00:24 ICT Thứ ba, 31/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 3254
    • Tháng hiện tại: 3910398
    • Tổng lượt truy cập: 66839495

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

    Thứ tư - 30/10/2024 10:30

    ThS. Hoàng Thị Thu Phương - ThS. Lê Thị Hiền - Khao Đào tạo cơ sở
    1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu tại tỉnh Quảng Bình
    1.1. Tình hình áp dụng pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu tại tỉnh Quảng Bình
    Trong thời gian vừa qua, hoạt động buôn lậu tại địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương căn cứ vào lĩnh vực, địa bàn được phân công để chủ động xây dựng các kế hoạch, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
    Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá, … trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó các hoạt động vận chuyển, tàng trữ hàng cấm (ma túy, thuốc lá), vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới và khai thác lâm sản, khoáng sản (cát) diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
    - Trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ
    + Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo: Lưu lượng phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu Cha Lo tăng so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu là do hàng hóa quá cảnh đi Trung Quốc như trái cây, quặng các loại, kali tăng mạnh, từ tháng 9/2023 phát sinh mặt hàng nước tăng lực Redbull xuất xứ Thái Lan nhập khẩu với số lượng lớn, thường xuyên. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu như: Trái cây các loại, phân bón kali, thạch cao, quặng sắt, nước tăng lực…; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng như: hàng tiêu dùng, nông sản, gạch men, bao bì, sắt thép… và hàng hóa quá cảnh là các mặt hàng như: Quặng đồng, quặng sắt, phân bón Kali, hàng điện tử, trái cây … Trong đó, loại hình quá cảnh vẫn chiếm tỷ lệ lớn về trọng lượng và trị giá (chiếm 80% tổng kim ngạch). Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người xuất nhập cảnh đều chấp hành tốt pháp luật hải quan, trừ một số vi phạm liên quan đến thời hạn làm thủ tục hải quan đối với phương tiện. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới tăng cả về số vụ và đối tượng  (26 vụ/14 đối tượng) so với năm 2022. Các vụ việc bắt giữ, xử lý với các hành vi vi phạm chủ yếu như: buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ, pháo, than, ma túy các loại…; lợi dụng loại hình quá cảnh để  vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai sai tên hàng, số lượng chủng loại… hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
    + Tại địa bàn khu vực biên giới đất liền: Các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển pháo nổ, động vật hoang dã và khai thác lâm sản trái phép vẫn tiếp tục xảy ra với các phương thức thủ đoạn như cất giấu hàng hóa vi phạm trong ca bin, thùng xe tải, xe khách. Đáng chú ý, các đối tượng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng công nghệ như Zalo, Facebook, Telegram…để thực hiện các hành vi phạm tội do đó gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng.
    - Trên tuyến đường biển, cảng biển và khu vực biên giới biển
    + Trên tuyến đường biển, cảng biển: Hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh tại khu vực cảng Hòn La, Cảng Gianh tăng so với năm 2022, nguyên nhân do phát sinh các mặt hàng như quặng sắt thô, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án nhiệt điện Quảng Trạch I; các mặt hàng xuất nhập khẩu, quá cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cơ bản không có nhiều thay đổi, trong đó hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng dăm gỗ, clinker, dầu nhờn, quặng đuôi, rutile, quặng Ilmenite, sản phẩm may mặc...; hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu sản xuất gạch men, nguyên liệu gia công hàng may mặc bột barit, trâu bò sống và máy móc thiết bị... ; hàng hóa quá cảnh chủ yếu là quặng đồng, phân bón kali, than đá, linh kiện các loại..., trên địa bàn chưa phát hiện dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian này.
    + Tại địa bàn khu vực biên giới biển: Hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật mặc dù cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn còn xảy ra hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, vật liệu nổ, khai thác, vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép.
    - Trên thị trường nội địa
    Các hành vi vi phạm về vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép,… vẫn còn xảy ra. Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: Ma túy, pháo nổ, lâm sản, khoáng sản, bia, rượu, bia, đường cát, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, thuốc lá, vải, mỹ phẩm, các sản phẩm thời trang (áo quần, giày dép, kính mắt, túi xách…), điện thoại di động, linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng các loại, đồ chơi trẻ em, xe đạp, máy móc các loại… Các cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như: cất giấu hàng hóa vi phạm tại nơi ở; để lẫn lộn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với hàng thật, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán hoặc phân tán hàng hóa ở nhiều địa điểm khác nhau… nhằm hạn chế nguy cơ bị các lực lượng chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng tăng cao. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu, giao dịch mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Tuy nhiên, các hoạt động này đa phần có quy mô nhỏ lẻ, không công khai địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
    - Trên tuyến giao thông đường bộ, các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian vận chuyển; gia cố thêm khoang chứa hàng; bọc kín hàng hóa vi phạm bằng túi nilon màu đen và cất giấu, ngụy trang trong các khoang chứa hàng; hoán cải xe ô tô khách thành xe chở hàng…để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
    - Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng trong các năm từ 2020 đến 2023 (theo số liệu báo cáo công tác năm của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Bình):
    Nội dung ĐVT Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 Năm 2023
    Tổng số vụ xử lý Vụ 1.936 1.621 1.582 1.389
    Số vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu Vụ 260 143 181 168
    Số vụ khởi tố Vụ 46 vụ/59 đối tượng 32 vụ/30 đối tượng 32 vụ/43 đối tượng 27 vụ/30 đối tượng
    Tiền xử phạt hành chính Nghìn đồng 16.250.092 16.043.454 19.838.321 30.721.806
    Tiền bán hàng tịch thu Nghìn đồng 9.061.853 3.926.014 4.042.112 5.554.420
    Tiền phạt bổ sung, truy thu thuế Nghìn đồng 32.827.149 32.262.552 40.018.178 57.127.260
    Trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 1.479 vụ vi phạm, đã xử lý vi phạm hành chính 1.389 vụ vi phạm (trong đó xử lý 22 vụ kỳ trước chuyển sang), xử lý hình sự: 27 vụ/30 đối tượng, trong đó, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu là 168 vụ (lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và xử lý 109 vụ, Bộ đội Biên phòng phát hiện và xử lý 29 vụ, Công an phát hiện và xử lý 21 vụ, Hải quan phát hiện và xử lý 09 vụ).
    Số vụ việc đang tạm giữ chờ xử lý và đang điều tra, xử lý 73 vụ; chuyển cơ quan khác xử lý: 12 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, tiền buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá tang vật tịch thu trong kỳ chờ bán đấu giá sung công quỹ nhà nước là 95.966.272.465 đồng, trong đó:
    - Xử phạt vi phạm hành chính: 30.721.806.000 đồng;
    - Tiền buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, truy thu thuế: 57.127.260.465 đồng;
    - Tiền bán hàng tịch thu: 5.554.420.000 đồng;
    - Giá trị tang vật tịch thu chưa bán trong kỳ: 2.562.786.000 đồng.
    1.2. Những vướng mắc, hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật
    Qua quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình nhận thấy một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoặc chưa thống nhất nên đã gây ra không ít khó khăn khi áp dụng trong thực tế.
    Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc xử phạt vi phạm hành chính.
    Tuy vậy còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành
     * Về các điều kiện bảo đảm thi hành Luật
    - Kinh phí; cơ sở vật chất, kỹ thuật
    + Trình tự, thủ tục để xác minh, xử phạt và theo dõi quá trình thi hành hay các biện pháp cưỡng chế thi hành về sau là khá phức tạp, mất nhiều thời gian, trong khi đó, nguồn kinh phí chủ yếu phục vụ hoạt động này là nguồn kinh phí thường xuyên, tự chủ tương đối hạn chế và phải phục vụ nhiều nhiệm vụ chuyên môn. Vì vậy, khi phát hiện các hành vi vi phạm cần thực hiện kiểm tra đột xuất để xử lý vi phạm, các đơn vị có thể gặp khó khăn khi bố trí kinh phí cho hoạt động này.
    Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Việc lưu giữ, bảo quản tang vật gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hoá vi phạm là thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn thực phẩm khi không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện.
    + Nhiều trường hợp tang vật, phương tiện tịch thu có giá trị thấp, sau khi bán đầu giá thì số tiền bán hàng tịch thu không đủ trừ chi phí để chi trả cho việc thực hiện thủ tục giám định, định giá, thuê vận chuyển, bảo quản và chi phí cho việc tiêu hủy khi tang vật, phương tiện không thanh lý được hoặc không còn giá trị sử dụng.
    Kinh phí hỗ trợ xăng xe đi đến địa bàn vùng sâu, vùng xa; bồi dưỡng độc hại khi tiếp xúc với hóa chất độc cho công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra còn hạn chế; phương tiện chuyên chở tang vật vi phạm về nơi xử lý chưa được trang bị.
    Trang thiết bị, phương tiện hiện có chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; một số huyện có đường quốc lộ đi qua dài, nhưng phương tiện giao thông phục vụ công tác chủ yếu là xe cũ, hết khấu hao nên không đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi lực lượng buôn lậu sử dụng phương tiện đời mới, hiện đại.
    + Công chức chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, dụng cụ để đáp ứng cho hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, đặc biệt là máy vi tính và máy in, công cụ hỗ trợ, thiết bị, dụng cụ để kiểm tra nhanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, trang thiết bị, phương tiện, máy móc để tiếp nhận, truyền đạt thông tin, chính sách, pháp luật cho người dân,... nên công tác kiểm tra kiểm soát đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
    + Việc kiểm tra chất lượng hàng phải được thực hiện bằng máy móc, gửi mẫu thử nghiệm tại các trung tâm thử nghiệm còn mất nhiều thời gian; từ đó phần nào ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát.
    + Cơ sở vật chất cho quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ tang vật, phương tiện, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
    - Tổ chức bộ máy, nhân sự
    + Số lượng công chức của các lực lượng nói chung, của các đơn vị có chức năng xử lý vi phạm hành chính nói riêng còn hạn chế nên rất khó khăn để theo kịp các vấn đề phát sinh trên thị trường, trả lời nhanh chóng các yêu cầu hướng dẫn nghiệp vụ của địa phương, tổ chức nghiên cứu, điều tra, trinh sát, xử lý vi phạm hành chính liên tuyến, liên địa bàn...
    + Chất lượng và số lượng công chức Quản lý thị trường, Hải quan, Cảnh sát kinh tế tại các địa phương chưa đồng đều và chưa thể sắp xếp lại một cách hợp lý cũng là nguyên nhân làm cho hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế. Biên chế lực lượng mỏng trong khi địa bàn hoạt động rộng, trong đó bao gồm cả địa bàn liên huyện, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý nhiều lĩnh vực và nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống các loại dịch bệnh, tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành...
    + Hiện nay, tình hình mua bán hàng hóa qua mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, hầu hết đều sử dụng hình thức vận chuyển trung gian và giao hàng tại nhà, nên các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng; bên cạnh đó việc không có kho hàng cố định, tập kết hàng cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Nhân sự phụ trách công nghệ thông tin không nhiều nên việc theo dõi trên không gian mạng thiếu tính chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn.
    - Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác xử lý vi phạm hành chính còn chưa được triển khai thường xuyên, dẫn đến vẫn còn nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các đơn vị.
    - Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng:
    + Việc phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng trong việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn gặp nhiều khó khăn như việc phối hợp của đại diện cơ quan tài chính cùng cấp (đại diện Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tham gia Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 173/2013/TT-BCT còn hạn chế, không tham gia, đại diện các cơ quan, đơn vị là thành viên của Hội đồng không có ý kiến rõ ràng về việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính gây khó khăn cho công tác định giá.
    Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, gồm có người ra Quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.
    Trong khi đó, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế...) và các đơn vị trực thuộc như Chi cục Hải quan, Chi cục Thuế, Đội Quản lý thị trường... có trụ sở đóng tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh nhưng vẫn là cơ quan cấp tỉnh.
    Vì vậy, việc thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải mời đại diện Sở Tài chính là thành viên Hội đồng dẫn đến khó khăn về mặt thời gian, khoảng cách địa lý..., khó bảo đảm cho công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng thời gian quy định, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý vụ việc vi phạm hành chính.
    + Một số vụ việc đã được chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuyển lại hồ sơ để xem xét xử phạt vi phạm hành chính thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính còn rất ít hoặc thậm chí hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính nhưng không ban hành một trong những quyết định được nêu tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính dẫn đến khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.
    Trình tự, thủ tục về việc chuyển và tiếp nhận hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự chưa rõ ràng, thống nhất dẫn đến việc khi hồ sơ chuyển cơ quan điều tra chưa được tiếp nhận ngay và kịp thời mà cơ quan điều tra yêu cầu đơn vị chuyển hồ sơ phải thực hiện xác minh, bổ sung thêm tình tiết vụ việc.
    + Hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong nhiều tình huống mang tính chất hình thức, khi phát sinh vụ việc có liên đến ngành, lĩnh vực của đơn vị phối hợp thì công chức phối hợp thường có tâm lý e ngại hoặc chưa phát huy được hết tinh thần trách nhiệm, điển hình như việc phối hợp với cơ quan Thuế trong việc xác định số lợi bất hợp pháp đối với hành vi buôn bán hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử hoặc các hành vi liên quan đến trốn thuế.
    + Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên khâu lưu thông, lực lượng Quản lý thị trường không có chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, thực tế phải phụ thuộc vào việc phối hợp với Cảnh sát giao thông. Trong nhiều trường hợp khẩn cấp cần phối hợp ngay nhưng Đội Cảnh sát giao thông tại thời điểm có yêu cầu văn bản phối hợp, như vậy sẽ rất khó đáp ứng được nguyên tắc kịp thời trong xử lý vi phạm hành chính.
    - Về việc báo cáo, thống kê
    Công tác theo dõi, thống kê tại một số đơn vị cơ sở chưa chủ động, khoa học dẫn đến khó khăn khi được yêu cầu báo cáo, tổng hợp đột xuất. Một số nội dung báo cáo thống kê chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến số liệu thống kê chưa thống nhất.
    Bên cạnh đó, quá trình thống kê số liệu báo cáo, tìm kiếm hoặc xác minh thông tin đối tượng đã bị xử phạt hành chính mất nhiều thời gian, gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về hoạt động xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng. Việc thống kê, báo cáo và xác minh đối tượng vi phạm hành chính chủ yếu dựa vào hoạt động thủ công của công chức được giao nhiệm vụ theo dõi, lưu trữ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
    - Về công tác kiểm tra, thanh tra
    + Tình hình kinh doanh hàng hoá trên mạng xã hội có xu hướng phát triển nhưng khó quản lý, kiểm tra. Đối tượng kinh doanh thường dùng nhà trọ, nhà ở để chứa hàng và kinh doanh hoặc bán hàng thông qua dịch vụ giao hàng hoá (lượng hàng hoá để tại nơi ở hoặc lượng hàng hoá giao nhận số lượng nhỏ, nhiều chủng loại; nơi cất giấu hàng hoá do thường là nhà ở, nhà trọ, không đăng ký kinh doanh, không bảng hiệu nên khó tiếp cận; hoặc nơi bán hàng không có sản phẩm nào mà chỉ khi có khách đặt mua thì mới liên hệ nơi cung cấp hàng và nhờ dịch vụ giao nhận giao hàng cho khách). Hơn nữa, việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở phải có đủ cơ sở chính xác để trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định khám nên công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên lĩnh vực này còn khó quản lý và chưa hiệu quả.
    * Vướng mắc khác về Luật Xử lý vi phạm hành chính:
    - Chưa quy định trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính
    Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 05/6/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình về kết quả rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy, một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập Biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập Biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”.
    Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật chưa có quy định cụ thể về việc lập Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận (thời điểm lập Biên bản, các nội dung để thể hiện trong mẫu Biên bản).
    Ví dụ, trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hoặc xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp nhưng chủ sở hữu không đến nhận, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải lập Biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, các nội dung của Biên bản vi phạm hành chính sẽ không thể hiện được, như: Tên tổ chức/cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm. Do đó, việc lập Biên bản vi phạm hành chính sẽ không đúng với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (thiếu các nội dung cơ bản của Biên bản vi phạm hành chính).
    - Thời hạn chuyển Biên bản vi phạm hành chính quá ngắn
    Thời gian chuyển Biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập Biên bản là quá ngắn. Điều này gây khó khăn trong việc chuyển hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền, đặc biệt là đối với đơn vị ở vùng sâu, vùng xa hoặc thời điểm lập Biên bản vào cuối ngày mà ngày tiếp theo là ngày nghỉ, ngày lễ thì không đảm bảo được thời hạn chuyển giao Biên bản vi phạm hành chính.
    - Cũng theo UBND tỉnh Quảng Bình, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thời hạn ra Quyết định xử phạt trong trường hợp phải thực hiện việc xác minh tình tiết vụ việc đối với “sự kiện bất khả kháng” như thiên tai, dịch bệnh...
    Thêm nữa, việc xác minh tình tiết trong trường hợp này rất khó thực hiện vì trên thực tế nhiều đối tượng vi phạm hành chính ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh bị cách ly, bị phong tỏa không thể ra khỏi khu vực bị cách ly, phong tỏa... để đến làm việc trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đang xử lý vụ việc hoặc không thể ủy quyền cho người đại diện đến làm việc với cơ quan đang xử lý vụ việc. Chưa kể, cơ quan chức năng không thể đến trực tiếp tại địa phương nơi đối tượng vi phạm hành chính đang cư trú. Vì vậy, quá trình xử lý vi phạm hành chính khó đảm bảo tuân thủ đúng thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ) hoặc thời hạn ra quyết định xử phạt phạm hành chính.
    - Đối với hành vi vận chuyển hàng cấm (điển hình là thuốc lá điếu nhập lậu): Điểm c khoản 11 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định “Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Đối với phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.” Tuy nhiên giá trị phương tiện vi phạm hành chính thường rất lớn, do đó rất khó để buộc người vi phạm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này.
    2. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
    Để tăng cường hiệu quả hoạt động trong công tác chống buôn lậu và dần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
    Thứ nhất, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần phải chỉ đạo lực lượng Hải quan làm tốt hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa, gắn trách nhiệm theo từng địa bàn, theo mặt hàng.
    Thứ hai, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trang cấp cho Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình các máy móc, thiết bị hỗ trợ soi chiếu trong công tác kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải nhằm phục vụ có hiệu quả hơn công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới tại cửa khẩu..
    Thứ ba, các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kịp thời nhận diện các dấu hiệu hình thành và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các đối tượng vi phạm hoạt động có tổ chức chặt chẽ theo quy mô đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại; chú trọng công tác thu thập thông tin, rà soát các đối tượng hoạt động kinh doanh dưới hình thức thương mại điện tử hoặc sử dụng các ứng dụng trên nền tảng kỷ thuật số nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết không để hình thành các điểm nóng, kho bãi tập kết, trung chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… trên địa bàn quản lý.
    Thứ tư, tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho lực lượng chức năng về lĩnh vực thương mại điện tử, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, chiến sỹ thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với các tổ chức bảo hộ các nhãn hiệu, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để cung cấp thông tin, tổ chức các cuộc tập huấn phân biệt hàng thật - giả, cung cấp tài liệu phân biệt hàng thật - giả để phục vụ trong công tác kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa.
    Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, lực lượng chức năng và địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận, thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình hiện nay; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm, đặc biệt các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
    Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, đổi mới công tác thông tin tuyên truyền theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về mặt nội dung, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, vận động toàn dân tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại…; tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh về dấu hiệu, đối tượng vi phạm pháp luật để ngăn chăn, xử lý có hiệu quả; tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Báo cáo công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình (các năm từ 2018 - 2023).
    2. Báo cáo công tác quản lý thị trường (các năm 2018 - 2023) của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình.
    3. Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2023 của Bộ Công Thương.
    4. Báo cáo Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình.
    5. Hành vi buôn lậu và những trách nhiệm pháp lý phải đối mặt
    https://tuvanluatonline.vn/tu-van-hoi-dap/hanh-vi-buon-lau-va-nhung-trach-nhiem-phap-ly-phai-doi-mat/
    6. Nguyên nhân của tội phạm buôn lậu và một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm buôn lậu của lực lượng cảnh sát kinh tế.
    https://congan.travinh.gov.vn/ch26/386-Nguyen-nhan-cua-toi-pham-buon-lau-va-mot-so-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-ngua-toi-pham-buon-lau-cua-luc-luong-Canh-sat-kinh-te.html
    7. Quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn khó khăn vướng mắc và bất cập
    https://socongthuong.backan.gov.vn/nhieu-quy-dinh-phap-luat-trong-linh-vuc-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-con-kho-khan-vuong-mac-va-bat-cap/
    8. Quảng Bình ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển lượng lớn hàng lậu
    https://vneconomy.vn/quang-binh-ngan-chan-nhieu-vu-van-chuyen-luong-lon-hang-lau.htm

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình