21:10 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 129966
    • Tháng hiện tại: 2741209
    • Tổng lượt truy cập: 69726360

    Trang nhất » Tin Tức » Điểm báo

    Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch

    Thứ hai - 01/10/2018 14:03

    Ngày 27/9, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Hộ tịch, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó cho thấy qua 3 năm triển khai thực hiện Luật tại Hà Nội, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước ổn định và đi vào nề nếp.

    Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và UBND các quận, huyện, Phòng Tư pháp trên địa bàn thành phố.
    Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết: Sau 3 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ sở vật chất phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã và đang ngày càng được cải thiện. UBND các cấp đã quan tâm đến bố trí công việc, thực hiện chế độ chính sách cho công chức làm công tác hộ tịch cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện làm việc đảm bảo đáp ứng thực hiện nhiệm vụ  công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố như trang bị máy vi tính, máy in riêng cho công chức làm công tác hộ tịch, máy photocopy, phòng lưu trữ tài liệu, tủ đựng hồ sơ đảm bảo phục vụ cho việc quản lý, khai thác và bảo quản hồ sơ.
    1
    Công chức làm công tác hộ tịch cũng nhận thức được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo nghiệp vụ, luôn nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, nâng cao khả năng, trình độ, nghiệp vụ. Nhờ vậy đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký hộ tịch ngày càng được nâng cao. Tình trạng “sinh không khai, tử không báo” đã được giảm thiểu. Đa số người dân đã tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định.
    Một trong những điểm nổi bật trong quá trình triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn thành phố là Hà Nội đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo Sở Tư pháp Hà Nội, đến nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh. Việc này không những đảm bảo thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện. Ngoài ra có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.
    Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể trong công tác cải cách hành chính như giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời giảm chi phí đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.
    1
    Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác đăng ký hộ tịch tại cơ sở còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc từ các quy định hiện hành. Mặt khác, thực tiễn cũng cho thấy, các việc hộ tịch luôn phát sinh những tình huống hết sức đa dạng, phức tạp. Nhiều trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như việc sinh, tử, thay đổi họ, tên, việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân… nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu và chưa có quy định điều chỉnh, dẫn đến yêu cầu đăng ký hộ tịch vẫn nảy sinh khó khăn, vướng mắc cần giải quyết kịp thời.
    Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc qua 03 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Trong đó có kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập như đã nêu ở trên của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Thông tư số 15/2015/TT-BTP nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch trong thời gian tới; cho phép cơ quan đăng ký hộ tịch được in sổ hộ tịch trên hệ thống phần mềm đăng ký hộ tịch để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch... Hà Nội cũng sẽ phát huy những kết quả đạt được, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
    Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo làm rõ thêm nhiều vấn đề trong thực tiễn triển khai Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung chia sẻ về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được chuyển về UBND cấp huyện theo quy định của Luật Hộ tịch. Đây là một trong những quy định mới của Luật, thể hiện bước tiến rõ nét trong cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân, tiến tới xây dựng quản lý, đăng ký hộ tịch chuyên nghiệp hiện đại. Qua 3 năm, Ba Đình đã giải quyết 103 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cơ bản đúng trình tự, được người dân hài lòng.
    Tuy nhiên, theo ông Trung, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ba Đình cũng phát sinh những vướng mắc. Trong đó phức tạp hàng đầu là liên quan đến nhiều quốc gia có quy định pháp luật khác nhau khiến cán bộ cơ sở gặp khó khăn, lúng túng; một số giấy tờ xác minh bên thứ 3 có yếu tố nước ngoài không kịp thời… Từ đó, ông Trung nêu lên một số kinh nghiệm như tăng cường tuyên truyền, sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng có liên quan. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cơ sở cần biến quá trình phục vụ người dân, quá trình nghiên cứu, triển khai Luật thành quá trình tự học của mỗi người.
    1
    Trưởng Phòng Tư pháp huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc cũng đánh giá cao quá trình thi hành Luật Hộ tịch tại địa bàn huyện, người dân tự giác hơn so với thời gian triển khai Nghị định 158. Chính quyền rất quan tâm kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch, tất cả các xã đều đã bố trí cán bộ chuyên trách, giải quyết đúng và kịp thời các sự kiện hộ tịch, không có đơn thư phản ánh về quản lý, đăng ký hộ tịch.
    Ông Lộc nói sâu về những mặt tích cực, khó khăn khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi theo Thông tư liên tịch số 05. Từ đó, ông Lộc mong muốn Trung ương tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hộ tịch; thành phố phân bổ nguồn ngân sách nhằm số hóa dữ liệu hộ tịch, tạo điều kiện cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được chặt chẽ; Sở Tư pháp thường xuyên tập huấn, tọa đàm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở trong triển khai công tác này…
    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận thấy sự nỗ lực, cố gắng của TP Hà Nội trong triển khai Luật Hộ tịch và Nghị định 23, đồng thời đánh giá cao báo cáo toàn diện, sâu sắc, nhiều thông tin và các ý kiến tâm huyết tại Hội nghị. Việc thi hành Luật Hộ tịch đã nhận được sự vào cuộc, sự quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất của chính quyền các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn tại Hà Nội.
    Thứ trưởng cũng đặc biệt đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đăng ký hộ tịch mà Luật Hộ tịch rất kỳ vọng đã được Hà Nội chú trọng tăng cường, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Từ đó, Thứ trưởng khẳng định Hà Nội là một trong số địa phương đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực hộ tịch
    Chia sẻ việc số hóa dữ liệu hộ tịch đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn kinh phí triển khai, Thứ trưởng ghi nhận các phản ánh vướng mắc, khó khăn và các đề xuất, kiến nghị để tổng hợp, hướng dẫn chung và tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thời gian tới về công tác này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cam kết sẽ cùng các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện cơ chế phối hợp, nâng cao trách nhiệm của từng ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến công tác hộ tịch. Song Thứ trưởng nhấn mạnh điều quan trọng vẫn là trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ làm trực tiếp công tác hộ tịch tại cơ sở nhằm phục vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân
    Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích trong triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn thành phố.
    Tác giả bài viết: H.Thư
    Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình