08:15 ICT Chủ nhật, 22/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 45803
    • Tháng hiện tại: 2425122
    • Tổng lượt truy cập: 65354219

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra những vướng mắc từ thực tiễn

    Thứ năm - 06/07/2017 16:51

    Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng trong BLDS năm 2015 về cơ bản kế thừa quy định của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, Bộ luật có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng về căn cứ phát sinh, nguyên tắc, năng lực chịu trách nhiệm BTTH; thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH; mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại; BTTH do người thi hành công vụ gây ra; thời hạn hưởng quyền BTTH do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; BTTH do súc vật gây ra; BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra; BTTH do xâm phạm mồ mả.

    Về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH, Điều 584 BLDS năm 2015, quy định:
    “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
    2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
    3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
    Ngoài ra, theo quy định về nguyên tắc BTTH tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015:“Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”
    Liên quan đến trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, được quy định tại Điều 601 BLDS năm 2015, mục đích của nhà làm luật tách riêng qui định về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thành một điều luật, nhằm khẳng định tính ràng buộc nghĩa vụ BTTH, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ.
    Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng, phát sinh một số vướng mắc, như: Thế nào là chủ sở hữu cũng phải bồi thường khi không có lỗi? Thế nào là giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm đúng pháp luật? Mức độ bồi thường khi không có lỗi là bao nhiêu? Những vấn đề trên khiến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong nhiều trường hợp không được đảm bảo, điều đáng nói hơn là sự thiếu thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng về giải quyết BTTH trong trường hợp do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, đã khiến tính pháp chế xã hội chủ nghĩa không được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số vấn đề vướng mắc khi áp dụng qui định của BLDS năm 2015, về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trong thực tiễn xét xử hiện nay.
    1. Qui định của pháp luật về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
    Điều 601 BLDS năm 2015, quy định:
    “1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
    Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
    2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
    3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
    a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
    b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
    Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
    Khác với trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung, nguyên tắc đảm bảo yếu tố lỗi trong BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được loại trừ, có nghĩa chỉ cần xác định có hậu quả thực tế xảy ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; xác định được chủ thể có nghĩa vụ bồi thường, là xác lập được quan hệ BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều quan trọng, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015.
    Ví dụ: A điều khiển xe ôtô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ (đi đúng làn đường, trong giới hạn tốc độ cho phép,…) bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị tử vong do thương tích quá nặng. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu trường hợp B chờ sẵn ở khúc cua, khi thấy xe ô tô của A vừa đến, nhảy vào chắn ngang trước đầu xe, dùng tuýp sắt làm hung khí tấn công A. Hoảng sợ, A đạp chân ga cho xe lao thẳng về phía B, hậu quả B bị bánh sau xe ô tô chèn qua người và tử vong. Trường hợp này, B có lỗi hoàn toàn đối với hành vi tấn công A, còn đối với hậu quả B không có lỗi, do vậy, A không được loại trừ trách nhiệm BTTH.
    Khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015 có liệt kê đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, do tính đa dạng của thế giới vật chất đang tồn tại xung quanh, nhất là các loài sinh vật trong giới tự nhiên mà khả năng gây chết người hoàn toàn có thể xảy ra, khi chúng tấn công, nhưng không là loài thú dữ, và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng liệt kê chi tiết hơn, đầy đủ hơn “nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”, nếu trường hợp đó xảy thì việc BTTH giải quyết như thế nào? Chẳng hạn, A và B nhà ở cạnh nhau. Hôm nọ, A sang nhà B. B chỉ lên cây vú sữa trước sân nhà mình và nói với A: Nếu ông lấy được tổ ong Vò Vẽ ở trên đó thì tôi sẽ thưởng cho ông 300.000 đồng. Sau một hồi suy nghĩ, A nhận lời. A tìm thang để trèo lên cây và dùng sào chọc vào tổ ong. Ong bay ra, vây lấy ông A đốt. Bị đau nhức, A buông tay rơi xuống đất. Mọi người thấy vậy vội đưa A đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đã quá muộn, A bị chết vì trúng độc. Trong nọc của ong có nhiều chất cực độc, bao gồm: melittin, apamine, chất làm vỡ dưỡng bào, phospholipaseA2, phospholipases B, hyaluronidase, histamine, dopamine, các monosaccharit, một số lipid và nhiều chất khác. Trong đó nhiều nhất là melittin và phospholipase A2.
    Vấn đề đặt ra, ong Vò Vẽ và một số loại ong “hung dữ” khác có phải là nguồn nguy hiểm cao độ không? Có ý kiến cho rằng, ong Vò Vẽ dù không phải là thú dữ nhưng do tính chất nguy hiểm của chúng mọi người điều biết, nên có thể coi là nguồn nguy hiểm cao độ khác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành không liệt kê ong Vò Vẽ nói riêng, một số ong có đặc tính hung dữ, sẵn sàng tấn công và giết chết con người bằng nọc độc khi có nguy cơ bị đe dọa, như ong Bắp cày châu Á; ong Lỗ;.. là nguồn nguy hiểm cao độ. Hơn nữa, chúng sống trong môi trường tự nhiên, nên  “thoát” khỏi sự kiểm soát của chủ thể nhất định, nên đây là trường hợp loại trừ BTTH, theo quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015!
    Pháp luật quy định, thú dữ gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải đang chịu sự quản lý của một chủ thể nhất định, nếu không có sự quản lí (ở môi trường tự nhiên, thiên nhiên hoang dã) thì trách nhiệm BTTH không phát sinh. Trong nhiều trường hợp, như: Voi rừng, Trâu rừng, Báo đốm,…hoang dã vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước. Như vậy, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây thiệt hại như thú dữ trong rừng tấn công gây thiệt hại cho người đi rừng, thậm chí chúng có thể vào tận làng, phá phách nhà cửa của người dân, tấn công người vào ban đêm,… thì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng được xem là một bất cập trong các qui định của pháp luật, qua đó đặt ra vấn đề cần phải có những biện pháp hợp lý hơn trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ quyền lợi của người dân.
     Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm BTTH được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
    Sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Pháp “force majeure” có nghĩa là “sức mạnh tối cao” hoặc “sức người không thể kháng cự nổi”. Sự kiện này xảy ra không phải do lỗi của bất kỳ bên nào, mà xảy ra ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được. Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần. Sự kiện bất khả kháng cũng có thể là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Tuy nhiên cách hiểu và thừa nhận các hiện tượng xã hội là sự kiện bất khả kháng là rất đa dạng và nhiều điểm chưa có sự thống nhất ở nhiều quốc gia.
    Thực tế đau lòng đã từng xảy ra ở nhiều địa phương, chẳng hạn, khách bộ hành đang đi trên vỉa hè bị điện giật chết do cột điện phóng điện khi trời mưa. Cột điện mà phóng điện gây chết người chắc chắn là không an toàn, do lỗi của phía công ty điện lực. Tuy nhiên, thường thì phía điện lực giải thích rằng do trời mưa. Mà trời mưa thì hiện tượng phóng điện có thể xảy ra ở các cột điện, cho dù đơn vị quản lý đã làm hết mọi biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tốt nhất. Do vậy, đây là “sự kiện bất khả kháng”, để “né tránh” trách nhiệm BTTH của mình.
    Qui định về sự kiện bất khả kháng trong BLDS năm 2015, theo tác giả hiện vẫn còn chung chung và thậm chí khó hiểu. Khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015, quy định về sự kiện bất khả kháng, như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo đó, để được xem là sự kiện bất khả kháng cần các điều kiện đồng thời sau: 
    (i). Sự kiện xảy ra một cách khách quan. Sự kiện này có thể là do thiên nhiên gây ra như: Thiên tai, địch họa... Nhưng cũng có thể do con người gây ra như hành động của một người thứ ba. 
    (ii). Sự kiện không thể lường trước được.
    (iii). Sự việc xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cần thiết.
    Tại khoản 1 Điều 171 BLDS năm 2015, tình thế cấp thiết được hiểu như sau:“ Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.”
    Theo quy định trên, hành vi của người gây thiệt hại khi có đủ ba điều kiện sau, thì được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết nên không phải BTTH.
     (i). Hành vi đó được thực hiện trong khi đang có một nguy cơ thực tế đe dọa tới quyền, lợi ích chính đáng của một chủ thể nhất định.
    (ii). Việc gây thiệt hại là biện pháp cuối cùng.
    (iii).Thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
    Ví dụ: Do có mâu thuẫn trong việc làm ăn, A tìm B để trả thù. Phát hiện B đang điều khiển xe máy rước con đi học về, A phóng xe ô tô đuổi theo chặn xe B lại, A tay cầm dao nhọn, lao vào định chém B. B sợ quá, tăng ga bỏ chạy thoát thân, trong lúc A đuổi gần kịp, B không còn cách nào khác đã cho xe chạy thẳng vào khu vực tổ chức Hội hoa xuân tại Trung tâm văn hóa huyện C, để nhờ sự cứu giúp. Hậu quả, B đã làm hư hỏng nhiều hoa kiểng, cây cảnh đang trưng bày và gây thương tích nhẹ cho 01 người. Lực lượng dân phòng và Công an bảo vệ đã bắt giữ cả A, B. Việc gây thiệt hại của B trong trường hợp này được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, vì: A đang có hành vi tấn công đe doạ trực tiếp đến tính mạng của B; B không có đường chạy thoát thân nên đã xử lý tình huống như thế; thiệt hại B gây ra nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
    Vậy ai có trách nhiệm BTTH? Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Vì vậy, A có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
    Trên thực tế, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra do sự kiện bất ngờ cũng không phải là ít, vấn đề đặt ra là tại sao người gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ được loại trừ trách nhiệm hình sự (Điều 11 BLHS năm 1999, nay là Điều 20 BLHS năm 2015) nhưng lại không được miễn trừ nghĩa vụ BTTH? Trong khi,“sự kiện bất ngờ”, “tình thế cấp thiết” cũng điều là những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Theo tác giả, hậu quả gây ra sau sự kiện bất ngờ do phía bị hại có lỗi hoàn toàn đối với hành vi hoặc do người thứ 3 có lỗi, nhưng trách nhiệm dân sự đối với chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vẫn đặt ra, là không đảm bảo tính công bằng xã hội, không thống nhất giữa các qui định pháp luật đối với cùng những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
    2. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
    Trước hết, phải khẳng định chỉ xác định được ai đó là chủ thể và đảm bảo điều kiện trong trường hợp họ được xác lập tư cách đương sự trong tố tụng dân sự thì mới bàn đến việc người đó có lỗi hay không có lỗi, cũng giống như trong pháp luật hình sự, mặt dù có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có hậu quả xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nhưng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự không có tư cách thì không truy cứu trách nhiệm hình sự (người thực hiện hành vi phạm tội dưới 14 tuổi; bị tâm thần;... Do vậy, khi một người không được xác lập tư cách là chủ thể có nghĩa vụ BTTH trong các dạng được phân tích dưới đây thì mặc nhiên họ không có nghĩa vụ BTTH, cũng không cần xét đến yếu tố lỗi.
    2.1. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ 
    Với loại chủ thể này, phải thoả mãn 3 điều kiện sau:
    2.1.1. Đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
    Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường, cả khi không có lỗi gây ra tai nạn.
    2.1.2. Giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng
    Một là, phải nhận định thế nào là giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng. Về lý luận, quyền chiếm hữu tài sản của người không phải là chủ sở hữu tài sản được qui định tại Điều 187 (chiếm hữu theo uỷ quyền); , Điều 188 (chiếm hữu do giao dịch dân sự) BLDS năm 2015, còn quyền sử dụng tài sản của người không phải là chủ sở hữu được qui định tại Điều 191 BLDS năm 2015. Theo đó, nội hàm các nội dung trên có nhiều yếu tố khác nhau, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu trong trường hợp này có khác nhau căn bản về quyền và nghĩa vụ của chủ thể (chiếm hữu là nắm giữ, quản lý tài sản; sử dụng là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức).
    Ví dụ: A mua một chiếc xe tải nhẹ rồi cho B thuê xe theo một hợp đồng dài hạn. B thuê C lái xe để chở hàng hóa. Ngày 12/7/2016, C chạy xe trên đường một chiều đúng quy định. D đang đi xe đạp, do không rành đường, không để ý nên vô tình đi ngược chiều, đụng phải chiếc xe tải này và bị thương nặng. Sau đó, D khởi kiện yêu cầu A và B cùng liên đới BTTH. Vụ việc đã làm phát sinh hai luồng quan điểm khác nhau, về hướng giải quyết.
    +Quan điểm thứ nhất, khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015, quy định trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải cơ giới cũng phải bồi thường. Trách nhiệm này chỉ được miễn trừ nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Như vậy A. (chủ sở hữu xe) và B (người được A. giao chiếm hữu, sử dụng xe) phải liên đới bồi thường cho D vì thiệt hại của D xảy ra không phải là do lỗi cố ý của D.
    +Quan điểm thứ hai cho rằng,  người lái xe hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn nên không đủ yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nếu Tòa án buộc  A và B phải liên đới bồi thường cho D sẽ không đảm bảo tính công bằng. Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại, tránh việc chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng xe máy, ôtô thoái thác trách nhiệm bồi thường với lý do không có lỗi trong việc quản lý, sử dụng xe. Điều luật cũng đặt ra các trường hợp miễn trừ trách nhiệm là khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hay thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
    Tuy nhiên, pháp luật chưa bao quát được hết các tình huống xảy ra. Chẳng hạn tình huống chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện không có lỗi trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện không có lỗi trong tai nạn, nhưng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì sao? Để công bằng, cần phải quy định theo hướng một khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện không có lỗi thì không phải bồi thường.
    Nghiên cứu quy định tại Điều 187 và Điều 188 BLDS năm 2015 cho thấy, một chủ thể có quyền chiếm hữu nhưng có thể hạn chế quyền sử dụng (theo phạm vi ủy quyền, giao dịch), nhưng cũng có chủ thể chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu. Do vậy, trên thực tiễn đã có sự nhận thức không thống nhất. Có quan điểm cho rằng giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng có nghĩa là một trong hai quyền, hoặc là giao chiếm hữu, hoặc là giao sử dụng. Quan điểm khác cho rằng đây là sự sai sót của nhà làm luật, lẽ ra dấu phẩy giữa từ chiếm hữu và từ sử dụng phải được thay bằng từ “và” (chiếm hữu và sử dụng). Theo chúng tôi, cần hiểu rõ rằng, quyền của người được giao chiếm hữu tài sản và quyền của người được giao sử dụng mặc dù phải tuân thủ giới hạn phạm vi nội dung giao dịch, nội dung uỷ quyền nhưng trong nhiều trường hợp là ngang nhau, khó phân biệt. Do đó, để xác định nghĩa vụ BTTH phải nhận thức rõ là khi chủ thể được giao quyền chiếm hữu thì đã phát sinh nghĩa vụ BTTH tương ứng với nội dung uỷ quyền hoặc nội dung giao dịch, còn chỉ được giao quyền sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu thì không phát sinh nghĩa vụ BTTH đối với người sử dụng (trừ trường hợp các chủ thể có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội).
    Hai là, chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng không đúng qui định của pháp luật (giao cho người điều khiển phương tiện mà biết rõ không đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề; không có giấy phép lái xe theo quy định; …)
    Ba là, người được chủ sở hữu giao nguồn nguy hiểm cao độ chưa đủ yếu tố xác định là người chiếm hữu, sử dụng. Thuộc trường hợp người được giao nguồn nguy hiểm cao độ nhưng đang sử dụng nó trong tầm quản lý, nắm giữ của chủ sở hữu (không có quyền chiếm hữu) nếu gây thiệt hại thì chủ sở hữu vẩn phải bồi thường.
    2.1.3. Chủ sở hữu có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải chịu bồi thường liên đới với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật cả khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn. Tùy theo mỗi loại nguồn nguy hiểm cao độ mà mức độ, phạm vi, biện pháp trông coi, quản lý, vận chuyển, sử dụng khác nhau. Do vậy để nhận định thế nào là có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, sử dụng phải căn cứ vào các qui định liên quan đến việc trông coi, bảo quản, vận chuyển, sử dụng một đối tượng nguồn nguy hiểm cao độ cụ thể (Xe máy thì bảo quản, trông coi theo qui định Luật giao thông đường bộ; thuốc nổ, vũ khí thì trông coi, bảo quản theo qui định của Nghị định 175...)
    2.2. Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.
    Với loại chủ thể này, cũng phải thoả mãn 3 điều kiện
    Như phân tích ở phần trên, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo luật định có 02 trường hợp, đó là được giao theo phạm vi uỷ quyền (Điều 187); giao theo giao dịch dân sự (Điều 188), khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm BTTH cả khi người được chủ sở hữu giao hay người thứ ba được người này giao lại nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi trong việc gây tai nạn, với các trường hợp sau:
    Một là, người được chủ sở hữu giao đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (trừ trường hợp có thoả thuận là chủ sở hữu bồi thường trước, người được giao bồi thường sau). Ví dụ: B thuê xe ô tô của A để đi du lịch. Theo thỏa thuận, nếu có thiệt hại do tai nạn ôtô thì A bồi thường toàn bộ trước, sau đó B hoàn lại cho A sau. Trường hợp này, khi giải quyết B không phải bồi thường. Ngược lại, nếu không có thoả thuận trước, thì theo quy định B phải bồi thường toàn bộ.
    Hai là, giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người thứ ba. Đây là trường hợp người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nhưng đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải có nghĩa vụ BTTH trong hai tình huống sau:
    +Tình huống 1: Việc giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người thứ ba không đảm bảo yếu tố xác định người thứ 3 đang có quyền chiếm hữu, sử dụng. Người thứ ba chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu hoặc không được chủ sở hữu đồng ý. Ví dụ: Theo hợp đồng ký kết, B được A giao chiếm hữu, sử dụng xe ôtô 07 chỗ để đi du lịch. Cùng đi với B có C, do đã uống bia với người bạn lúc dừng chân ăn trưa, nên B giao cho C điều khiển (C có đủ điều kiện lái xe theo quy định) và gây tai nạn. Trường hợp này, B là người chịu trách nhiệm BTTH. Tương tự như vậy, sau khi nhận xe ô tô từ A, B cho C thuê lại theo hợp đồng giữa B và C, nhưng không được A đồng ý, hậu quả tai nạn xảy ra, thì B phải bồi thường.
    +Tình huống 2: Việc giao nguồn nguy hiểm cao độ đúng pháp luật nhưng có thoả thuận trước việc bồi thường hoặc liên đới bồi thường.
    Ba là, người thứ ba được giao nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Trường hợp này giống trường hợp của chủ sở hữu. Ví dụ: B thuê xe ôtô của A đi du lịch, nhưng do chủ quan khi rời khỏi xe, B không rút chìa khoá ra khỏi ổ khóa; không khoá cửa xe lại, để C chiếm đoạt xe bất hợp pháp, bị truy đuổi , C bỏ chạy gây tai nạn. Trường hợp này người có nghĩa vụ bồi thường là B.
    2.3. Người thứ ba được giao chiếm hữu, sử dụng
     Đây thuộc trường hợp tiếp theo, người thứ ba nhận nguồn nguy hiểm cao độ từ người được chủ sở hữu giao. Ở nội dung này, hướng xử lý cũng tương tự như các phần phân tích ở trên. Trách nhiệm bồi thường phát sinh cả khi người được chủ sở hữu gia hay người thứ ba chiếm hữu, sử dụng không có lỗi trong việc gây tai nạn, trong các trường hợp sau:
    Một là, người thứ ba đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (trừ trường hợp có thoả thuận người được chủ sở hữu giao bồi thường trước).
    Hai là, người thứ ba giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác. Trường hợp này, có hai tình huống sau:
    +Tình huống 1: Việc giao cho người khác  nhưng không đảm bảo yếu tố xác định người khác đang có quyền chiếm hữu, sử dụng. Nghĩa là, giao sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu hoặc không được chủ sở hữu đồng ý.
    + Tình huống 2: Việc giao đúng pháp luật nhưng có thoả thuận bồi thường trước hoặc liên đới bồi thường.
    Ba là, người thứ ba có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ôtô, B thuê xe của A và cho C thuê lại được A đồng ý. C cho D thuê lại nhưng không được A đồng ý. D gây tai nạn thì C phải có trách nhiệm bồi thường.
    Ngoài các chủ thể có nghĩa vụ BTTH trên, trong quan hệ dân sự, nếu có người khác không được giao, không chiếm giữ trái pháp luật nhưng cùng có lỗi trong việc khiến nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn thì người đó cũng có nghĩa vụ bồi thường liên đới trên phạm vi lỗi của mình. Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ôtô đang lái xe thì bất ngờ B chạy ngang qua đường khiến A lệch tay lái tông vào C và D gây tai nạn. Trong trường hợp này A gặp sự kiện bất ngờ, nghĩa vụ BTTH thuộc về A và B cùng liên đới trách nhiệm.
    3. Về trách nhiệm bồi thường liên đới bồi thường thiệt hại
    Điều 587 BLDS năm 2015, qui định:“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”
    Tuy nhiên, thực tiễn vốn rất đa dạng. Ví dụ: A và B biết C không uống được rượu, nên A và B đã cưỡng bức C phải uống rượu cho đến khi C bị say, mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Sau đó, C chạy xe máy của mình gây tai nạn làm một người đi đường bị thương.
    Theo khoản 1 Điều 596 BLDS năm 2015, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này, C uống rượu đến say là do bị cưỡng bức, C hoàn toàn không cố ý sử dụng rượu để đặt mình vào tình trạng say rượu (khoản 2 Điều 596), vậy buộc C phải BTTH có công bằng?
    Mặt khác, có thể xác định A và B là những người cùng gây ra thiệt hại để buộc cùng liên đới bồi thường theo quy định tại Điều 587 BLDS năm 2015 không? Ở đây, họ chỉ ép C uống rượu chứ đâu có ép C chạy xe máy dẫn đến tai nạn?
    Về yếu tố lỗi, ngày 29/8/2016, ông P. say rượu chạy xe quá tốc độ, đụng phải bà E. đang cố ý đi ngược chiều cho tiện đường làm bà E. bị thương nặng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015, khi người bị thiệt hại có lỗi thì không được bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Nghĩa là ông P. chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Tuy nhiên, làm sao để xác định được chính xác mức độ lỗi của ông P., bà E. để đảm bảo “phần bồi thường tương ứng”?
    Một tình huống khác, hiện cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về các giải quyết, cụ thể: Nguyễn Thành Q., 14 tuổi, học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi, phường 3, thành phố V.. Thời gian ra chơi tại trường, Q. ra nhà ông H. (chú ruột của Q.) gần đó, lấy xe mô tô của chú chạy, lấn trái gây tai nạn làm một người bị thương nặng. Khi giải quyết vụ đòi bồi thường của nạn nhân, vấn đề xác định trách nhiệm liên đới theo hướng:
    +Nếu người chú không có lỗi trong việc để cho em Q. lấy xe mô tô, trường học có lỗi trong việc quản lý em thì nhà trường nơi Q. đang học phải bồi thường.
    +Nếu người chú không có lỗi trong việc để cho em Q. lấy xe, trường học không có lỗi trong việc quản lý em thì cha mẹ hoặc người giám hộ của em phải bồi thường.
    +Nếu người chú có lỗi trong việc để cho em Q. lấy xe, trường học không có lỗi trong việc quản lý em thì người chú phải liên đới với cha mẹ hoặc người giám hộ của em để bồi thường.
    +Nếu người chú có lỗi để cho em Q. lấy xe, trường học cũng có lỗi trong việc quản lý thì người chú phải liên đới với trường học để bồi thường.
    Cũng có ý kiến cho rằng, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi (khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015), nên chú của Q. và Nhà trường hoặc cha, mẹ (người giám hộ) của Q. cùng liên đới trách nhiệm BTTH.
    Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chỉ phát sinh nghĩa vụ liên đới bồi thường trong các trường hợp sau:
    Một là, giữa các chủ thể đã thoả thuận cùng liên đới bồi thường.
    Hai là, chủ thể có lỗi trong việc trông coi, vận chuyển, quản lý, sử dụng để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường liên đới giữa người chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp với chủ thể đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đúng pháp luật.
    Ba là, người khác không chiếm hữu, sử dụng nhưng có lỗi trong việc làm cho nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn thì phát sinh trách nhiệm bồi thường liên đới giữa người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp và người cùng có lỗi gây tai nạn.
    Hiện nay, với tình hình tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường bộ nói riêng xảy ra còn nhiều, tính chất mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỉ lệ cao, thực tế áp dụng qui định về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ở không ít cơ quan tiến hành tố tụng, còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất, điều lúng túng nhiều nhất là việc xác định chủ thể bồi thường và mức độ BTTH trong trường hợp không có lỗi.
    Tác giả bài viết: Phạm Thị Hồng Đào
    Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình