08:34 ICT Thứ hai, 23/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 47030
    • Tháng hiện tại: 2557601
    • Tổng lượt truy cập: 65486698

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Kỹ thuật viết mục tiêu trong giáo trình, bài giảng, giáo án

    Thứ tư - 29/04/2020 08:53

    Ths. Hoàng Thị Oanh
    Trong các cơ sở đào tạo thì các hoạt động biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập và giáo án giảng dạy của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức hoạt động đào tạo. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
    Cùng với nội dung và phương pháp thì mục tiêu giảng dạy là nhân tố không thể thiếu và có quan hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình dạy học. Một tiết giảng hay không chỉ căn cứ vào hoạt động của thầy và trò diễn ra như thế nào, sử dụng phương pháp và phương tiện gì, mà cốt yếu là sau tiết giảng đó được mục tiêu đề ra hay không? Việc xác định không đúng hoặc không rõ ràng mục tiêu bài giảng thì khó mà dạy hay, dạy tốt, giáo viên và học sinh dễ lạc vào một “rừng tri thức” mà không biết đích đến. Vì vậy, viết đúng mục tiêu trong quá trình biên soạn giáo trình, bài giảng, giáo án…cần được hiểu rõ bản chất của nó thì mới viết đúng được.
    1. Khái niệm và ý nghĩa
    a) Khái niệm
    Mục tiêu là kết quả dự kiến cần đạt được sau khi thực hiện một hoạt động.
    Mục tiêu dạy học là đích mà người học phải đạt được sau khi học; đó chính là “đích” cuối cùng mà thầy trò đều phải hướng tới.
    Mục tiêu bài giảng có nhiều cách hiểu, như:
    - Mục tiêu bài giảng là kết quả mà giáo viên mong muốn người học đạt được sau bài giảng;
    - Mục tiêu bài giảng là tuyên bố về những gì người học phải hiểu rõ, phải làm được sau bài dạy;
    - Mục tiêu nói về việc người học sẽ như thế nào hoặc có khả năng làm được gì sau khi kết thúc một bài giảng.
    Như vậy, theo quan điểm “dạy học hướng vào người học” thì mục tiêu đề ra là của người học chứ không phải của giáo viên. Vì vậy, câu tuyên bố mục tiêu bài giảng bao giờ cũng là: Sau khi kết thúc bài học này, người học/các em có khả năng….
    b) Ý nghĩa
    Mục tiêu dạy học nói chung và bài giảng nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học và khi thực hiện sẽ quyết định thành công của kế hoạch, đồng thời nó còn định hướng cho việc tìm tài liệu dạy học; là cơ sở xác định các kết quả học tập cần đạt, để kiểm tra, đánh giá người học, người dạy cũng như giá trị của một bài giảng, một chương trình đào tạo. ý nghĩa của việc xác định mục tiêu bài dạy thể hiện:
    Đối với giáo viên: (i) Mục tiêu được xác định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính xác giúp giáo viên lựa chọn và sắp xếp nội dung bài giảng phù hợp; (ii) Mục tiêu bài giảng định hướng cho các bước tiếp theo trong kế hoạch bài dạy; dựa trên mục tiêu mà lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để bài giảng có kết quả tốt nhất; (iii) Mục tiêu bài giảng là cơ sở để giáo viên xây dựng các câu hỏi, bài kiểm tra và các hình thức kiểm tra để đánh giá được tình trạng nhận thức của người học, đo lường năng lực của học sinh sau tiết giảng hay học phần môn học; là căn cứ để giáo viên đánh giá được sự tiến bộ của học sinh đến mức nào theo chuẩn đã định; (iv) Tạo niềm say mê, hứng thú nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm trong quá trình dạy học.
    Đối với người học: (i) Người học nắm được mục tiêu bài giảng mà giáo viên đặt ra sẽ tự xác định cái đích mà mình cần hướng tới trong quá trình học môn học, bài học, tiết học,…Từ đó, người học biết lựa chọn tài liệu học tập, cách học, tự tổ chức quá trình học tập của bản thân theo một định hướng rõ rang nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. (ii) Người học biết được cái chuẩn để tự so sánh, đánh giá được sự tiến bộ của bản thân trong việc học tập; (iii) Thực hiện được mục tiêu bài giảng sẽ phát triển ở người học các năng lực trí tuệ, các phẩm chất tư duy, các kĩ năng hành động, hình thành thái độ và cả niềm say mê đối với môn học. 
    2. Yêu cầu đối với mục tiêu bài giảng
    Mục tiêu bài giảng phải được diễn đạt theo yêu cầu của người học chứ không phải chức năng của người dạy.
    Mục tiêu bài giảng phải thích đáng (quan trọng, thiết thực, phù hợp), khả thi (có thể thực hiện được).
    Mục tiêu bài giảng  phải được diễn đạt bằng một động từ hành động đơn nghĩa (dễ hiểu và hiểu thống nhất như nhau) và tập trung vào kết quả:
    -  Kết quả mong đợi phải được diễn tả dưới dạng hành vi có thể quan sát thấy được (có khả năng đo lường được);
    - Xác định được hoàn cảnh hành vi sẽ diễn ra: thời gian, điều kiện thực hiện;
    - Phải phù hợp với đối tượng người học (đặc điểm tâm sinh lý, trình độ hiện có của người học).
    4. Kỹ thuật viết mục tiêu bài giảng
    Mục tiêu bài giảng bao gồm: Kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm.
    Mục tiêu bài giảng phải viết dưới góc độ người học và bắt đầu bằng một động từ hành động tương ứng với các cấp độ nắm vững kiến thức và có bổ ngữ làm rõ nghĩa cho động từ đó. Không nên sử dụng các động từ chung chung không đo đạc được để viết mục tiêu như­: nắm được, hiểu được, biết được, hiểu rõ, nắm vững, có khả năng, suy nghĩ, có kiến thức, trang bị cho học sinh…..
    Mở đầu mục tiêu bài giảng bao giờ cũng là “Sau khi học xong bài giảng (bài dạy), người học có khả năng về “kiến thức”, “kỹ năng”, “năng lực tự chủ và trách nhiệm”.
    a) Về kiến thức
    Là “Thông tin được chứa trong não”. Các thông tin này có thể bao gồm: Sự kiện thực tế; khái niệm; nguyên lý; quy trình; quá trình; cấu trúc v.v...
    - Mục tiêu bài giảng theo B.J.Bloom đề xuất như sau: Nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Từ đó  khi viết mục tiêu về kiến thức có thể sử dụng các động từ phù hợp với từng cấp độ về kiến thức như sau:
     
    Cấp độ Định nghĩa Các từ thường được sử dụng
    Nhớ Bao gồm việc người học có thể nhớ lại các điều đặc biệt hoặc tổng quát, trọn vẹn hoặc một phần các quá trình, các dạng thức, cấu trúc… đã được học. Ở cấp độ này người học cần nhớ lại đúng điều được hỏi đến Trình bày, Nhắc lại, Mô tả, Liệt kê…
    Hiểu Người học cần nắm được ý nghĩa của thông tin, thể hiện qua khả năng diễn giải, suy diễn, liên hệ. Giải thích, Phân biệt, Khái quát hóa, Cho ví dụ, So sánh…
    Vận dụng Người học có khả năng áp dụng thông tin đã biết vào một tình huống, một điều kiện mới.  Vận dụng, Áp dụng, Tính toán, Chứng minh, Giải thích, Xây dựng…
    Phân tích Người học có khả năng chia các nội dung, các thông tin thành những phần nhỏ để có thể chỉ ra các yếu tố, các mối liên hệ, các nguyên tắc cấu trúc của chúng.   Phân tích, Lý giải, So sánh, Lập biểu đồ, Phân biệt, Hệ thống hóa…
    Đánh giá Người học có khả năng đưa ra nhận định, phán quyết của bản thân đối với một vấn đề dựa trên các chuẩn mực, các tiêu chí đã có.   Đánh giá, Cho ý kiến, Bình luận, Tổng hợp, So sánh…
    Sáng tạo Đạt được cấp độ nhận thức cao nhất này người học có khả năng tạo ra cái mới, xác lập thông tin, sự vật mới trên cơ sở những thông tin, sự vật đã có.   Thiết lập, Tổng hợp, Xây dựng, Thiết kế, Đề xuất….
    b) Kỹ năng
    Người học phải đạt được mức độ thành thạo như thế nào về kỹ năng. Cần được viết bắt đầu bằng động từ và sau đó là những diễn giải có thể lượng hóa được. Đối với giáo án lý thuyết, phải thể hiện về mức độ thành thạo của kỹ năng tư duy khi giải quyết tình huống thuộc phạm vi giao tiếp ứng xử của nghề nghiệp hay bài toán gắn với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Đối với giáo án thực hành, phải thể hiện về mức độ thành thạo của kỹ năng khi người học giải quyết các công việc trong thực tiễn lao động, sản xuất, trong hoạt động có tính chất dịch vụ hay trong hoạt động có tính chất hỗ trợ. Đối với giáo án tích hợp, cần có sự kết hợp hài hòa cả hai yếu tố trên.
    c) Về năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm
    Năng lực tự chủ thể hiện ở mức độ chủ động áp dụng kiến thức và kỹ năng của bản than để tổ chức, thực hiện giải quyết công việc để tạo ra sản phẩm. Có thể thấy, năng lực tự chủ được chủ thể bộc lộ thồn qua tính chủ động, sang tạo, mức độ độc lập, năng lực quản lý như thế nào khi áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ công việc chuyên môn của nghề trong bối cảnh cụ thể. Nhiệm vụ công việc đó do cá nhân độc lập thực hiện hoặc làm việc theo nhóm.
    Tóm lại, một bài giảng thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó khâu chuẩn bị giáo án lên lớp là hết sức quan trọng. Mục tiêu bài giảng tuy không phải là phần trọng tâm của một giáo án lên lớp, nó không lộ diện trong giờ lên lớp nhưng đó chính là “đích” cuối cùng mà thầy trò đều phải hướng tới và đạt được; nó là cơ sở để giáo viên có những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng bài giảng, từng đối tượng để làm nên thành công của tiết dạy. Vì thế, khi bắt tay vào công việc soạn giáo án giáo viên cần phải xác định đúng, cụ thể  và rõ ràng mục tiêu bài giảng.

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình