07:51 ICT Thứ tư, 22/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 39661
    • Tháng hiện tại: 2799232
    • Tổng lượt truy cập: 69784383

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Bảo về quyền lợi của cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần theo Pháp luật Việt Nam

    Thứ sáu - 20/10/2017 22:32

    Tóm tắt: Bài viết cung cấp bức tranh tương đối đầy đủ về các khái niệm, cơ chế bảo vệ CĐTS trong CTCP theo pháp luật hiện hành, trên cơ sở nội hàm của khái niệm, bài viết đã làm rõ cơ chế pháp lý bảo vệ cổ đông thiểu số theo pháp luật trong 5 nội dung: (i) Bảo vệ quyền về tài sản của cổ đông thiểu số; (ii) Bảo vệ quyền quản trị công ty của cổ đông thiểu số; (iii) Bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của cổ đông thiểu số; (iv) Bảo vệ quyền khởi kiện người quản lý công ty của cổ đông thiểu số và (v) Quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài huỷ quyết định của Đại hội đồng cổ đông cũng như làm rõ được những hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, nêu lên thực tiễn thực hiện pháp luật và từ những thực trạng, thực tiễn đó đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ CĐTS trong CTCP để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật trong việc bảo vệ CĐTS.

    1. Một số vấn đề lý luận về bảo vệ quyền lợi của CĐTS trong CTCP
    1.1. Cổ đông thiểu số
    CĐTS là khái niệm trên thực tế còn tồn tại rất nhiều tên gọi khác nhau. Đặt trong mối quan hệ tương quan với cổ đông sở hữu nhiều vốn, thì người ta có thể gọi cổ đông sở hữu ít vốn là cổ đông ít vốn, cổ đông nhỏ hay CĐTS, thậm chí có người còn gọi họ với cái tên ví von là “những ông chủ thấp cổ bé họng”[1].
    Hiện nay, về mặt pháp luật thực định chúng ta chưa có một định nghĩa về CĐTS hay các đặc điểm về CĐTS, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, chúng ta có thể tiếp cận định nghĩa này trong mối quan hệ với định nghĩa về “cổ đông lớn”. Như vậy, khi đưa ra khái niệm CĐTS cần phải dựa vào đồng thời hai tiêu chí là: (i) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty và (ii) Khả năng tham gia vào quá trình quản lý, kiểm soát công ty của cổ đông. Bởi lẽ, “nếu không tính đến khả năng kiểm soát công ty thì bản thân số lượng cổ phần không thể xác định được vị trí của cổ đông là cổ đông thiểu số hay cổ đông đa số”[2].
    Tóm lại, khái niệm cổ đông thiểu số được hiểu một cách tương đối như sau: Cổ đông thiểu số là cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong công ty cổ phần và không có khả năng chi phối, kiểm soát hoạt động của công ty.
    1.2. Nhóm cổ đông
    Cho đến nay, vẫn chưa có một quy định nào của pháp luật đưa ra định nghĩa về nhóm cổ đông, tuy nhiên từ các quy định của pháp luật, có thể hiểu rằng “Nhóm cổ đông là tập hợp các cổ đông thiểu số sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty (khoản 2, Điều 114 LDN 2014).
    Như vậy, nhóm cổ đông có thể được tạo ra từ nhiều cách thức khác nhau, bởi theo nguyên tắc chỉ cần hai cổ đông trở lên tập hợp lại với nhau cũng tạo thành một nhóm cổ đông. Nhưng nhóm cổ đông theo quy định của pháp luật phải là nhóm cổ đông đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về thời gian sở hữu cổ phần của các cổ đông và tổng số cổ phần mà nhóm cổ đông sở hữu.
    1.3. Khái niệm bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số
    Trong ngôn ngữ tiếng Việt, bảo vệ có nghĩa là (1) chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm để giữ gìn cho được nguyên vẹn; (2) bênh vực bằng lý lẽ để giữ vững ý kiến hay quan điểm[3]; bảo vệ quyền lợi có nghĩa là bảo vệ các lợi ích được hưởng, mà người khác không được xâm phạm đến.
