17:46 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 104084
    • Tháng hiện tại: 2715327
    • Tổng lượt truy cập: 69700478

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học

    Định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

    Thứ năm - 29/12/2022 11:15

    1. Nhận diện khái quát về Nhà nước pháp quyền
    Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền có từ thời cổ đại. Học thuyết Nhà nước pháp quyền ra đời trong cuộc cách mạng tư sản giải phóng nhân loại ra khỏi chế độ chuyên chế phong kiến.
    Lý tưởng của Nhà nước pháp quyền là thực hiện dân chủ, bảo đảm tự do, bình đẳng và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung có tính phổ biến trong tư duy triết học - chính trị và pháp lý của nhân loại về cách thức tổ chức nhà nước nói chung, tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước nói riêng đáp ứng yêu cầu dân chủ, nhân quyền vì sự phát triển và hướng tới xã hội công bằng, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho mỗi con người.
    Ở mức độ khái quát có thể hiểu: Nhà nước pháp quyền là một cách thức/phương thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ, nhân quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật. Hay nói một cách khác, Nhà nước pháp quyền là một trật tự xã hội mà ở đó Nhà nước thực thi quyền lực của mình dựa trên nền tảng pháp luật, lấy pháp luật làm tối thượng, pháp luật được xây dựng trên cơ sở dân chủ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân phù hợp với quy luật khách quan. Nhà nước phải khép mình dưới pháp luật, chịu sự kiểm soát, sự chế ngự của pháp luật mà thực chất là chịu sự kiểm soát của Nhân dân. Nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu quyền lực nhà nước phải được kiểm soát. Quyền lực nhà nước nếu không được kiểm soát, chế ngự bằng pháp luật sẽ dẫn tới nguy cơ rơi vào tình trạng lạm quyền, lộng quyền; quyền lực của Nhân dân dễ bị tha hóa, bị tuột khỏi tay Nhân dân. Đó là những hiện tượng trái ngược với lý tưởng dân chủ, vì quyền con người của Nhà nước pháp quyền.
    Để đi đến nhận thức như vậy, nhiều công trình khoa học đã nghiên cứu và khẳng định, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước tương ứng với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định, cũng không phải là một hình thức nhà nước theo quan niệm truyền thống (Ví dụ: Đề tài KX.04.01 do GS.TS. Nguyễn Duy Quý làm chủ nhiệm, năm 2005: Cơ sở lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân”).
    Thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới đã đúc kết thành hệ thống các giá trị phổ biến của nhân loại thể hiện ở những đặc trưng cơ bản như sau:
    (i) Nhà nước pháp quyền dựa trên nền tảng của chủ nghĩa hợp hiến;
    (ii) Pháp luật giữ vai trò chi phối và có hiệu lực pháp lý tối thượng trong xã hội, Nhà nước cũng phải chịu sự ràng buộc của pháp luật;
    (iii) Bảo đảm nguyên tắc phân quyền và yêu cầu về sự độc lập của Tư pháp;
    (iv) Pháp luật phải được áp dụng công bằng, nhất quán, phải bảo đảm tính công khai, sự minh bạch, dễ tiếp cận, áp dụng kịp thời;
    (v) Tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người.
    2. Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    Các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII cũng như Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền theo mô hình mà Đảng ta đã lựa chọn, vừa hội tụ đầy đủ các giá trị chung của nhân loại, vừa khẳng định những giá trị đặc thù do điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước ta quy định.
    Việt Nam đã lựa chọn mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân vì Nhân dân, thì Nhà nước ta sẽ vẫn giữ vững bản chất của kiểu nhà nước XHCN và đương nhiên Đảng vẫn phải được thừa nhận là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là đặc trưng bản chất của CNXH, là bảo đảm căn bản của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
    Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã có, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân có những đặc trưng sau đây:
    Một là, bảo đảm thực thi đầy đủ nguyên lý chủ quyền nhân dân trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Bảo đảm Nhà nước thực sự là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân cả trong tinh thần và thực tiễn vận hành: Nhà nước phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Việc thực thi quyền lực nhà nước thực sự vì lợi ích công, trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả tình trạng tham nhũng và các biểu hiện tha hóa quyền lực. Đây cũng là sự bảo đảm chắc chắn tính chính đáng, chính danh của nhà nước.
    Hai là, quyền lực nhà nước là có giới hạn một cách rõ ràng bằng Hiến pháp và luật: mọi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của nhà nước, các cơ quan nhà nước đều được Hiến pháp, Luật và các văn bản pháp luật khác quy định rõ ràng, bảo đảm các cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước không thể tùy tiện thực hiện các hành vi ngoài quy định của pháp luật, Nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước có thể kiểm đếm được thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước.
    Ba là, quyền lực nhà nước là thống nhất, mối quan hệ giữa các thiết chế lập pháp, hành pháp và tư pháp trong bộ máy nhà nước được điều chỉnh bởi nguyên tắc quyền lực của mỗi cơ quan đều được phân định rõ ràng, bảo đảm độ tương đối với nhau và có sự kiểm soát quyền lực lẫn nhau (quyền lực kiểm soát quyền lực) trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
    Bốn là, thượng tôn pháp luật được bảo đảm trong mọi hành vi ứng xử của nhà nước đối với xã hội và đối với thị trường: bảo đảm mọi hành vi ứng xử của nhà nước, của các cơ quan nhà nước, của các quan chức nhà nước đều có thể chịu sự tài phán của tòa án độc lập, không thiên vị; không có vùng cấm trong xử lý các hành vi vi phạm. Cơ chế tài phán Hiến pháp được thiết lập và vận hành một cách hiệu quả.
    Năm là, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước được bảo đảm. Trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước (nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo) được xác định rõ ràng và bảo đảm trên thực tế. Sự kiểm soát quyền lực trong thực thi công vụ được bảo đảm theo hướng cán bộ, công chức có quyền càng lớn, chức vụ càng cao thì sự kiểm soát quyền lực càng chặt chẽ.
    Sáu là, độc lập trong hoạt động xét xử (độc lập tư pháp) được bảo đảm một cách đầy đủ và thực chất (thể hiện cả trong cách thức tổ chức các cơ quan tư pháp điều kiện bảo đảm về ngân sách, nguồn bổ nhiệm, chế độ đãi ngộ đôi với đội ngũ cán Bộ Tư pháp v.v.).
    Bảy là, nhà nước xây dựng được hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, khả thi, thống nhất, đồng bộ, ổn định, dễ tiên liệu và dễ tiếp cận. Pháp luật vừa là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội, đồng thời là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước. Pháp luật không những phải được ban hành đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức, đúng trình tự thủ tục luật định, mà phải thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và phải vì mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân.
    Tám là, phân định thẩm quyền trung ương, địa phương (phân cấp): một cách rõ ràng, bằng luật định, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, từng bước thực hiện nguyên tắc tự quản địa phương.
    Chín là, tôn trọng đầy đủ cam kết quốc tế, tham gia tích cực vào các cơ chế quản trị toàn cầu để góp phần vào sự phát triển chung của thế giới và bảo vệ thỏa đáng/có hiệu lực lợi ích quốc gia.
    Mười là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.
    3. Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    Có thể khẳng định rằng, 05 bản Hiến pháp của nước ta (1946, 1959, 1980, 1992 sửa đổi bổ sung 2001 và 2013) là năm nấc thang lớn vươn tới dân chủ và nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện sự nhận thức, tiếp cận ngày càng đầy đủ hơn học thuyết về nhà nước pháp quyền hiện đại. Nghiên cứu lịch sử lập hiến Việt Nam có thể thấy rằng, Hiến pháp năm 1946 do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, tuy không hề nhắc đến khái niệm pháp quyền hay nhà nước pháp quyền nhưng là bản Hiến pháp biểu hiện đầy đủ hơn cả những yếu tố cốt lõi của nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) là Hiến Pháp đầu tiên khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng nguyên tắc pháp quyền lại chưa được quy định đầy đủ xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp. Phải đến Hiến pháp 2013, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mới được đánh giá là có bước nhảy vọt về chất, tiếp cận đầy đủ hơn những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền hiện đại. Cụ thể hoá những nguyên tắc hiến định về nhà nước pháp quyền trong Hiến Pháp 2013, Nhà nước ta đã có những cố gắng vượt bậc trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và dân chủ, nhân quyền và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện ở những thành công bước đầu quan trọng như sau:
    Một là, đã tạo dựng được về cơ bản cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nguyên tắc nhân dân làm chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, quyền lực nhân dân chi phối và quyết định quyền lực nhà nước. Các quyền hiến định của nhân dân, nhất là quyền dân chủ trực tiếp, đã được pháp luật từng bước cụ thể hóa, đang đi vào thực tiễn đời sống xã hội; nhà nước có trách nhiệm hơn trước nhân dân.
    Hai là, quyền lực nhà nước được phân công hợp lý, được giới hạn chặt chẽ hơn bằng Hiến pháp và luật (Điều 2 Hiến pháp 2013).
    Ba là, vị trí tối cao của Hiến pháp và luật được khẳng định, ý thức thượng tôn pháp luật được nâng cao khá rõ trong xã hội nói chung và trong bộ máy nhà nước nói riêng, ứng xử của nhà nước đối với xã hội và thị trường đã từng bước bảo đảm theo tinh thần pháp quyền. Các hành vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, của các quan chức nhà nước, của mọi người dân đều bị xử lý và chịu sự tài phán của tòa án, không thiên vị, không có vùng cấm.
    Bốn là, trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước (nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo) được xác định. Sự kiểm soát quyền lực trong thực thi công vụ được bảo đảm theo hướng cán bộ, công chức có quyền càng lớn, chức vụ càng cao thì sự kiểm soát quyền lực càng chặt chẽ.
    Năm là, hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện theo hướng ngày càng tiếp cận đầy đủ hơn với yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền, thể hiện ở chỗ: (i) Quy trình xây dựng và ban hành pháp luật bảo đảm ngày một dân chủ, công khai, gắn với đời sống xã hội hơn; (ii) Nội dung pháp luật thể hiện đầy đủ hơn ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, không những vì mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân, mà còn bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển và an toàn pháp lý; (iii) Tính minh bạch, khả thi, thống nhất, đồng bộ, ổn định, dễ tiên liệu và dễ tiếp cận của pháp luật ngày càng được nâng cao; (iv) Pháp luật, vì vậy, không còn chỉ là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội, mà quan trọng hơn đang từng bước trở thành thiết chế để nhân dân thể hiện và thực hiện quyền lực của mình, kiểm soát quyền lực nhà nước.
    Bên cạnh những thành công cơ bản nêu trên, xét theo yêu cầu của Hiến pháp 2013 về xây dựng nhà nước pháp quyền, thì có thể nói rằng, việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền cũng còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ lụy là năng lực, hiệu lực của Nhà nước ta còn thấp, đang gây nhiều trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện ở chỗ:
    Thứ nhất, bộ máy nhà nước ta vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa được phân công thật rành mạch, phân quyền chưa đủ mạnh, kiểm soát chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng thẩm quyền vừa bị phân mảnh, manh mún, vừa có sự trùng giẫm, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vừa dễ bị lạm dụng vì lợi ích riêng. Trong khi đó, lại thiếu cơ chế kết nối để tạo nên sức mạnh chung; ở tầm Chính phủ còn thiếu một thiếu chế trung tâm đủ mạnh để bảo đảm sự nhất quán, thông suốt trong thực hiện chính Sach, thiếu sự giám sát chặt chẽ, giám sát chủ yếu dừng lại ở giám sát tuân thủ (t luận giám sát đúng quy trình đang là phổ biến), chưa chú trọng giám sát kết quả thi, hiện. Do đó, các hiện tượng trên bảo dưới không nghe, chính sách bị cản trở, bị biến dạng vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhánh, lợi ích cá nhân đang là một thực tế. Vì vậy, việc phải làm là tập trung cải cách làm giảm sự cát cứ, manh mún trong khu vực công, xóa bỏ tình trạng chồng chéo về thẩm quyền giữa các cơ quan (cả dọc và ngang) trong bộ máy nhà nước, phân quyền, phân công, phân cấp về quyền thật rõ ràng.
    Thứ hai, vẫn còn tình trạng Nhà nước trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế, bao biện làm thay xã hội, tuy đã giảm nhiều cùng với tiến trình cải cách, nhưng còn ở mức khiến các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới gọi là nhà nước bị thương mại hóa, thông qua doanh nghiệp nhà nước, thông qua doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ thân hữu với quan chức nhà nước, thông qua việc phân bổ một số nguồn lực quan trọng, nhất là đất đai, tài chính bằng quyết định hành chính. Vì vậy, trên thực tế, vẫn " còn cơ chế xin - cho, vẫn còn tình trạng Nhà nước ta vừa là chủ thể quản lý, vừa là chủ thê của khá nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử công tư không được phân biệt rõ ràng tạo dư địa cho tiêu cực, tham nhũng, làm méo mó cơ chế thị trường. Nếu không thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết vấn đề này thì đây là lực cản lớn cho sự phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng.
    Thứ ba, Nhà nước ta chưa chú trọng đúng mức đến việc xây dựng một hệ thống hành chính dựa trên nguyên tắc chức nghiệp thực tài. Đây là yếu tố cơ bản thể hiện năng lực đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của nhà nước. Việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá công chức chưa thực sự theo nguyên tắc chức nghiệp thực tài mà vẫn còn dựa trên quan hệ thân hữu, dòng tộc, thậm chí quan hệ tư lợi (tham nhũng, tiêu cực) thay vì dựa trên năng lực của cán bộ. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, không có gì hủy hoại năng lực bộ máy hành chính bằng hình thức tuyển dụng, sử dụng, đề bạt cán bộ dựa trên quan hệ thân hữu, đỡ đầu và hối lộ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải thiết lập một cơ chế để người giỏi nhất được tuyển chọn sử dụng và đề bạt, đảm bảo mức độ liêm chính cao hơn trong nền công vụ bằng việc sắp xếp công việc theo vị trí việc làm, cải cách tiền lương và cải cách về tổ chức đánh giá cán bộ dựa vào thành tích công tác.
    Thứ tư, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước dân còn hình thức, chưa thực chất do:
    (1) Quy định về trách nhiệm của Nhà nước, từng cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước chưa đủ cụ thể, rõ ràng đến mức người dân chưa có thể kiểm đếm được trách nhiệm đó.
    (ii) Tính minh bạch về trách nhiệm chưa cao, đang cản trở người dân trong việc truy cứu trách nhiệm của nhà nước, của công chức,
    (iii) Các tổ chức xã hội ở nước ta được phát triển mạnh về số lượng nhưng vai trò và năng lực vẫn còn nhiều hạn chế, tác động còn rất khiêm tốn đến việc hoạch định chính sách công và truy cứu trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
    (iv) Các cơ quan có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh, chủ yếu là giám sát, thanh tra, kiểm tra tuân thủ, chưa thực hiện tốt việc giám sát kết quả thực hiện.
    (v) Trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân chưa được phân biệt rõ ràng dẫn đến tình trạng trách nhiệm tập thể trở thành nơi ẩn náu, trà trộn của trách nhiệm cá nhân, gây nhiều khó khăn cho việc truy cứu trách nhiệm cá nhân. Thêm vào đó, cũng còn lẫn lộn giữa trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị, hầu như chưa có cơ chế truy cứu trách nhiệm chính trị.
    Vì vậy, đề cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước nhân dân cần được đẩy mạnh, coi đây là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền.
    Thứ năm, bên cạnh còn nhiều việc phải làm trong hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền, thì thực thi pháp luật đang là khâu có nhiều yếu kém nhất, gây bức xúc trong xã hội. Thực thi pháp luật không nghiêm, thiếu công bằng, tuỳ tiện đang là yếu tố lớn làm nản lòng các nhà đầu tư, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật và nguy hại hơn là làm cho pháp luật rơi vào tình trạng bị khinh nhờn, nguyên tắc pháp quyền chưa được hiện thực hóa trong đời sống xã hội.
    4. Định hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam
    Trong những năm sắp tới, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[1]. Định hướng chung là: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Theo định hướng đó, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra trong thời gian tới phải: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”[2] là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị trong những năm tới.
    Có thể nói lần đầu tiên thuật ngữ: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” chính thức được sử dụng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta. Đây là sự tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn bản chất và định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong điều kiện mới.
    Nhằm hướng tới xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một quốc gia thịnh vượng, yêu cầu đặt ra hàng đầu là phải: (i) Chú trọng hoàn thiện nhà nước pháp quyền nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực của nhà nước; (ii) Tạo dựng cho được một hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền, theo đó tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm phục vụ của nhà nước trước nhân dân được đề cao và được hiện thực hóa trong đời sống xã hội; pháp luật phải thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh, đủ rộng về không gian pháp lý để người dân làm ăn và sinh sống, pháp luật là cơ sở để tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước, được các cơ quan nhà nước nghiêm chỉnh chấp hành, áp dụng công bằng, nhất quán và không thiên vị. (Tinh thần này đã được thể hiện rõ ràng tại Điều 8, Hiến pháp 2013 của nước ta). Đồng thời, làm thế nào để thể chế nhà nước pháp quyền đủ sức khắc phục được tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang là quốc nạn, đấu tranh tiến tới xóa bỏ cho được những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, cát cứ, lãng phí của công, lạm dụng của công. Sinh ra nhà nước, nhất là nhà nước được tổ chức, vận hành theo nguyên tắc pháp quyền là để quản trị, quản lý và phục vụ xã hội vì mục tiêu phát triển. Từ đó, có thể nói rằng kiến tạo phát triển là thuộc tính vốn có, là lý do tồn tại bền vững của Nhà nước pháp quyền. Phát triển về kinh tế, xã hội, bảo đảm quyền công dân, quyền con người là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đo lường năng lực quản trị, quản lý và phục vụ của Nhà nước. Vì vậy, để có thể làm được vai trò kiến tạo phát triển, Nhà nước phải có năng lực thực sự, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách lập pháp theo nguyên tắc pháp quyền mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Vấn đề đặt ra ở đây là phải thực hiện phân công thẩm quyền thật rành mạch, trên cơ sở đó có phương thức phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng quản lý.
     Đồng thời cũng cần xây dựng cho được một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đủ mạnh, bảo đảm kiểm soát từ ba phía: (i) Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước với nhau (kiểm soát bên trong); (ii) Kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực thông qua việc ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp đầy đủ hơn nữa và đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; (iii) Kiểm soát quyền lực thông qua việc tăng cường năng lực của các thiết chế kiểm soát chuyên nghiệp, trong đó cần sớm xây dựng cơ chế bảo hiến mà Hiến pháp 2013 đã giao cho luật định. Từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động ra quyết định của cơ quan công quyền (Xây dựng luật về quyết định hành chính). Để tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam, xin đề xuất một số định hướng cụ thể như sau:
    a) Đối với Quốc hội: (1) Quốc hội hoạt động chuyên trách; nâng cao chất lượng đại biểu trên cơ sở đổi mới chế độ bầu cử theo hướng thiết kế lại bản đồ bầu cử, theo đó mỗi một khu vực bầu cử chỉ bầu một đại biểu, khuyến khích ứng cử, bảo đảm tính cạnh tranh cao và thực chất trong bầu cử; thiết lập Văn phòng đại biểu tại khu vực bầu cử để phục vụ hoạt động của đại biểu, gắn đại biểu với cử tri ở khu vực bầu cử; (2) Hạn chế tiến tới bỏ việc uỷ quyền lập pháp cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ để bảo đảm quyền lập pháp chỉ thuộc về Quốc hội (tiến tới bỏ thẩm quyền ban hành pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và bỏ thẩm quyền ban hành Nghị định độc lập của Chính phủ); (3) Xây dựng cơ chế bảo hiến để kiểm soát hoạt động lập pháp của Quốc hội.
    b) Đối với Chính phủ: (1) Giao đủ thẩm quyền, cơ cấu lại bộ máy tổ chức của Chính phủ nhằm bảo đảm để Chính phủ phát huy tốt nhất trách nhiệm là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, có quyền chủ động khởi xướng và hoạch định chính sách, thực hiện chức năng quản lý và điều hành vĩ mô, tổ chức và bảo đảm việc thi hành pháp luật trên phạm vi toàn quốc; (2) Với trách nhiệm bảo đảm thi hành pháp luật trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ cần được giao quyền công tố để nhân danh quyền lực công - yêu cầu toà án xét xử mọi hành vi vi phạm phát luật và thực hiện nguyên tắc công tố, trực tiếp chỉ đạo điều tra góp phần khắc phục tình trạng cắt khúc trong tố tụng hình sự; (3) Chuyển nhiệm vụ quản lý hành chính, tổ chức, nhân sự, tài chính của Toà án sang cho Chính phủ nhằm bảo nguyên tắc độc lập trong xét xử của Toà án; (4) Cho phép Chính phủ được bảo vệ tới cùng trước Quốc hội đối với dự án luật mà Chính phủ trình;
    c) Đối với Chủ tịch nước: Quy định quyền yêu cầu Quốc hội xem xét lại dự án luật đã được thông qua trước khi công bố trên cơ sở đề nghị của Chính phủ (Hiến pháp năm 1946 đã có quy định này, hiện nay theo Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước chỉ có quyền yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại dự án pháp lệnh trước khi công bố).
    d) Đối với cơ quan Tư pháp: (1) Xác định tư pháp là xét xử, từ đó khẳng định cơ an tự pháp là Toà án; (2) Bỏ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát (chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố thuộc Chính phủ); (3) Toà án phải được giao đủ thẩm quyền và tăng cường năng lực để đủ khả năng xem xét, giải quyết hết các tranh chấp xảy ra trong xã hội; (4) Giao cho Toà án thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của cá nhân, tổ chức đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp Chính phủ trở xuống nếu những văn bản đó xâm phạm tới lợi ích của cá nhân, tổ chức; (5) Cơ quan điều tra hình sự cần được tổ chức thành một hệ thống riêng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan công tố, đảm bảo và mở rộng dân chủ trong tranh tụng.
    đ) Đối với Chính quyền địa phương: (1) Giảm mạnh cấp chính quyền địa phương (Chính quyền địa phương ở nông thôn nên chỉ 2 cấp, chính quyền địa phương ở đô thị nên là một cấp thống nhất); (2) Thực hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương đi đôi với việc tăng cường sự kiểm soát của cơ quan nhà nước cấp trên; (3) Xác định Uỷ ban nhân dân vừa là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, vừa là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa HĐND và UBND trên địa bàn.
    e) Trong mối quan hệ với kinh tế thị trường, Nhà nước cần tận tụy thực hiện tốt các chức năng vốn có trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, không thực hiện những công việc mà người dân (khu vực tư nhân) có thể làm được (nhất là kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân đã đủ sức đảm nhận), đồng thời tập trung xây dựng pháp luật, duy trì trật tự công trên thị trường và trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Nhà nước xây dựng và thực thi có hiệu quả các quy tắc pháp lý về sở hữu, tự do hợp đồng, tự do kinh doanh, tự do lập hội, giải quyết tranh chấp để mọi người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh, tự do lập hội nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất, hình thành hệ thống thị trường đồng bộ. Nhà nước xây dựng và thực thi có hiệu quả các quy tắc pháp lý điều tiết các hoạt động kinh tế nhằm khắc phục những trục trặc, khuyết tật của cơ chế thị trường.
    g) Đối với quyền dân chủ của nhân dân, quyền công dân, quyền con người: (1) Tiếp tục hoàn thiện các lĩnh vực pháp luật theo hướng ghi nhận đầy đủ quyền của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đi đôi với việc xác định rõ các điều kiện thực hiện quyền, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; (2) Các quyền công dân, quyền con người được quy định trong Hiến pháp chưa có hiệu lực trực tiếp, chưa có cơ chế tố tụng hiến pháp để bảo vệ khi bị cơ quan công quyền xâm phạm, khá nhiều quyền chưa có cơ chế thực thi. Do đó, cần phải khẩn trương xây dựng, ban hành các luật còn thiếu như Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật dân chủ ở cơ sở, Luật bảo bí mật đời tư, Luật phản biện xã hội... Các luật này phải được xây dựng theo tư duy mới, tư duy tiếp cận quyền, đề cao trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm để công dân thực hiện các quyền đó, coi luật là công cụ bảo đảm quyền, chứ không phải là thể chế trao quyền như trước đây; (3) Cần tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để loại bỏ những quy định, văn bản hạn chế quyền con người, quyền công dân không phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp 2013. Hiện nay, còn nhiều quy định của văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có quy định mang tính hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng các hình thức: (i) Quy định điều cấm; (ii) Đặt ra những điều kiện gây khó khăn cho người hưởng quyền, thực hiện quyền; (iii) quy định thủ tục hành chính vòng vo hạn chế việc tiếp cận quyền của dân; (4) Trong lĩnh vực tư pháp hình sự từ góc độ tuân thủ đòi hỏi của nguyên tắc bất khả xâm phạm về thân thể; bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bất khả xâm phạm về chỗ ở; nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử; nguyên tắc độc lập xét xử; nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị tình nghi phạm tội; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử đang rất cần cơ chế pháp lý hữu hiệu để kiểm tra, giám sát chặt chẽ vì quyền con người.
    Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quá trình nhận thức, phát triển tư duy của Đảng ta ngày càng hoàn thiện hơn; đồng thời, là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm của Đại hội XIII là thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


    [1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 174
    [2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 174 - 175, 284

    Tác giả bài viết: ThS. Võ Thị Thu Hằng - Khoa Đào tạo nghiệp vụ
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình