16:55 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 583
    • Khách viếng thăm: 580
    • Máy chủ tìm kiếm: 3
    • Hôm nay: 98566
    • Tháng hiện tại: 2858137
    • Tổng lượt truy cập: 69843288

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Thực trạng quy định của pháp luật về đăng kí doanh nghiệp trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành khác và định hướng hoàn thiện

    Thứ ba - 15/05/2018 07:39

    Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng về mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành khác về đăng ký doanh nghiệp, từ đó đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về đăng ký doanh nghiệp trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành khác.

    1. Thực trạng về mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành khác về đăng ký doanh nghiệp
     Thực tế cho thấy, giữa Luật Doanh nghiệp và các Luật chuyên ngành về đăng ký doanh nghiệp hiện nay chưa có sự thống nhất với nhau thậm chí trong một số trường hợp Luật chuyên ngành “tiếm quyền” của Luật Doanh nghiệp, cụ thể đó là:
    Thứ nhất, pháp luật về con dấu
    Quy định về con dấu có sự khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp và Luật chuyên ngành mà cụ thể là Luật Công chứng 2014. Theo đó, đối với văn phòng Công chứng được sử dụng con dấu không có hình quốc huy, văn phòng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định thành lập, thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý con dấu được thực hiện theo pháp luật về con dấu[1]. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp hiện nay quy định doanh nghiệp có toàn quyền quyết định về nội dung, số lượng và hình thức con dấu. Đối chiếu với Luật Công chứng, trường hợp  văn phòng Công chứng được thành lập theo hình thức công ty hợp danh thì rõ ràng phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhưng quy định trên hoàn toàn không có sự thống nhất với Luật Doanh nghiệp và dẫn chiếu tới Luật Doanh nghiệp.
    Thứ hai, quy định về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
    Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là “giấy thông hành” của doanh nghiệp được cấp khi đảm bảo đủ các điều kiện và thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là Doanh nghiệp muốn hoạt động trước hết phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đối chiếu vào các Luật chuyên ngành thì quy định này lại có sự chồng chéo và không thống nhất. Ở một số lĩnh vực cụ thể doanh nghiệp chỉ cần được cấp Giấy phép hoạt động là có thể hoạt động trong lĩnh vực đó mà không cần phải trải qua thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có thể dẫn chứng quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Kinh doanh bảo hiểm để thấy rõ thực tế này. Tại Khoản 2 Điều 59 Luật Chứng khoán quy định “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”  hoặc Khoản 1 Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, các quy định này đã không có sự nhất quán với quy định của Luật Doanh nghiệp làm giảm đi vai trò của Luật Doanh nghiệp trong việc điều chỉnh hoạt động gia nhập thị trường.
    Các luật trên đã lợi dụng Khoản 2 Điều 3 của Luật doanh nghiệp để gặm nhấm quyền đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp. Các luật chỉ cần thêm hai từ “đồng thời” là coi như hoàn thành việc vô hiệu lực từng phần Luật doanh nghiệp để giành lấy quyền đăng ký kinh doanh cho ngành mình, làm cho Luật doanh nghiệp đang bị gặm nhấm. Hệ quả tất yếu của việc này không gì khác hơn là sự rối loạn, không thống nhất trong việc quản lý các doanh nghiệp ở tầm vĩ mô. Thông tin về doanh nghiệp không được quản lý thống nhất: Bộ kế hoạch và đầu tư thì quản lý các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Bộ tài chính thì quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm. Mỗi bộ chuyên ngành giành quyền quản lý các doanh nghiệp mà mình cấp giấy phép hoạt động bằng quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đáng lẽ ra nhiệm vụ chủ yếu của các bộ chuyên ngành này là chỉ nên dừng lại ở việc cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp, còn quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là của cơ quan đăng ký kinh doanh, phục vụ lợi ích chung cho nhà đầu tư.
    Thứ ba, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận  đăng ký doanh nghiệp chưa có sự thống nhất
    Doanh nghiệp sau khi hoàn thành hồ sơ đăng ký thành lập với các điều kiện được quy định sẽ tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là cái đích mà người đăng ký kinh doanh cần hướng tới nhưng vẫn còn bất cập khi đầu mối đăng ký kinh doanh chưa có sự thống nhất. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp quy định cơ quan đăng ký kinh doanh là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) hoặc Phòng Đăng ký kinh doanh tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các loại hình công ty và doanh nghiệp tư nhân thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhưng một số văn bản chuyên ngành lại không quy định như vậy dẫn tới tình trạng có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền đăng ký kinh doanh. Bên cạnh Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh còn có Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán nhà nước, Sở Tư pháp, Bộ Thông tin truyền thông[2]…Ví dụ: theo Luật Chứng khoán thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp[3]. Hoặc doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động[4]. Một dẫn chứng khác theo Luật Công chứng, văn phòng Công chứng thành lập theo hồ sơ, trình tự tại Sở Tư pháp[5], tương tự như vậy khi thành lập công ty luật hợp danh hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn thì nộp hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Sở Tư pháp[6] có nghĩa là Sở Tư pháp có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Quy định này cũng được tìm thấy trong Luật Đấu giá tài sản 2016 mới được ban hành thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản thuộc về Sở Tư pháp[7]. Tiếp đó Luật Xuất bản cũng là một ví dụ để cho thấy sự không thống nhất về thẩm quyền, theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật này nhà xuất bản có thể tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh do Nhà nước là chủ sở hữu. Việc thành lập Nhà xuất bản  thực hiện theo hồ sơ quy định tại Điều 13 và gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản[8].
    Sự thống nhất pháp luật điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp là mong muốn của các nhà đầu tư, nhưng đến nay, vẫn ngày càng nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng chỉ quy định chung chung mà chưa có sự giải thích rõ và tách bạch giữa “tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh của các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” và “tổ chức đăng ký kinh doanh và thực hiện quản lý doanh nghiệp..theo các nội dung đăng ký doanh nghiệp”[9].
    Thứ tư, thủ tục đăng ký doanh nghiệp còn chưa áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam[10]
    Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014 đã xác định “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Tương ứng với điều luật trên thực tế một công ty chứng khoán chỉ cần Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép hoạt động và tuân thủ các điều kiện của Luật Chứng khoán là đủ mà không cần phải để ý tới quy định của Luật Doanh nghiệp. Hệ quả là nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp bị vô hiệu hoá bởi Luật chuyên ngành.
    2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đăng ký doanh nghiệp trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành khác
    Doanh nghiệp không phải chỉ hoạt động ở một lĩnh vực mà trên rất nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực được quản lý bởi một hệ thống các cơ quan chuyên môn khác nhau. Trong đó, một số lĩnh vực cần phải được cấp giấy phép hoạt động trước khi đăng ký kinh doanh. Điều đó cần thiết phải có sự thống nhất giữa quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Để đảm bảo được sự thống nhất đó cần phải hoàn thiện pháp luật về đăng ký doanh nghiệp như sau:
    Thứ nhất, cần thống nhất đầu mối cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc giao thẩm quyền cho Sở Kế hoạch Đầu tư thực hiện đăng ký doanh nghiệp là hợp lý. Các cơ quan có thẩm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động hoặc xác nhận là doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đó.
    Thứ hai,  mở rộng thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp cho pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Tức là không bó hẹp quy định trong Luật Doanh nghiệp nữa mà quy định cả trong Luật Doanh nghiệp và cả các Luật chuyên ngành khác. Đồng thời bổ sung đầy đủ các Luật chuyên ngành vào quy định tại Điều 3 của Luật Doanh nghiệp 2014.
    Thứ ba, thống nhất quy định về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các luật chuyên ngành không quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nữa, cần phải có sự tách  bạch rõ ràng về bản chất của từng loại giấy phép như quy định hiện nay của Luật Đầu tư 2014 và Luật các tổ chức tín dụng 2010. Coi việc cấp các loại giấy phép hoạt động là những hoạt động độc lập với việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhận thức rõ rằng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là nhằm xác lập tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp. Nó hoàn toàn khác với việc cho phép doanh nghiệp hoạt động trong một ngành nghề, lĩnh vực nào đó.
    Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng thống nhất về đăng ký kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề, không để tình trạng các luật chuyên ngành lấn sân Luật Doanh nghiệp, tạo sự chồng chéo trong việc quản lý doanh nghiệp.
    Thứ năm, thực hiện thống nhất nguyên tắc: đã hoạt động kinh doanh thì trước tiên phải đăng ký kinh doanh để xác lập tư cách pháp nhân của chủ thể kinh doanh, sau đó cấp giấy phép hoạt động, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngành nghề gì thì cấp./.
     

    [1] Khoản 5 Điều 22 Luật Công chứng 2014
    [2] Ths. Trương Vĩnh Xuân, Điều kiện thành lập doanh nghiệp nhìn từ góc độ quyền tự do kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18(274) - kỳ 2 tháng 9/2014.
    [3] Xem Điều 59 Luật Chứng khoán 2006 sửa đổi bổ sung 2010
    [4] Xem Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi bổ sung năm 2010
    [5] Xem Điều 23 Luật Công chứng 2014
    [6] Xem Điều 35 Luật Luật sư 2014
    [7] Xem Điều 25 Luật Đấu giá tài sản 2016
    [8] Xem khoản 2 Điều 14 Luật Xuất bản 2012
    [9] Ths. Trương Vĩnh Xuân, Điều kiện thành lập doanh nghiệp nhìn từ góc độ quyền tự do kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18(274) - kỳ 2 tháng 9/2014.
    [10] TS. Trần Thanh Nghị, Pháp luật Doanh nghiệp trong mối liên hệ với cải cách hành chính ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2014.
     

    Tác giả bài viết: Th.s Phan Thị Phương Huyền
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình