12:57 ICT Thứ hai, 23/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 80680
    • Tháng hiện tại: 2591251
    • Tổng lượt truy cập: 65520348

    Trang nhất » Tin Tức » Điểm báo

    Nhân ngày Nhà giáo, nghĩ về vị thế của người giáo viên

    Thứ hai - 21/11/2016 02:29

    (GDVN) - Trong thời đại mới, phải có một đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn và nhiệt huyết nghề nghiệp mới có thể đảm đương được trọng trách mà xã hội giáo phó.

    Có thể nhận thấy, giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.

    Một trong những vấn đề đó là mâu thuẫn ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá và thực trạng giáo dục còn có nhiều bất cập tồn đọng.

    Những bất cập này có tính lịch sử không thể giải quyết trong một sớm một chiều, đặc biệt là trong chất lượng dạy và học.

    Mặt khác, thị trường việc làm hiện nay đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng nhanh số lượng việc làm đòi hỏi trí tuệ cao và tập trung nhiều ở khu vực dịch vụ và khu vực công nghệ.

    Đây là thách thức lớn của bất kỳ một quốc gia nào khi bước vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

    Không còn cách nào khác, muốn đất nước ổn định phát triển trong thời kỳ hội nhập thì phải tìm ra lời giải cho bài toán về nâng cao chất lượng giáo dục.

    Để giải bài toán về cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục cần nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, có tính hệ thống.

    Một trong những biện pháp quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
    Đặc điểm loại hình lao động của giáo viên có nhiều nét đặc thù. Nó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cần thiết của con người, có quan hệ chặt chẽ đến việc xây dựng lực lượng lao động.

    Đối tượng lao động của người giáo viên không phải là vật vô tri vô giác như tấm vải của người thợ may hay khúc gỗ của người thợ mộc mà là con người.

    Đối tượng đó vừa là khách thể vừa là chủ thể của quá trình giáo dục. Do đó lao động sư phạm là một loại hình lao động đặc biệt và phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng và tâm huyết của giáo viên.

    Nét đặc thù trong loại hình lao động của người giáo viên càng được thể hiện rõ khi chúng ta đang dần bước vào nền kinh tế tri thức.
    Nền kinh tế này xuất hiện đã tạo ra những biến đổi to lớn trong mọi mặt hoạt động của con người và xã hội khác hẳn nền kinh tế chủ yếu dựa vào sức người và tài nguyên.

    Để đảm đương được vai trò của người giáo viên trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức, trước hết cần chú trọng chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm.

    Trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm, sinh viên phải được đào tạo bài bản, có năng lực tiếp thu, cập nhật những tri thức tiên tiến.

    Muốn vậy phải quan tâm đặc biệt khâu tuyển sinh cùng với những chế tài thu hút người tài vào các ngành sư phạm.

    Để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức người thầy giáo đã phải uống cạn một biển cả ánh sáng” - (Ginôviép).

    Câu nói đầy tính hình tượng trên phần nào cho thấy muốn đáp ứng được vai trò là người dẫn dắt, gợi mở để học sinh tự tìm tòi và tiếp cận tri thức, người giáo viên phải có năng lực chuyên môn vững vàng.

    Người giáo viên trong thời kỳ hội nhập phải không ngừng tự bồi duỡng, tự tích luỹ trau dồi công tác chuyên môn đồng thời không ngừng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ.

    Người giáo viên hôm nay cần có kiến thức sâu rộng, vững chắc, phương pháp sư phạm phù hợp, hơn thế phải biết học suốt đời để luôn theo kịp nhịp sống và hơi thở thời đại.

    Trong hành trang của người giáo viên dù ở bất cứ thời đại nào vẫn cần một bầu nhiệt huyết, một trái tim yêu nghề.

    Mỗi người thầy giáo phải là một tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách để học trò noi theo.

    Nhân cách đó bao gồm tâm hồn, tư tưởng, phong cách sống của người giáo viên.

    Nếu người giáo viên thiếu nhân cách thì không thể giáo dục nhân cách cho học sinh.

    Những người thầy nổi tiếng trong lịch sử là những tấm gương mẫu mực về nhân cách.

    Chu Văn An – một nhân cách lớn được người đời tôn vinh là ‘vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) là vì thế.

    Đáng tiếc là ngày nay, khi nền kinh tế đất nước đang có sự chuyển biến tích cực thì mặt trái cơ chế thị trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

    Căn bệnh thành tích, nạn mua bằng bán điểm cá biệt và một số những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo đã ít nhiều gây tổn hại đến hình ảnh tôn nghiêm của người thầy giáo.

    Cần có những chế tài xử lý nghiêm những cán bộ, giáo viên không còn đủ phẩm chất, tư cách nhất thiết không để “con sâu làm rầu nồi canh’ mang lại niềm tin cho nhân dân.

    Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, không phải đến lúc ra đời ngày hiến chương nhà giáo hay mỗi dịp tết đến, xuân sang, nghề giáo và người thầy giáo mới được tôn vinh.

    Trong lịch sử những câu chuyện cảm động về tình thầy trò luôn là những bài học giáo dục quý giá, thấm thía.

    Ngày nay, khi đất nước đang trên đà đổi mới, vai trò vị thế của người thầy càng được khẳng định.

    Do đó, chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất của người giáo viên là góp phần tạo động lực, khích lệ đội ngũ giáo viên – nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, yên tâm đảm nhận sứ mệnh cao cả và hết sức vinh quang của mình.

    Tác giả bài viết: Ths Bùi Minh Tuấn
    Nguồn tin: giaoduc.net.vn
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình