17:42 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 103607
    • Tháng hiện tại: 2714850
    • Tổng lượt truy cập: 69700001

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học

    Đánh giá tính công bằng của Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam hiện hành

    Thứ sáu - 07/07/2017 14:08

    Benjamin Franklin đã nói “Không có gì trên thế giới là không thay đổi chỉ trừ cái chết và thuế”, nói như vậy để khẳng định tính tất yếu của thuế trong xã hội. Bởi thuế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu cho ngân sách; thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô nền kinh tế và quan trọng hơn là đảm bảo sự công bằng trong xã hội.

    Tính công bằng của thuế cũng chính là một trong những yếu tố để tạo nên một hệ thống thuế tốt. Đối với hệ thống thuế của Việt Nam, tính công bằng đã được thể hiện trong một số đạo luật thuế mà điển hình nhất đó là thuế Thu nhập cá nhân.        
    1. Những vấn đề chung về tính công bằng của thuế
    1.1.  Khái niệm tính công bằng của thuế
    Công bằng là đòi hỏi khách quan từ phía người nộp thuế vì đây chính là giá mà họ phải trả có tính chất bắt buộc cho những hàng hoá và dịch vụ công cộng. Một hệ thống thuế quá bất công có thể là một phần nguyên nhân gây ra các biến động chính trị như cách mạng Pháp, Hoa Kỳ[1]. Nói về vấn đề công bằng trong đánh thuế trong lịch sử nghiên cứu kinh tế cũng như nghiên cứu đánh thuế đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một khái niệm cụ thể rõ ràng thế nào là “công bằng “ trong đánh thuế. Những nghiên cứu chỉ dừng lại ở quan điểm, học thuyết, có thể tìm thấy tính chất công bằng của thuế trong quan điểm của Aristotel hay Adamsmith hay trong khoa học kinh tế.
    Đối với Aristotel ông nghiên cứu về sự công bằng của thuế đi từ những câu hỏi: “Ai có quyền thu thuế, tính công bằng của thuế như thế nào – cho đến sau những sự tranh luận sôi nổi về tính công bằng của thuế trực thu và thuế gián thu trong xã hội cận đại, đó là những tranh luận về thuế trong thế kỷ 17 và 18” [2].
    Còn về phía Adamsmith lại có nghiên cứu về tính công bằng của thuế một cách tổng hợp hơn. Các nguyên tắc về thuế của ông không chỉ xem xét sự công bằng giữa người trả thuế theo luật mà còn xem xét nguồn gốc của sự không công bằng và tính không rõ ràng của luật thuế[3].
    Đối với khoa học kinh tế thì chỉ đưa ra vấn đề: điều gì công bằng và điều gì không công bằng, nên xem xét sự tái phân phối qua thuế một cách công bằng như thế nào…nên có các giải pháp như thế nào? Các nhà kinh tế có thể đưa ra các ý tưởng bổ ích khác nhau - ví dụ: thuế có thể góp phần vào cấu trúc công bằng cần thiết của thu nhập, của tài sản và của lợi ích,…như thế nào?[4]
    Quan niệm về tính công bằng của thuế như trên dù có khác nhau về cách tiếp cận nhưng tựu trung lại đều hàm ý hai nguyên lý đó là: lợi ích và khả năng nộp thuế.
    1.2. Tiêu chuẩn phân phối công bằng
    Phân phối công bằng được xem xét dựa trên các tiêu chuẩn sau:[5]
    Thứ nhất, tài năng và năng lực
    Tiêu chuẩn này xuất phát từ quan điểm cho rằng cá nhân có quyền đối với kết quả lao động của mình. Một xã hội như thế là xã hội đề cao chủ nghĩa tự do và Nhà nước điều hành nền kinh tế theo chính sách để cho tư nhân tự do kinh doanh.
    Thứ hai, lợi ích tối đa cho số người được hưởng đông nhất
    Tiêu chuẩn này được hiểu đó là sự phân phối rất rộng những lợi ích, mọi người đều được hưởng ngang bằng nhau về mọi mặt.
    Thứ ba, sự công bằng chính đáng
    Tiêu chuẩn này xuất phát từ quan điểm cho rằng mọi cá nhân đều có cùng giá trị thì đều được hưởng lợi ích xã hội như nhau. Giống như sự phân phối theo khả năng riêng có, không có sự phân phối đảm bảo công bằng tuyệt đối.
    2. Tính công bằng trong Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam
     Thuế thu nhập cá nhân hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản bao gồm Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế năm 2014.  Luật Thuế thu nhập cá nhân được xây dựng dựa trên tính công bằng của thuế đặc biệt nguyên tắc khả năng nộp thuế. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:
    Thứ nhất, quy định về người nộp thuế
    Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định về đối tượng nộp thuế bao gồm cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, ngay trong quy định về đối tượng nộp thuế cũng đã thể hiện được tính công bằng khi phân chia đối tượng cá nhân cư trú  và cá nhân không cư trú. Xuất phát từ nguyên tắc đánh thuế theo lãnh thổ và đánh thuế theo thu nhập phát sinh, việc Luật Thuế thu nhập cá nhân phân chia hai đối tượng này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với quy định của các nước trên thế giới như Malaysia, Indonesia…cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tránh đánh thuế nhiều lần đối với cùng một thu nhập.
    Thứ hai, quy định về thu nhập chịu thuế
    Đối tượng đánh thuế của thuế thu nhập cá nhân là thu nhập nhận được trong kỳ tính thuế. Mục tiêu đánh thuế công bằng là một cá nhân nhận được thu nhập từ các nguồn khác nhau sẽ bị đánh thuế giống nhau. Các nhà kinh tế đều nhất trí rằng thu nhập toàn diện bao gồm không chỉ là thu nhập bằng tiền mà còn bao gồm cả thu nhập vốn và thu nhập khác. Vì vậy, cần có một số điều chỉnh để chuyển đổi mọi khoản thu nhập không bằng tiền sang thu nhập bằng tiền khi xác định thu nhập toàn diện trong xác định thu nhập chịu thuế. Quan niệm về thu nhập phản ánh chính xác khả năng trả thuế[6] . Đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành thể hiện rất rõ điều này, thu nhập chịu thuế của cá nhân được xác định là tổng thu nhập của cá nhân nhận được trong kỳ tính thuế bao gồm mười loại thu nhập quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung 2012: (i) Thu nhập từ kinh doanh; (ii)thu nhập từ tiền lương, tiền công; (iii) thu nhập từ đầu tư vốn; (iv)thu nhập từ chuyển nhượng vốn; (v)thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; (vi)thu nhập từ trúng thưởng; (vii) thu nhập từ bản quyền; (viii) thu nhập từ nhượng quyền thương mại; (ix) thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng; (x) thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
    Thứ ba, quy định về thu nhập miễn thuế
    Mặc dù Luật thuế thu nhập cá nhân quy định cá nhân có thu nhập cao và đáp ứng điều kiện theo quy định phải nộp thuế. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng và mọi loại thu nhập đều phải chịu thuế. Sự công bằng ở đây được thể hiện ở quy định về thu nhập miễn thuế nhằm thể hiện được chính sách ưu đãi của Nhà nước, tránh tình trạng “tận thu” đánh thuế vào sức người. Theo đó, tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung 2012 quy định 16 loại thu nhập được miễn thuế chủ yếu đối với các thu nhập liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp; thu nhập nhận được từ quan hệ chuyển nhượng bất động sản, nhà ở giữa những người có mối quan hệ trong gia đình; hoạt động tài chính, bảo hiểm nhân thọ và tiền lương hưu.
    Thứ tư, quy định về giảm trừ gia cảnh
    Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ  tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Sở dĩ đặt ra khoản giảm trừ này chủ yếu xuất phát từ mục đích xã hội, tạo điều kiện cho những người mang gánh nặng gia đình thực hiện được trách nhiệm của mình cũng như tránh tình trạng “đánh vào sức người”, đồng thời khoản giảm trừ còn có ý nghĩa trong khuyến khích cá nhân tham gia một số hoạt động nhất định như đóng góp từ thiện, nhân đạo... Quy định này thể hiện tính công bằng giữa những người có thu nhập cao với nhau nhưng có những điều kiện, hoàn cảnh gia đình khác nhau . Cụ thể hoá điều này tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân đã quy định mức giảm trừ như sau:
    Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);
     Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
    Ngoài mức giảm trừ gia cảnh, Luật thuế thu nhập cá nhân còn quy định mức giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
    Thứ năm, quy định về thuế suất luỹ tiến
    Thuế suất là việc xác định mức thu của nhà nước trên đối tượng tính thuế. Đối với thuế thu nhập cá nhân đảm bảo mục tiêu công bằng trong trả thuế tương ứng với nguyên tắc khả năng trả thuế, thuế suất được thiết kế theo Biểu thuế luỹ tiến có nghĩa là mức thu nhập càng cao phải chịu thuế suất cao lên tương ứng với giá trị thu nhập. Rõ ràng ở đây đã thấy được sự công bằng theo chiều dọc của thuế đảm bảo người có thu nhập cao hơn phải đóng thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp hơn, trách nhiệm của người nộp thuế thể hiện sự công bằng không có tính chất luỹ thoái như thuế gián thu. Điều này đươc quy định rõ tại Điều 22 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012, để đảm bảo tính công bằng Luật đã quy định biểu thuế như sau:
    Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng cho thu nhập từ tiền lương, tiền công. Biểu thuế chia ra càng nhiều khoảng thu nhập thì sẽ đảm bảo được công bằng hơn, Luật đã chia ra 7 khoảng thu nhập với 7 mức thuế khác nhau:

    Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm
    (triệu đồng)
    Phần thu nhập tính thuế/tháng
    (triệu đồng)
    Thuế suất (%)
    1 Đến 60 Đến 5 5
    2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
    3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
    4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
    5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
    6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
    7 Trên 960 Trên 80 35
    Mặc dù các quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân đã thể hiện được tính công bằng của thuế, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế từ các quy định cũng như thực tiễn áp dụng ảnh hưởng tới tính công bằng của Luật thuế thu nhập cá nhân. Điều này được thể hiện qua những điểm như sau:
    Thứ nhất, hệ thống thuế khá không công bằng ở Việt Nam và nguyên tắc công bằng theo chiều dọc bị vi phạm bằng nhiều cách vì nhiều lý do khác nhau[7]. Những quy định làm cho thuế thu nhập cá nhân thiếu tính công bằng đó là:
     Quy định về thu nhập miễn thuế
    Một là, Luật thuế thu nhập cá nhân hiện nay quy định thu nhập từ tiền lương tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công được xác định là thu nhập chịu thuế, trừ một số khoản phụ cấp, trợ cấp như: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ. Những quy định này cho thấy số lượng các khoản phụ cấp, trợ cấp được miễn thuế là khá nhiều làm giảm đi tính công bằng giữa các thu nhập chịu thuế hay giảm tính công bằng ngay trong cùng một loại thu nhập chịu thuế.
    Hai là, quy định về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa những người có quan hệ gia đình với nhau như giữa vợ và chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau được xác định là thu nhập miễn thuế. Theo đó, giả định một người nhận được nhiều thu nhập từ quan hệ chuyển nhượng trên cũng không phải đóng bất kỳ một đồng thuế nào. Trong khi đó quan hệ chuyển nhượng bên ngoài lại phải chịu thuế khi có từ hai quyền sử dụng đất ở trở lên. Rõ ràng, chính quy định này cho thấy không có sự công bằng giữa những đối tượng chịu thuế với nhau.
    Ba là, quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng cũng là thu nhập được miễn thuế, tuy nhiên bản thân nó đã chứa đựng sự không công bằng. Bởi lẽ, tiền gửi ngân hàng cũng là một kênh đầu tư mà đã là đầu tư thì phải nộp thuế, thêm vào đó khi chúng ta làm một phép so sánh nhỏ một người bỏ công sức ra để làm việc cả tháng nhận được mức thu nhập 9 triệu đồng, trong khi đó những người khác gửi một số lượng tiền nhiều vào ngân hàng với mức lãi suất cao thì cũng đã vượt quá ngưỡng nộp thuế. Với quy định này mức độ điều tiết thu nhập của thuế đã không đạt được như kỳ vọng.
    Quy định về thuế suất luỹ tiến
    Luật thuế thu nhập cá nhân quy định thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến đặc biệt thu nhập từ kinh doanh, tiền lương và tiền công áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần, trong đó chia ra 7 khoảng thu nhập tương ứng với 7 mức thuế suất, thu nhập càng cao chịu mức thuế suất cao theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên biểu thuế suất này cũng cho thấy không có sự công bằng giữa các đối tượng có thu nhập cao chiu thuế bởi vì khoảng thu nhập là quá ngắn. Khoảng cách từ bậc 1 đến bậc 2 chỉ có 5 triệu đồng, từ bậc 2 đến bậc 3 là 8 triệu đồng, và cho đến bậc thuế cuối cùng chỉ gấp bậc thấp nhất 16 lần. Trong khi đó ở các nước khoảng cách này là khá xa như Trung Quốc 200 lần, Malaysia 100 lần, Thái Lan 50 lần…[8].
    Thứ hai, cách tính thuế mới của Luật sửa đổi bổ sung các điều của các Luật về thuế cũng còn bất cập khi đang tạo ra sự bất bình đẳng, được thể hiện như sau:
    Một là, theo cách tính mới đối với những cá nhân kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 2% trên tổng doanh thu. Theo lý thuyết, sẽ có ít nhất 3 triệu hộ kinh doanh cá thể sẽ thuộc diện nộp thuế, có nghĩa là thu nhập bình quân của những hộ kinh doanh này đạt tầm 8,4 triệu/tháng đã phải chịu thuế. Trong khi đó, những người khác có thu nhập phải từ 9 triệu đồng/tháng mới phải chịu thuế. Điều này đã thấy rõ được thiếu sự công bằng giữa những đối tượng nộp thuế này.
    Hai là, quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân dường như đang đánh đồng các đối tượng nộp thuế, giữa người cho thuê nhà ở và người cho thuê văn phòng, chung cư cao cấp[9]. Những thu nhập nhận được từ những nguồn này có sự chêch lệch đáng kể, nhưng khi xác định để chịu thuế thì lại không có sự phân biệt về giá trị tài sản.
    3. Kiến nghị hoàn thiện Luật thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo tính công bằng của thuế
    Để Luật thuế thu nhập cá nhân thực sự đảm bảo được tính công bằng của thuế đòi hỏi những hoàn thiện từ các quy định của pháp luật. Cụ thể:
    - Quy định về thu nhập miễn thuế có thể xem xét giảm các loại thu nhập miễn thuế trong đó giảm các loại trợ cấp, phụ cấp.
    - Bổ sung quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng là loại thu nhập chịu thuế.
    - Vẫn tiếp tục quy định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của những người có quan hệ gia đình với nhau, tuy nhiên nên khống chế số lượng nhất định đối với những bất động sản này.
    - Quy định thuế luỹ tiến từng phần áp dụng cho thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công nên giãn khoảng cách mức thu nhập chịu thuế làm sao cho mức cao nhất cách mức thấp nhất lớn hơn 16 lần và ở mức phù hợp nhất với thu nhập chịu thuế của người Việt Nam.
    - Nên quy định lại mức chịu thuế của những hộ kinh doanh cá thể, có thể nâng mức trung bình lớn hơn ngưỡng chịu thuế của các đối tượng khác. Luật thuế thu nhập cá nhân cần phải có sự phân biệt rõ giữa đối tượng nộp thuế là hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người đi làm.
    - Nên có sự phân biệt về giá trị tài sản đem lại thu nhập chịu thuế, không nên đánh đồng tất cả các loại tài sản đem lại thu nhập cho người nộp thuế có như vậy mới tạo nên sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
    Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, để đảm bảo được tính công bằng của thuế cần có những giải pháp khác về con người, về các cơ quan thực thi cũng như về cơ sở vật chất. Từ đó, thuế thu nhập cá nhân mới phát huy được vai trò tái phân phối thu nhập và thực hiện công bằng xã hội./.


    [1] Giáo trình Lý thuyết tài chính công, Trường Đại học kinh tế TP.HCM,  Nxb Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh (2006), tr.145
    [2] Lý thuyết và chính sách thuế, Học viện Tài chính, Nxb Tài chính (2009), tr. 138
    [3] Lý thuyết và chính sách thuế, Học viện Tài chính, Nxb Tài chính (2009), tr. 138
    [4] Lý thuyết và chính sách thuế, Học viện Tài chính, Nxb Tài chính (2009), tr. 139
    [5] Lý thuyết và chính sách thuế, Học viện Tài chính, Nxb Tài chính (2009), tr. 140
    [6] Lý thuyết và chính sách thuế, Học viện Tài chính, Nxb Tài chính (2009), tr. 235-236
    [7] Gangadha Prasad Shukla, Phạm Minh Đức, Michael Engelschalk(Đồng chủ biên), Cải cách thuế ở Việt Nam hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn, Ngân hàng thế giới, Ban quản lý Kinh tế và xoá đói giảm nghèo khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, ngày 30/09/2011, Mã số 66317, tr 49.
    [8] http://www.tinmoi.vn/nen-dieu-chinh-lai-cac-bac-thue-thu-nhap-ca-nhan-01643391.html
    [9]http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-moi-thieu-cong-bang-de-tieu-cuc-808673.tpo
     

    Tác giả bài viết: Phương Huyền
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình