13:25 ICT Thứ sáu, 29/03/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 73122
    • Tháng hiện tại: 2256500
    • Tổng lượt truy cập: 28365529

    Trang nhất » Tin Tức » 10 năm thành lập

    Đêm diễn ấy Bác là trưởng đoàn

    Thứ hai - 11/05/2020 08:24

    ĐÊM DIỄN ẤY BÁC LÀ TRƯỞNG ĐOÀN
    (Thuật lại theo lời kể của Nhạc sỹ Quách Mộng Lân)
               Tôi được may mắn sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Bố và anh trai là nhạc sỹ, mẹ là diễn viên của Đoàn Văn công Quảng Bình trước đây và sau này là Đoàn Kịch nói Bình Trị Thiên. Vì vậy, tôi thường được nghe, được cảm thụ và được chia sẻ những câu chuyện của giới văn nghệ sĩ qua lời kể của bố mẹ tôi.
               … Hồi đó, mẹ con là diễn viên, bố là nhạc công kiêm sáng tác cho Đoàn Văn công Quảng Bình. Tháng 4/1966, Bộ Văn hóa điều động Đoàn Văn công Quảng Bình ra Hà Nội vừa để phục vụ nhân dân Thủ đô, vừa để trao đổi kinh nghiệm với các Đoàn Văn công các tỉnh phía Bắc về phương thức hoạt động nghệ thuật từ thời bình chuyển sang thời chiến. Nhiều tiết mục của Đoàn được biểu diễn bằng hình thức xung kích mang hơi thở của vùng đất lửa, đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân Thủ đô.
                Theo kế hoạch thì đêm 01/5/1966, Đoàn biểu diễn tại Câu lạc bộ Thống Nhất (Hà Nội) phục vụ cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhưng kế hoạch lại thay đổi bất ngờ, Đoàn phải đi phục vụ một địa điểm khác.
                Diễn ở đâu, phục vụ đối tượng nào là những câu hỏi mà anh chị em diễn viên, nhạc công cứ hỏi nhau để chuẩn bị tâm lý và lựa chọn nội dung biểu diễn cho thích hợp. Tuy nhiên, chẳng ai biết gì và tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy, ngay cả đồng chí trưởng đoàn cũng chỉ lắc đầu khi được hỏi và chỉ nói ngắn gọn “Đây là lệnh điều động đột xuất!”.
                Đúng 18 giờ, ngày 01/5/1966, xe đến đón, mọi người chỉ biết mang tinh thần biểu diễn thật tốt và lặng lẽ bước lên xe. Xe lướt nhẹ nhàng trên đường phố Hà Nội. Một lúc sau, xe từ từ tiến vào cổng Phủ Chủ tịch, đến lúc này, ai cũng hồi hộp và phán đoán rằng đây là một buổi phục vụ đặc biệt. Vì vậy, bước vào phòng chuẩn bị, ai cũng hóa trang, phục trang khẩn trương, nghiêm túc. Đang chăm chú làm việc thì một tiếng vọng từ ngoài dội vào: “Bác Hồ đến!”
                Kể đến đây, tôi cảm nhận được những sắc thái trong tinh thần của bố, dường như mọi cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Mà cũng đúng thôi, bất kỳ ai là người Việt Nam cũng đều mơ ước được một lần nhìn thấy Bác Hồ bằng xương, bằng thịt, huống chi bố mẹ tôi lại được trực tiếp biểu diễn phục vụ cho Bác, điều đó quá vinh dự đối với một người nghệ sĩ.
               Ngừng một lúc như để giây phút chiêm bao ấy chậm trôi, ông lại tiếp:
               Chưa kịp định thần thì Bác Hồ xuất hiện như một Ông Tiên trong bộ quần áo bà ba màu nâu giản dị con ạ. Thật là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, mọi người ùa lại vây quanh Bác, líu ríu tiếng chào hỏi và ai cũng muốn chen vào gần Bác để được nhìn tận mắt con người bằng xương, bằng thịt như để thỏa nỗi ước mơ bấy lâu nay.
              Mặc dù rất vui, nhưng ai nấy đều cay cay nơi khóe mắt, nhất là chị em con gái, như mẹ con đấy. Thấy vậy Bác nói “Gặp Bác phải vui chứ sao lại khóc?”. Nói thế nhưng chính Bác cũng lấy khăn mùi soa để lau những giọt nước mắt của mình. Bác lại hỏi tiếp: “Có cháu nào ốm phải không?”.
               Con biết không, Bác Hồ thường xuyên phải lo những việc lớn của dân, của nước, nhưng những chuyện nhỏ nhặt liên quan đến hoàn cảnh của người dân, Bác cũng rất tinh tế.
               Sau câu hỏi của Bác, cô Nam Kỷ đã thưa với Bác là “Lúc chiều, cháu có đau bụng nhưng bây giờ đã khỏi rồi”. Bác lại nói tiếp “Ốm thì nghỉ, không phải vì biểu diễn cho Bác xem mà cố gắng là không được!”. Sau đó Bác lại nói “Vừa nhận được tin chiều nay B52 ném bom ở Quảng Bình, Bác thương dân Quảng Bình lắm!”.  
                Thế mới biết hàng ngày Bác luôn theo dõi tình hình địch đánh phá trên mọi miền đất nước mà thời điểm bấy giờ, Quảng Bình là trọng điểm.
               Sau đó, Bác bước nhanh ra phía sân khấu biểu diễn. Anh chị em diễn viên cũng vội vàng hoàn chỉnh phục trang, hóa trang rồi tiến theo chân Bác.
               Sân khấu chỉ là một sàn nhà bằng phẳng trong Phủ Chủ tịch, không có sự cách biệt giữa người diễn và người xem. Nhìn xuống khán giả, bố mẹ thấy có các vị lãnh đạo Trung ương như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí Tố Hữu,...
                Bác bước ra sân khấu, cả khán phòng vang lên tiếng vỗ tay, Bác nói: “Hôm nay tôi là “khách” vì lát nữa tôi sẽ được xem các cháu Quảng Bình diễn, nhưng hôm nay tôi cũng là “chủ” vì tôi là Trưởng đoàn. Đoàn chúng tôi có 20 cháu, 13 cháu trai và 07 cháu gái. Tôi xin mời các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem chương trình biểu diễn của Đoàn chúng tôi!”
               Cả khán phòng lại vang lên tiếng vỗ tay như sấm. Bác trở về vị trí khán giả.
                Chương trình biểu diễn được bắt đầu bằng tốp ca nữ “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sỹ Hoàng Vân. Con có biết bài này không?
               Tôi khẽ cười và gật đầu, không làm đứt mạch chuyện của bố.
    Sau bài hát, Bác quay sang nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Chú lên tặng hoa đi, vì đây là bài hát của quê hương chú!”. Cả khán phòng rộ lên tiếng cười khi Đại tướng bước lên tặng hoa cho Đoàn.
               Sau đó là một số bài hát của bố sáng tác cho Đoàn, ca ngợi sự chịu đựng hy sinh gian khổ, những tấm gương chiến đấu ngoan cường của quân và dân quê ta quyết tâm đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ như: “Vinh quang thay những người chiến thắng”, “Đẹp sao năm gái quê ta”,“Chuyến phà đêm”,“Gạo đến Trị Thiên”, v.v....
    Sau mỗi tiết mục, Bác lại hóm hỉnh nhắc nhở người lên tặng hoa.
                Cứ như thế, Bác đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo đêm diễn. Sân khấu càng trở nên sinh động và hấp dẫn hẳn lên. Trái tim của khán giả và diễn viên như đang hòa chung nhịp đập, tình cảm của người diễn và người xem như đang xích lại gần nhau hơn.
               Sau gần một giờ đồng hồ, tiết mục cuối cùng đã khép lại chương trình biểu diễn. Bác nhanh chân bước lên sân khấu để nói lời cảm ơn.Anh chị em diễn viên lại có những giây phút vây quanh Bác. Bác hỏi:“Cháu kéo cái cò ke đâu rồi? Cháu kéo lên để Bác cháu ta cùng hát bài Kết đoàn!”.
               Lúc đó, bố hiểu ý Bác muốn nói đến cây đàn accordion mà bố là người kéo, nhưng Bác không muốn nói tiếng nước ngoài mà Bác đã dùng hai từ “cò ke” vừa dân giả, vừa tạo ra sự hóm hỉnh, vui vẻ. Bố đã làm theo lời Bác và bắt đầu kéo đàn. Cả khán phòng cùng vỗ tay và hát chung bài hát “Kết đoàn”.
               Sau đó, Bác mời các đồng chí lãnh đạo Trung ương lên sân khấu để cùng với Bác chụp ảnh chung với anh chị em trong Đoàn.
               Vừa nói, bố tôi vừa chỉ tay lên tấm ảnh đen trắng đã được phục chế và phóng to treo trong khung trang trọng trên tường phòng khách, bố còn đố tôi:“Con có nhận ra bố, mẹ đứng ở đâu không?”
               Nói chưa dứt câu, ông bảo tôi đợi một lát rồi vào mở tủ, lấy ra một chiếc hộp nhỏ. Ông cẩn thận mở chiếc hộp, trong đó là một điếu thuốc lá mà Bác Hồ đã tặng bố tôi khi Bác khen những bài hát do ông sáng tác cho Đoàn lúc đó.           
               Dường như, đó là những kỷ vật vô cùng quý giá mà bố mẹ tôi đã cất giữ bao nhiêu năm nay.
               Ông kể tiếp:
               Bác Hồ đã nói với các nữ diễn viên rằng: “Bác biết con gái Lệ Thủy đi cấy phải hút thuốc cho ấm, điếu nào cũng to bằng ngón tay cái. Nhưng hôm nay, Bác khuyên các cháu gái không nên hút thuốc, lát nữa Bác sẽ cho kẹo”.
               Rồi Bác lại hỏi thêm bệnh chân voi của đồng bào Lệ Thủy, Bác tìm hiểu về hoạt động và đời sống của anh chị em diễn viên. Sau khi nghe đồng chí Trưởng đoàn báo cáo về tình hình của Đoàn, Bác đã có ý kiến là “Các cháu chỉ nên biểu diễn 11-12 buổi, không được biểu diễn 30-31 buổi trong một tháng như hiện tại”. Bác nói: “Dù là khó khăn đến mấy thì Tỉnh cũng không nên cắt các chế độ bồi dưỡng cho diễn viên như thịt, đường, sữa,... Bởi vì, không lẽ 40 vạn dân Quảng Bình không nuôi nổi 40 diễn viên hay sao!”….
               Câu chuyện bố tôi kể cứ miên man mãi trong tâm trí tôi, hình ảnh của một vị Lãnh tụ quá mộc mạc, chân chất cùng với những tình cảm lớn lao dành cho dân, cho nước.
               Là một giáo viên, tôi càng thấm thía những bài học qua lời kể của bố tôi về phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Sự nhận thức toàn diện, sâu sắc về các nội dung trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình tu dưỡng, rèn luyện và công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.
    Tác giả bài viết: Quách Thị Hương Giang
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình