04:37 ICT Thứ bảy, 15/06/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 25459
    • Tháng hiện tại: 2180665
    • Tổng lượt truy cập: 37526029

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên tại các Trường Cao đẳng Luật

    Thứ năm - 16/11/2023 10:20

    Kỹ năng giao tiếp là kỹ năng rất cần thiết để đem lại sự thành công cho học sinh sinh viên trong các công việc học tập, nghiên cứu cũng như các hoạt động giao tiếp xã hội. Đặc biệt là đối với các ngành nghề chuyên môn đặc thù như nghề Luật - nơi mà các năng lực tư duy, ngôn ngữ và “tài ăn nói” có vai trò tiên quyết đối với sự thành đạt trong công việc và sự nghiệp thì việc rèn luyện các kỹ năng này vô cùng quan trọng. Học sinh của các trường cao đẳng luật hầu như ở vùng miền núi nên gặp hạn chế về điều kiện địa lý, kinh tế vùng miền, môi trường giao tiếp hẹp; và có nhiềuhọc sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số nên đặc điểm tâm lý của các em có nhiều nét khác biệt về: nhận thức, xúc cảm, tình cảm, tính chủ động trong quá trình giao tiếp chưa cao nên giao tiếp của các em còn một số hạn chế như: còn nhút nhát, tự ti và lúng túng khi đứng trước đám đông, chưa có kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm, chưa có kỹ năng thích ứng, kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh, sinh viên còn nghèo nàn. Chính vì vậy, giáo dục và phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viêncác trường cao đẳng luật là yêu cầu cần thiết và khách quan nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
    1. Thực trạng một số kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên tại các trường cao đẳng luật
    Kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có thể có sự khác biệt so với học sinh khác. Điều này có thể liên quan đến môi trường sống và văn hóa của học sinh, cũng như sự thiếu hụt tài liệu và nguồn tài nguyên giáo dục phù hợp.
    - Kỹ năng sử dụng tiếng việt
    Đối với học sinh, sinh viên các trường cao đẳng luật thì kỹ năng sử dụng tiếng việt có vai trò và ảnh hưởng rất quan trọng đối với khả năng học tập các môn học của học sinh, sinh viên.
    Đa số học sinh, sinh viênngười dân tộc thiểu sốkhông sử dụng thành thạo tiếng Việt khiến các em khó tiếp thu kiến thức bài học, học kém và dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viêndân tộc thiểu số chán nản bỏ học là thực trạng chung của các trường.
    - Kỹ năng làm việc nhóm
    Làm việc nhóm hay học tập theo nhóm là một trong những phương pháp học tập đã và đang được giảng viêncác trường cao đẳng luật sử dụng trong quá trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động làm việc nhóm của học sinh, sinh viêncác trường cao đẳng luật nhìn chung còn ít nhiều mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, hầu như chỉ dừng lại ở hình thức thảo luận nhóm trong giờ học nên chưa phát huy được hiệu quả của kỹ năng này.Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng làm việc nhóm cần phải rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh, sinh viên.
    - Kỹ năng thuyết trình
    Thuyết trình là một trong những kỹ năng quan trọng đối với sự thành công của mỗi người. Tuy nhiên, hình thành kỹ năng thuyết trình không phải là điều dễ dàng, đặc biệt đối với học sinh, sinh viêncác trường cao đẳng luật. Kỹ năng thuyết trình của học sinh, sinh viêncác trường cao đẳng luật còn rất hạn chế do tâm lý các em e ngại, rụt rè, nhút nhát... không dám thể hiện bản thân trước tập thể. Bên cạnh đó, muốn có kỹ năng tốt thì phải thường xuyên tập luyện, thực hành nhưng học sinh, sinh viên ít khi được rèn luyện kỹ năng giao tiếp nói chung, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế kỹ năng thuyết trình của học sinh, sinh viêncác trường cao đẳng luật.
    2.Một số biện pháp phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên tạicác trường cao đẳng luật
    2.1. Thiết kế và tổ chức bài học có tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên
    Trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tạo ra sự đồng thuận giữa gia đình - nhà trường - xã hội, xây dựng một môi trường giáo dục thuận lợi... chúng ta cần đặc biệt coi trọng việc thiết kế và tổ chức bài học có tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp vào môn học trong chương trình đào tạo.
    a. Xây dựng quy trình thiết kế bài học có tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng giao tiếp thông qua các môn học được thực hiện theo các bước sau:
    Bước 1: Xác định mục tiêu bài học và mục tiêu phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên, đặc điểm trình độ giao tiếp hiện tại của học sinh, sinh viên.
    Bước 2: Xác định nội dung tri thức cơ bản của bài học và nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cần tích hợp. Trong bước 2, giảng viên cần xác định rõ những kỹ năng giao tiếp cần phát triển cho học sinh, sinh viên đó là những kỹ năng: sử dụng tiếng Việt, thuyết trình, làm việc nhóm, xử lý tình huống…
    Bước 3: Lựa chọn phương pháp, biện pháp và hình thức tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua bài học. Những phương pháp, biện pháp được lựa chọn phải phù hợp với nội dung bài học và nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên như các phương pháp: Đóng vai, tổ chức trò chơi, dạy học bằng tình huống, nêu vấn đề, làm việc nhóm…Mục đích là thông qua việc sử dụng các phương pháp, biện pháp có tác dụng tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có môi trường trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua hợp tác với bạn, hợp tác với thầy, cô.
    Bước 4: Thiết kế hoạt động trong tổ chức bài học. Khi thiết kế bài học có tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp, giảng viên nghiên cứu thiết kế hoạt động trong tổ chức bài học nhằm giúp học sinh, sinh viên sử dụng thành thạo tiếng Việt, tăng cường các hoạt động giao tiếp, tự nhận thức, xử lý tính huống, giải quyết vấn đề vv... để phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên. Có những hoạt động này sẽ thu hút được người học tham gia một cách tự giác, tích cực vào quá trình tập luyện, rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
    Bước 5: Thiết kế bộ công cụ để kiểm tra kết quả bài học có tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên. Nội dung bài học có tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp được học sinh, sinh viên lĩnh hội như thế nào? Những kiến thức, kỹ năng nào đã được học sinh, sinh viên tích lũy, trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng nào chưa được học sinh, sinh viên tích lũy trải nghiệm và cần phải bổ sung, đòi hỏi giảng viên phải đánh giá được kết quả một cách khách quan, chính xác để định hướng cho hoạt động giáo dục tiếp theo.
    b. Tổ chức bài học tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên.
    Bước 1: Giảng viên đặt vấn đề giới thiệu mục tiêu, nội dung bài học và mục tiêu, nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên.
    Bước 2: Tạo môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên thông qua thái độ ứng xử, thông qua việc sử dụng các phương pháp, biện pháp kỹ thuật dạy học, giáo dục. Bài học phải được tiến hành một cách sinh động, hấp dẫn, môi trường học tập được tạo dựng bởi các mối quan hệ thân thiện làm cho việc học tập mang tính xã hội hoá cao, tạo ra cho người học một cơ hội để trải nghiệm kỹ năng, hành vi của mình.
    Bước 3: Tổ chức các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, hoạt động toàn lớp có tác dụng định hướng mục tiêu bài học và mục tiêu phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên. Trong mỗi hoạt động giảng viên luôn quán triệt mục tiêu kép của bài học để điều chỉnh, điều khiển quá trình hoạt động nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên thông qua sử dụng phương pháp, biện pháp kỹ thuật dạy học, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội trải nghiệm kỹ năng hành vi của mình trước nhóm, tập thể lớp.
    Bước 4: Củng cố nội dung tri thức kỹ năng đã hình thành cho học sinh, sinh viên thông qua luyện tập, thực hành kỹ năng. Trong phần thực hành của mỗi môn học (nếu có) giảng viên sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để tăng cường rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên. Do đó, giảng viên cần tăng cường tổ chức các bài tập thực hành kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên trong phần học này.
    Bước 5: Đánh giá kết quả nội dung tri thức, kỹ năng của bài học và nội dung kỹ năng giao tiếp đã hình thành ở học sinh, sinh viên. Trong mỗi khâu, mỗi bước của quá trình học tập, khi nhận xét giờ học, nhận xét cách trình bày của học sinh, sinh viên, nhận xét về hành vi ứng xử của học sinh, sinh viên trước các nhiệm vụ và yêu cầu học tập, giảng viên cần lồng ghép với việc nhận xét về kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên đã đạt được, những ưu điểm và hạn chế nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực tham gia.
    2.2. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viêncác trường cao đẳng luật
    Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là hoạt động được tổ chức theo mục tiêu, nội dung, chương trình dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Bản chất của hoạt động này là thông qua các loại hình hoạt động, các mối quan hệ nhiều mặt, nhằm giúp học sinh, sinh viên chuyển hoá một cách tự giác, tích cực tri thức thành niềm tin, kiến thức thành hành động, biến yêu cầu của nhà trường thành chương trình hành động của tập thể lớp học sinh, sinh viên và của cá nhân học sinh, sinh viên, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên trải nghiệm tri thức, thái độ, quan điểm và hành vi ứng xử của mình trong môi trường an toàn, thân thiện có định hướng giáo dục. Thông qua hoạt động này có thể rèn luyện cho học sinh, sinh viên các kỹ năng giao tiếp cơ bản phù hợp với lứa tuổi như: Kỹ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết), kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng xử lý tình huống trong giao tiếp, kỹ năng cảm thông chia sẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự chủ trong giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng biểu lộ thái độ bằng các hành vi phi ngôn ngữ, thuyết trình...; củng cố, phát triển các hành vi, thói quen tốt trong học tập, lao động và công tác xã hội. Bồi dưỡng thái độ tự giác tích cực tham gia các hoạt động tập thể và hoạt động xã hội; hình thành tình cảm chân thành, niềm tin trong sáng với cuộc sống, với quê hương đất nước; có thái độ đúng đắn đối với các hiện tượng tự nhiên và xã hội.
    a. Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có nội dung bám sát với việc phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên
    Khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp  nhằm tăng cường phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên cần:
    - Bám sát vào nội dung của phát triển kỹ năng giao tiếp và vận dụng linh hoạt, tuỳ theo từng hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và điều kiện cụ thể.
    - Xác định rõ các nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp (xác định rõ các kỹ năng giao tiếp cần hình thành và phát triển cho học sinh, sinh viên) để tích hợp vào nội dung của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
    - Tạo ra động lực cho học sinh, sinh viên, làm cho học sinh, sinh viên tham gia một cách tích cực vào quá trình hình thành kỹ năng giao tiếp nói chung và kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống trong giao tiếp, kỹ năng thuyết trình nói riêng
    b. Thiết kế các chủ đề hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có tích hợp nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên
    Để tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có tích hợp việc phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên, giảng viên cần tạo ra nội dung giáo dục mang tính trọn vẹn, thống nhất giữa nội dung giáo dục kỹ năng giao tiếp và nội dung của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, mà cụ thể là phù hợp về chủ đề hoạt động. Biện pháp này cho phép tạo ra nội dung giáo dục mang tính trọn vẹn, thống nhất giữa nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp vả nội dung của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
    Biện pháp này không chỉ có ý nghĩa với việc thực hiện tốt các nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn có tác dụng trong việc tạo sức hấp dẫn cho học sinh, sinh viên trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
    Bước 1: Đặt tên chủ đề hoạt động và xác định các yêu cầu giáo dục phải đạt được.
    Để thiết kế các chủ đề phát triển kỹ năng giao tiếp phù hợp với chủ đề của  hoạt động giáo dục ngoài giờ , giảng viên phải nắm vững những định hướng, chương trình của Nhà trường về việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để từ đó phân tích, xác định những chủ đề nào của chương trình có thể thiết kế được các chủ đề về phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên, trên cơ sở giảng viên nắm được nội dung của các kỹ năng giao tiếp cơ bản cần phát triển cho học sinh, sinh viên.
    Bước 2: Giảng viên cần vạch kế hoạch, thời gian tiến hành. Chuẩn bị về nội dung, hình thức hoạt động, các phương tiện cần thiết phục vụ cho hoạt động. Phân công công việc cụ thể, dự kiến các tình huống xảy ra. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra sự chuẩn bị.
    Bước 3:  Tiến hành hoạt động.
    Đối với các hoạt động của lớp, cần cố gắng tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tự quản, tự điều khiển; còn giảng viên nên đóng vai trò là người hỗ trợ, là người giúp đỡ học sinh, sinh viên.
    Bước 4: Rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả.
    Cần phải rút kinh nghiệm để các hoạt động tiếp theo được tốt hơn, hiệu quả hơn. Khi rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả cần tập trung vào hình thức tổ chức hoạt động, nội dung hoạt động, quá trình tự quản, tự điều khiển của học sinh, sinh viên để bước chuẩn bị cho những hoạt động tiếp theo đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra
    2.3. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng cùng tham gia nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên
    Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng cùng tham gia nhằm tạo môi trường giao tiếp và phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên trong mối quan hệ giảng viên với học sinh, sinh viên; học sinh, sinh viên với học sinh, sinh viên; học sinh, sinh viên với tập thể lớp; học sinh, sinh viên với nhóm....Thông qua đó phát triển ở học sinh, sinh viên kỹ năng hợp tác, hòa nhập, chia sẻ, xử lý tình huống, kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, ...
    - Thiết kế bài học theo hướng dạy học hợp tác, tạo môi trường học hỏi, chia sẻ lẫn nhau giữa giảng viên với học sinh, sinh viên, giữa học sinh, sinh viên với học sinh, sinh viên... giảng viên cần sử dụng các phương pháp, biện pháp dạy học nhằm huy động người học tham  gia vào quá trình học tập một cách chủ động, rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống trong giao tiếp...
     - Giảng viên cần căn cứ vào mục tiêu bài học, căn cứ vào các kỹ năng giao tiếp sẽ rèn luyện cho học sinh, sinh viên để lựa chọn các phương pháp dạy học và vân dụng các phương pháp đó một cách sáng tạo:
    + Phương pháp thảo luận nhóm
    + Phương pháp dạy học dự án, phương pháp bàn tay nặn bột
    + Phương pháp dạy học bằng tình huống
    + Phương pháp dạy học nêu vấn đề
    + Phương pháp động não
    + Phương pháp đóng vai
    + Phương pháp tổ chức trò chơi
    +…
    Mỗi phương pháp nêu trên có thế mạnh khác nhau trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh, sinh viên cũng như khai thác vốn sống, vốn kinh nghiệm của người học, phù hợp với nội dung và mục tiêu bài học khác nhau, phù hợp với kỹ năng giao tiếp khác nhau, đáp ứng từng khâu trong quá trình giảng dạy. Do đó, giảng viên lựa chọn các phương pháp dạy học và vận dụng các phương pháp dạy học khác nhau phù hợp với nội dung bài học để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên.
     - Tăng cường các hình thức hỏi đáp trong quá trình dạy học, giáo dục để rèn kỹ năng nghe, nói cho học sinh, sinh viên.
    - Tăng cường sử dụng các tình huống trong dạy học, giáo dục nhằm rèn kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống cho học sinh, sinh viên, giúp các em có cơ hội trải nghiệm kiến thức, kỹ năng trước những tình huống khác nhau. Trong quá trình lên lớp thường xuyên quân tâm đến học sinh, sinh viên để chia sẻ với học sinh, sinh viên những khó khăn trong học tập, rèn luyện.
     - Tạo môi trường học tập thân thiện trong lớp học để học sinh, sinh viên tự tin chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình lên lớp với thầy, với bạn và đánh giá đúng về bản thân.
    - Giảng viên cần chú ý khai thác vốn sống, vốn kinh nghiệm của học sinh, sinh viên trong quá trình giao tiếp nhằm tạo môi trường để học sinh, sinh viên giao tiếp thành công và hiệu quả.
    - Trong kiểm tra, đánh giá các hoạt động cần quan tâm đánh giá kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên: kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống trong giao tiếp...
    Tóm lại, do điều kiện kinh tế-xã hội vùng nông thôn miền núi nước ta còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, môi trường giao tiếp hẹp, cuộc sống và đặc tính của người miền núi, dân tộc có ảnh hưởng nhiều đến khả năng giao tiếp và phát triển giao tiếp cho học sinh, sinh viên. học sinh, sinh viêndân tộc thiểu số nên vốn ngôn ngữ phổ thông của học sinh, sinh viên bị hạn chế, khả năng sử dụng tiếng Việt còn thấp, chưa có môi trường học tập thuận lợi, nên các em thiếu kỹ năng giao tiếp. Đặc điểm đặc trưng là các em học sinh, sinh viên dân tộc có tiếng nói riêng của dân tộc mình. Trong các gia đình, làng bản các em sinh sống, việc giao tiếp của các em thường thực hiện bằng tiếng của dân tộc mình, chỉ khi đến trường, việc tiếp thu tri thức mới bằng tiếng Việt. Chính sự giao thoa ngôn ngữ trên đã ảnh hưởng nhất định cho hoạt động nhận thức và khả năng giao tiếp của các em. Vì vậy, việc phát triển các kỹ năng giao tiếp cho các em trước hết phải kiên trì để làm cho các em tự chủ, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp với cộng đồng, xã hội, từng bước hình thành kỹ năng giao tiếp cho mình.. Điều đó đòi hỏi các nhà trường, các thầy cô giáo đã từng tâm huyết với nghề cần phải có sự cố gắng hơn nữa.

    Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Hoàng Lê Khanh
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình