Ngày 02/02/2020, Nghiên cứu sinh Lê Văn Đức,sinh năm 1980, Phụ trách khoa Đào tạo cơ bản, đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Luật Kinh tế, mã số: 9 38 01 07, tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Đề tài của luận án:“Pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động ở Việt Nam”(“Law on compensation for damages in labor relations in Vietnam”).
Chuyên ngành: 9 38 01 07
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS Nguyễn Hữu Chí;
2. PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm.
Hội đồng chấm luận án gồm các thành viên:
1. PGS.TS. Đào Thị Hằng, Viện Đại học Mở Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng.
2. TS. Đỗ Thị Dung, Đại học luật Hà Nội, Thư ký Hội đồng.
3. TS. Nguyễn Văn Bình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phản biện 1.
4. TS. Phạm Thị Thúy Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật, Phản biện 2.
5. PGS.TS. Vũ Thị Hồng Vân, Khoa Luật, Đại học Kiểm sát, Phản biện 3.
6. TS. Nguyễn Thị Thơm, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, Ủy viên Hội đồng.
7. TS. Đỗ Ngân Bình, Trường Đại học Luật Hà Nội, Ủy viên Hội đồng.
Hội đồng chấm luận án đã tiến hành bỏ phiếu kín với kết quả 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng thống nhất đề nghị Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng Tiến sĩ Luật học cho Nghiên cứu sinh Lê Văn Đức sau khi tiếp thu, sửa chữa những nội dung Hội đồng góp ý.
Những nội dung chính của luận án
Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án; chỉ ra những điểm còn tồn tại cần nghiên cứu, những điểm hợp lý để kế thừa trong quá trình nghiên cứu nhằm mở rộng hướng tiếp cận nghiên cứu và đạt được mục đích đã đề ra. Phân tích và hệ thống hoá những vấn đề lý luận về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động dưới góc độ pháp luật; đồng thời chỉ rõ sự điều chỉnh pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động, trong đó có làm rõ sự khác biệt giữa bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực lao động với các lĩnh vực khác. Nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam hiện hành về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động và thực tiễn thực hiện như: bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng lao động; bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người lao động và bồi thường thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Từ thực tiễn đó, đưa ra những yêu cầu và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động.
Thông tin tóm tắt về những đóng góp mới của luận án:
Là công trình khoa học chuyên khảo nghiên cứu một cách tương đối toàn diện và có hệ thống về pháp luật bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động, luận án có những đóng góp mới như sau:
Thứ nhất, luận án làm sâu sắc thêm những vấn đề lí luận cơ bản về bồi thường thiệt hại và pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động, như: khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa, phân loại của bồi thường thiệt hại và khái niệm, vai trò, nguyên tắc, nội dung sự điều chỉnh pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động; từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ sở lý luận về pháp luật bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động ở Việt Nam.
Thứ hai, luận án đưa ra các quy định và thực tiễn thực hiện pháp luật lao động về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động của tổ chức lao động quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới, phân tích và chỉ ra những kinh nghiệm, tạo cơ sở quan trọng để liên hệ, đánh giá pháp luật lao động Việt Nam hiện hành và tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động ở nước ta.
Thứ ba, trên cơ sở phân tích thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động ở Việt Nam hiện hành theo các nội dung cụ thể: bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật và thoả thuận của các bên; bồi thường thiệt hại do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản của người sử dụng lao động; từ đó chỉ ra những kết quả đạt được, những điểm bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động; từ đó làm cơ sở trong việc đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động ở Việt Nam.
Thứ tư, luận án trình bày sự cần thiết hoàn thiện, các yêu cầu hoàn thiện và các kiến nghị hoàn thiện pháp luật bồi thường thiệt hại với những luận giải cụ thể trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo hướng tới một hệ thống pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động hoàn thiện hơn. Đồng thời, đưa ra một giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động.
Kết quả chính của đề tài được đăng tải trên:
-Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (cơ quan của Bộ Tư pháp), ISSN: 9866 – 7535, số tháng 6 (327) năm 2019, tr. 43 – 47;
- Tạp chí Công thương (cơ quan thông tin lý luận của Bộ Công thương), ISSN: 0866 – 7756, số 8 tháng 5/2019, tr. 69 – 73;
- Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), ISSN: 1859 – 2953, số 16 (392) kỳ 2 tháng 8/2019, tr. 23 – 27.
- Sách chuyên khảo
“Quyền con người qua 5 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 12/2019.
- Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục; cổng thông tin điện tử Trường Đại học Luật Hà Nội; Thư viện Đại học Luật Hà Nội;Thư viện Quốc gia; báo Nhân dân ngày 17/1/2020…
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ bảo vệ Luận án:
Đại diện cơ sở đào tạo, TS Trần Quang Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật tặng hoa chúc mừng NCS Lê Văn Đức
NCS Lê Văn Đức chụp ảnh cùng các thành viên Hội đồng chấm luận án
NCS Lê Văn Đức và các thầy, cô hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Hữu Chí; PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm
Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng Nghiên cứu sinh Lê Văn Đức
Ý kiến bạn đọc