    Do vậy, bảo vệ quyền lợi CĐTS trong CTCP được hiểu là: hoạt động pháp lý được thực hiện bởi những chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ các lợi ích được hưởng của cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần nhằm phòng ngừa, trừng trị hành vi vi phạm quyền của cổ đông thiểu số, đồng thời phục hồi những quyền đã bị hạn chế, tước bỏ bởi hành vi vi phạm quyền của cổ đông thiểu số.
    2. Thực trạng bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần
    2.1. Bảo vệ quyền về tài sản của cổ đông thiểu số
    2.1.1. Quyền ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành cổ phần mới
    Đối với CTCP, LDN 2014 quy định, khi CTCP muốn huy động thêm nguồn vốn hoặc tăng vốn điều lệ thì CTCP có quyền phát hành thêm cổ phần mới. Và khi đó, tất cả các cổ đông hiện hữu có quyền mua thêm những cổ phần mới phát hành đó, theo một tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình trong công ty. Khoản 5 Điều 113 LDN 2014 quy định: “Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau”.
    Khi phát hành thêm cổ phần mới, các công ty thường dành một tỷ lệ cổ phần nhất định để bán cho các cổ đông hiện có của công ty với giá ưu đãi. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, các cổ đông lớn, người quản lý công ty thường sử dụng việc phát hành thêm cổ phần mới, để thực hiện ý đồ tăng tỉ lệ sở hữu của mình trong công ty nhằm thâu tóm công ty và nhằm lấy đi một phần tài sản chung của tất cả cổ đông trong công ty. Trong đó, đối tượng chính bị bóc lột là CĐTS. Khi công ty phát hành thêm cổ phần mới thì không phải CĐTS nào cũng có thông tin rõ ràng về việc phát hành này. Bên cạnh đó, cổ đông lớn và thành viên HĐQT là người của họ, lợi dung ưu thế về số phiếu biểu quyết của mình để thông qua những quyết định bất lợi cho cổ đông nhỏ, ngăn cản, hạn chế CĐTS thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành cổ phần mới. Có rất nhiều CTCP quyết định giá bán cổ phần mới cho cổ đông lớn thấp hơn nhiều lần so với giá bán cho CĐTS và thấp hơn giá thị trường, sao cho có lợi nhất cho cổ đông lớn. Đồng thời, cũng ưu tiên cho cổ đông lớn được mua cổ phần mới với số lượng nhiều hơn.
    Các cổ đông lớn thường sử dụng nhiều chiêu thức, mánh khóe tinh vi để xâm phạm quyền ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành cổ phần mới của CĐTS. Các cổ đông lớn có thể làm được như vậy vì số biểu quyết lớn hơn, do đó khi họ liên thủ, thỏa hiệp lại với nhau thì hầu hết các quyết định dễ dàng được thông qua. Một thực tế nữa là cổ đông lớn thường nằm trong Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc có đại diện của mình trong các cơ quan như HĐQT, Ban Kiểm soát (BKS), vì vậy họ dễ dàng thỏa hiệp với nhau. Cổ đông nhỏ cho dù muốn phản đối vẫn không thay đổi được, mặt khác, do tâm lý phó mặc của cổ đông nhỏ và trong  CTCP thiếu đoàn kết nên dẫn đến tình trạng này.
    2.1.2. Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần
    LDN 2014 quy định cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần mà mình đang sở hữu trong những trường hợp nhất định. Cụ thể, khoản 1 Điều 129 LDN 2014 quy định: “Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình”.
    Một vấn đề đặt ra là khi cổ đông đã có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình, thì làm sao để họ thực hiện quyền đó và đảm bảo quyền lợi của mình? Khi yêu cầu công ty mua lại cổ phần thì giá mua là vấn đề nhiều cổ đông quan tâm, nếu không có quy định cụ thể thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Vì vậy, theo khoản 2 Điều 129 LDN 2014 thì có thể thấy việc công ty mua lại cổ phần của cổ đông theo khoản 1 Điều 129 LDN 2014 có phần phức tạp, kéo dài thời gian, do đó có thể gây bất lợi cho cổ đông, đặc biệt là CĐTS.
    LDN 2014 quy định thời hạn mà công ty phải mua lại cổ phần của CĐTS là 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của CĐTS, tác giả cho rằng thời hạn đó là quá dài. Bên cạnh đó, khi không thỏa thuận được về giá và không tìm được nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, thì giá cổ phần sẽ được xác định bởi một tổ chức định giá chuyên nghiệp nhưng LDN 2014 lại không quy định cụ thể chi phí định giá sẽ do cổ đông yêu cầu hay công ty thanh toán. Do đó, các công ty có thể dựa vào điều này để hạn chế quyền yêu cầu mua lại cổ phần của CĐTS, bằng cách yêu cầu cổ đông phải trả ít nhất là một nửa, hoặc toàn bộ chi phí này.
    2.2. Bảo vệ quyền quản trị công ty của cổ đông thiểu số
    2.2.1. Quyền đề cử người vào HĐQT và BKS
    Quyền này được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 114 LDN 2014. Tuy nhiên, hiện tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp cũng không quy định những vấn đề về số lượng ứng cử viên cụ thể mà mỗi nhóm cổ đông được đề cử.
    Trong quy định khả năng gom nhóm của cổ đông để nâng cao quyền lực cho cổ đông, thực hiện quyền một cách tập thể có phần hơi phi lý khi ràng buộc điều kiện các cổ đông hay nhóm cổ đông phải nắm giữ cổ phần tối thiểu trong 6 tháng. Đã là chủ sở hữu thì đương nhiên có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, nhưng trong quy định này, luật lại tước đi quyền định đoạt của CĐTS; nhưng sau khi cướp đi quyền này thì lại trang bị cho họ cơ chế thực hiện quyền mình không còn.
    LDN 2014 quy định việc bầu các thành viên HĐQT và BKS phải theo phương thức bầu dồn phiếu[4]. Tuy nhiên phương thức bầu dồn phiếu không được quy định bắt buộc thực hiện như LDN 2005 (Điểm c Khoản 3 Điều 104). Trường hợp Điều lệ doanh nghiệp không quy định phương thức bầu khác trong Điều lệ thì phương thức bầu dồn phiếu sẽ được áp dụng trong việc bầu thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát. Vì chưa hướng dẫn chi tiết nên trong thực tiễn áp dụng còn lúng túng, dẫn đến tranh chấp quyền lực tại khá nhiều CTCP.
    2.2.2. Quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông
    ĐHĐCĐ là cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong CTCP, bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết. Theo quy định của LDN 2014, thì ĐHĐCĐ quyết định những vấn đề quan trọng của công ty, quyền hạn của ĐHĐCĐ là rất lớn[5].
    Trên thực tế, gần như 100% sử dụng sai cụm từ ĐHĐCĐ, vì không hiểu bản chất nó luôn luôn là một cơ quan bao gồm tất tật không thiếu bất kỳ một cổ đông nào.
    Tuy nhiên, hiện nay, các CĐTS trong nhiều CTCP đang bị hạn chế quyền dự họp ĐHĐCĐ bởi các cổ đông lớn và HĐQT dưới nhiều hình thức. Đồng thời, các quy định về quyền dự họp ĐHĐCĐ của cổ đông trong LDN 2014 còn tồn tại một số bất cập, khiến cho các cổ đông, đặc biệt là CĐTS gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền cổ đông này của mình, cũng như các khó khăn mà các CTCP gặp phải trong công tác tổ chức họp ĐHĐCĐ của mình cũng khiến cho quyền dự họp của CĐTS không được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Quyền dự họp và phát biểu chỉ là hình thức, là hư quyền, còn kết quả cuối cùng luôn được khẳng định bằng lá phiếu biểu quyết, là thực quyền, thì quyền của cổ đông nhỏ gần như không có ý nghĩa.
    2.2.3. Quyền biểu quyết và tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định tại Đại hội đồng cổ đông.
    - Quyền biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ
    Hiện nay, LDN 2014 ra đời và có hiệu lực pháp luật đã khắc phục được phần nào những hạn chế của LDN 2005 và Nghị định số 102/2010/NĐ-CP (Nghị định 102) về quyền biểu quyết của cổ đông, các nhà làm luật đã ghi nhận hình thức thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông theo hướng mở rộng, tạo điều kiện cho các cổ đông thực hiện quyền biểu quyết của mình.
    - Tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết tại ĐHĐCĐ
    Theo nguyên tắc đối vốn trong CTCP, người nào góp nhiều vốn hơn sẽ có nhiều phiếu biểu quyết hơn, do đó có khả năng chi phối ảnh hưởng nhiều hơn đối với việc thông qua các quyết định quan trọng của công ty tại ĐHĐCĐ. Vì vậy, để hạn chế việc cổ đông lớn lạm dụng quyền lực từ số phiếu biểu quyết của mình để thông qua các quyết định có lợi cho mình, gây thiệt hại đến quyền lợi của các CĐTS, đồng thời tăng thêm giá trị của quyền biểu quyết của các CĐTS thì LDN 2014 quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định tại ĐHĐCĐ theo hướng giảm xuống so với LDN 2005. Tuy nhiên với việc giảm xuống tỷ lệ thông qua các quyết định của ĐHĐCĐ nêu trên, LDN 2014 đã phần nào hạn chế quyền của cổ đông nhỏ so với quy định của LDN 2005.
    2.3. Bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của cổ đông thiểu số
    2.3.1. Nghĩa vụ công bố thông tin của CTCP
    Nhìn chung pháp luật đã quy định khá đầy đủ và chi tiết về nghĩa vụ công bố thông tin CTCP, cũng như nghĩa vụ công bố thông tin của người quản lý công ty. Tuy nhiên, trên thực tế việc công bố thông tin CTCP vẫn mang tính hình thức. Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều công ty thực hiện việc công bố thông tin thiếu chính xác, không đầy đủ hoặc không kịp thời, lợi dụng việc công bố thông tin để gây nhiễu thị trường, làm cho cổ đông nhỏ hoang mang dẫn đến việc chuyển nhượng cổ phần bị thiệt hại.
    Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông nội bộ của các công ty niêm yết tiến hành giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin.
    2.3.2 Quyền xem xét và trích lục sổ sách, tài liệu của CĐTS
    Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền này còn không ít bất cập. Một là, lượng thông tin bắt buộc phải cung cấp khi có yêu cầu là rất hạn chế; Hai là, giới hạn chủ thể được yêu cầu cung cấp, chỉ có cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền này, nếu không thỏa mãn hai điều kiện trên thì không có quyền yêu cầu.
    2.4. Bảo vệ quyền khởi kiện người quản lý công ty của cổ đông thiểu số
    Bên cạnh những điểm mới đã đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế trên thực tế khi thực hiện quyền khởi kiện người quản lý công ty tại Điều 25 của Nghị định 102 chưa được giải quyết bởi Điều 161 của LDN 2014. Bao gồm:
    Thứ nhất, không có cơ chế để ngăn chặn các vụ kiện vô căn cứ gây ảnh hưởng đến hoạt động và lợi ích của công ty;
    Thứ hai, chưa có quy định về thời điểm nắm giữ cổ phần để đủ điều kiện khởi kiện, các cổ đông có cần thiết phải nắm giữ cổ phần một cách liên tục từ thời điểm được cho là xảy ra các hành vi vi phạm cho tới thời điểm khởi kiện hay không?;
    Thứ ba, cổ đông có thể yêu cầu người quản lý chịu những loại trách nhiệm dân sự gì?;
    Thứ tư, cổ đông có quyền khởi kiện người quản lý khác của công ty mà không phải là thành viên HĐQT, Giám đốc, Tổng giám đốc.

    2.5. Quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài huỷ quyết định của Đại hội đồng cổ đông

    Bên cạnh quyền yêu cầu Toà án và Trọng tài huỷ quyết định của ĐHĐCĐ, LDN 2014 còn cho phép cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất một năm có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện quyết định của HĐQT trong trường hợp quyết định đó trái với quy định của pháp luật và Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty (khoản 4, Điều 149 LDN 2014). Tuy nhiên, đây là một vấn đề mang tính nội bộ của doanh nghiệp mà không phải một quyền năng giúp CĐTS có được sự hậu thuẫn từ Toà án hoặc Trọng tài, vì vậy trên thực tế hiệu quả mà quyền năng này mang lại là không khả thi, vì pháp luật chỉ quy định cổ đông có quyền yêu cầu mà bỏ ngỏ không quy định chế tài cho việc HĐQT không thực hiện yêu cầu hợp lý đó của cổ đông. Do đó, trường hợp cổ đông có yêu cầu mà HĐQT không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của cổ đông thì mọi chuyện đâu lại vào đó.
    3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần
    Thứ nhất, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần phải định nghĩa rõ ràng CĐTS là ai, đặc điểm của CĐTS là gì để có thể nhận dạng được họ, đồng thời để họ biết quyền và nghĩa vụ của mình ra sao.
    Thứ hai, không quy định thời hạn sở hữu, đồng thời quy định tỷ lệ nhỏ hơn 10% của cổ đông phổ thông.
    Thứ ba, văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ thế nào là vi phạm nghiêm trọng, trong những trường hợp nào thì HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông.
    Thứ tư, bổ sung quyền yêu cầu BKS: xem xét, trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của  HĐQT, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, và các báo cáo của BKS.
    Thứ năm, chỉ quy định Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ.
    Thứ sáu, vấn đề khởi kiện người quản lý công ty của CĐTS.
    - Để Tòa án không phải lúng túng trong việc xác định điều kiện khởi kiện, LDN 2014 phải quy định về thời điểm nắm giữ cổ phần để đủ điều kiện khởi kiện. Các nhà lập pháp Việt Nam có thể xây dựng quy định này trên cơ sở tham khảo pháp luật của các nước trên thế giới.
    - Về vấn đề chi phí khởi kiện, LDN 2014 phải quy định rõ công ty phải có nghĩa vụ hoàn trả cho cổ đông các chi phí khởi kiện hợp lý mà cổ đông bỏ ra khi thực hiện việc kiện phái sinh.
    - LDN 2014 nên cho phép cổ đông thực hiện quyền khởi kiện đối với tất cả các người quản lý của công ty, chứ không chỉ thành viên HĐQT, Giám đốc, Tổng giám đốc.
    Để thực hiện hiệu quả việc bảo vệ CĐTS trên thực tế, thì bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp lý liên quan, thì cần phải đảm bảo việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Chúng ta cần tăng cường sự thanh tra, giám sát và sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là UBCKNN trong hoạt động công bố thông tin và các giao dịch của CTCP trên TTCK. Đồng thời, pháp luật còn phải có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền lợi của CĐTS, để tạo sự răn đe. Và chính CĐTS cũng phải có ý thức trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, các CĐTS phải biết liên kết lại với nhau để tạo thành sức mạnh chống lại sự chèn ép của cổ đông lớn và nâng cao hiểu biết pháp luật của mình./.


    [1] Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Đình Cung (2009), “Công ty: Vốn, quản lý & Tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp 2005”, NXB Tri Thức, tr. 347.
    [2] Nguyễn Hoàng Thuỳ Trang (2008), “Bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần - So sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Vương Quốc Anh”, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Đại học Luật TP HCM, tr. 12.
    [3]Hoàng Phê (chủ biên) (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr 64  
    [4] Khoản 3 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014.
    [5] Xem Khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014.

    Tác giả bài viết: Thu Hằng
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình