03:52 ICT Thứ năm, 23/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 26547
    • Tháng hiện tại: 2937373
    • Tổng lượt truy cập: 69922524

    Trang nhất » Tin Tức » Điểm báo

    Cần quan tâm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật

    Thứ hai - 12/06/2017 08:27

    Ngày 7/6, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sau gần 1 năm thi hành và cho rằng cần quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để khắc phục những bất cập này. Nhiều kết quả trong năm đầu thực hiện

    Nhiều kết quả trong năm đầu thực hiện
    Báo cáo thực trạng công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Ngay sau khi Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã chủ động trình Chính phủ kế hoạch và chỉ thị triển khai Luật và Nghị định; tổ chức tập huấn cho các bộ, ngành về quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Hơn nữa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, các phiên họp thường kỳ của Chính phủ có nhiều đổi mới, nội dung xây dựng thể chế được quan tâm hàng đầu, được tập trung cao và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, thông qua các định hướng, chính sách, các dự án, dự thảo văn bản. Một số cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành cũng quan tâm hơn tới công tác xây dựng thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy trình xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách theo quy định mới của Luật năm 2015.
    Tán thành với những thuận lợi trên qua gần 1 năm thi hành Luật năm 2015, các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng nhau chia sẻ thêm những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị một số giải pháp từ thực tiễn của bộ, ngành mình. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh gửi lời cảm ơn về sự phối hợp của Bộ Tư pháp trong quá trình lập đề nghị, lấy ý kiến, thẩm định đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị trong năm đầu tiên thực hiện chuyển tiếp việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định cũ sang thực hiện theo quy định của Luật năm 2015.
    Tuy nhiên, bà Hạnh phản ánh, vì là năm đầu thực hiện quy định mới nên không tránh khỏi lúng túng và gặp không ít khó khăn do việc chuẩn bị hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật này phải làm gấp rút trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, theo bà Hạnh, việc đánh giá tác động phải bảo đảm các nội dung về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, với hệ thống pháp luật và đánh giá bằng phương pháp định lượng trong khi chưa xây dựng các điều luật cụ thể là không hề đơn giản. Vì vậy, bà Hạnh đề nghị cần linh hoạt trong đánh giá tác động chính sách, không nhất thiết yêu cầu phải đánh giá đầy đủ các nội dung trên. Đồng thời, cần chuyển đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính từ giai đoạn lập đề nghị sang giai đoạn xây dựng văn bản.

    Còn tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”
    Là một trong những Bộ triển khai tốt Luật năm 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi cho biết Bộ đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện sau khi Luật năm 2015 được ban hành, bảo đảm áp dụng, thực thi được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2016). Thực tiễn cho thấy sự chủ động của Bộ Tài chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt bởi số lượng văn bản theo kế hoạch hoặc được giao bổ sung hàng năm của Bộ này rất lớn. Tuy cũng chỉ mới thực hiện nhưng ông Khôi chân tình chia sẻ một số bài học của Bộ mình như kịp thời xin chủ trương của lãnh đạo Bộ trong công tác lập đề nghị xây dựng văn bản; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ với kỹ năng chuyên sâu, chuyên nghiệp trong công tác soạn thảo văn bản; tăng cường công tác phối hợp trong và ngoài ngành…
    Đến từ Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng phòng Pháp chế Nguyễn Đình Thơ lại đề cập tới vai trò của cơ quan truyền thông đối với việc đề xuất chính sách và lập đề nghị xây dựng văn bản. Ông Thơ dẫn chứng, ngay khi vừa công bố Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 60 của Luật này đã bị nhiều người lao động không đồng tình vì cho rằng họ có quyền được lựa chọn việc lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần. Báo chí đã tích cực phản ánh dẫn đến việc Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi Điều 60. Trên cơ sở đó, ông Thơ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước/người có thẩm quyền lắng nghe, phân tích những ý kiến, kiến nghị của cơ quan báo chí, truyền thông để có quyết định đúng trong quá trình xây dựng chính sách và xây dựng văn bản.
    Ghi nhận những kết quả đạt được sau gần 1 năm thực hiện Luật năm 2015 và Nghị định số 34, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong lập đề nghị xây dựng pháp luật. Cụ thể là thời gian lập đề nghị còn chậm so với quy định của Luật năm 2015, việc xây dựng nội dung chính sách còn xa thực tế, chất lượng xây dựng chính sách chưa cao. Việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, thiếu tính toàn diện và lựa chọn giải pháp thực hiện chính sách còn phụ thuộc nhiều vào tư duy chủ quan của người xây dựng chính sách. Đặc biệt việc lập đề nghị xây dựng pháp luật vẫn còn tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”…
    Hoan nghênh các kiến nghị, kinh nghiệm được các đại biểu đưa ra, Thứ trưởng nhấn mạnh cần quan tâm hàng đầu đến việc nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, đồng thời xây dựng quy trình nội bộ giải quyết công việc, trong đó có lập đề nghị và đánh giá tác động chính sách. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện bộ công cụ, sổ tay đánh giá tác động để làm tài liệu hướng dẫn, tham khảo cho các bộ, ngành.

    Tác giả bài viết: H. Thư
    Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình