Thơ viết về Bác đến nay đã có trên nghìn bài. Tùy vào tài năng của từng nhà thơ mà chất lượng, giá trị mỗi bài thơ khác nhau. Qua đọc nhiều bài thơ về Bác, tôi cảm thấy thích nhất một số bài thơ sau:
Trước hết phải nói đến bài thơ
Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ. Thông qua một đêm không ngủ của Bác, nhà thơ Minh Huệ đã xây dựng nên một hình tượng Hồ Chí Minh giữa đời thường vừa gần gũi, thân tình, vừa thiêng liêng. Giữa trời khuya, anh đội viên đã ngủ một giấc rồi mà Bác thì vẫn thức, trầm ngâm ngồi lặng yên bên bếp lửa. Bác đốt lửa cho anh đội viên nằm khỏi lạnh; Bác đi dém chăn cho cháu này, cháu kia để tránh muỗi đốt, mà đi rất nhẹ nhàng, không để cháu mình giật thột, ảnh hưởng giấc ngủ ngon. Người cha mái tóc bạc ấy không ngủ vì thương đoàn dân công đang ngủ ngoài rừng bị mưa ướt, phải rải lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn. Bác thương các cháu của mình đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải gian khổ vì nhiệm vụ cách mạng; Bác ngủ không yên lòng. Bác nóng ruột, mong trời sáng mau mau là vì lẽ đó! Tình cảm, tấm lòng ấy của Bác thật đáng trân trọng. Thông qua tâm trạng của anh đội viên, người đọc thấy tình cảm của tác giả với Bác hết sức nồng nàn, tôn kính. Minh Huệ đã tìm ra cách thể hiện riêng của mình. Từng lời thoại trong bài thơ làm nổi bật tính cách của từng nhân vật, rất sinh động và truyền cảm. Bài thơ như một bức ký họa chân dung Hồ Chí Minh mà Minh Huệ là người duy nhất chớp được khoảnh khắc hiếm có đó.
Tiếp đến là bài thơ
Sáng tháng Năm của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ này được viết tại Chiến khu Việt Bắc. Giữa khung cảnh bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn, hình ảnh Bác hiện lên thật giản dị, cảm động:
Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ.
Nhà thơ được cầm tay Bác như người con lâu ngày đi xa về được nắm tay cha:
Bàn tay con nắm tay cha.
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng.
Bác là biểu tượng thiêng liêng cho đất nước thân yêu:
Bác ngồi đó lớn mênh mông.
Trời cao - Biển rộng - ruộng đồng - nước non
Cái tên Hồ Chí Minh luôn trìu mến trên môi mọi người:
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh
Bác là người nâng cánh cho ta, là nơi ta tìm về yên tĩnh. Là người cha, Bác có đôi mắt mẹ hiền; giọng của Người thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước,... là lời non nước có tiếng ngày xưa, tiếng mai sau...
Tố Hữu để Bác hiện lên trong thơ mình thật thân thương, đáng kính:
Bác Hồ đó!
Ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời
Không có gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đuôi mươi.
Hết lời ca ngợi Bác mà không sợ quá lời, bởi ở Bác hội tụ nhiều vẻ đẹp và sự cao thượng.
Với bài thơ Người đi tìm hình của nước của nhà thơ Chế Lan Viên hồi ức, tái hiện những sự kiện từ phút giây Bác rời xa đất nước đến phút giây Bác trở về hôn lên hòn đất Tổ quốc. Bác ra đi tìm hình của nước, vì nước mất nhà tan, Tổ quốc bị xóa tên trên bản đồ thế giới:
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Bác ra đi một mình trên con tàu lênh đênh. Bằng sự tưởng tượng cảnh ra đi một mình của Bác, ngay từ đầu bài thơ, nhà thơ đã khiến người đọc xúc động:
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre
Khi trời không còn màu xanh xứ sở
Sóng dưới chân tàu đâu phải sóng quê hương
Trong đêm xa nước đầu tiên Bác không thể ngủ!
Xa nước, Bác càng hiểu được đau thương.
Đối lập với cảnh tìm đường đi cho dân tộc theo đi của Bác là cảnh những người chỉ biết hạnh phúc cho riêng mình: hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp, là những người bất lực trước cuộc đời, mặc cho mưa tuôn và gió thổi, là những người lãng quên lịch sử oai hùng của dân tộc, lòng đã thành rêu phong chuyện cũ... Nhà thơ gợi lại cảnh cơ cực tha hương của Bác ở xứ Người: làm bồi tàu, làm thuê quét rác giữa đêm khuya, ủ gạch nóng để chống giá rét... Mà có lúc nào Bác nguôi nhớ Tổ quốc đâu: đêm nào Bác cũng mơ thấy nước, ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc... Lòng Bác bộn bề nghĩ về số phận của đất nước, tương lai của dân tộc. Khát vọng hòa bình, khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc luôn nung nấu hiện về trong tâm trí Bác. Người đọc như cùng xúc động theo Bác khi Bác đọc Luận cương của Lê-nin:
Luận cương đến với Bác Hồ
Và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bác mong Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát. Bác thấy: Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.../Ruộng theo trâu về lại với người cày.../Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân.../Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói/Những đời thường cũng có bóng hoa che... Nhà thơ thay Bác khẳng định đường hướng cách mạng mà Bác đã tìm ra: Đường đến với Lê-nin là đường về Tổ quốc. Và Bác về với Tổ quốc để thực hiện việc lãnh đạo cách mạng, xây dựng Nước Việt nhân dân trong mát suối. Hình ảnh Bác nâng hòn đất Tổ quốc lên hôn sau bao nhiêu năm xa cách, lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai được đưa vào làm câu kết bài thơ đã gây cho người đọc sự cảm kích, tự hào, đầy cảm hứng về lãnh tụ kính yêu và việc đã tìm thấy hình của nước thiêng liêng. Người đi tìm hình của Nước là một bài thơ có sức khái quát cao, giàu ý tưởng; nhiều câu thơ tinh luyện, lấp lánh trí tuệ. Cái tứ của bài thơ thể hiện qua đầu đề bài thơ cũng hết sức độc đáo.
Thơ của các nhà thơ Việt Nam viết về Bác lúc Bác qua đời và sau khi Bác mất có những bài hay như: Bác ơi của Tố Hữu, Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi của Hải Như, Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương của Việt Phương, Viếng lăng Bác của Viễn Phương... Những bài thơ này là thơ “khóc Bác”, hết sức cảm động! Bác mất là nỗi đau, là cái tang lớn của toàn dân tộc: đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa (Tố Hữu). Nhà thơ Việt Phương ước: Ôi ước gì không thật cả nỗi đau mồ côi. Nhà thơ Viễn Phương khi về viếng lăng Người thì muốn làm con chim hót, làm đóa hoa tỏa hương, làm cây tre trung hiếu để luôn được ở gần mãi bên Bác!
Rõ ràng mỗi nhà thơ có một phong cách thể hiện riêng, nhưng những bài thơ kể trên bài nào cũng đạt đỉnh cao nghệ thuật. Hình tượng Hồ Chí Minh hiện lên từ những trang thơ thật lung linh, cao đẹp!
Ý kiến bạn đọc