(ICTPress) - Ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo đó, người dân chỉ cần đến điểm giao dịch Bưu điện gần nhất để nộp hồ sơ và đăng ký nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo địa chỉ yêu cầu.
Nhiều lợi ích trong giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện
Thời gian qua, nhờ quyết tâm, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, các cơ quan hành chính nhà nước cần phải tiếp tục cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, gia tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Một trong những phương thức đã được một số Bộ, ngành như: Bộ Công An, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cùng một số địa phương: An Giang, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Yên Bái chủ động áp dụng là việc tiếp nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.
Là doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định thực hiện nhiệm vụ duy trì và quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) hiện đang có mạng lưới gần 13.000 các điểm phục vụ trên toàn quốc. Đặc biệt, thời gian qua, phương thức trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện đến tận nhà người dân của một số địa phương đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của xã hội, khẳng định uy tín và vai trò của Bưu điện đối với cộng đồng.
Trung bình mỗi ngày ngày trên toàn quốc có tối thiểu 600.000 giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính. Theo đó, người dân chỉ cần đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc nhân viên bưu điện sẽ tới tận địa chỉ khách hàng đăng ký để mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Khi có kết quả, Bưu điện sẽ nhanh chóng mang trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng năm 2015, gần 9 triệu lượt người dân đã tới Bưu điện để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội... Nếu tính tổng chi phí các dịch vụ trên khi người dân trực tiếp đi nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết thủ tục hành chính sẽ lên tới hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng nếu sử dụng dịch vụ của Bưu điện thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ đồng (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính). Theo đó số tiền tiết kiệm được là hơn 1.600 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc triển khai tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ Bưu điện đã giảm được thời gian đi lại, công sức, chi phí cho người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện không chỉ tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, mà còn tăng cường trách nhiệm cả cán bộ, công chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, văn minh, hiện đại.
Cách thức nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện
Theo quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện, các tổ chức hoặc cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ sẽ cùng với nhân viên bưu chính thực hiện kiểm đếm, đối chiếu danh mục tài liệu có trong hồ sơ so với danh mục tài liệu mà cơ quan có thẩm quyền công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng thông tin điện tử của cơ quan đó và niêm yết tại nơi giải quyết thủ tục hành chính.
Nhân viên bưu chính và đại diện tổ chức, cá nhân lập và ký vào Phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do Bưu điện phát hành. Trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ người gửi, tên thủ tục hành chính, danh mục tài liệu, văn bản có trong hồ sơ và những nội dung liên quan khác (nếu có). Trường hợp thủ tục hành chính phải nộp phí, lệ phí thì nhân viên bưu chính thực hiện thu phí theo quy định. Nhân viên bưu chính sẽ trực tiếp đóng gói, niêm phong hồ sơ, tiền phí, lệ phí (nếu có) để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền.
Trên cơ sở kết quả giao nhận hồ sơ, nhân viên bưu chính và người tiếp nhận hồ sơ sẽ lập biên bản bàn giao nhận hồ sơ, xác nhận về tính đầy đủ của hồ sơ. Thời điểm xác định tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ hợp pháp, hợp lệ tai cơ quan có thẩm quyền được tính kể tư khi ký Biên bản bàn giao nhận hồ sơ. Nhân viên bưu chính nộp tiền phí, lệ phí đã thu cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc giấy, phiếu hẹn trả kết quả. Khi hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính, cơ quan có thẩm quyền đăng tải công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo bằng tin nhắn, thư điện tử hoặc hình thức khác đến nhân viên bưu chính và các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ.
Trả kết quả thủ tục hành chính tại địa chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi trả kết quả thủ tục hành chính qua Bưu điện sẽ được nhân viên chuyển phát tại địa chỉ theo yêu cầu. Trước đó, đại diện của cơ quan có thẩm quyền và nhân viên bưu chính sẽ cùng kiểm đếm hồ sơ và lập Phiếu gửi hồ sơ để gửi trả cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong đó sẽ ghi rõ tên, địa chỉ người gửi là cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; tên, địa chỉ người nhận; danh mục tài liệu cùng các văn bản khác (nếu có). Nhân viên bưu chính sẽ trực tiếp đóng gói, niêm phong hồ sơ có sự chứng kiến của đại diện cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc chuyển phát.
Hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ được chuyển trả kịp thời cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
thủ tướng, ban hành, quyết định, tiếp nhận, hồ sơ, kết quả, giải quyết, thủ tục, bưu chính
Ý kiến bạn đọc