đoàn thanh niên, các tổ đội tự quản trong nhà trường là môi trường tốt để các em được rèn luyện kỹ năng nghề, được giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động trải nghiệm của cá nhân.
    Mặt khác, phải xây dựng được môi trường giáo dục tốt, qua đó tác động vào nhận thức của các em để hướng hành vi xử sự của các em vào những quy phạm nhất định. Môi trường giáo dục đó trước hết là hình ảnh của đội ngũ nhà giáo. Bởi vì nhân cách của người thầy chính là tấm gương đạo đức có sức thuyết phục nhất đối với học sinh. Sự giáo dục “không lời” đó mới thực sự dễ dàng chạm đến tầng sâu cảm xúc và nhận thức của học sinh, tất yếu sẽ mang lại hiệu quả cao.
    Giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu, thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh được xem như trang đầu của quốc sách ấy. Vai trò của giáo dục thật sự quan trọng và có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc, là trụ cột của một quốc gia để tạo dựng, giữ gìn và phát triển các giá trị xã hội. Đã đến lúc cả xã hội cần nhìn nhận vấn đề đạo đức của học sinh trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc. Bản thân giáo dục đã mang tính xã hội hóa, do đó các nhà trường cần tạo điều kiện để mọi lực lượng cùng tham gia vào công tác giáo dục học sinh. 
    Tài liệu tham khảo:
    1. TS Nguyễn Thị Kim Dung (Trường ĐHSP Hà Nội), So sánh Chương trình, nội dung giáo dục đạo đức ở Nhật Bản và Việt Nam - Trang Tin tức và sự kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội, https://vnu.edu.vn/.
    2. TS. Nguyễn Minh Đoan (2008), Vai tró của pháp luật trong đời sống xã hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình