10:51 ICT Thứ sáu, 03/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 417
    • Khách viếng thăm: 352
    • Máy chủ tìm kiếm: 65
    • Hôm nay: 50633
    • Tháng hiện tại: 331280
    • Tổng lượt truy cập: 67316431

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    TÌM HIỂU VỀ PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ

    Thứ tư - 11/05/2022 15:30

     
    Người lãnh đạo là người đứng đầu, dẫn đường, chỉ huy của một tổ chức. Nói một cách khác, người lãnh đạo là người có khả năng chỉ huy và hướng dẫn người khác trong phạm vi trách nhiệm của mình. Để được đánh giá là nhà lãnh đạo thành công thì cá nhân đó phải có khả năng thu phục nhân tâm người khác. Nghệ thuật lãnh đạo là một phương thức bao gồm nhiều yếu tố phải có của người lãnh đạo để có thể chỉ huy, điều hành tổ chức sao cho thành công và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
    Trên thế giới đã có rất nhiều học giả tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích chuyên sâu và phát triển chúng lên thành các Thuyết về lãnh đạo đóng vai trò như những triết lý của một tổ chức. Vào thập kỷ những năm 70, Robert K. Greenleaf dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết nhận định của một một nhà nghiên cứu, quản lý và phát triển giáo dục, đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “ Nhà lãnh đạo phục vụ” trong một bài báo của ông với nhan đề “The servant as leader” và mau chóng đạt được sự đón nhận của nhiều nhà nhiên cứu trên thế giới, được phát triển áp dụng vào trong thực tiễn ở nhiều tổ chức cho đến nay. Có thể nói, phong cách lãnh đạo ‘servant leadership” - Lãnh đạo kiểu phục vụ, cái tên với những nghịch lý bên trong lại đang là từ khóa vô cùng nóng trong các diễn đàn quản trị trên toàn cầu. Không những thế, qua nhiều tình huống giải nguy cho các doanh nghiệp đang trên bờ vực xuống dốc, phong cách này còn đang dần được “tôn sùng” là đấng cứu thế toàn năng cho các tổ chức đang gặp khó khăn. Và có hai nhà lãnh đạo mà đã áp dụng thành công phong cách lãnh đạo này là Cheryl Bachelder và Sameer Dholakia.
    1. Khái quát về phong cách lãnh đạo phục vụ
    1.1. Khái niệm phong cách lãnh đạo phục vụ
    Theo quan điểm của Greenleaf thì nhà lãnh đạo trước hết là người phục tùng, họ luôn vượt qua các lợi ích của bản thân để đáp ứng mong muốn của những người khác bằng cách giúp họ phát triển tính chuyên nghiệp và cảm xúc. Trong tác phẩm “The servant as leader”, Greenleaf viết “Nhà lãnh đạo phục vụ trước tiên phải là người phục vụ, bắt đầu với cảm xúc đầu tiên rằng một người muốn được phục vụ. Sau đó lựa chọn có nhận thức sẽ mang người đó đến với khát khao lãnh đạo”. Do đó, các nhà lãnh đạo phục vụ luôn nghĩ về trách nhiệm đạo lý với những người khác, coi lãnh đạo như cơ hội gánh vác trọng trách chứ không dẫn dắt từ trên cao.
    Lãnh đạo phục vụ dựa trên bốn thành tố như sau:
    Giúp đỡ người khác phát hiện tiềm năng: Lãnh đạo phục vụ có vai trò giúp cấp dưới phát hiện điểm mạnh tiềm ẩn để tạo ra sự khác biệt. Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo có được sự đồng cảm với hoàn cảnh của người khác.Nhà lãnh đạo phục vụ không ngần ngại bày tỏ cả những điểm yếu của mình.
    Xây dựng và duy trì niềm tin của cấp dưới: Lãnh đạo phục vụ có được niềm tin của cấp dưới bằng sự trung thực và đúng đắn trong lời nói. Họ không có gì phải che dấu, và họ sẵn lòng từ bỏ quyền hành, tiền thưởng, sự ghi nhận hay quyền kiểm soát.
    Phục vụ nhu cầu của người khác hơn bản thân: Đặc tính của lãnh đạo phục vụ là mong muốn giúp đỡ, hơn là đạt được quyền hành và kiểm soát người khác. Họ làm những gì tốt cho người khác, và quyết định vì tương lai của người khác hơn là của mình.
    Lắng nghe hiệu quả: Lãnh đạo phục vụ không áp đặt ý chí của họ lên những người khác, mà chuyên chú lắng nghe những vấn đề người khác đang gặp phải, rồi hướng nỗ lực hành động của mọi người theo cách tốt nhất. Lãnh đạo phục vụ luôn bày tỏ sự tin tưởng và cam kết với người khác hơn các kiểu lãnh đạo khác.
    1.2. Lợi ích phong cách lãnh đạo phục vụ mang lại cho doanh nghiệp 
    Theo nhiều nghiên cứu của các học giả nổi tiếng về lý thuyết quản trị, phong cách servant leadership đang để lại những tác động vô cùng tích cực với doanh nghiệp nói chung và các nhân viên trong tổ chức nói riêng. Nổi bật nhất là bài tiểu luận “Greenleaf ‘s ‘Best Test’ of Servant Leadership: A Multilevel Analysis” của Robert W. Hayden, giáo sư hàng đầu của đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ, khi ông đã chỉ ra được 5 điểm ưu việt của servant leadership so với các phong cách quản trị khác, bao gồm:
    Khơi dậy lòng trung thành từ nhân viên: Trong các phong cách lãnh đạo thường thấy, lợi ích của tổ chức luôn được đặt ưu tiên hàng đầu, “đè bẹp” nhu cầu thực tế của nhân viên. Tuy nhiên, với servant leadership, nhu cầu của nhân viên mới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này khiến cho nhân viên thấy được vai trò của bản thân, được sự quan tâm giúp đỡ từ phía người lãnh đạo, từ đó hình thành nên lòng trung thành mạnh mẽ với tổ chức và sẽ hết lòng vì tầm nhìn họ theo đuổi.
    Thúc đẩy nhân viên tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp: Servant leadership cho phép nhân viên làm việc thoải mái và linh hoạt hơn trong các tác vụ của mình. Đồng thời, họ cũng có nhiều quyền hơn trong việc ra quyết định, điều không thường thấy ở phong cách lãnh đạo chuyên quyền. Ngoài ra, khi nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các nhà quản lý, việc cải thiện năng lực và kiến thức của mỗi nhân viên cũng hiệu quả hơn, khiến họ có thể dễ dàng tiếp cận những tác vụ nằm ngoài phạm vi làm việc thông thường của mình. 
    Hạn chế được việc lạm dụng quyền lực: Khi nhà quản lý hoạt động theo phong cách servant leadership, họ sẽ san sẻ thông tin và quyền quyết định cho nhân viên của mình. Điều này giúp ngăn chặn và làm giảm thiểu tất cả các vấn đề liên quan tới sự độc đoán trong các quyết định chuyên quyền, đồng thời giúp các ý tưởng mới mẻ và thú vị có nhiều chỗ đứng hơn trong doanh nghiệp. 
    Cải thiện năng suất làm việc của nhân viên: Dựa theo nghiên cứu trước đó của giáo sư Paul TP Wong của đại học Toronto, Robert nhận định lại: “Các nhà lãnh đạo theo phong cách servant leadership có xu hướng nhận được rất nhiều sự tôn trọng và tin tưởng từ nhân viên của họ. Điều đó thúc đẩy một ý thức trách nhiệm làm việc cao, nhân viên hài lòng với công việc và tổ chức của họ, năng suất làm việc tăng lên.”
    Thích hợp với môi trường làm việc đa dạng, đầy biến động trong các doanh nghiệp lớn: Cách tiếp cận của servant leadership có thể có hiệu quả trong một môi trường làm việc khác nhau. Nếu như phong cách độc đoán của lãnh đạo có thể gây ra sự tha hóa trong nhân viên, hình thức dân chủ của lãnh đạo đôi khi có thể gây ra quan điểm không rõ ràng hoặc bị biến dạng để phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối lập thì phong cách lãnh đạo phục vụ phục vụ từng thành viên của nhóm. Điều này cho phép cá nhân hóa cách thức quản lý mỗi nhân viên và có thể giúp duy trì sự gắn kết trong tổ chức.
    Rõ ràng, việc sở hữu phong cách quản trị servant leadership đang đem lại những lợi ích không nhỏ cho bản thân nhà lãnh đạo cũng như doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên.
    2. Những phẩm chất của nhà lãnh đạo phục vụ
    Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng các tác phẩm của Greenleaf về lãnh đạo phục vụ, tác giả Larry C.Spears – CEO của trung tâm lãnh đạo phục vụ Robert K.Greenleaf đồng thời là biên tập viên của tờ báo phát hành theo quý của trung tâm Greenleaf có nhan đề “Nhà lãnh đạo phục vụ” và hàng loạt bài báo về “Tiếng nói của việc lãnh đạo phục vụ”- đã đưa ra cái nhìn khái quát về lãnh đạo phục vụ qua 10 phẩm chất  và kỹ năng chính như sau trên tạp chí Leader to Leader:
    Lắng nghe: Các nhà lãnh đạo thực thụ là những nhà lãnh đạo được đánh giá cao vì kỹ năng giao tiếp và ra quyết định. Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nâng cao khả năng giao tiếp hiệu quả giữa nhà lãnh đạo với nhân viên, đồng thời thông quá đó bày tỏ sự tôn trọng với người khác giúp nhà lãnh đạo nắm chìa khóa xây dựng các mối quan hệ một cách có ý nghĩa. Kỹ năng lắng nghe của nhà lãnh đạo tốt tạo điều kiện để họ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên của mình hơn từ đó điều chỉnh khả năng tương tác với nhân viên một cách có hiệu quả nhất. Lắng nghe có lĩnh hội, cùng với sự đáp lại, là cần thiết đối với sự phát triển của nhà lãnh đạo phục vụ.
    Cảm thông: Trong môi trường làm việc khắc nhiệt, những nhà lãnh đạo chỉ biết làm việc theo lý trí và những con số thực tế dễ dàng cảm thấy bị cô lập trong một môi trường đề cao mối quan hệ giữa người với người như ngày nay. Người lãnh đạo biết cảm thông là người luôn giao tiếp một cách cởi mở, họ sẵn sàng trò chuyện với người khác, lắng nghe, cùng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình với nhân viên. Nhà lãnh đạo sẽ khuyến khích các nhóm và nhân viên của mình tích cực trao đổi, tạo ra môi trường làm việc năng động và hiệu quả. Nhà lãnh đạo biết cảm thông sẽ là người giải quyết vấn đề, truyền đạt mọi thông điệp một cách có hiệu quả hơn và tất nhiên sẽ được nhân viên kính trọng hơn.
    Hàn gắn: Một trong những điểm mạnh của nhà lãnh đạo phục vụ là khả năng hàn gắn các mối quan hệ của chính mình với người khác.
    Nhận thức: Nhận thức chung, và đặc biệt là tự nhận thức, sẽ làm cho vai trò của nhà lãnh đạo phục vụ được khẳng định. Có sự hiểu biết sâu rộng giúp nhà lãnh đạo có cái nhìn toàn diện trong việc ra quyết định.
    Thuyết phục: Nhà lãnh đạo phục vụ là người luôn tìm cách để thuyết phục người khác làm việc có hiệu quả hơn là tìm sự phục tùng từ họ. Khả năng thuyết phục là một trong những yếu tố giúp phân biệt giữa sự chuyên quyền truyền thống trong lãnh đạo với lãnh đạo phục vụ. Đồng thời dễ dàng gây hiệu quả cao trong việc xây dựng sự đồng lòng trong nhóm.
    Tạo nên nhận thức: Một số nhà lãnh đạo phục vụ tìm cách nuôi dưỡng khả năng để“mơ những ước mơ vĩ đại”. Khả năng nhìn một vấn đề (hoặc một tổ chức) từ một tầm nhìn nhận thức, nghĩa là người đó phải nghĩ vượt lên những thực tế hàng ngày. Với nhiều nhà quản lý, đây là một đặc điểm mà đòi hỏi nguyên tắc và thực hành. Nhà lãnh đạo phục vụ cũng được kêu gọi để tìm kiếm sự cân bằng giữa suy nghĩ có nhận thức và các cách tiếp cận trọng tâm hàng ngày.
    Nhìn xa trông rộng: khả năng nhìn xa trông rộng giúp nhà lãnh đạo có cái nhìn cận thận, suy xét mọi hậu quả lâu dài trong quyết định của mình. Khả năng đó khuyến khích nhà lãnh đạo phục vụ hiểu đúc kết những kinh nghiệm đáng quý từ các bài học trong quá khứ, hiện tại. Nó cũng có nguồn gốc sâu sắc trong tư duy trực giác. Nhìn xa trông rộng duy trì một lĩnh vực lớn chưa khám phá trong nghiên cứu lãnh đạo, như một điều đáng để lưu ý.
    Giữ cương vị quản lý: Peter Block đã xác định giữ cương vị quản lý là “nắm giữ điều gì đó trong sự tin cậy của những người khác”. Quan điểm của Robert Greenleaf cho rằng, cương vị quản lý phục vụ - giống như cương vị quản lý, đầu tiên đảm bảo sự cam kết với việc phục vụ nhu cầu của những người khác. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cởi mở và sự thuyết phục hơn là sự kiểm soát.
    Cam kết với việc phát triển con người: Các nhà lãnh đạo phục vụ tin rằng con người có một giá trị bên trong vượt lên trên những đóng góp hữu hình của những nhân viên bình thường. Kết quả là, nhà lãnh đạo phục vụ cam kết sâu sắc với sự phát triển của mỗi cá nhân trong bộ phận. Nhà lãnh đạo phục vụ thừa nhận trách nhiệm để làm mọi thứ có thể để nuôi dưỡng sự phát triển của nhân viên.
    Xây dựng cộng đồng: Nhận thức này khiến nhà lãnh đạo phục vụ tìm cách xác định một số cách thức cho việc xây dựng cộng đồng giữa những người làm việc trong tổ chức. Việc lãnh đạo phục vụ gợi ý rằng, cộng đồng thực sự có thể được tạo ra giữa những người làm việc trong các doanh nghiệp và các tổ chức khác. Greenleaf nói: “Tất cả những điều cần thiết để tái thiết cộng đồng như một hình dạng cuộc sống cho nhiều người là do các nhà lãnh đạo phục vụ chỉ đường, không bằng các phong trào hàng loạt, mà bằng việc mỗi nhà lãnh đạo phục vụ chứng tỏ khả năng không giới hạn với cộng đồng cụ thể có liên quan đến tổ chức”.
    10 phẩm chất và kỹ năng trên của nhà lãnh đạo phục vụ không hẳn là đã toàn diện, nhưng chúng phục vụ để truyền đạt sức mạnh và sự cam kết, làm cho mọi người luôn cởi mở với lời mời và thử thách của nó. Sự quan tâm đến ý nghĩa và khả năng vẫn dụng của thuyết lãnh đạo phục vụ đã không ngừng được phát triển. Minh chứng cho điều này là hàng trăm cuốn sách, bài báo, và bài viết về chủ đề này đã được phát hành. Nhiều công ty đã được vinh danh trong danh sách “The 100 Best Companies to Work For - 100 công ty tốt nhất để làm việc” hàng năm trên tạp chí Foturne, đã áp dụng thuyết lãnh đạo phục vụ vào nền văn hóa của công ty. Và hơn thế nữa nhiều tổ chức và cá nhân đã tìm cách áp dụng thuyết này vào thực tiễn. Đặc điểm của nhà lãnh đạo phục vụ xuất phát từ trong bản chất tự nhiên của mỗi cá nhân, và theo khuynh hướng tự nhiên chúng có thể được khám phá và phát huy thông qua học tập và thực hành. Lãnh đạo phục vụ mang niềm hy vọng lớn hướng đến một tương lai tốt hơn, tươi sáng hơn trong mỗi tổ chức.
    3. Một số nhà lãnh đạo tiêu biểu với phong cách lãnh đạo phục vụ
    3.1. Sameer Dholakia- CEO của SendGrid
    Dholakia mang phong cách lãnh đạo phục vụ đến SendGrid từ năm 2014, sau khi ông rời bỏ vị trí giám đốc điều hành tại Công ty phần mềm Citrix. SendGrid nổi tiếng với ứng dụng gửi mail tự động cùng tên.
    Khi đặt Airbnb hay Uber, tin nhắn tự động mà bạn nhận được là đến từ SendGrid. Ứng dụng này giúp các nhà cung cấp dịch vụ giảm bớt lượng mail gửi đến thư mục rác đồng thời có thể đánh giá hiệu quả của các chiến dịch mail marketing. 
    Khi Dholakia đặt chân đến SendGrid, startup 5 năm tuổi này đang rơi vào vòng xoáy tăng trưởng chậm. Chỉ sau 3 năm, ông đã xoay chuyển tình thế, đưa doanh số bán hàng tăng gần 40% trong hai năm 2015, 2016. Doanh thu năm 2017 dự kiến chạm mốc 100 triệu USD. CEO SendGrid tiết lộ, chính phong cách lãnh đạo phục vụ đã giúp ông và Công ty có được kết quả như hôm nay. 
    Ông cho biết, trở thành nhà lãnh đạo phục vụ đồng nghĩa với việc đi ngược lại sơ đồ tổ chức truyền thống khi đặt CEO xuống vị trí thấp nhất. "Đúng là công việc CEO có nhiều khó khăn nhưng nhiều người còn làm những công việc khó khăn hơn cả CEO", ông nói, "Tôi không phải nghe khách hàng phàn nàn về lỗi sản phẩm, tôi cũng chẳng phải chạy doanh số bán hàng như người khác". Thực tế, công việc chính của nhà lãnh đạo chính là trao quyền cho nhân viên. 
    Để "phục vụ" nhân viên tốt hơn, Dholakia dành phân nửa thời gian làm việc để gặp gỡ họ thông qua các cuộc họp. "Chỉ cần nhìn vào lịch trình làm việc của nhà lãnh đạo, bạn sẽ biết được phong cách lãnh đạo của họ thông qua nơi họ dành nhiều thời gian nhất", ông chỉ ra.
    Dholakia thường tổ chức họp vài lần mỗi tuần chỉ để tăng tính tương tác giữa nhân viên với ban quản lý. Những cuộc họp này không có nội dung cụ thể, điều ông muốn biết là cách mà công việc đang được tiến hành và giải quyết mọi thắc mắc của nhân viên về chiến lược của công ty.
    "Tôi cố gắng cho nhân viên thấy mình luôn sẵn sàng để giúp họ. Tôi luôn kết thúc cuộc họp với câu hỏi 'Có điều gì tôi có thể làm cho bạn không? Bất cứ điều gì mà ban lãnh đạo hay bản thân tôi có thể làm cho bạn?'", ông nói. Việc này giúp có thêm nhiều ý tưởng tuyệt vời trong điều hành doanh nghiệp. 
    Dù vậy, không phải nhân viên nào cũng đủ dũng cảm nói thật với CEO, người đang nắm giữ trong tay sự nghiệp của họ. Vì vậy ở SendGrid, một trong 4 giá trị văn hóa tại đây là tính trung thực (honest). Trước khi đưa ra một phản hồi quan trọng, nhân viên thường gọi giá trị trung thực bằng cái tên "honest H". "Nó giống như một từ an toàn, mọi người sẽ hiểu bạn có ý tốt khi nói ra những lời sau đó", Dholakia chia sẻ. 
    Nguồn cảm hứng khiến Dholakia theo đuổi phong cách lãnh đạo khác thường này là từ mẹ ông. "Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy rằng, sống là cho đi, không phải nhận lấy", Dholakia nghẹn ngào khi kể về mẹ.
    Khi ông 15 tuổi, bà bị giết chết thảm khốc trong một vụ trộm ở Los Angeles. Cho đến bây giờ, ông vẫn luôn ghi nhớ câu chuyện ngụ ngôn của Ấn Độ mà mẹ thường kể và xem đó là động lực sống của bản thân: 
    "Khi bước vào thế giới này, chúng ta đều là những đứa bé với nắm tay siết chặt, chân đá lung tung, không ngừng la hét và gào khóc. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta ra đi trong thanh thản với bàn tay rộng mở. Đó là bởi ban đầu chúng ta mang đến thế giới này một món quà đặc biệt vô giá, món quà mà chúng ta phải nắm chặt trong tay khi còn là đứa trẻ. Công việc, lẽ sống của chúng ta là khám phá ra món quà đó là gì và trao tặng chúng cho người khác. Lúc cho đi cũng là lúc chúng ta biết mình đã hoàn thành công việc và trở về nơi yên bình".
    3.2. Cheryl Bachelder – CEO của Popeyes
    Vào thời điểm năm 2007, Popeyes, chuỗi cửa hàng gà rán đứng thứ 3 trên toàn nước Mỹ, gặp phải một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trong suốt 5 năm liền, số lượng khách hàng của họ liên tục giảm sút. Không những thế, doanh thu nhà hàng và xu hướng lợi nhuận âm đã khiến giá cổ phiếu công ty chạm đáy, chỉ còn 13$ (so với mức 34$ trong cùng kỳ 3 năm trước).
    Tình trạng tồi tệ này có lẽ sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian dài, nếu Cheryl Bachelder không xuất hiện và ngồi vào chiếc ghế CEO. Bà đã hồi sinh Popeyes với những con số không tưởng như: Từ năm 2008 đến 2015, công ty liên tục tăng trưởng mức doanh thu thường niên ở ngưỡng 8,4%; thị phần của họ tăng từ mức 14% lên 21% và cổ phiếu thì đạt đến ngưỡng đỉnh điểm ở mức 40$ (2015).
    Popeyes rõ ràng đã có những bước lột xác ngoạn mục. Bước chân ra khỏi vũng lầy tăm tối, họ nhanh chóng gột rửa sai lầm của mình và chạy những bước phi mã để tiến tới thành công như hiện nay. Bước chuyển mình ngoạn mục này được Cheryl tóm gọn chỉ bằng 2 từ đơn giản “servant leadership”.
    Trong cuốn sách “Dare to Serve” (Dám phụng sự) của mình, bà đã tóm lược lại triết lý đơn giản giúp bản thân có thể lèo lái con tàu đắm Popeyes với một câu đơn giản: 
    Chúng tôi cần phải phục vụ những người đã đầu tư nhiều nhất vào công ty. Họ không phải là khách hàng, mà chính là nhân viên, từ khối “hậu tuyến” văn phòng đến ngay ngoài “tiền tuyến” nhà hàng, những con người đang không ngừng nỗ lực để cống hiến cho Popeyes” 
    Tuy nhiên, lý thuyết là một chuyện, áp dụng vào thực tế lại vô cùng khác biệt.  
    Cheryl mô tả doanh nghiệp cũng tương tự như một nhà hát nhạc kịch: Ai ai cũng muốn được tỏa sáng dưới ánh đèn hào nhoáng đó, và dĩ nhiên là cả những nhà quản lý. Họ, với quyền lực trong tay, thậm chí còn thèm khát thứ nguồn sáng đó hơn bao giờ hết, và không dễ dàng chia sẻ chúng với ai. Hành động này sẽ tạo ra một môi trường làm việc đầy tính độc đoán tai hại, có thể nhấn chìm “sân khấu” và những tài năng chớm nở bất cứ lúc nào. 
    Theo quan điểm của Cheryl, thay vì là những vũ công trực tiếp đối mặt với khán giả trên sân khấu, đội ngũ lãnh đạo về bản chất sẽ là những đạo diễn, nhà soạn kịch chắp bút cho sự thành công phía sau cánh gà. Họ tạo ra đất diễn cho nhân viên, biến họ thành những ngôi sao sáng giá, mà nhờ đó thu lợi về cho tổng thể nhà hát.
    Với suy nghĩ cấp tiến này, bà nhanh chóng truyền tải những thông điệp và giáo dục đội ngũ quản lý của mình học tập và làm theo phong cách servant leadership. Trong đó, bà nhấn mạnh, để trở thành một nhà lãnh đạo thành công tại Popeyes, bạn phải hoàn toàn nắm bắt được 6 nguyên tắc lãnh đạo Popeyes (sau này được đặt tên là Popeyes’ Purposes).
    6 nguyên tắc này nhấn mạnh việc nhà quản lý phải làm việc để phụng sự nhân viên và thành công chung của doanh nghiệp, đồng thời chung tay xây dựng một môi trường làm việc nơi tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng, nhưng vẫn đảm bảo có những thách thức hợp lý đề phát triển bản thân. 
    Thành công trong việc thay đổi phong cách lãnh đạo trong nội bộ doanh nghiệp, Popeyes không chỉ thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng vốn đang đe dọa tới sự tồn tại của doanh nghiệp, mà còn liên tục phát triển và trở thành một thế lực đáng gờm trong ngành đồ ăn nhanh tại Mỹ. 
    Bà Cheryl cũng nhờ vậy mà nhận được giải thưởng Norman năm 2015 của ngành công nghiệp nhà hàng của Mỹ, một giải thưởng để công nhận khả năng lãnh đạo của một giám đốc điều hành có ảnh hưởng tới những người lãnh đạo cùng ngành.
    4. Bài học kinh nghiệm rút ra từ phong cách lãnh đạo phục vụ
    Phong cách lãnh đạo phục vụ nghĩa là việc phục vụ tổ chức phải được ưu tiên hàng đầu rồi mới tới các nguyên tắc của lãnh đạo và phong cách lãnh đạo phục vụ có nhiều ưu điểm không thể bỏ qua đối với sự phát triển của một tổ chức.
    Có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ phong cách lãnh đạo phục vụ như sau:
    Linh hoạt: Không có một nhà lãnh đạo nào có thể làm việc có hiệu quả trong môi trường làm việc đa văn hóa bằng việc chỉ áp dụng một phong cách lãnh đạo.
    Đa dạng: Cách tiếp cận của lãnh đạo phục vụ có thể có hiệu quả trong một môi trường làm việc khác nhau. Nếu như phong cách độc đoán của lãnh đạo có thể gây ra sự tha hóa trong nhân viên, hình thức dân chủ của lãnh đạo đôi khi có thể gây ra quan điểm không rõ ràng hoặc bị biến dạng để phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối lập thì phong cách lãnh đạo phục vụ phục vụ từng thành viên của nhóm. Điều này cho phép cá nhân hóa cách thức quản lý mỗi thành viên của tổ chức và có thể giúp duy trì sự gắn kết trong tổ chức.
    Lòng trung thành: Trong các hình thức khác của phong cách lãnh đạo, nhu cầu và tầm nhìn của tổ chức được đặt lên trên hết so với nhu cầu của nhân viên.Với lãnh đạo phục vụ, nhu cầu của nhân viên lại là quan trọng hàng đầu. Điều này khiến cho nhân viên thấy được vai trò quan trọng của bản thân, được sự quan tâm giúp đỡ từ phía người lãnh đạo hình thành nên lòng trung thành mạnh mẽ với tổ chức và sẽ hết lòng vì tổ chức.
    Sự tham gia của các nhân viên: Không giống như một phong cách lãnh đạo dân chủ nơi mà các quyết định được dựa theo quy tắc đa số, trong lãnh đạo phục vụ, tất cả các ý kiến, quan điểm đều có những đóng góp nhất định trong việc ra quyết định. Bằng cách này, nhân viên có thể tham gia đóng góp ý kiến vào việc ra các quyết định cho tổ chức.
    Hạn chế được việc lạm dụng quyền lực trong lãnh đạo tổ chức: Tính ưu việt của nó vượt trội hơn hẳn phong cách lãnh đạo độc đoán đó là ngăn chặn và làm giảm tất cả các loại vấn đề liên quan trực tiếp đến lãnh đạo chỉ huy và kiểm soát. (theo Farling, Stone, & Winston,1999; Laub, 2003; Page & Wong, 2000; Russell & Stone, 2002; Sendjaya & Sarros, 2002).
    Năng suất: Theo giáo sư tâm lý học Paul TP Wong của Tyndale thuộc trường đại học Toronto thì các nhà lãnh đạo theo phong cách lãnh đạo phục vụ có xu hướng nhận được rất nhiều sự tôn trọng và tin tưởng từ nhân viên của họ. Điều đó thúc đẩy một ý thức trách nhiệm làm việc cao, nhân viên hài lòng với công việc và tổ chức của họ, năng suất làm việc tăng lên.
    Cheryl Bachelder và Sameer Dholakia là hai nhà lãnh đạo tiêu biểu cho phong cách lãnh đạo phục vụ.  Nhà lãnh đạo phục vụ với khả năng pha trộn đặc biệt giữa trái tim đầy khiêm nhường và tình yêu công việc, tin tưởng vào mọi người là những gì mà một tổ chức cần nhất. Các nhà lãnh đạo như vậy có thể dẫn dắt một tổ chức ngày càng phát triển và đi lên.
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Ken blanchard,Bill hybels, Phil Hodges. Sách "Lãnh đạo là phục vụ ". Dịch từ " leadership by the book", người dịch Chương Ngọc, năm 2011.
    2. Tài liệu " Best practices in Servant Leadership" trong "Servant Leadership Research Roundtable - July 2007" của "school of global leadership and Entrepreneurship".
    3. Cheryl Bachelder: A Profile in Servant Leadership, Zoe Mackey, Berrett Koehler Publishers, 2018
    Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Hoàng Lê Khanh - Khoa Đào tạo cơ bản
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình